29/08/2023
WHĐ (29.08.2023) – Với khẩu hiệu “Cùng nhau Hy vọng”, chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Mông Cổ sẽ diễn ra từ ngày 31.08 đến ngày mồng 04.09.2023. Chuyến tông du vừa là chuyến viếng thăm mục vụ vừa là chuyến viếng thăm nhà nước. Dưới đây là 5 điều nên biết về đất nước Mông Cổ.
1) Mông Cổ, một quốc gia với những con số đặc biệt:
Là một trong những quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, Mông Cổ nằm giữa 2 nước láng giềng rộng lớn và hùng mạnh hơn nhiều đó là Trung Quốc và Nga. Với thảo nguyên rộng lớn, Mông Cổ nổi bật bởi nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm uranium, đồng, vàng và trữ lượng đất hiếm khác.
Về tín ngưỡng, theo CIA World Factbook, hơn một nửa dân số được xác định theo đạo Phật giáo, 3,2% theo Hồi giáo, 2,5% theo Shaman giáo, 1,3% theo Kitô giáo, và khoảng 40% tự nhận không theo tôn giáo nào.
Mặc dù có con số ít ỏi nhưng Kitô giáo ở Mông Cổ đã có từ thế kỷ thứ VII hoặc thứ VIII khi những người Nestorian (những Kitô hữu Ba Tư với lòng nhiệt thành truyền giáo mạnh mẽ) lần đầu tiên đến thăm khu vực này. Các vị thừa sai Công giáo dòng Phanxicô đã rao giảng cho người Mông Cổ ngay từ thế kỷ XIII.
Theo dòng thời gian, vào đầu những năm 1990, đất nước này hầu như không có tín hữu Công giáo bản địa. Điều này chủ yếu là do chế độ cộng sản của quốc gia này tồn tại từ những năm 1920 cho đến năm 1990 và đàn áp mọi hình thức tôn giáo. Khi chế độ cộng sản chấm dứt vào năm 1992, các vị thừa sai quay trở lại đất nước để bắt đầu xây dựng lại cộng đồng Công giáo, và tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Sau đó, nhà thờ chính toà hai Thánh Phêrô và Phaolô được xây dựng vào năm 2003. Năm 2016 đánh dấu Thập kỷ thứ ba với việc thụ phong linh mục của người Mông Cổ đầu tiên, và vào tháng 10. 2021, Giáo hội có thêm một linh mục bản xứ thứ hai.
Với 1.300 tín hữu Công giáo so với dân số 3,3 triệu dân, Mông Cổ là một trong những cộng đồng Công giáo nhỏ nhất thế giới.
Phủ doãn Tông tòa thủ đô Ulaanbaatar, một khu vực truyền giáo không có đủ tín hữu Công giáo để thành lập một giáo phận, có quyền tài phán đối với toàn bộ Mông Cổ, do Đức Hồng y Giorgio Marengo người Ý lãnh đạo. Năm nay 49 tuổi, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng Hồng y vào tháng 08. 2022, và hiện là vị lãnh đạo Phủ doãn Tông tòa và hồng y trẻ tuổi nhất thế giới.
2) Mông Cổ, một quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới.
Với diện tích rộng lớn nhưng chỉ với khoảng hơn 3 triệu dân, cụ thể là mật độ dân số khoảng 2 người/ km2, Mông Cổ được coi là nơi vắng vẻ nhất thế giới. Phần lớn Mông Cổ bao gồm thảo nguyên khô cằn và trống trải, nơi chăn thả gia súc và dân cư chủ yếu là du mục. Trong khi đó, thủ đô Ulaanbaatar lại là một thành phố tương đối lớn và đông đúc với khoảng 1,6 triệu dân.
Hình: Michel Arnault/Shutterstock
3) Mông Cổ, một quốc gia nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt.
Nằm trên cao nguyên, Ulaanbaatar được cho là một trong những thủ đô lạnh nhất trên trái đất. Nhiệt độ cao trung bình ở đây vào tháng 9 là 19 độ C, trong khi nhiệt độ thấp nhất là 2 độ C. Toàn bộ đất nước có khí hậu nhiều gió, lạnh, khô và dễ thay đổi, ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó dự đoán hơn khi khí hậu toàn cầu thay đổi.
Phần lớn cư dân của đất nước sống bằng nghề chăn nuôi du mục và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một phần là do khí hậu thay đổi nhưng cũng do sự tàn phá các vùng đất do sự gia tăng chăn nuôi dê lấy len (cashmere) ở những khu vực trước đây dành riêng cho việc chăn nuôi gia súc. Điều này buộc ngày càng nhiều người phải di cư đến thủ đô để tìm kiếm kế sinh nhai.
Bức ảnh chụp từ trên không vào ngày 16.01.2022, cho thấy khói bay lơ lửng trên các ngôi nhà trong một ngày ô nhiễm ở thủ đô Ulaanbaatar.
(Hình: Byambasuren Byamba-Ochir/AFP via Getty Images)
4) Mông Cổ, một quốc gia không hoạt động tốt, xét về nhiều các khía cạnh.
Khi nói đến Mông Cổ, dễ gợi lên hình ảnh người dân tộc du mục cưỡi ngựa băng qua những thảo nguyên rộng lớn, thì thủ đô Ulaanbaatar đông đúc của đất nước này lại là một trong những thủ đô ô nhiễm trên thế giới, nhất là vào mùa đông.
Không khí bị ô nhiễm một phần là do các khu định cư bao quanh thành phố cư dân được gọi là Quận Ger, nơi các gia đình nghèo đốt than thô cũng như lốp xe, chai nhựa, và các loại rác thải khác để giữ ấm trong mùa đông lạnh giá. Bốn nhà máy than lớn ở Ulaanbaatar cũng góp phần làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm.
Tình trạng quá đông đúc ở thủ đô, cũng như những khó khăn khác như mức độ ô nhiễm cao, đã dẫn đến sự gia tăng nghèo đói, nghiện rượu và bạo hành gia đình nơi nhiều người chăn nuôi trước đây.
5) Mông Cổ, một “Giáo hội tuy nhỏ về số lượng nhưng sống động trong đức tin và lớn lao trong đức ái”
Toàn bộ chuyến tông du 4 ngày đều diễn ra tại thủ đô Ulaanbaatar, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm xã giao Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh, gặp gỡ ngắn gọn với Chủ tịch Quốc hội Khural, và thăm Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, các nhà thừa sai, các tu sĩ và nhân viên mục vụ tại nhà thờ Chính toà hai Thánh Phêrô và Phaolô.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ tham dự buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun, và sẽ cử hành Thánh lễ tại Steppe Arena.
Vào ngày cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhân viên bác ái và khánh thành “Ngôi nhà Thương xót” trước khi lên đường trở về Roma.
Với Đức Thánh Cha, như ngài nhìn nhận sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 27.08: “Đây là một chuyến viếng thăm được nhiều người mong đợi, sẽ là một cơ hội để đón nhận một Giáo hội tuy nhỏ về số lượng nhưng sống động trong đức tin và lớn lao trong đức ái; và cũng được gặp gỡ gần gũi một dân tộc cao quý, khôn ngoan với truyền thống tôn giáo vĩ đại mà tôi có vinh dự được biết, đặc biệt trong bối cảnh một sự kiện liên tôn giáo”.
***
Hướng về chuyến tông du “Cùng nhau Hy vọng” chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và đất nước Mông Cổ để “sự hiện diện của Đức Thánh Cha, đối với thành phần nhỏ bé này của Dân Chúa, là một dấu hiệu của niềm hy vọng và sự khích lệ lớn lao. Đồng thời, Giáo hội ở Mông Cổ, với quy mô và ảnh hưởng tương đối nhỏ của mình, có thể mang lại một dấu hiệu hy vọng cho Giáo hội hoàn vũ”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholicnewsagency.com, 28. 08. 2023
và vaticannews.va (06. 07. 2023)
Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/
Tin cùng chuyên mục
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA NĂM B – ÔNG LÀ VUA SAO?
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)