LỜI CHÚA: Con xin thánh hiến chính mình, để họ được thánh hiến (x. Ga 17,19)
LỜI NGUYỆN TẮT: Lạy Đức Kitô Thượng Tế, xin thương xót chúng con và thánh hóa các linh mục; xin dạy chúng con biết sống tự hiến để Loan báo Tin Mừng
NĂM IV: HỌC NƠI CHÚA GIÊ SU LINH MỤC, SỐNG TỰ HIẾN ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
“Con xin thánh hiến chính mình, để họ được thánh hiến” (x. Ga 17,19)
Để có thể Sống Tự Hiến như Chúa muốn và loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu, người Nữ Tỳ chúng ta cần hiểu rõ: Sống Tự Hiến là gì ? Tại sao phải Sống Tự Hiến ? Và Sống Tự Hiến để đạt mục tiêu nào ?
Định nghiã « Sống Tự Hiến » :
Trước hết « Sống Tự Hiến » là hoàn toàn tự do đi theo Đức Giêsu (Mc 1, 16.18); là ở với Đức Giêsu (x. Ga 15, 4); sẵn sàng chết với Đức Giêsu (Lc 22,33); và sau cùng, cốt yếu của « đời sống Tự Hiến », chính là hoàn toàn đặt mình trong tay Đức Giêsu và ao ước thực hiện trọn vẹn ý muốn của Đức Giêsu, như Ngài đã xuống thế gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha (x. Ga 6,38; Dt 10,9).
Như thế, « Sống Tự Hiến » là sống một đời hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu, từ trong tư tưởng, đến lời nói, việc làm; thuộc về Đức Giêsu không chỉ ở hiện tại mà cả quá khứ, tương lai ; thuộc về Đức Giêsu không chỉ với con người dầy công phúc, mà cả con người đầy yếu đuối, lỗi lầm. Đây chính là chọn lựa nền tảng mang tính quyết định đời Tự Hiến. Vì chỉ với ước muốn thuộc về Đức Giêsu, với khao khát mãnh liệt trở nên « đồng hình đồng dạng » với Đức Giêsu, người Nữ Tỳ mới cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc đời tận hiến.
Nguyên nhân SỐNG TỰ HIẾN
Khi hai người tha thiết yêu nhau, họ muốn cho nhau tất cả, dâng hiến cho nhau những gì qúy báu nhất « họ có, họ là », vì tình yêu thúc đẩy họ đi đến tận cùng, vượt khỏi những gì có giới hạn, để đi vào vô cùng, tuyệt đối.
Khi chọn sống đời Tận Hiến, người Nữ Tỳ không đi tìm một nghề nghiệp, một chỗ đứng trong xã hội và Giáo Hội, nhưng tìm một tương quan yêu thương triệt để và quyết liệt với Đức Giêsu.
Sở dĩ « triệt để và quyết liệt », vì chọn đời Tận Hiến, chọn « Sống Tự Hiến », chọn làm Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục không là chọn lựa dành cho mọi người, nhưng dành cho những người « Thiên Chúa muốn chọn »; không chỉ là ơn gọi phổ quát của mọi người Kitô hữu, nhưng là ơn gọi đặc biệt dành cho những người sẵn sàng « bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu »
Quả thực, càng yêu mến Đức Giêsu, người Nữ Tỳ càng thấy mình phải hy sinh tự hiến nhiều hơn. Vì đời tu của người Nữ Tỳ đặt trên tương quan tình yêu với Đức Giêsu, nên sâu thẳm trong tâm hồn, ngày đêm người Nữ Tỳ vẫn nghe tiếng Đức Giêsu âu yếm thỏ thẻ: « Con có yêu mến Thầy hơn các anh em, chị em này không ?» (x. Ga 21,15).
Mục tiêu của « Sống Tự Hiến »
Như Đức Giêsu « đã hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người » (Mt 20,28), người Nữ Tỳ cũng noi gương Ngài « sống tự hiến » không cho mình, vì mình, nhưng cho tha nhân và vì người khác. Trong lời nguyện thánh hiến, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha lấy sự thật mà thánh hiến những người thuộc về mình: « như Cha đã sai con đến thế gian, vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến » (Ga 17,18-19).
Thực vậy, mục tiêu của đời tận hiến là trở thành Của Lễ đền tội, khi người Nữ Tỳ kết hiệp với Đức Giêsu chịu đóng đinh đã tự hiến để trở thành giá cứu chuộc muôn người. Và đời tận hiến của người Nữ Tỳ sẽ chỉ có giá trị khi đặt trong công trình cứu chuộc của Đức Giêsu, được gắn liền, hiệp thông trong cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Nói cách khác, mục tiêu của « Tự Hiến » là sống Lòng Thương Xót của Đức Giêsu để được cùng Ngài thương xót mọi người, trở thành giá cứu chuộc mọi người.
……………………..
- Lời Chúa: Con xin thánh hiến chính mình, để họ được thánh hiến (x. Ga 17,19)
- Linh Đạo Dòng
- “Hy tế của Đức Kitô trở thành gương mẫu tuyệt hảo cho đời sống dâng hiến của chị em”. (Linh Đạo,58)
- Hy tế của người Nữ Tỳ được thể hiện bằng việc từ bỏ mình và vác thập giá theo Đức Kitô. (x.Linh Đạo, tr.58)
- Chị em hằng ngày đặt tất cả vui buồn sướng khổ của mình trên đĩa thánh, kết hợp với cuộc hiến tế của Chúa. (Linh Đạo, tr.17)
BÀI CHIA SẺ
Chia sẻ 1: THẾ NÀO LÀ ĐỜI THÁNH HIẾN?
Việc đầu tiên phải làm như khởi điểm của những chia sẻ về đời thánh hiến chính là trả lời câu hỏi: thế nào là đời thánh hiến ? Bởi nếu không nắm vững nội dung, ý nghiã, đòi hỏi và giá trị của Tận Hiến, Tự Hiến, Thánh Hiến, chúng ta sẽ khó có thể “Đáp trả tự do” trước Ơn gọi sống đời thánh hiến của mỗi người. Như thế, vô tình đời sống ấy thay vì là nguồn hạnh phúc lại biến thành bất hạnh khó cam, khó vác.
- Người được Thiên Chúa mời gọi vào đời sống thánh hiến hoàn toàn tự do đáp trả hay từ chối:
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và tự do là hình ảnh cao quý, tốt đẹp, thánh thiện. Nhưng vì hình ảnh tự do bị nguyên tổ làm mất đi khi bất tuân lệnh Thiên Chúa, Ngôi Lời đã xuống thế làm người để chuộc lại tự do ấy, bởi nếu không có tự do, con người nô lệ của tội lỗi không bao giờ được nhận lại vinh dự làm con cái tự do của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã quả quyết với những người Do Thái: « Tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi. Vậy nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do » (Ga 8,34-36).
Vì thế, tự do là dấu ấn của con cái Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã viết: « Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do » (2 Cr 3,17), nên người không thuộc về Thiên Chúa, tức không có Thần Khí của Thiên Chúa là người sống trong cảnh nô lệ, không được ở trong nhà Thiên Chúa như con cái của Ngài.
Là Thiên Chúa của tự do, Thiên Chúa đã làm điều Ngài muốn (x. Xh 33,19), chọn người Ngài thích chọn (x. Mc 3,13), đồng thời tôn trọng tự do của người được mời gọi, vì đó là hình ảnh của chính Ngài, như cho nguyên tổ khả thể chọn vâng phục hay bất tuân lệnh Ngài (x. St 2,16.17), cho người thanh niên giầu có được tự do quyết định đi theo hay rút lui (x. Mt 19,16-22), và thẳng thắn hỏi các môn đệ: « Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ? » khi nhiều môn đệ khác « đã rút lui, không còn đi theo Ngài nữa » (Ga 6,66.67).
Đó cũng là lý do trước khi dấn thân chọn đời thánh hiến, các chị được hoàn toàn tự do quyết định.
- Người được thánh hiến mang đặc ân đến gần Thiên Chúa :
Đức Chúa ngự xuống trên núi Xinai. Người gọi ông Môsê lên đỉnh núi, và ông đi lên. Đức Chúa phán với ông Môsê: « Hãy xuống cảnh cáo dân đừng kéo nhau lên để xem Đức Chúa, kẻo nhiều người phải lăn ra chết. Ngay các tư tế đến gần Đức Chúa cũng phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, kẻo bị Thiên Chúa đánh phạt ». Ông Môsê thưa với Đức Chúa: « Dân không thể lên núi Xinai được, vì chính Ngài đã cảnh cáo chúng con rằng: Hãy vạch rõ ranh giới của núi và tuyên bố đó là núi thánh » (Xh 19,20-23). Và chỉ Môsê, người được Thiên Chúa chọn và thánh hiến mới được ban đặc ân đến gần Ngài.
Nhưng đến gần Thiên Chúa không phải cho riêng mình mà để lắng nghe, đón nhận và chuyển đạt thánh chỉ của Thiên Chúa cho dân, và đệ trình Thiên Chúa tình cảnh của dân, như Môsê đã làm, đặc biệt khi dân phản nghịch chống lại Thiên Chúa (Xh 34,5. 8-9). Được đến gần Thiên Chúa vì người sống đời thánh hiến thuộc riêng về Thiên Chúa để phục vụ Ngài, như Thiên Chúa đã chọn các thầy Lêvi giữa con cái Ítraen: « Đức Chúa phán với ông Môsê: « Đây, chính Ta chọn các thầy Lêvi giữa con cái Ítraen thay thế tất cả các trưởng nam, các con đầu lòng trong số con cái Ítraen, cho nên các thầy Lêvi thuộc về Ta » (Ds 3, 12). « Họ là ‘những người được dâng hiến’ thuộc về Đức Chúa, để chuyên lo phục vụ Lều Hội Ngộ … Đó là dịch vụ của các ngươi. Ta ban chức tư tế cho các ngươi như dịch vụ và hồng ân; còn người nào khác mà tới gần sẽ phải chết » (Ds 18,6.7).
Chính Đức Giêsu trong lời nguyện thánh hiến cũng đã khẳng định: « Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha… và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian » (Ga 17,6.14.15).
- Được thánh hiến vì người khác:
Cũng trong lời nguyện thánh hiến, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha lấy sự thật mà thánh hiến những người thuộc về mình: « như Cha đã sai con đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến » (Ga 17,18-19).
Người được thánh hiến, vì thế không tự hiến vì mình, không tận hiến để tìm hạnh phúc cho mình, hay tìm bảo đảm phần rỗi riêng mình, nhưng xin được thánh hiến để người khác cũng được thánh hiến như họ, nghiã là được sai đi như Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đi, để làm cho người khác « biết danh Cha và sẽ làm cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa » (Ga 17, 26).
Được thánh hiến để loan báo Tin Mừng cho muôn dân:
Ngôn sứ Isaia đã cực tả chân dung và sứ mệnh của người được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến: « Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa… Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não » (Is 61,1-3).
Phần ngôn sứ Giêrêmia, ông cho chúng ta thấy Thiên Chúa ở với người được Ngài tuyển chọn, thánh hiến và sai đi: « Đức Chúa phán với tôi: « Đừng nói ngươi còn trẻ ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi. Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi… Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: « Đây, Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi » (Gr 1,7-9).
Được thánh hiến để đền tội cho người khác:
Người được Thiên Chúa chọn và thánh hiến không chỉ cầu thay nguyện giúp, mà còn đền tội cho người khác, nhờ tự hiến mình làm của lễ, như Môsê đã nói với dân: « Anh em đã phản nghịch chống lại Đức Chúa từ ngày tôi biết anh em. Tôi đã phục xuống trước mặt Đức Chúa, suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm tôi đã phục xuống, vì Đức Chúa đã nói đến chuyện tiêu diệt anh em. Tôi cầu xin Đức Chúa và thưa rằng: « Lạy Chúa là Đức Chúa, xin đừng hủy diệt dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao của Ngài để giải thoát và đã ra tay uy quyền đưa ra khỏi Ai Cập » (Đnl 9,25-26).
Cũng như thượng tế, « là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ mê muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy » (Dt 5,1).
Khác với các thượng tế mỗi ngày phải dâng lễ hy sinh, đền tội, Đức Giêsu « đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ » (Dt 7,27). « Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa » (1 Ga 2,2), « Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá » (Cl 2,14).
Được thánh hiến để làm cho người khác nên thánh :
Lại một lần nữa, chúng ta được Thiên Chúa nhắc bảo: sứ vụ của đời sống thánh hiến là làm cho người khác nên thánh. Chính Thiên Chúa Giavê trong Cựu Ước cũng đã phán với Giôsuê: « Đứng dậy đi ! Hãy làm cho dân được nên thánh » (Gs 7,13), khi ông sấp mặt xuống đất cầu xin ơn tha tội cho dân.
- Người được thánh hiến có Thiên Chúa làm gia nghiệp:
Người sống đời thánh hiến là người tự hiến, tận hiến cho Thiên Chúa, nên ngoài Thiên Chúa, họ chẳng còn gì làm gia nghiệp đời mình, chẳng còn ai là chốn nương tựa vững chắc, chẳng chọn lý tưởng, cơ đồ nào làm mục đích phải đạt.
Vì thế, khi chọn đời sống thánh hiến, người môn đệ ý thức chính Chúa mới thực là gia nghiệp duy nhất và đời đời của họ. Và hình ảnh chi tộc Lêvi, chi tộc được Thiên Chúa Giavê tuyển chọn giữa con cái Ítraen và thánh hiến để thuộc trọn vẹn về Ngài đã là chi tộc duy nhất không được chia đất làm phần gia nghiệp: « Các người thuộc chi tộc Lêvi sẽ không có phần ở giữa anh em, vì chức tư tế Đức Chúa ban cho họ làm phần gia nghiệp của họ » (Gs 18,1-2.6-7).
Điều đó nói lên tính cách thuộc trọn về Thiên Chúa và được chính Chúa làm gia nghiệp ở những người được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến, như chính Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: « Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp » (Mt 19, 27-29).
- Người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên « đồng hình đồng dạng » với Đức Giêsu :
Và đặc điểm sau cùng nhưng quan trọng hơn tất cả ở người sống đời thánh hiến chính là khao khát được trở nên « đồng hình đồng dạng » với Đức Giêsu.
Không chỉ « đồng hình đồng dạng » cách lý thuyết, trừu tượng, nhưng trở nên giống Đức Giêsu trong tư tưởng, lời nói, việc làm, để trở nên muối cho đời, nên ánh sáng cho trần gian. Mà đã là muối của Thiên Chúa thì phải mặn; là ánh sáng thì « phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. » (Mt 5,16). Do đó, sống đời thánh hiến là từng ngày khao khát và nỗ lực để nên giống Đức Giêsu hơn, với ơn của Ngài, bởi đã được Ngài thánh hiến, mà tinh thần không ăn khớp Tin Mừng, đời sống không rập khuôn với tinh thần và đời sống của Đức Giêsu, thì thật đáng buồn cho đời người tự hiến khi sống ngược với đòi hỏi của ơn gọi và hồng ân thánh hiến.
Ước gì các chị sống đẹp đời thánh hiến với hạnh phúc tận hiến và niềm vui tự hiến cho Đấng là Gia Nghiệp đời đời.
JNT
Gợi ý suy niệm:
- Trong số những đặc tính của đời sống thánh hiến, theo chị, đặc tính nào quan trọng với chị hơn cả ?
- Chị có nghĩ đời sống thánh hiến là hồng ân phục vụ ?
- Chị có kinh nghiệm gì về tự do ?
- Tự do có thực sự là động lực giúp chị thực hiện lý tưởng tận hiến ?
Tin cùng chuyên mục
BỎ VÀO TẤT CẢ (25.11.2024 – THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN)
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA NĂM B – ÔNG LÀ VUA SAO?
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)