Lm. GB. Nguyễn Đăng Tuệ
Hiến pháp điều 6 :
“Đoàn sủng của Dòng NTCGLM là cộng tác vào việc thánh hóa và tông đồ của các linh mục”.
- Tđ/ĐTKTG : “CHARISME = Đoàn sủng. (Do từ Hy-lạp charisma = ân huệ; do charis = ân sủng). Trong Tân Ước, thường được hiểu về các hồng ân của Thiên Chúa nói chung, Chúa ban mà không hối tiếc (Rm 11, 29), và được đổ tràn đầy xuống trên mọi người trong Chúa Giêsu-Kitô (Rm 5, 15); hồng ân này sẽ triển nở thành sự sống vĩnh cửu (Rm 6, 23). Theo nghĩa hẹp, được hiểu là hồng ân nhưng không đã chủ yếu được ban cho các Tông đồ như biểu hiện hữu hình sự hiện diện hùng mạnh của Chúa Thánh Thần, với mục đích làm cho Giáo Hội tăng trưởng (1 Cr 12, 1-11). Thánh Phaolô đã xếp những chức vụ sau đây vào số các đoàn sủng: tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, người rao giảng Phúc Âm, các chủ chăn (1 Cr 12, 28); các ơn gọi riêng biệt như bậc sống độc thân (1 Cr 7, 7), những hoạt động khác nhau, có ích cho cộng đoàn: phục vụ, giảng dạy, khuyên nhủ, các công cuộc từ thiện, lời nói khôn ngoan hoặc thông biết, đức tin trỗi vượt, ơn chữa lành hoặc làm các phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí, nói các ngôn ngữ, giải nghĩa các ngôn ngữ (1 Cr 12, 8-10). Trên tất cả các hồng ân này là đức ái (1 Cr 13, 1). Thần học. Thánh Tôma gọi đoàn sủng là một ân sủng nhưng không (gracia gratis data), và Ngài xếp đặt các thứ đoàn sủng khác nhau dựa theo những nhu cầu chủ yếu của việc rao giảng tông đồ (Sum. th. Ia-IIae, 111, 4). VTB.”
- Phân biệt đặc sủng của đời tu, đặc sủng của Vị Sáng Lập và đặc sủng/đoàn sủng của Hội Dòng. Cha Phan Tấn Thành giải thích :
1/ Đặc sủng của đời tu là việc Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi các tín hữu lòng khao khát nên trọn lành, đi theo Đức Kitô bằng việc sống Phúc âm cách triệt để ;
2/ Đặc sủng của Vị Sáng Lập là sự cảm nghiệm đặc biệt được Chúa Thánh Thần ban cho ai đó để người đó có thể nhận thức về một hướng đi mới trong đường nên thánh và phục vụ Nước Trời. Vị ấy thành lập Hội dòng để thực hiện ý hướng đó.
Đặc sủng của Vị Sáng Lập Hội Dòng được gọi là “ĐOÀN SỦNG”, vì ơn đó được ban để phục vụ cộng đoàn Giáo hội, và vì nó được duy trì nơi cộng đoàn (Hội dòng) mà vị ấy sáng lập. Từ đó có đặc sủng của Hội dòng;
3/ Đặc sủng của Hội dòng bao gồm nhiều khía cạnh, có thể là : a) một đường lối riêng trong việc thực thi lời khuyên Phúc âm, tỉ như thanh bần trong Dòng Phanxicô hay Dòng Foucauld ; b) một phương pháp riêng về đời sống thiêng liêng, thí dụ phụng vụ long trọng đối với Dòng Biển Đức, Linh thao đối với Dòng Tên ; c) một nét riêng của đời sống cộng đoàn, thí dụ tính cách huynh đệ dân chủ của Dòng Đaminh ; d) một hoạt động tông đồ chuyên biệt, thí dụ dạy học đối với Dòng Lasan ; hay chuyên về việc đào tạo linh mục như Dòng Xuân Bích.
- Đặc sủng của Dòng NTCGLM đã được Chúa ban cho Đức Cha Cố Đaminh Nguyễn Văn Lãng để Đức Cha mở ra cho người NTCGLM một hướng đi mới trong đường nên thánh và phục vụ Nước Trời bằng việc “cộng tác vào việc thánh hóa và tông đồ của các linh mục”.
- “Khi công nhận một hình thức đời thánh hiến hay một tu hội, Giáo Hội công bố rằng trong đoàn sủng thiêng liêng và tông đồ đã hội đủ những điều kiện khách quan để đạt tới sự toàn hảo theo Tin Mừng cho mỗi người và cho cộng đoàn” (ĐSTH, 93e). Hãy nghĩ lại ngày 27-8-1984, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng đã nâng Tu hội Nagiaret lên thành Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục khi phê chuẩn Hiến pháp đầu tiên của Dòng, cùng với việc công bố sắc lệnh thành lập Dòng, trong đó xác định mục đích của Dòng là “cộng tác vào việc thánh hóa và tông đồ của các linh mục”.
Hiến pháp Điều 7 :
“Linh Đạo của Dòng NTCGLM là suy ngắm và sống Mầu nhiệm TỰ HIẾN của Chúa Giêsu Linh Mục, được tóm kết và tỏ bày sinh động nơi Bí tích THÁNH THỂ như Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.
- Tđ/ĐTKTG : Linh Đạo là “Học thuyết về đời sống thiêng liêng, hoặc toàn bộ chặt chẽ những yếu tố của một học thuyết, của một trường phái về cuộc sống thiêng liêng (Thí dụ: linh đạo của trường phái Pháp)”.
- Linh đạo là “một dự phóng cụ thể sống tương quan với Thiên Chúa và với môi trường chung quanh, với những nét nhấn về mặt tinh thần hay về hình thức hoạt động tông đồ, do đó mà một khía cạnh này hay khía cạnh khác trong mầu nhiệm duy nhất của Ðức Ki-tô được biểu dương hay hoạ lại” (ĐSTH, 93e). Nói vắn gọn, linh đạo là học thuyết về đường nên thánh, là phương pháp (méthode), kỹ thuật (technique) giúp thăng tiến trên con đường thiêng liêng. Linh đạo rất cần thiết. Mỗi ơn gọi cần có một lối sống để sống đúng với căn tính. Sống theo linh đạo là nhập thể ơn gọi vào cuộc sống thực tế hằng ngày. Muốn sống đúng căn tính, cần phải sống theo một linh đạo.
- Linh đạo của Dòng NTCGLM là ‘suy ngắm và sống…’.
+ SUY là ‘dựa vào điều đã biết để rút ra điều biết mới’ hoặc ‘đoán định điều sẽ xảy ra’.
+ NGẮM là nhìn kỹ, vừa với sự thích thú, vừa theo hướng nhất định để xác định cho đúng mục tiêu.
+ SỐNG là thực hành, trao đổi, sinh trưởng, phát triển, cư xử…
Để ‘suy ngắm và sống Mầu nhiệm TỰ HIẾN của Chúa Giêsu Linh Mục’, cần phải học hỏi nhiều về Mầu nhiệm này, mới có cái mà suy ; phải năng đến với Chúa Thánh Thể, mới có dịp nhìn kỹ mà dần đem lòng yêu mến ; và phải thường xuyên quy chiếu về Thánh Thể, mới biết Chúa Thánh Thể muốn người NTCGLM làm gì…
- “…Mầu nhiệm TỰ HIẾN của Chúa Giêsu Linh Mục, được tóm kết và tỏ bày sinh động nơi Bí tích THÁNH THỂ…’. Mầu nhiệm TỰ HIẾN của Chúa Giêsu chính là linh đạo Thánh Thể, Cội Nguồn của mọi linh đạo. Mầu nhiệm Tự Hiến này được tóm kết nơi Bí tích Thánh Thể, như được Giáo Hội tuyên xưng rằng “Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội”. Và Mầu nhiệm Tự Hiến này được tỏ bày sinh động nơi Bí tích THÁNH THỂ, để người NTCGLM thỏa sức mà suy ngắm và sống theo.
- SUY Mầu nhiệm Tự Hiến của Chúa Giêsu nơi Bí tích THÁNH THỂ, người NTCGLM sẽ thấy nhiều điều, mà cụ thể là Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm Sáng Tạo, Giao Ước, Cứu Độ…
- NGẮM Mầu nhiệm Tự Hiến của Chúa Giêsu, người NTCGLM sẽ cảm nhận được sự hiện diện thực sự, ân cần, yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể.
- SỐNG Mầu nhiệm Tự Hiến của Chúa Giêsu là sống với Chúa Ba Ngôi, với toàn thể tạo vật, đồng thời đi vào Giao Ước với Chúa, hiệp thông Cứu Độ với Chúa.
- Một người chỉ có thể khẳng định mình là NTCGLM và xứng với danh hiệu này, khi biết đặt Linh đạo Thánh Thể vào giữa những điều làm nên con người của mình. Căn tính này không coi sự trọn lành như mục tiêu phải đạt của đời tận hiến, vì người NTCGLM không phải là đan sĩ (không một mình với Chúa, cũng không một mình kiểu Ẩn sĩ). Người NTCGLM nhắm sự trọn lành như phương tiện để công tác tông đồ được hữu hiệu, sống đời sống chung với ý hướng hợp tác với nhau làm tông đồ, chiêm niệm hướng về loan báo Tin Mừng, khó nghèo để tâm hồn được thanh thoát, vâng lời để chuẩn bị tâm hồn ra đi đến những nơi Bề Trên bổ nhập.
- ‘Suy ngắm và sống Mầu nhiệm TỰ HIẾN của Chúa Giêsu Linh Mục’ biểu thị nơi Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc của sự hoán cải. Sự hoán cải này đảo lộn cuộc sống trước tiên và đụng chạm đến con tim. Sự thưởng thức Lời Chúa, như nhu cầu nghe bạn bè nói, cho phép đào sâu kiến thức, nuôi dưỡng đức tin, cung cấp ngôn từ để nói về Đấng là Trung tâm lịch sử cứu độ. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả nói: “Còn gì có tính cách tư tế cho bằng hiến dâng cho Chúa lương tâm tinh tuyền, và tiến dâng những lễ phẩm vô tì tích của lòng đạo đức trên bàn thờ là chính lòng mình ?”.
Tóm lại, nói rằng ‘linh Đạo của Dòng NTCGLM là suy ngắm và sống Mầu nhiệm TỰ HIẾN của Chúa Giêsu Linh Mục, được tóm kết và tỏ bày sinh động nơi Bí tích THÁNH THỂ’ là nói rằng Thánh Thể là lẽ sống, là cảm nghiệm và là định hướng của Dòng và của người NTCGLM.
- Là Lẽ Sống, chỉ Thánh Thể là điều thực sự có ý nghĩa đối với Hội Dòng và người NTCGLM.
- Là Cảm nghiệm, Thánh Thể được sống tự bên trong Hội Dòng và nội tâm người NTCGLM.
- Là Định hướng, Thánh Thể vạch ra đường đi, đường sống cho Hội Dòng và người NTCGLM.
Tin cùng chuyên mục
NĂM HỒNG ÂN (26.01.2025 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN, NĂM C)
BUỔI HỌP MẶT CUỐI NĂM
NGƯỜI BỊ MẤT TRÍ (25.01.2025 – THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN)
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: MỘT NỮ TU SẼ LÀ CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN