Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên – THÁNH ANPHONGSÔ MARIA LIGUORI, giám mục, tiến sĩ Hội thánh – Lễ nhớ|

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (13,36-43)36Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. 37Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

SUY NIỆM

“Vì sao tôi ở lại trong Giáo hội?”. Linh mục Ronald Rolheiser trong một bài viết trên trang Website cùng tên (https://ronrolheiser.com) như giãi bày lý do cho quyết định của ngài và hẳn là của biết bao người Kitô hữu khác khi đối diện với những làn sóng chống đối và đi ra khỏi Giáo hội. Không ít người chống đối Giáo hội, vì cả trong lịch sử cũng như trong hiện tại, Giáo hội đã phạm đủ tội, nhiều người trong Giáo hội cũng là những tội nhân. Quyết định rời bỏ Giáo hội vì nghĩ bản chất thánh thiện của Giáo hội làm sao có thể chấp nhận “cỏ lùng” cùng hiện diện bên cạnh “lúa tốt”. Lý do sau cùng trong những câu trả lời cho quyết định “ở lại trong Giáo hội” của Ronrolheiser, đó là “tôi ở lại với Giáo hội vì Giáo hội là tất cả những gì chúng ta có! Đâu còn nơi nào khác để đi..”[1].

Vấn đề này, hơn ai hết, chính Chúa Giêsu đã giải thích trong ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, theo đề nghị của các môn đệ, khi thầy trò ở riêng với nhau. Điều này như diễn tả “mầu nhiệm sự dữ nhiều khi như thắng thế” hay “lòng thương xót của Thiên Chúa” qua sự khoan dung, kiên nhẫn và hy vọng đối với lỗi tội của các tội nhân thì không phải ai cũng có thể hiểu và đón nhận được. Nhất là khi còn đâu đó, hình ảnh “cỏ lùng” tìm thấy nơi không ít người Kitô hữu như hình ảnh người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu. Đó là khi họ chưa hiểu và đón nhận tấm lòng của cha, rằng “tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31), trước sự đi hoang và trở về của người con thứ trong dụ ngôn, để chỉ biết lý luận “thằng con của cha đó” (Lc 15,30) chứ không phải là “đứa em của con!”.

Lạy Chúa Giêsu! Như niềm cậy trông vững vàng của thánh Phêrô, rằng “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68), chúng con cũng muốn thân thưa rằng nhiều khi chúng con chưa hiểu Ngài, và những gì chúng con hiểu được thường lại là những điều chúng con chẳng thích. Nhưng chúng con xin vẫn cứ ở bên Ngài dù chưa hiểu, hơn là đi bất kỳ nơi nào khác. Vì Ngài là tất cả những gì chúng con có. Và Giáo hội – Thân thể mầu nhiệm của Ngài – cũng là tất cả những gì chúng con có[2]. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *