DUNG MẠO ĐỨC KITÔ THƯỢNG TẾ TRONG THƯ DO THÁI
Chúng ta có “một vị Tư Tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa” (Dt 10, 21). Chúng ta có một “vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (x. Dt 4,14). Người Kitô hữu được mời gọi nhìn ngắm “Đức Giêsu là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (x. Dt 3,1). Và “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (x. Dt 9,11).
Nội dung:
I. Đức Kitô trở nên Thượng Tế
II. Đức Ki tô, Vị Thượng Tế đáng tin cậy
III. Đấng Thượng Tế và Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa
IV. Tư tế và sự khốn cùng của con người
Chúng ta có “một vị Tư Tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa” (Dt 10, 21). Chúng ta có một “vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (x. Dt 4,14). Người Kitô hữu được mời gọi nhìn ngắm “Đức Giêsu là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (x. Dt 3,1). Và “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (x. Dt 9,11).
I. Đức Kitô trở nên Thượng Tế
1. Từ Đức Kitô hiến tế
Tác giả thư Do Thái ý thức những khó khăn trong quan điểm của mình. Ông biết rõ Đức Giêsu không thuộc một gia đình tư tế, và không quên nhắc lại: “Hiển nhiên là Chúa chúng ta đã xuất thân từ chi tộc Giuđa, một chi tộc không được Môsê nói gì đến khi bàn về các tư tế” (Dt 7,14). “Vậy, giả như Đức Giêsu ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền” (Dt 8,4).
Giáo lý truyền thống không trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô bằng “phạm trù tư tế”. Thần học Phaolô bắt đầu sử dụng những phạm trù phượng tự để diễn tả mầu nhiệm “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (x. 1Cr 5,7).
Trong thư 1 Côrintô, Phaolô xác định sự đối nghịch giữa hiệp thông Thánh Thể và sự thông phần với các hy lễ ngoại giáo (x. 10, 14- 22). Phaolô trình bày mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh bằng phạm trù hy tế. Trong thư Rôma, Đức Kitô được gọi là “phương xá tội”, một đồ vật hết sức quan trọng trong những hy lễ xá tội (x. Lv 16,13-15; Rm 3, 25). Còn thư 1 Gioan gọi Người là “của lễ đền bù tội lỗi chúng ta” (x. 2, 2; 4,10). Với những từ ngữ đó, cách suy tư trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô bắt đầu gần gũi với thế giới của tư tế, nhưng chưa ai dám nói đến chức tư tế của Chúa Kitô. Theo tác giả thư 1 Phêrô, “chúng ta được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Kitô” (x. 1, 18- 19). Nhưng con chiên không phải là tư tế.
2. Đến Đức Kitô Thượng Tế
Bước chuyển tiếp là cách nói của thư Êphêsô: “Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa như hương thơm ngào ngạt” (x. Ep 5,2).
Đức Ki tô đã chủ động, đã hiến mình làm lễ hy sinh. Nhưng để chuyển sang quan niệm Đức Kitô là Thượng Tế, cần một bước mạnh dạn và vững chắc; bước này vừa nối dài Cựu Ước, vừa đổi mới. Yếu tố đổi mới rất rõ trong thần học của thư Do Thái về chức tư tế của Đức Kitô. Chúng ta nên trích dẫn một đoạn khá dài, để từ đó thấy được quan điểm của tác giả:
“Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Apraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 16-18).
Trong câu 17, tác giả nói đến điều kiện để Đức Kitô trở thành Thượng tế là “nên giống các anh em”; đó là điều rất mới so với Cựu Ước. Cũng nơi khác trong thư Do Thái, tác giả còn nói rõ hơn và nhấn mạnh hơn: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (5, 7- 10).
Tác giả nhấn mạnh khía cạnh bi thảm trong cuộc sống của con người: thử thách, cám dỗ, đau khổ và sự chết. Đức Kitô đã đồng hóa với con người về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15).
Nếu so sánh quan niệm của người Do Thái về Thượng Tế với quan niệm trên đây của tác giả thư Do Thái về điều kiện để Đức Kitô trở thành Thượng Tế, chúng ta sẽ thấy hai quan niệm hoàn toàn đối nghịch nhau.
3. Quan niệm của người Do Thái về Thượng Tế
Thời Đức Giêsu, chức Thượng Tế là địa vị cao nhất mà con người có thể đạt tới về đạo cũng như về đời. Tác giả thư Do Thái không phủ nhận điều đó. Điều mới mẻ trong tư tưởng của ông là con đường đi tới vinh quang. Con đường ấy thay đổi, và phẩm chất bên trong của vinh quang ấy cũng thay đổi.
Theo sách Macabê và theo sử gia Josèphe Flavius, địa vị Thượng Tế, vì bao gồm cả quyền bính chính trị, đã trở thành đối tượng của tham vọng và tranh chấp. Người ta không từ chối bất cứ phương tiện gì để giành cho được chức Thượng Tế, như trường hợp Giaxon và Mênêlaô (x. 2Mcb 4,7- 8. 24. 32- 34).
Con đường đưa tới chức tư tế là con đường tham vọng. Tác giả thư Do Thái từ chối con đường này và vạch ra hướng đi ngược chiều: để có thể vượt lên trên mọi người, Đức Kitô phải khước từ mọi đặc quyền, phải hạ mình xuống mức thấp nhất, hoàn toàn đồng hóa với anh em mình, chia sẻ với họ những đau khổ và sự chết. Chiều hướng này không những đi ngược với tham vọng của con người thời bấy giờ, mà còn rất khác biệt với quan điểm truyền thống Cựu Ước. Cựu Ước đòi hỏi phải “tách biệt” thay vì “đồng hóa” như thư Do Thái. Mọi nghi thức hiến thánh vị tư tề đều nhằm tạo một khoảng cách thật lớn giữa người được tuyển chọn với phần đông những người còn lại, và phải duy trì khoảng cách này bằng những quy luật rất ngặt (quy luật ấn định sự vẹn toàn thân thể, quy luật cấm tiếp xúc với người chết…)
4. Quan niệm của tác giả thư Do Thái về Thượng Tế
Đòi hỏi vị thượng tế phải đồng hóa hoàn toàn với những thành phần khác trong dân là điều không thể chấp nhận. Tác giả thư Do Thái thì đưa ra đòi hỏi này. Ông không nhắc tới nghi thức hiến thánh hay nghi lễ tấn phong nào, nhưng chỉ đề ra nhiệm vụ phải trở nên hoàn toàn giống anh em mình. Ông không loại trừ những thương tích hay việc đụng chạm tới người chết. Trái lại ông còn bao gồm chúng trong con đường dẫn tới chức tư tế. Đức Kitô phải đau khổ, phải chịu chết để cuối cùng nhận lãnh vinh quang mà Thiên Chúa ban cho Người.
Làm thế nào có được sự thay đổi quan điểm lớn lao như vậy?
Chúng ta sẽ được soi sáng và hiểu rõ hơn nếu so sánh quan điểm của tác giả với giáo huấn của Hội Thánh sơ khai.
Theo tác giả thư Do Thái: “Trong mọi sự Người đã nên giống các anh em Người về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế…” (2, 17).
Còn theo Tin Mừng Luca thì: “Đức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (24, 26).
Câu 17 của thư Do Thái trích trên đây có thể được coi như “cách diễn tả” bằng phạm trù tư tế về lời loan báo mầu nhiệm Đức Kitô. Cách diễn tả này làm cho mầu nhiệm mang sắc thái mới: cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trở thành sự hiến thánh tư tế, và vinh quang của Đức Kitô trở thành vinh quang Thượng Tế. Đàng khác nó làm cho quan niệm về chức tư tế thay đổi sâu xa. Việc “hiến thánh” không do một nghi thức “tách biệt”, nhưng nhờ chấp nhận hoàn toàn sự liên đới với con người, và vinh quang của Thượng tế là chỗ đứng hiện nay của Đức Kitô bên cạnh Thiên Chúa và con người.
Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô thực hiện điều mà sự thánh hiến tư tế trong Cựu Ước không đạt được: đó là thiết lập sự trung gian hữu hiệu giữa Thiên Chúa và loài người. Quan điểm này hoàn toàn đổi mới, loại bỏ những hình thức vụ nghi lễ, và nhấn mạnh đến những đòi hỏi của tình liên đới huynh đệ.
Nơi thư Dt 2, 9, tư tưởng này cũng rất rõ: “Đức Giêsu, ngang qua thống khổ tử nạn mà được vinh dự huy hoàng làm triều thiên ban tặng”. Tư tưởng này còn được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau, như “… Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (x. Dt 2,10); hoặc “Nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ” (x. Dt 2, 14).
Những cách nói khác nhau đó chỉ diễn tả một mầu nhiệm duy nhất là “Khổ Nạn và Phục Sinh”. Và mầu nhiệm được trình bày bằng phạm trù tư tế trong thư Do Thái 2,17: “Được vinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên” (x. 2,9), không gì khác hơn là “trở thành Thượng Tế”. “Nên giống các anh em để trở thành Thượng Tế” không là điều mâu thuẫn hơn “tự hạ để được vinh quang”, “chết để chiến thắng sự chết”.
Tư tưởng căn bản này còn nằm trong một văn mạch rộng hơn (x. Dt 1, 5-2, 18). Chủ đề được loan báo ở cuối Lời Rao giảng mở đầu là “Danh khôn ví” mà Chúa Con đạt được là do công việc cứu thế của Người (x. Dt, 1, 4). Sau đó, tác giả trình bày một cách rất trung thành hai điểm cốt yếu của Lời Rao Giảng tiên khởi ấy: đó là vinh quang hiện thời của Đức Kitô đang ở bên cạnh Thiên Chúa (x. Dt 1, 5- 14); và con đường dẫn đến vinh quang ấy: chịu khổ hình và chịu chết vì anh em (x. Dt 2, 5- 18).
Cách trình bày ở đây theo trật tự ngược chiều, đi từ “hoàn cảnh hiện tại” của Đức Kitô, trở về các biến cố cứu độ đã xảy ra. Và đó cũng chính là cách loan báo “sứ điệp phục sinh” trong sách Công vụ.
Lời Rao Giảng tiên khởi loan báo Đức Giêsu Phục Sinh là Đấng Mêsia, Con Vua Đavít, tựa vào nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước, đề cập đến Đấng Mêsia-Vua. Để “mô tả” vinh quang của Đức Kitô bên cạnh Thiên Chúa, tác giả thư Do Thái cũng dùng các “sấm ngôn Đavít”:
“Con là Con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (x. Dt 1, 5; Tv 2, 7).
“Ta sẽ là Cha Người,
và chính Người sẽ là Con Ta” ( x. Dt 1, 5; 2 Sm 7, 14).
“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con” (x. Dt 1,13; Tv 110, 1).
Trong phần sau, tác giả cũng trung thành với truyền thống và trích dẫn những đoạn Kinh Thánh rất quen thuộc :
“Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến?
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (x. Dt 2, 6-8; Tv 8,5-7).
Sau những câu Kinh Thánh được trích dẫn để nói tới vinh quang của Đức Kitô, tác giả lại trích Tv 22 là thánh vịnh được truyền thống sơ khai dùng để trình bày cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (x. Dt 2, 12; Tv 22, 23).
Phần mới mẻ và độc đáo của tác giả là phần kết luận: chuyển từ quan điểm truyền thống sang “cái nhìn tư tế” bằng cách nhấn mạnh tương quan hai chiều của Chúa Kitô: với Thiên Chúa và với loài người. Vì tương quan hai chiều này, Đức Giêsu Phục Sinh trở nên Đấng Trung Gian hoàn hảo giữa loài người với Thiên Chúa, trở nên Đấng Thượng Tế Vĩ Đại (x. Dt 2, 17- 18).
Tác giả đã dùng “phạm trù phượng tự” để diễn tả chân lý đức tin. Thay vì nói “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta” (1Cr 15, 3), tác giả viết: “khi đã tẩy trừ tội lỗi” (x. Dt 1, 3).
Sự thanh tẩy tội lỗi là do việc hiến dâng lễ tế. Chính vì thế mà tác giả có thể kết luận dễ dàng rằng nhiệm vụ của Đức Giêsu là “đền tội cho dân” (x. Dt 2, 17), và đó là nhiệm vụ của tư tế.
So sánh với thư Philípphê nhấn mạnh “sự vâng phục của Đức Kitô”, tác giả thư Do Thái dùng cả hai yếu tố: chiều dọc là sự vâng phục, chiều ngang là sự liên đới toàn diện với loài người chúng ta. Tác giả nhấn mạnh tương quan chiều ngang là một điều để hiểu và cần thiết so với quan niệm tư tế Cựu Ước. Bận tâm của Cựu Ước không là chiều ngang, vì tư tế cũng chỉ như mọi người. Trong trường hợp Đức Kitô, Con Thiên Chúa, điều quan trọng là nên giống con người để cứu họ.
II. Đức Kitô, Vị Thượng Tế đáng tin cậy
1. Thượng Tế, người bên cạnh Thiên Chúa
Trong thư Dt 2, 17 có một từ ngữ quan trọng là chữ лібтóѕ với ít nhất ba nghĩa: trung tín, đáng tin, tin tưởng. Trước đây, nhiều người dịch bằng nghĩa trung tín. Ngày nay nhiều người khác dịch bằng chữ “tín cẩn” hay “đáng tin”, như Vanhoye, bản TOB. Nếu so kỹ với sách Dân số 12, 1- 8 nói về Môsê, nhân vật mà thư Do Thái muốn so sánh với Đức Kitô, thì dịch bằng chữ “tín cẩn” chính xác hơn. Môsê là người “nô bộc tín cẩn” mà Thiên Chúa đặt trên nhà của Người (x. Dt 3, 2. 5; Ds 12, 7).
Cũng trong thư Dt 2, 17 tác giả không cố ý nói đến sự trung thành của Đức Giêsu với Thiên Chúa khi còn tại thế, nhưng đề cập đến cương vị hiện tại của Người. Tác giả mời gọi các Kitô hữu chiêm ngắm Đức Kitô vinh hiển bên cạnh Thiên Chúa: Người hoàn toàn đáng tin cậy (x. Dt 3, 1). Nếu Môsê là người đáng tin cậy, thì Đức Kitô còn đáng tin hơn nhiều, vì Môsê chỉ là nô bộc, còn Đức Kitô là Con (x. Dt 3,5-6).
2. Thượng Tế, người nói Lời Thiên Chúa
Khi nói về Môsê, sách Dân số kết hợp hai chủ đề: uy tín của lời ông nói và địa vị của ông trong Nhà của Thiên Chúa. Hai điều này phù hợp với vai trò trung gian của Tư Tế. Vị tư tế được chấp nhận ở trong Nhà của Thiên Chúa, vì có quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa, và cũng vì thế mà ông có thể nói nhân danh Thiên Chúa với tất cả uy tín cần thiết. Vấn đề được nêu lên trong Ds 12, 1- 8 rất rõ: Myriam và Aharon thách thức quyền bính của Môsê, vai trò trung gian của ông là truyền đạt Lời của Thiên Chúa (x. Ds 12, 1-2). Thiên Chúa đáp lại bằng cách đề cao địa vị của Môsê: Môsê là người được Thiên Chúa tín cẩn, được đàm đạo với Thiên Chúa, không qua thị kiến như trường hợp các tiên tri khác (x. Ds 12,6-8). Uy tín của Đức Giêsu còn lớn hơn nhiều, vì Người là Con. Tác giả thư Do Thái mời gọi chúng ta chiêm ngắm Vị Sứ Giả, Vị Thượng Tế trong tín điều (x. Dt 3,1). Với tư cách là Sứ Giả và là Thượng Tế, Đức Kitô nói với chúng ta nhân danh Thiên Chúa và Lời của Người đòi hỏi đức tin. Đàng khác, cũng với tư cách Thượng Tế, Người dâng lên Thiên Chúa lời tuyên xưng đức tin của chúng ta. Nhờ Người mà chúng ta thực sự được nên một với Thiên Chúa trong đức tin.
Trước từ ngữ thượng tế, tác giả dùng chữ “apostolos” có thể dịch là sứ giả hay tông đồ. Đức Kitô là Đấng được Thiên Chúa sai, là sứ giả hay tông đồ của Thiên Chúa. Điều này có vẻ lạ lùng, nhưng nếu so với Malakhi 2,7 chúng ta sẽ không ngạc nhiên, vì Malakhi gọi tư tế là “sứ giả của Gia vê các cơ binh”. Không chỗ nào khác trong Tân Ước gọi Đức Kitô là “tông đồ” của Thiên Chúa. Đây là chỗ duy nhất; tác giả lại còn nối kết chặt chẽ hai từ ngữ tông đồ và tư tế bằng một mạo từ duy nhất.
Đáng lẽ phải dùng chữ aggelos để chỉ sứ giả, nhưng trong Kinh Thánh, chữ này có nghĩa là Thiên Thần, mà Đức Kitô không phải là Thiên Thần, nên tác giả dùng chữ apostolos. Nhờ “tước hiệu” này, tác giả làm nổi bật trong chức tư tế của Đức Kitô vinh hiển khía cạnh truyền đạt Lời của Thiên Chúa và khía cạnh uy quyền. Người là “Đấng tuyên sấm từ trời” (x. Dt 12,25). Người đòi hỏi chúng ta gắn bó với Người bằng đức tin và tuyên xưng đức tin; Người có uy quyền để làm như thế, vì Người là Đấng được Thiên Chúa hoàn toàn tín nhiệm.
III. Đấng Thượng tế và Hội Thánh là Nhà của Thiên Chúa
1. Thượng Tế và Nhà của Thiên Chúa
Chỉ trong một đoạn văn rất ngắn (Dt 3,1- 6), tác giả lặp lại từ ngữ оĩқоѕ (nhà) 6 lần, chắc chắn là có dụng ý làm nổi bật chủ đề mình muốn nói.
Theo sách Dân Số 12,7 chữ “Nhà” có nghĩa là “Thánh Điện” (về sau là “Đền Thờ”). Thánh Điện là Nhà của Thiên Chúa, nhưng cũng là nơi cư ngụ và làm việc của tư tế. Tư tế gắn liền với Thánh Điện. Chữ “toàn bộ” trong sách Dân số nới rộng ý nghĩa chữ Nhà cũng là Thánh Điện: mọi người và vật đều có quan hệ tới Thánh Điện, như vậy có thể là tất cả dân Chúa.
Quyền của Môsê thật là lớn, vì ông có quyền trên toàn bộ Nhà của Thiên Chúa. Đức Kitô không những giống như Môsê, mà còn hơn Môsê nữa. Dù có quyền, Môsê cũng chỉ là thành phần trong nhà, là nô bộc của Thiên Chúa; còn Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, cũng là tác giả xây dựng Ngôi Nhà với Chúa Cha. Ngài được Thiên Chúa đặt trên toàn bộ Ngôi Nhà với tư cách là Con (x. Dt 3,6).
Nếu so sánh với 1 Sb 17, 1- 13 tường thuật lời sấm của Natan, đặc biệt câu 13, thì “Nhà” có thể hiểu là “Nhà Đavít”, Nhà mà chính Thiên Chúa hứa ban cho Đavít. Trong nhà Đavít, sẽ có người Con, và người Con ấy là Con Thiên Chúa. Nhờ người Con này mà Nhà Đavít mãi mãi vững bền. Việc Thiên Chúa đặt Đức Kitô trên toàn bộ Nhà của Người rõ ràng mang ý nghĩa “thiên sai cứu thế”: Đức Kitô là Vua-Mêsia được Thiên Chúa sai đến cai trị và cứu vớt Nhà của Người.
2. Nhà của Thiên Chúa và Hội Thánh
Một chi tiết khá lý thú là tác giả thư Do Thái khẳng định “Nhà Thiên Chúa chính là chúng ta” (x. Dt 3,6). Khi quả quyết như thế rõ ràng tác giả bước qua quan niệm Kitô giáo về Thánh Điện. Nhà của Thiên Chúa do Đức Kitô xây dựng không là ngôi nhà vật chất như Đền thờ Giêrusalem, mà là ngôi nhà xây dựng bằng những viên đá sống (x. 1 Pr 2,5). Gắn bó với Đức Kitô, các Kitô hữu trở nên “Thánh Điện của Thiên Chúa”. Phaolô cũng đã có tư tưởng này, nhưng tác giả thư Do Thái nối kết tư tưởng ấy với chức tư tế của Đức Kitô. Với tư cách “Thượng Tế”, Đức Kitô là người của Thánh Điện theo nghĩa viên mãn nhất. Cái chết và sự Phục Sinh của Người không những làm cho Người có thể đi vào Thánh Điện Thiên Quốc, mà còn thay đổi hoàn toàn thân phận của con người. Loài người có thể trở nên “Nhà của Thiên Chúa” bằng cách trở nên “Nhà của Đức Kitô”, thành phần gia đình của Đức Kitô. Điều kiện duy nhất là giữ vững niềm hy vọng (x. Dt 3,6). Tất cả các Kitô hữu chúng ta làm thành một Ngôi Nhà sống động, một cộng đồng thánh thiện, nơi mà Thiên Chúa rất thích ngự trị.
Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh, nhưng Nhà Thiên Chúa còn là Thiên Đàng. Kitô hữu đang ở trong Nhà Thiên Chúa, nhưng về phương diện khác, họ vẫn đang hướng về Nhà Cha. Đức Kitô, Đấng Thượng Tế lớn lao đã ngang qua các tầng trời, mở đường cho chúng ta về Nhà Thiên Chúa (x. Dt 4,14).
IV. Thượng Tế và sự khốn cùng của con người
1. Thượng Tế là người liên kết mật thiết với sự khốn cùng của con người
Để thi hành chức tư tế, thì “chỗ đứng” đặc biệt bên cạnh Thiên Chúa và quyền nói thay cho Thiên Chúa của tư tế là những điều kiện không thể thiếu được nhưng như thế vẫn chưa đủ; tư tế còn phải gắn liền mật thiết với con người, vì vai trò của tư tế là trung gian giữa con người và Thiên Chúa. Tác giả thư Do Thái không những nhấn mạnh uy quyền Đức Kitô, mà còn làm nổi bật lòng xót thương của Người: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16).
Trước đó, tác giả đề cập tới cương vị ưu việt của Đức Kitô Thượng Tế: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu con Thiên Chúa” (Dt 4,14).
Sự vinh hiển của Đức Kitô trên trời mang lại cho Người quyền tư tế cao nhất. Nhưng liệu có phù hợp với chúng ta là những con người yếu đuối không? Đó là ưu tư của tác giả, và cũng là ưu tư của nhiều người trong chúng ta. Đức Giêsu phải là người biết chia sẻ, thông cảm với những yếu đuối của loài người chúng ta. Vậy để có thể cứu giúp con người, linh mục phải là người được Thiên Chúa tín nhiệm, vừa phải là người liên đới với loài người (x Dt 2,17). Hai yếu tố này kết hợp mật thiết với nhau, vì cách mà Đức Kitô đạt đến vinh quang không tách rời loài người, nhưng liên đới với họ đến cùng. Người đã trải qua con đường đau khổ và sự chết. Vinh quang của Đức Kitô không phải do danh vọng, nhưng là vinh quang do bởi tình yêu và lòng quảng đại của Người.
2. Sự khiêm nhường và vâng phục của Đức Kitô
Cương vị Thượng Tế của Đức Kitô không phải là kết quả của tham vọng, dù là một vinh dự rất lớn:
“Không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkisêđê” (Dt 5, 5-6).
Điều tác giả nhấn mạnh là Đức Kitô không muốn tự mình được vinh hiển. Người muốn cúi mình, hoàn toàn vâng phục Chúa Cha thi hành chương trình của Chúa Cha. Sự khiêm nhường của Đức Kitô được tác giả làm nổi bật:
“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính. Dẫu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 7- 9).
Vừa nêu lên cương vị “tư tế đời đời” của Đức Kitô, tác giả nhấn mạnh ngay tới cuộc khổ nạn của Người. Cuộc khổ nạn ấy được diễn tả bằng hai nét chính:
1º Người đã dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin khẩn nguyện.
2º Người đã được nhậm lời.
Mặc dù mô tả thân phận của Đức Giêsu bằng những từ ngữ cụ thể, sống động, bi thảm, đóng góp của đoạn văn không nằm ở những chi tiết, nhưng ở chỗ “cuộc khổ nạn” của Đức Giêsu được trình bày như một lời cầu nguyện, một sự hiến dâng. Những biến cố thảm khốc đảo lộn công việc, con người và cuộc sống của Đức Giêsu đã làm nảy sinh nơi Người lời cầu nguyện thống thiết, đã tạo thành một lễ hiến dâng.
Thái độ và cách cầu nguyện của Đức Giêsu, đầy khiêm nhường và lòng kính trọng đối với Thiên Chúa, siết chặt tương quan giữa Người và Thiên Chúa, vì thế chắc chắn được nhậm lời: Người đã được ban ơn chiến thắng sự chết bằng chính cái chết của mình.
Nhậm lời không có nghĩa là cho khỏi thử thách, mà là biến đổi đau thương thành con đường cứu rỗi. Đức Kitô đã được biến đổi bằng đau khổ, Người đã học vâng phục, Người đã đón nhận hành vi thử thách ghê gớm của Cha Người.
Kết quả của thái độ Đức Giêsu khi chịu khổ nạn là: “được thành toàn”, “nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời”, “được tuyến bố là Thượng Tế” (x. Dt 5, 9- 10).
Chính vì được biến đổi, được trở nên thành toàn, mà Đức Kitô được tuyên bố là Thượng Tế. “Nên thành toàn” có nghĩa là “đạt mục tiêu”. Chính Thiên Chúa làm cho Đức Kitô nên thành toàn nhờ đau khổ; nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã đổi mới hoàn toàn bản tính nhân loại, làm cho nó có khả năng kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Vì Đức Kitô đã đón nhận hành vi biến đổi của Thiên Chúa và trở nên thành toàn, Người mới “nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (x. Dt 5, 9).
Kết luận:
Việc tuyên bố chức Thượng Tế của Đức Kitô biểu lộ khả năng can thiệp của Người để cứu độ loài người và cũng xác định cách can thiệp ấy. Đức Kitô từ nay trở thành “Đấng Cầu Bầu” cho anh em mình: “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25).Đức Kitô phải nên thành toàn, trải qua đau khổ, nhờ học vâng phục, thì mới được tuyên bố là Thượng Tế. Một lần nữa, ở đây cũng như trong thư Do Thái 2,17 tác giả làm nổi bật sự khác biệt giữa chức tư tế của Đức Kitô với chức tư tế Cựu Ước.
Nếu trong Cựu Ước, muốn làm tư tế phải hoàn toàn tách biệt giữa người được tuyển chọn với phần đông dân chúng; thì trong trường hợp Đức Kitô, muốn làm Thượng Tế, phải hoàn toàn liên đới với sự khốn cùng của con người. Đồng hóa và nên thành toàn, giống như hai chiều ngược nhau nhưng lại nên một trong Đức Kitô.
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
(Viết phỏng theo tư tưởng của Albert VANHOYE,
trong tác phẩm “Prêtre ancien, Prêtre nouveau
selon le Nouveau Testament”, Seuil, Paris 1980)
Tin cùng chuyên mục
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)
LÀM ĂN SINH LỢI (20.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
BỎ MÌNH VÀ MẤT MÌNH (17.11.2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)