Nhân dịp Đại hội Giáo lý toàn quốc lần III tại Hà Nội (9-10/8/2011), Ban Giáo Lý đã soạn thảo một Tập tài liệu, gồm 3 phần: Hướng về Đại hội; Nội dung học hỏi; Sinh hoạt. Phần thứ nhất (Hướng về Đại hội) đã được đăng trên website giaolyductin tuần trước (22/7). Từ hôm nay (31/7/2011), website giaolyductin sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những phần còn lại, như một chia sẻ về những ưu tư và hoạt động mục vụ giáo lý tại Việt Nam. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.
TÔNG HUẤN LỜI CHÚA
Một khía cạnh quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, có thể giúp tái khám phá tính trung tâm của lời Chúa là giáo lý, là khoa cần liên tục đi đôi với hành trình đức tin của Dân Chúa, dưới các hình thức và trình độ khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, mô tả của Thánh Luca (x. Lc 24:13-35) về các môn đệ gặp Chúa Giêsu trên đường Emmau đã đại biểu cho một mẫu mực giáo lý đặt trọng tâm vào “việc giải thích Thánh Kinh”, một giải thích mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới ban cho được (x. Lc 24:27-28), vì Người cho thấy nó đã được nên trọn trong chính con người của Người. Như thế, niềm hy vọng chiến thắng trên mọi thất bại đã được tái sinh, làm cho các môn đệ trở thành các nhân chứng đầy xác tín và khả tín của Chúa Phục Sinh.
Cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát chứa đựng nhiều hướng dẫn giá trị cho một nền giáo lý lấy hứng từ Thánh Kinh và tôi từng khuyến khích việc tham khảo các hướng dẫn này. Ở đây, tôi muốn trước hết và trên hết nhấn mạnh rằng giáo lý “phải được thấm nhuần não trạng (mindset), tinh thần và quan điểm của Thánh Kinh và Tin Mừng qua việc cần mẫn tiếp xúc với chính các bản văn; thế nhưng điều ầy cũng có nghĩa phải nhớ rằng giáo lý càng phong phú và có hiệu quả hơn nhờ đọc bản văn bằng tâm trí của Giáo Hội”, và bằng việc rút tỉa cảm hứng từ hai ngàn năm suy niệm và sống thực của Giáo Hội. Kiến thức về các nhân vật, các biến cố và các câu nói của Thánh Kinh vì thế nên được khuyến khích; việc này cũng có thể được phát huy bằng cách học thuộc lòng một cách sáng suốt một số đoạn văn đặc biệt có tính diễn cảm các mầu nhiệm Kitô Giáo. Các công trình giáo lý luôn bao hàm việc tiếp cận Thánh Kinh trong đức tin và trong Truyền Thống của Giáo Hội, để lời Thánh Kinh được nhận thức là sống động, giống như Chúa Kitô đang sống động ngày nay ở bất cư nơi nào có hai hay ba người tụ họp vì danh Người (x. Mt 18:20). Giáo lý phải sinh động thông truyền lịch sử cứu rỗi và nội dung đức tin của Giáo Hội, và nhờ thế giúp mọi thành phần tín hữu nhận ra rằng lịch sử ấy cũng là một phần cuộc sống của họ.
Ở đây, điều quan trọng là phải nhấn mạnh mối tương quan giữa Sách Thánh và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát đã nói rõ: “Thực vậy, Sách Thánh như ‘lời Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’, và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như biểu thức quan trọng hiện thời của Truyền Thống Sống Động trong Giáo Hội và là chuẩn mức chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin, đều được kêu gọi nuôi dưỡng giáo lý trong Giáo Hội ngày nay, theo cách riêng và theo thẩm quyền chuyên biệt của chúng” (số 74).
ĐỀ NGHỊ CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010
Đề nghị 2: Về Giáo Lý
Giáo lý là một trong những tiến trình quan trọng để xây dựng đức tin trưởng thành (Tông huấn Evangelii Nuntiandi). Ý thức rằng sự tăng trưởng của Giáo Hội tại Việt Nam hệ tại phần lớn ở trình độ giáo lý và trưởng thành đức tin của Dân Chúa, nên Đại hội Dân Chúa đề nghị:
Giáo Hội tại Việt Nam cần đề ra những nguyên tắc, đường hướng, chương trình và nếu được, cả thủ bản giáo lý chung cho các giáo phận.
Nỗ lực làm cho ngôn ngữ giáo lý mang được những sắc thái gần gũi với văn hóa dân tộc.
Trong chương trình đào tạo và thường huấn linh mục, cần củng cố ý thức về tầm quan trọng của huấn giáo trong cuộc canh tân liên lỷ của Giáo Hội. Trong mục vụ giáo xứ, cần đặt huấn giáo thành mối quan tâm hàng đầu.
Tạo điều kiện cho các chủng sinh có những kinh nghiệm về dạy giáo lý cho nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau.
Cần giúp các giáo lý viên hun đúc tinh thần tông đồ, đạt được một kiến thức giáo lý vững chắc và được canh tân dựa trên Lời Chúa, cùng với phương pháp sư phạm thích hợp, để trình bày giáo lý cách hữu hiệu.
Cần có những khóa nâng cao trình độ giáo lý viên cũng như những buổi tĩnh tâm, linh thao, trại hè,giao lưu…cho giáo lý viên trong giáo phận hay liên giáo phận.
Cần chú trọng đến chương trình giáo lý trước và sau Hôn Phối, nhằm giúp các gia đình trẻ sống trọn vẹn ơn gọi đời sống hôn nhân. Để thực hiện chương trình này, cần có sự hợp tác giữa linh mục và tu sĩ với anh chị em giáo dân có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đời sống gia đình.
Đề nghị 21: Đào tạo giáo lý viên
Trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam đã có một tổ chức “Thầy Giảng” làm thành nét riêng của mình. Ngay cả ngày nay, Giáo Hội tại Việt Nam cũng gặt hái nhiều thành quả tông đồ nhờ các giáo lý viên, trẻ cũng như đứng tuổi, đang dấn thân quảng đại cho việc dạy giáo lý, trong các cộng đoàn cũng như ở những nơi rất hẻo lánh. Vì thế, Đại hội Dân Chúa đề nghị:
Để các giáo lý viên có thể chu toàn sứ mạng cao cả, cần chú tâm đến việc đào tạo. Chương trình đào tạo giáo lý viên phải quan tâm đến cả bốn chiều kích: nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ.
Giáo phận nên tìm ra những phương thức cụ thể để hỗ trợ các giáo lý viên, ngay cả về vật chất tài chính, vì nhiều người trong họ tuy rất quảng đại song rất chật vật.
THƯ CHUNG 2011
Được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững vàng trên nền tảng Lời Chúa. Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện sớm tối, v.v… đã nuôi dưỡng và củng cố đời sống đức tin của bao thế hệ. Những việc đạo đức ấy thật đáng trân trọng và cần bảo tồn cũng như đổi mới và phát huy. Đồng thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina.
Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên (số 11).
Nguồn:Ủy ban giáo lý đức tin
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)