TỰ HIẾN LÀ SỐNG THEO THẦN KHÍ CỦA ĐỨC GIÊSU

Đòi hỏi của đời thánh hiến là trở nên người môn đệ đích thực, trọn vẹn cuộc đời được dâng hiến cho Đức Giêsu. Đòi hỏi này vô cùng khó, vì vượt sức loài người. Do đó, người môn đệ phải cậy trông vào Thần Khí, sống theo Thần Khí của Đức Giêsu, như chính Đức Giêsu đã luôn hoạt động dưới tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Tin Mừng cho chúng ta thấy sự hiện diện họat động của Thần Khí Chúa, tức Thánh Thần Tình Yêu trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu: 

  • Khi Đức Giêsu chịu phép rửa: « Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người » (Mt 3,16-17).
  • Trước khi bắt đầu hành trình loan báo Nước Thiên Chúa, «Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ » (Mt 4,1) 
  • Khi giảng dạy trong hội đường ở Nadarét, Đức Giêsu xác nhận: « Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa » (Lc 4,18-19.21) 
  • Đặc biệt là những khi Đức Giêsu cầu nguyện: « được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói : « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha » (Lc 10, 21).
  • Đàng khác, chính Đức Giêsu cũng đã nói với các môn đệ trước khi lên đường đi chịu chết: « Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến vói anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy » (Ga 15,26).

Do đó, người môn đệ đích thực của Đức Giêsu, vì giống Đức Giêsu trong mọi sự cũng phải sống và hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tức Thần Khí của Đức Giêsu. Vì lẽ đó, biết Đức Giêsu, yêu mến Đức Giêsu và đi theo sát Đức Giêsu với việc sống theo Thần Khí của Đức Giêsu là một. Bởi lẽ, người môn đệ sẽ chỉ có thể trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu, nếu được hướng dẫn bởi cùng một Thần Khí đã hướng dẫn và tác động trên Ngài.

Nhưng bằng cách nào chúng ta nhận ra Thần Khí của Đức Giêsu ?

Vì Thần Khí hoạt động trong mỗi người, và trong mọi người ở bất cứ đâu, nên không dễ nhận ra dấu hiệu của Thần Khí. Thần Khí của Đức Giêsu không luôn gặp được ở những người quyền qúy, những bậc trí tuệ, hay những người có chức tước, địa vị. Bởi Đức Giêsu đã không chọn các tông đồ từ những thành phần này, nhưng đã chọn các ông giữa những người nghèo hèn, bé nhỏ để thực hiện những công trình lớn lao của Nước Trời.

Thần Khí của Đức Giêsu luôn ở với Đức Giêsu, Đấng « là đường, là sự thật và là sự sống ». Chỉ một mình Ngài là con đường, là gương mẫu để chúng ta bước đi và noi gương dưới sự hướng dẫn và tác động của Thần Khí, vì chỉ mình Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến, mà « Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn » (Ga 3,34). 

Quả thực, vì có Thần Khí của Thiên Chúa ở cùng, nên Đức Giêsu đã không tự mình nói lời nào, không tự mình làm việc gì. Tất cả lời nói, việc làm của Ngài đều được nói và làm theo Thánh Ý Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Ngài. Nói cách khác, giữa Chúa Cha và Đức Giêsu chỉ có một Thánh Thần, một cách phán đoán và một cách hành động.

Cũng thế, người môn đệ của Đức Giêsu không nghĩ gì, không nói gì, không làm gì tự ý mình, nhưng tất cả đều được suy nghĩ, phát ngôn, hành động như Đức Giêsu dưới sự hướng dẫn và tác động của Thần Khí. Người môn đệ đích thực sẽ chỉ biết đặt để đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu, để Đức Giêsu là lẽ sống và mục đích của đời mình, như thánh Phaolô đã trải nghiệm: « Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20).

Thánh Phaolô, người môn đệ đích thực của Đức Giêsu đã chia sẻ cảm nghiệm thiêng liêng của mình khi nhấn mạnh hai điều quan trọng phải có ở người môn đệ đích thực. Đó là từ bỏ tinh thần riêng của mình với tất cả những khiếm khuyết, thiếu sót, đặc biệt khuynh hướng « độc lập » đối với Thiên Chúa, và sống theo tinh thần mới, tinh thần của Thần Khí Đức Giêsu.

Tinh thần mới của Thần Khí sẽ chỉ có thể bắt đầu ở người môn đệ khi người ấy từ bỏ tinh thần của thế gian. Đây là cuộc Vượt Qua cam go, đòi nhiều hy sinh, khi từ bỏ chính mình để mặc lấy Thần Khí của Đức Giêsu « Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí ». (Ga 2,5-7); « Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời » (Mt 18,3). 

Để được Thần Khí hướng dẫn và tác động, chúng ta phải làm gì ?

  1. Cầu xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện:

Cầu xin với Chúa Thánh Thần là điều mong ước của Đức Giêsu nơi người môn đệ đi theo Ngài, bởi chính Ngài cũng luôn được hướng dẫn và tác động bởi Chúa Thánh Thần. Đàng khác, chính Chúa Thánh Thần mới là Đấng làm cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã giải thích chân lý này trong thư gửi giáo đoàn Rôma: « Phàm ai được Thần Khí hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghiã tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: « Áp-ba ! Cha ơi ! » Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa » (Rm 8,14-16). Thánh nhân cũng viết tương tự cho giáo đoàn Galát: « Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: « Áp-ba, Cha ơi !». Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con, thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa » (Gl 4,6-7).

Vì thế, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là việc làm quan trọng hàng đầu mà người sống đời thánh hiến phải đặc biệt quan tâm thực hiện. Bởi ơn Chúa Thánh Thần chỉ được ban cho những ai cầu nguyện nhiều và kiên tâm nài xin Ngài. Nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta mới biết cầu nguyện, như Đức Giêsu dạy (x. Mt 6,5-6), không được nản chí (Lc 18,1), nhất là mới có thể cầu nguyện theo ý Chúa Cha: « Lạy Cha, Cha làm được mọi sự, xin cất chén đắng này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn » (Mc 14,36).

  1. Học hỏi Tin Mừng:

Tin Mừng là Lời Đức Giêsu, việc làm của Đức Giêsu, đời sống Đức Giêsu và là Đức Giêsu. Không học hỏi Tin Mừng, chúng ta không thể biết rõ Ngài, yêu mến, bắt chước sống như Ngài, và để tinh thần của Ngài biến đổi tinh thần của ta dưới tác động của Thần Khí.

Cần lưu ý: chúng ta không đọc Tin Mừng như đọc truyện, không tìm hiểu Tin Mừng như trau dồi kiến thức thần học. Chúng ta đọc, học Tin Mừng như cầu nguyện, quy chiếu vào Đức Giêsu, gắn bó với Đức Giêsu, hiệp nhất trong Đức Giêsu, để đời sống chúng ta được trở thành Tin Mừng sống động như Đức Giêsu đã dạy: « Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa » (Lc 11,28).

Chúng ta cần xác định: lắng nghe Lời Chúa phải đi đôi với sống Lời Chúa. Vì Lời Chúa có mục đích biến đổi đời sống, đổi mới tinh thần, nên những ai đi theo Ngài, muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài đều phải lắng nghe và thực hành Lời Ngài.

Quả thực, người sống đời tận hiến không thể rời xa Tin Mừng, bởi tận hiến cho Chúa là để trở thành người môn đệ đích thực, để Loan báo và làm chứng Tin Mừng bằng chính đời sống.

  1. Từ Bỏ chính mình:

Từ Bỏ chính mình là điều kiện Đức Giêsu đòi hỏi ở những ai muốn đi theo Ngài: « Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình » (Mc 8,34). Bởi lẽ mục đích duy nhất của chọn lựa làm môn đệ Ngài, cũng như đích tới của hành trình đi theo Ngài chính là « hoàn toàn thuộc về Ngài », hoàn toàn tự hiến cho Ngài, và để Thần Khí của Ngài hướng dẫn. Do đó, sẽ không có đời tận hiến đích thực, nếu người sống đời tận hiến vẫn muốn giữ riêng cho mình một phần đời làm sở hữu, vẫn muốn làm chủ một phần gia sản vật chất, tinh thần như vốn liếng, hoặc để phòng thân.

Trái lại, đòi hỏi từ bỏ ở người sống đời tận hiến rất quyết liệt, triệt để và dứt khoát: « Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo…. »  (x. Lc 9,23-26).   

 Điều mà Đức Giêsu muốn người môn đệ từ bỏ hơn cả chính là ý riêng, cũng là tinh thần thế tục của người ấy. Bởi bao lâu người môn đệ còn giữ cho mình tinh thần thế tục, ý muốn riêng của mình, thì tinh thần của Đức Giêsu, Thần Khí của Đức Giêsu không thể vào được nhà của người ấy. Trong nhà họ đã chật kín những kiêu căng, ích kỷ, lười biếng, hưởng thụ; chất đầy những tham vọng, thủ đoạn, nên sẽ không còn chỗ cho tinh thần sám hối hy sinh, quảng đại, khiêm nhường, vâng phục của Thần Khí Đức Giêsu.

Từ bỏ mình còn là điều kiện để có tự do của con cái Thiên Chúa. Không từ bỏ, người môn đệ không thể đạt tới tự do đích thực, vì tiền của, danh vọng, lạc thú, cái tôi ích kỷ vẫn giữ vị thế ông chủ độc tài. Người từ bỏ mình sẽ chẳng còn ở trong vòng cương toả của bất cứ ai, hay sự gì. Khi đã từ bỏ chính mình, người môn đệ không còn quan tâm đến vinh quang, quyền lực, và dửng dưng trước mọi khen chê, ca tụng, vu khống, nhưng tâm hồn đầy tràn Thần Khí Bình An.

Thực vậy, nhờ Thần Khí hướng dẫn và tác động, người môn đệ Đức Giêsu khi từ bỏ mình sẽ không giữ cho riêng mình sự gì hay người nào, cũng không bám víu, gắn bó vào bất cứ thụ tạo nào khác ngoài Đức Giêsu. Họ có được tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, vì « ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do » (2 Cr 3,17).

Tự do của con cái Thiên Chúa còn là sức mạnh để người môn đệ không sợ mất lòng người đời nhưng làm vui lòng Thiên Chúa. Các thánh đã làm những việc tuyệt vời tốt đẹp mà người đời không thể hiểu, vì các ngài được hướng dẫn bởi Thần Khí Thiên Chúa, chứ không chịu khống chế bởi tinh thần thế gian. Cũng chính vì được hướng dẫn trong ánh sáng của Thần Khí tình yêu và sự thật, mà người môn đệ không được người thế gian « thông tri, thông cảm », vì phàm nhân không thể quan niệm những gì đến từ Thiên Chúa, nếu không có Thần Khí của Ngài hướng dẫn, tác động.

Sau cùng, nhờ sống tự do như con cái Thiên Chúa, người môn đệ được tràn đầy Thánh Thần Tình Yêu để « tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả » (1 Cr 13,7). Bởi sống theo Thần Khí của Đức Giêsu là chấp nhận lao vào cuộc chiến khốc liệt với ma quỷ, và thế gian cho chiến thắng của Nước Trời trong các tâm hồn, nên sẽ không tránh khỏi thương đau, mất mát, vất vả, nhục nhằn.

Vì thế, Đức Giêsu đã lên tiếng nói với những ai đi theo Ngài: « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. … » (x. Mt 11,28-30), để người môn đệ sẽ từng bước đi theo Thần Khí của Đức Giêsu trong êm ái, dịu ngọt của Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước gì mỗi ngày người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục tiến xa hơn trên hành trình đi theo Đức Giêsu dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần. Vì chỉ một mình Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Giêsu mới cho chúng ta hiểu biết, yêu mến, đi theo sát, bắt chước và trở nên « đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu », mục đích của đời thánh hiến.

JNT