Ngày 26 tháng 10 năm 2023 Thứ năm, sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên

“Thầy đã đến
đem lửa vào mặt đất…”

(Lc 12, 49-53)

49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!

50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Suy niệm 1

Chúa Giêsu nói trước cho các môn đệ phép rửa Ngài phải chịu là cuộc thương khó. Ngài sẵn sàng đón nhận và mong ngày đó mau đến không phải vì Ngài ham thích đau khổ, nhưng Ngài mong cho ơn cứu độ mau đến với con người. Phép rửa thương khó của Ngài càng mau chóng hoàn thành, thì con người càng mau chóng thoát khỏi xiềng xích tội lỗi và được hưởng sự sống đời đời. Chính tình yêu dành cho Chúa Cha và con người đã thôi thúc Ngài ước mong cuộc thương khó mau đến, để chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Cha được hoàn thành.

Chúa Giêsu xuống thế làm người mang trong mình sứ mạng cứu chuộc thế giới và mỗi người chúng ta. Cho nên trong lòng Ngài chỉ khắc khoải một vấn đề làm cách nào để chương trình cứu độ được hoàn thành. Càng đặt mình vào tâm trạng của Chúa Giêsu, chúng ta càng nhận ra tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, đang khi chúng ta chỉ là những tội nhân thấp hèn. Thiên Chúa quan tâm đến sự sống đời đời của chúng ta, còn chúng ta lo tranh giành những thứ chóng qua ở đời này. Phép rửa thương khó mà Chúa Giêsu chịu sẽ nên vô ích, nếu chúng ta không tin nhận và biến đổi bản thân sống đẹp lòng Chúa hơn. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta nên Ngài luôn nghĩ đến chúng ta và tìm mọi cách để đưa chúng ta về với Ngài, kể cả việc Con của Ngài phải chịu phép rửa thương khó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết cố gắng sống đẹp lòng Chúa qua từng việc chúng con làm, để không làm uổng phí phép rửa thương khó mà Chúa Giêsu đã chịu vì chúng con. Amen.

Lm. Laurenso Quốc Huy

Suy niêm 2

  1. Điểm rất sáng và điểm rất tối

Lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, thật ngắn gọn, nhưng lại chứa đựng hai điểm rất tương phản: một điểm rất sáng và một điểm rất tối!

Thật vậy, ngay câu khởi đầu của bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói:

Thầy đã đến đem lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi
lửa ấy đã bùng lên
(c. 49)

Rõ ràng đây là điểm rất sáng, bởi vì Đức Giê-su dùng hình ảnh “ngọn lửa”, và nhất là vì Đức Giê-su còn ước mong cho ngọn lửa này bùng lên. Lời này của Đức Giê-su còn tỏa sáng về ý nghĩa nữa, bởi vì ngọn lửa là biểu tượng của tình yêu.

Đó là hình ảnh trái tim Chúa Giê-su bừng cháy lửa mến yêu. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: khi yêu, trái tim chúng ta như bừng cháy! Ngoài ra, hình ảnh “con tim bừng cháy” còn diễn tả một sự hiểu biết đặc biệt về ngôi vị của Đức Giê-su và sự hiểu biết này chỉ có thể đến từ chính Đức Giê-su, trong tương quan với lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, với lịch sử loài người và lịch sử của từng người chúng ta. Đó là kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 32) và của thánh Phao-lô (x. Pl, 3, 7-9).

Vừa rồi là điểm rất sáng trong bài Tin Mừng. Còn điểm rất tối, chắc chắn là câu nói này của Đức Giêsu:

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.(c. 51)

Lời này của Đức Giêsu dường như mâu thuẫn với tất cả những lời còn lại của Ngài, với sứ điệp hòa giải, hòa bình và hiệp thông của Nước Trời mà Ngài rao giảng và làm cho hiện diện giữa chúng ta. Như khi các thiên thần cất tiếng hát trong biến cố Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14).

 

  1. Điểm sáng soi chiếu điểm tối

Một trong những nguyên tắc của việc đọc hiểu và cầu nguyện với một bản văn Kinh Thánh, đó là điểm tối tăm sẽ được soi sáng khởi đi từ điểm sáng tỏ. Và nguyên tắc rất thích hợp với bài Tin Mừng của chúng ta.

Ngọn lửa tình yêu mà Đức Giêsu đem đến và muốn cho bùng cháy tất yếu sẽ đốt cháy, loại bỏ, và nói theo ngôn ngữ của trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, sẽ “phân rẽ”: ánh sáng và bóng tối (St 1, 4 và 18), nước phía trên và nưới phía dưới (c. 7), ngày và đêm (c. 14). Phân rẽ gây đau đớn, nhưng chính là để cho sự sống có thể xuất hiện, tồn tại, lớn lên và sinh sôi nẩy nở. Tương tự như em bé phải được tách ra khỏi dạ mẹ, khi sinh ra. Và cũng giống như một thủa đất, để trở thành đất tốt, thì phải được mổ xẻ, phân chia, vun xới; chúng ta hãy đặt mình trong vị trí của đất, thật  đau đớn biết bao, khi được đào bới để loại bỏ sỏi đá, gai góc, được cầy xới, nhổ cỏ… Nhưng tiến trình mổ xẻ, phân chia, vun xới, chính là để chữa lành, để làm cho đất xấu trở nên đất tốt.

Và để sống theo lửa tình yêu của Đức Giê-su, chúng ta không chỉ gặp nhưng xung khắc nội tâm, nhưng còn có những xung khắc trong tương quan với người khác, đôi khi với những người thân yêu, mỗi khi chúng ta muốn mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su, muốn sống sự đơn sơ, nghèo khó, hiền lành và khiêm tốn theo Tin Mừng của Người. Và khi Đức Giê-su nói đến những xung khắc với những người thân yêu nhất (cha, mẹ, con cái, con dâu, con rể…), chúng ta có thể hiểu đó là cách nói diễn tả những xung khắc sẽ đụng chạm đến nơi chốn thâm sâu nhất trong tâm hồn chúng ta.

Nhất là khi khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, hẳn chúng ta sẻ có kinh nghiệm này: Lời Chúa có thể “xâu xé”, “cắt tỉa” chúng ta, nhưng không phải để hủy diệt, là để chữa lành và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái, như chính Đức Giê-su đã nói, khi dùng hình ảnh cây nho (x. Ga 15, 1-8): Hình ảnh rau sa-lát phải được quấy nát để thấm nước sốt, giúp chúng ta hiểu phần nào kinh nghiệm này.

Trong sách Xuất Hành, có một hình ảnh rất tuyệt vời nói lên Ngọn Lửa Tình Yêu thần linh, đó là hình ảnh bụi gai bừng cháy, nhưng không bị thiêu rụi (Xh 3, 1-6). Hình ảnh bụi gai bừng cháy diễn tả rất tuyệt vời hai đặc tính trái ngược nhau của tình yêu: vừa mạnh mẽ và vừa hiền lành, vừa làm cho bừng cháy, nhưng không hủy diệt.

Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa là ngọn lửa bừng cháy, lan tràn, thanh tẩy, nhưng không thiêu hủy.

 

 

  1. Ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua

Toàn bộ Kinh Thánh loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh (x. Lc 24, 44 ; 1Cr 15, 3-4). Đây chính là “Điểm Sáng” của mọi điểm sáng. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra, và để cho con tim chúng ta bừng cháy, cuộc đời của chúng ta cũng loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô hoàn tất cuộc đời của chúng ta.

Thực vậy, kế hoạch cứu độ của Chúa Cha được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Đức Ki-tô? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách, sách Kinh Thánh; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi con người và cuộc đời của mình hành trình Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Vậy, xin cho chúng ta biết đọc lại đời mình dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để nhận ra mọi biến cố đã xẩy ra trong cuộc đời chúng ta đều qui về mầu nhiệm Vượt Qua ; và xin cho chúng ta cũng biết khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, khi phải sống những biến cố nhỏ bé và đời thường trong tương lai. Sống Mầu nhiệm Vượt Qua :

  • Là xác tín rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta đi, ở nơi mà chúng ta tưởng là ngọt cụt, giống như biến cố vượt qua Biển Đỏ ; vì « Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông… » (Tv 77, 20).
  • Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống, ở nơi mà chúng tưởng là thất bại, là chấm hết, là không thể, là không còn hi vọng gì, như trường hợp của bà Elizabeth, vừa hiếm muộn và vừa già cỗi. Và Chúa có thể làm phát sinh sự sống tuyệt hảo, ở nơi không thể, như trường hợp của Đức Mẹ, với cung lòng trinh nguyên.
  • Là chuyển điều xấu, thậm chí tội lỗi thành điều tốt cho chúng ta, như trường hợp điều xấu mà các anh làm cho em Giuse, trong gia đình tổ phụ Gia-cóp : « Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo » (St 50, 19-20).

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc