Chia sẻ 8: NGƯỜI NỮ TỲ SỐNG TỰ HIẾN THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU LINH MỤC THANH BẦN ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Tháng 02/2024

Nếu người Nữ Tỳ chọn sống đời độc thân khiết tịnh để tự hiến cho Đức Giêsu, với trọn linh hồn và thân xác nghĩa là tận hiến “cái  mình là” thì lời khấn thanh bần là tự nguyện hiến dâng cho Đức Giêsu những gì « mình có ».

Như chúng ta biết: “cái mình là” thì ở trong mình, đang khi “cái mình có” thì ở ngoài mình. Chúng ta có thể đánh mất chính mình, khi tự nguyện trở thành nô tỳ của một ông chủ ở ngoài mình – ông chủ Tiền Của – mà Đức Giêsu đã nêu đích danh trong Tin Mừng.

Trước hết, lời khấn thanh bần của người Nữ Tỳ là hành vi tự nguyện cam kết không sở hữu, thu gom, tích trữ  tài sản vật chất, để trở nên giống Đức Giêsu Linh Mục thanh bần, – Đấng đã tự nhận mình nghèo đến độ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).

Ngoài mục đích trở nên giống Đức Giêsu, qua việc tự hiến sống thanh bần như Ngài, người Nữ Tỳ còn làm chứng lòng trung thành tuyệt đối với Đức Lang Quân nghèo khó, khi từ chối đi theo ông chủ Tiền Của, bởi: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em  không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”(Lc 16,13).

Nhưng tại sao Đức Giêsu lại nâng Tiền Của lên hàng ông chủ và đặt ngang hàng với Thiên Chúa

Thưa vì mãnh lực của Tiền Của thì vô cùng khủng khiếp. Khủng khiếp mạnh, vì tuy ở ngoài, nhưng tiền của lại có sức tàn phá tâm hồn. Khủng khiếp nhanh, vì trong chớp nhoáng nó chiếm đóng trí khôn và mọi cơ năng tinh thần của con người. Khủng khiếp hung bạo, vì chỉ cần một chút sơ hở, một thoáng thiếu cảnh giác, đề phòng, ý chí sẽ lập tức tàn lụi, suy yếu vì áp lực khủng khiếp của những cơn cám dỗ “tiền rừng bạc bể”. Khủng khiếp ma mãnh, vì Tiền Của ban đầu đến với con người như tên đầy tớ dễ bảo, và như phương tiện cần thiết, nhưng chưa kịp nhận diện, Tiền Của đã xây xong pháo đài kiên cố thống trị và ở lì trong tâm hồn con người như ông chủ cực kỳ độc ác.

Vì thế, nếu chọn chơi nước đôi, nghĩa là vừa đi với Thiên Chúa vừa đi với Tiền Của, thì  đôi chân người Nữ Tỳ sẽ khó tránh khỏi những bước nghiêng ngả theo Tiền Của. Bởi vì độ hấp dẫn, lôi cuốn của ông chủ mới quá lớn, do đó, Đức Giêsu, thanh bần, khiêm hạ sẽ không phải là ông chủ duy nhất trong chọn lựa của người Nữ Tỳ.

Cũng thế, khi chọn lựa cả Tiền Của và Thiên Chúa, người Nữ Tỳ chắc chắn sẽ lọt bẫy ki kóp, tích trữ của cải, và sống hưởng thụ, thực dụng. Từ đó, Tiền Của sẽ làm mờ mắt người Nữ Tỳ bằng những huy hoàng, lộng lẫy của nó. Hậu quả là người Nữ tỳ sẽ mất đi ơn khôn ngoan của Thánh Thần để có thể phân định đâu là hạnh phúc nhất thời, giả tạo, đâu là hạnh phúc đích thực, đời đời; đâu là niềm vui thanh bần của người Nữ Tỳ thuộc về Đức Giêsu, khó nghèo và đâu là nguy cơ đời  thánh hiến của người Nữ Tỳ bị nhận chìm vì lòng tham của cải vật chất.

Như thế, khi nâng Tiền Của lên hàng ông chủ và địch thủ ngang hàng với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn các Nữ Tỳ của Ngài nhận ra độ nguy hiểm  của Tiền Của. Đồng thời, Ngài cảnh báo người Nữ Tỳ không được vừa phụng sự Thiên Chúa vừa tôn thờ Tiền Của, nếu thực sự muốn trọn vẹn thuộc về Ngài như Hiền Thê tinh tuyền và trung tín.

Bên cạnh đó, Ngài không muốn người Nữ Tỳ rơi vào cảnh nô lệ vật chất, làm tôi Tiền Của, để rồi không còn tin tưởng, ký thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,25.32). Bởi một khi đã  dựa vào mãnh lực vạn năng của Tiền, nhất là buông thả để đời mình cuốn theo cơn lốc hưởng thụ ích kỷ, người Nữ Tỳ sẽ không còn nhận mình nhỏ bé,  yếu đuối cần được Thiên Chúa xót thương, và không còn trái tim khiêm hạ trung tín của người Nữ Tỳ chỉ muốn thuộc về một mình Đức Giêsu Linh Mục thanh bần.

Không ghìm mình trong ơn sống thanh bần như Đức Giêsu, người Nữ Tỳ cũng sẽ từ chối tiếp tục đi theo Ngài, Đấng từ địa vị vinh quang, giàu sang tuyệt đối của Thiên Chúa để trở nên nghèo khó vì chúng ta (Pl 2,6,7). Chọn thanh bần, Đức Giêsu đã làm người trần thế thanh bần của Bêlem máng cỏ; người thợ lam lũ của Nadarét khó nghèo; tử tội trần trụi, không mảnh vải che thân trên Canvê và giờ chết phải mượn nấm mồ an nghỉ.

Đi theo và ở lại với Đức Giêsu Linh Mục thanh bần, người Nữ Tỳ tự nguyện sống lời khuyên Phúc Âm, để đời mình không bị lệ thuộc tiền bạc, nhưng được hoàn toàn tự do đối với của cải, hầu gắn bó thiết thân với Đức Giêsu. Cụ thể là xa tránh mọi hình thức xa hoa, tích luỹ tài sản và sống tinh thần khó nghèo của Phúc Âm.

Thanh bần còn là hành trang cần thiết của người Nữ Tỳ trên đường Loan báo Tin Mừng cho người nghèo – đối tượng ưu tiên của Tin Mừng. Bởi khi đến với người nghèo, nếu người Nữ Tỳ mang cung cách và  thái độ tự mãn, trịch thượng …  các chị sẽ không thể loan báo về Đức Giêsu, Đấng đã đến và tự nguyện trở nên nghèo khó để làm cho mọi người trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa. Người Nữ Tỳ sẽ không thể làm chứng Tin Mừng cho người nghèo, nếu không mang tinh thần thanh bần của Đức Giêsu, Đấng đã lăn xả vào giữa xóm lao động nghèo Nadarét, và trên đường truyền giáo luôn có mặt giữa đám cùng đinh, lân la, gần gũi những người  nghèo khó khao khát được nghe Tin Mừng, như sứ vụ của Ngài: “được xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18).

Tinh thần thanh bần còn là động lực thúc đẩy người Nữ Tỳ sống  chia sẻ với mọi người một cách quảng đại trên hành trình truyền giáo.Vì lối sống hà tiện, tham lam, lừa đảo, tranh giành, chiếm  đọat tài sản của người khác là những chướng ngại lớn đối với công cuộc loan báo Tin Mừng của người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục.

Sau cùng, thiếu kinh nghiệm của đời sống thanh bần Phúc Âm, người Nữ Tỳ sẽ không biết được cái bi đát của hoàn cảnh nghèo ; không thể hiểu được tâm trạng nhục nhằn, buồn tủi của người nghèo và do đó cũng sẽ không thể yêu thương và phục vụ « những anh em bé nhỏ nhất » của Đức Giêsu, như chính Ngài đã mời gọi (x. Mt 25,40.45).

Đó là lý do người thanh niên nhiều của cải, giàu kếch sù đã không được Đức Giêsu nhận vào hàng ngũ môn đệ để cùng Ngài đi rao giảng Nước Thiên Chúa, mặc dù anh không bị khiển trách điều gì, vì chỉn chu “tuân giữ điều răn của Chúa”. Tuy nhiên, vì thiếu đời sống thanh bần của người được sai đi loan báo Tin Mừng và vì gia sản qúa lớn, anh đã không mở toang cửa lòng để có thể quảng đại trao ban tất cả những gì mình có. Bằng chứng là khi Đức Giêsu đề nghị anh “bán tài sản của anh mà đem cho người nghèo” (Mt 19,21), anh đã “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).

Thực vậy, giữa một xã hội ngày càng say mê vật chất, và Tiền Của ngày càng lên ngôi, như muốn vĩnh viễn thay thế vương quyền của Thiên Chúa, người Nữ Tỳ rất dễ bị cám dỗ nghiêng ngả theo Tiền Của. Người Nữ Tỳ sẽ có xu hướng tự dối lòng mình bằng những cảm xúc, lý luận, chương trình nghe rất thánh thiện, nhưng thực chất chỉ là đáp ứng việc đi tìm những tiện nghi, hưởng thụ do vật chất đem lại. Do đó, phải hết sức tỉnh thức để đừng bao giờ quên: sứ vụ trước hết và trên hết của người Nữ Tỳ là, trở nên đồng hình đồng dạng và nên một với Đức Giêsu trong mọi sự.

Cũng vậy, trong  mọi hoạt động tông đồ, gương  sống của người loan báo Tin Mừng giữ một vai trò quan trọng, bởi « Người thời nay cần các chứng nhân hơn là thầy dạy » (ĐGH Phaolo VI). Họ chỉ được thuyết phục từ gương sáng của những con người sống điều mình chọn, và từ chối tin tưởng những người chỉ giải thích, chỉ giảng dậy mà không  thực hiện điều mình khuyên người khác sống.

Tóm lại, Đức Giêsu muốn người Nữ Tỳ yêu dấu của Ngài nên giống Ngài trong đời sống thanh bần, để làm chứng Ngài yêu người nghèo ; Tin Mừng là Tin Mừng cho người nghèo ; cũng  như Nước Trời thuộc về những người nghèo khó (x. Mt 5,2). Người Nữ Tỳ  không chỉ được mời gọi sống thanh bần như Đức Giêsu trong ý nghĩ, tư tưởng, mà còn phải biểu lộ tinh thần thanh bần trong sự đơn sơ, giản dị ; luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh ; đặc biệt là thái độ hoà mình với người nghèo và quảng đại chia sẻ với họ.

Được như thế, người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục sẽ làm chứng  hữu hiệu về sức mạnh hoán cải, đổi mới con người của lời khấn thanh bần. Người Nữ tỳ luôn xác tín rằng kho tàng ơn sủng từ Chúa Giêsu Linh Mục sẽ được ban phong phú, dư đầy cho người Nữ Tỳ thanh bần để các chị có thể quảng đại chia sẻ cho mọi người nhờ có trái tim và đôi bàn tay tự nguyện thanh bần vì Nước Trời.

JNT