Những người Kitô hữu này than thở vì nghĩ mình mất rất nhiều tự do khi theo đạo, và tất nhiên không được thoải mái, hạnh phúc như những người ngoại đạo.
Sự thực có phải như thế không ?
Thưa không, vì Thiên Chúa đã khẳng định : “Hãy nghe tiếng Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc” (Gr 7,23; x. 6,16
- Người môn đệ, nữ tỳ của Đức Giêsu phải là người hạnh phúc:
Không ai sống mà không mơ ước và đi tìm hạnh phúc cho mình và cho người mình yêu thương, vì tình yêu đích thực chính là ước mơ hạnh phúc và nỗ lực tìm kiếm để mang về hạnh phúc cho người mình yêu.
Hạnh phúc là tình cảm thư thái, tự do, vui tươi, và bình an sâu lắng khi đạt được sự hài hoà trong tương quan với chính bản thân, tương quan với tha nhân, và tương quan với Thiên Chúa. Ngược lại, khi một trong ba tương quan không hài hoà, nghĩa là rơi vào tình trạng lấn cấn, xáo trộn, mất trật tự thì con người không hạnh phúc, nhưng hoang mang, lo âu, sợ hãi, bất hạnh như Ađam, Evà đã tràn đầy hạnh phúc khi tương quan với Thiên Chúa hài hoà, tốt đẹp. Trái lại, ngay khi tương quan với Thiên Chúa bị đổ vỡ, cả Ađam và Evà đều sợ hãi và “lẩn trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa” (St 3,8).
Hạnh phúc là kết qủa, hoa trái của Tình Yêu, vì chỉ tình yêu mới mang lại hạnh phúc đích thực, bởi một lý do nền tảng, đó là Thiên Chúa là Tình Yêu, và do yếu tính của tình yêu là “ước mơ và nỗ lực đem lại hạnh phúc cho người mình yêu”, nên hạnh phúc và tình yêu luôn đi với nhau, tháp nhập trong nhau, là một với nhau. Chúng ta cũng có thể thấy rõ hơn yếu tính này, khi nhìn vào ganh ghét hận thù là kẻ thù của Tình Yêu, và trái đắng ganh ghét, hận thù mãi mãi mang lại là bất hạnh: sợ hãi, ly tan, bạo lực, tang thương, tiêu diệt, chết chóc .., bởi khi ganh ghét, hận thù ai, ta chỉ mong họ gặp tai ương, khốn khó, thất bại; chỉ mong họ bất hạnh, bị tiêu diệt, và biến khỏi cuộc đời..
Người môn đệ của Đức Giêsu được kêu gọi để yêu thương như Chúa đã yêu thương, nên hơn ai hết, chúng ta hiểu và xác tín : trên đường đi theo Đức Giêsu, hạnh phúc chính là điều chúng ta phải tìm cho kỳ được không chỉ cho mình, mà còn cho hết mọi người chúng ta gặp gỡ.
Thực vậy, là môn đệ, chúng ta được kêu gọi để trở nên hạnh phúc cho mọi người, khi chính mình sống sự sống của Đức Giêsu, và tự hiến chính mình để có thể trao ban, chia sẻ với mọi người sự sống của Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu vô cùng, đến cùng, và là hạnh phúc tròn đầy, viên mãn, vĩnh cửu, đời đời.
Như Đức Giêsu Thượng Tế đã lấy chính mình làm của lễ và Mục Tử đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, chúng ta cũng được kêu gọi, được thánh hiến để trở thành thượng tế và mục tử như lòng Chúa mong ước : Thượng Tế hiến mình làm giá cứu sống muôn người (Mt 20,28), và Mục Tử hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định : chúng ta đi theo Ngài là để được hạnh phúc, và mang hạnh phúc đến cho mọi người.
- Trong Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,3-12), Đức Giêsu công bố con đường đi theo Ngài là con đường Hạnh Phúc.
Trong bài giảng đầu tiên trước đám đông nhiều ngàn người, Đức Giêsu đã công khai hứa ban hạnh phúc Nước Trời, là chính Ngài cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài.
Ngài không phủ nhận đời là bể khổ, ở đó có những thân phận bị bạc đãi, bỏ rơi, những con người bị bất công chà đạp, tiêu diệt, những trái tim tan nát vì bị phản bội, bị kết án oan sai, bị vu khống, bách hại. Ngài không từ chối con người đau khổ khi nghĩ đến phận làm người của mình : sinh, lão, bệnh, tử, đặc biệt biết mình phải chết, và chết là thực tại phi lý đáng sợ hơn tất cả. Nhưng vì thương yêu những con người đau khổ, bất hạnh này, vì xót xa thế giới lầm than, bế tắc này, Thiên Chúa đã nhập thể, nhập thế: đến trong thế gian, làm người và ở với con người để ban cho con người chính Ngài là Thiên Chúa, Nguồn Hạnh Phúc đời đời.
Hạnh phúc được hứa ban là chính Ngài, vì Ngài là Nước Trời, là Gia Nghiệp, là Đất Hứa, là Đấng ủi an, Đấng làm cho thoả lòng, Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót, và là Thiên Đàng như Phần Thưởng đời đời cho tất cả “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” của đời người cô đơn, cơ nhỡ, nghèo hèn, sầu thương, bị hà hiếp, bóc lột, (x.Mt 11, 28-30); hạnh phúc con người nhận được từ Đức Giêsu là được chạm vào Ngài, nhìn thấy Ngài, ở với Ngài, làm con Ngài, thông hiệp và đồng hình đồng dạng, trở nên một và thánh thiện như Ngài là Thiên Chúa thánh thiện vì xót thương (x. Lv 19,2; Mt 5,48); hạnh phúc được Đức Giêsu bảo đảm, chính là con người sẽ được sống lại với Ngài, như Ngài đã chết với con người, chết như con người, vì Ngài đến để cho mọi người được sống lại và sống với Ngài trong vinh quang (x. Ga 11,25).
- Ngài trao cho chúng ta sứ vụ mang hạnh phúc của Thiên Chúa đến cho mọi người như chính Ngài được sai đi:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Không chỉ sai đi, Ngài còn ban cho chúng ta năng quyền để thực hiện sứ vụ mang đến hạnh phúc của Ngài cho mọi người : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ..” (Mt 28,18-19). Ngài còn ban cho các vị : “quyền năng để đạp lên rắn rết, bò cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10,19), và hơn thế nữa, Ngài còn khẳng định “anh em hãy vui mừng, vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Nói lời này, Đức Giêsu khẳng định : các môn đệ được sai đi với quyền năng của Thiên Chúa, và với mục đích làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ngài. Vì thế, quyền năng được ban không phải để làm cho người khác đau khổ, bất hạnh, mà làm cho muôn dân nhận được hạnh phúc của Nước Trời, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc có Thiên Chúa ở cùng.
Vì thế, bất cứ người môn đệ nào của Đức Giêsu cũng là người mang hạnh phúc của Thiên Chúa, không chỉ vì họ được mời gọi đi trên con đường hạnh phúc của Nước Trời (x. Mt 5,3-12), mà còn được Đức Giêsu ký thác hạnh phúc lớn lao, vĩ đại nhất là “Ơn Bình An Phục Sinh” của Ngài để các vị mang đến từng nhà, từng người, từng tâm hồn : “Bình an cho anh em” (Ga 20,19.26) “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban bình an của Thầy cho anh em, bình an mà thế gian không ban được” (Ga 14,27) . Vào bất cứ nhà nào, trước tiên anh em hãy nói : “Bình an cho nhà này” (Lc 10,5).
Vì thế, sứ vụ của người môn đệ là đem hạnh phúc, gieo niềm vui, trao ban ơn Bình An phục sinh của Đức Giêsu cho mọi người, không trừ ai, và không bao giờ làm ngược lại. Nhưng để có thể thực hiện sứ vụ đem hạnh phúc, trao ban Ơn Bình An của Đức Giêsu cho muôn dân, người môn đệ trước hết phải tin vào lời hứa hạnh phúc của Đức Giêsu, phải sống Ơn Bình An phục sinh của Đức Giêsu chịu đóng đinh, và phải cảm nghiệm hạnh phúc được sống sự sống của Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, cứu độ. Và điều kiện để đạt được hạnh phúc vừa kể, người môn đệ phải có trái tim đầy Đức Giêsu là Tình Yêu và là Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót. Bỏ quên điều kiện này, người môn đệ không thể hạnh phúc và không bao giờ có thể trao ban hạnh phúc, ơn Bình An phục sinh của Đức Giêsu cho người khác.
Để người môn đệ thực hiện hữu hiệu sứ vụ trao ban hạnh phúc của Thiên Chúa cho muôn dân, Đức Giêsu ban cho các môn đệ của Ngài nhiều nén bạc Tình Yêu hơn người khác (x. Mt 25,14-30) (1 nén bạc tương đương 6000 quan tiền, hoặc 6000 ngày công), và tình yêu chính là khả năng làm được điềm thiêng dấu lạ cho hạnh phúc của con người ở người môn đệ.
Đồng thời, Ngài ở cùng môn đệ của Ngài cho đến tận thế như lời Ngài hứa (x. Mt 28,20), và như lời cầu xin của Ngài với Chúa Cha : “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con vì Cha đã yêu thương con, trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chính vinh quang Thiên Chúa của Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha yêu thương từ đời đời làm cho người môn đệ xác tín: Ngài đích thực là Thiên Chúa tình yêu, Nguồn Hạnh Phúc đời đời cho nhân loại.
- Đức Giêsu còn hứa hạnh phúc đặc biệt cho các môn đệ – nữ tỳ của Ngài :
“Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được gấp trăm … và sự sống đời sau ” (Mc 10,29-30)
Là người môn đệ, nhà truyền giáo, Thánh Phaolô đã tìm ra chià khoá để là người môn đệ, nhà truyền giáo hạnh phúc, đó là sống chính sự sống hạnh phúc của Đức Giêsu khi chia sẻ : “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20), tức kết hiệp với Đức Giêsu, như Ngài đã khẳng định : “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy … để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15.9.11).
Vì thế, đã là môn đệ, nữ tỳ của Đức Giêsu, chúng ta phải hạnh phúc, phải mang hạnh phúc của Thiên Chúa là nguồn vui ơn cứu độ, phải “vui lên trong Chúa” (Tv 31,11), phải tươi vui trên nét mặt, phấn khởi trong tâm hồn, chan hoà hoan lạc trong tư tưởng, lời nói và hăng hái tin tưởng trong hành động, vì Thiên Chúa chúng ta thờ là nguồn vui như lời thánh vịnh :
” Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con gảy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ. Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi ? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người. Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi” (Tv 42,4-5).
- CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC CỦA THIÊN CHÚA
Đức Giêsu cho chúng ta duy nhất một con đường hạnh phúc, đó là bỏ mình, vác thập giá mình và đi theo Ngài :
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Qủa vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mât mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế gới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? ” (Mt 16,24-26; x. Lc 9,23-26; Mc 8, 34-38).
Con đường này có tiến trình rất rõ, được khởi đầu bằng bỏ mình, rồi mới vác thập giá mình, nếu muốn đi theo Đức Giêsu là Sự Sống đời đời.
Tại sao vậy ?
Thưa vì tiến trình này tránh cho chúng ta, những người đi theo Đức Giêsu vì Nước Trời, một tình trạng đáng buồn có thể rơi vào, đó là “hy sinh thì có, nhưng bỏ mình thì không “.
Nhưng làm sao chúng ta có thể bỏ mình, tức bỏ đi sự sống là hồng ân qúy giá nhất của đời mìn, kho tàng không thể để mất, hạnh phúc tuyệt vời, tuyệt hảo ? Làm sao có thể vác thập giá mình ? Và làm sao có thể đi theo Đức Giêsu ?
Thưa, chúng ta bỏ được cái tôi, vì tin yêu Đức Giêsu; vác được thập giá mình vì yêu người như Đức Giêsu yêu; đi theo Đức Giêsu vì được Đức Giêsu biến đổi nên giống Ngài và được sai đi cho chương trình cứu độ của Ngài.
1.XOÁ MÌNH VÌ TIN CHÚA THƯƠNG TA
Chúa muốn chúng ta tin vào Ngài là Người Cha nhân hậu có trái tim của người mẹ; là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót, yêu thương chúng ta vô cùng và đến cùng, nên chúng ta dám bỏ mình vì Chúa, dám xoá mình vì Nước Trời, vì biết chắc rằng Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Trái lại, “ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29-30)
Nhưng đức tin nào là đức tin Chúa muốn nơi chúng ta ?
- Chúa không muốn chúng ta chỉ tin Ngài là Thiên Chúa duy nhất, vì “cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ” (Gc 2,19)
- Chúa không muốn chúng ta tin như người Pharisêu, vì người Pharisêu chỉ tin Thiên Chúa trong lề luật, cơ cấu, lễ nghi bên ngoài, mà tâm hồn thì kiêu căng, tự mãn, ngạo mạn, vì hoàn toàn trống vắng tình yêu, mà chúng ta có thể nhận ra qua phong cách và lời ông cầu nguyện trong Đền Thờ : “Người Pharisêu đứng thẳng và nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mời thu nhập của con” (Lc 18,11-12).
Tin như người Pharisêu là tin vào mình, tin vào cái tôi, và chiêm ngắm chính bản thân mình, mà không tin vào Chúa, hy vọng ở Chúa, ngước mắt nhìn lên Chúa. Tin kiểu này, chúng ta sẽ rơi vào một trong hai tình trạng :
- Hoặc chỉ nhìn thấy công trạng, công lênh, công phúc của mình để kiêu căng, tự phụ, khinh miệt, coi thường và tự cho mình quyền thống trị, bóc lột, lợi dụng người khác như những người Pharisêu bị Đức Giêsu nặng lời lên án trong Tin Mừng Mátthêu (x. Mt 23)
- Hoặc chỉ nhìn thấy những yếu đuối, tội lỗi của mình để rồi hoang mang, sợ hãi, tuyệt vọng như Giuđa (x. Mt 27,3-10).
Câu chuyện tông đồ Phêrô trong Tin Mừng Matthêu 14,22-36 là hình ảnh của chúng ta trên dòng đời rất thường bị cám dỗ nhìn xuống chân mình, nhìn ra chung quanh, nhưng không nhìn vào Chúa, nên đã chìm nghỉm và hoảng sợ tột cùng.
- Chúa không muốn chúng ta chỉ tin bằng đức tin thực dụng, cầu lợi, khi yêu cầu được đáp ứng, đòi hỏi được thoả mãn, đức tin có điều kiện và có lợi, như “mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng : “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” (Mt 12,38). Ý họ là họ sẽ tin Ngài, nếu Ngài làm phép lạ ngay lập tức cho họ xem.
- Chúa không muốn chúng ta tin bằng đức tin thách đố Thiên Chúa như những người Do Thái đã nhạo báng, thách thức Ngài : “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào” (Mt 27,39-40), hay như các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã chế giễu Người mà nói : “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình … Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27, 41-42).
Tóm lại, Đức Giêsu không muốn chúng ta tin bằng đức tin cằn cỗi vì gò bó bởi lề luật do tinh thần vị luật, cứng nhắc vì nặng nề cơ cấu, trống rỗng, vô hồn vì trọng hình thức bên ngoài, nhưng là đức tin có tình yêu, đức tin mà ma quỷ không thể có, và người kiêu căng, vô cảm không thể đạt được.
Đức tin có tình yêu, đức tin trong tình yêu đó hệ tại ở “tôi tin Thiên Chúa yêu tôi, tin Thiên Chúa cứu độ tôi vì yêu tôi, tin Thiên Chúa là hạnh phúc, gia nghiệp, phần thưởng của tôi, vì chúng tôi là con cái Ngài yêu thương vô cùng và đến cùng”.
Vì thế, Chúa muốn chúng ta:
- Tin Thiên Chúa là Tình Yêu :
Vì bản tính của Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Ngài chỉ có thể yêu thương; yếu tính thánh thiện của Thiên Chúa là Thương Xót, nên Ngài chỉ có thể xót thương.Vì thế, chúng ta không thể tin Thiên Chúa, nếu không tin Ngài là Tình Yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8), “vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4,7).
- Tin yêu Thiên Chúa bằng trái tim bé nhỏ, đơn sơ, hồn nhiên, phó thác của con thơ trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền.
- Tin vào Lời Hứa Hạnh Phúc của Đức Giêsu.
- Tín thác và yêu mến Giáo Hội là Bí Tích Đức Giêsu.
Giáo Hội là Thân Thể Đức Giêsu, mà chúng ta là chi thể, nên chúng ta không bao giờ có thể tàn úa, hao mòn hay bị huỷ diệt nhờ mầu nhiệm hiệp nhất, hiệp thông.
- Tin vào ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần.
- HY SINH VÁC THẬP GIÁ MÌNH VÌ YÊU THƯƠNG ANH EM NHƯ CHÚA YÊU THƯƠNG (x. Ga 15,12)
Không tình yêu nào không đòi hy sinh, vì tình yêu không hy sinh là tình yêu giả dối, và hy sinh klhông tình yêu là hy sinh thừa.
Tình yêu của Thiên Chúa cũng theo quy luật này, khi Đức Giêsu chấp nhận hy sinh vác Thánh Giá vì yêu thương nhân loại, và càng hy sinh, tình yêu càng lớn lao, vĩ đại, như Đức Giêsu đã qủa quyết : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13. Cũng thế, từ bỏ triệt để là xoá luôn cái tôi, bỏ luôn cái mình, như Chúa đã xoá mình, hiến mình vì yêu nhân loại từ Máng Cỏ Bêlem, đến Thánh Giá và sau cùng là Thánh Thể.
(xin các sơ xem thêm bài đính kèm : Thánh Thể và cộng đoàn Môn đệ – Nữ Tỳ)
- HÃY ĐỂ CHÚA SAI ĐI KHI ĐI THEO CHÚA
Đi theo Chúa là để được Chúá biến đổi và được sai đi. Nhưng để được như vậy, chúng ta cần thực hiện :
- Làm tâm hồn trống rỗng cái tôi, để Thiên Chúa có thể làm đầy tâm hồn bằng chính Thiên Chúa
- Không cần biết được sai đi đâu, vào vai trò, vị thế, trách nhiệm lớn bé, cao thấp, sang hèn nào, nhưng chỉ cần biết mình là gì khi được sai đi : Ánh sáng, Muối, Men cho đời.
- Ánh sáng thì ở đâu cũng chiếu sáng, chỗ nào cũng xua đuổi bóng tối, dù ở duới gầm giường, vực sâu; Muối thì ở đâu cũng phải mặn để làm cho thịt cá tươi; Men ở đâu cũng làm dậy bột, dù là bột gạo hay bột mì, bột sắn…
- Sống tinh thần người đầy tớ vô dụng của Tin Mừng
Sứ vụ truyền giáo không thể thiếu trên đường hạnh phúc của người Kitô hữu.
- ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH LÀM CHỨNG ƠN GỌI, SỨ MỆNH, VÀ CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC CHÚNG TA ĐI:
- Ngài làm chứng chúng ta là những người môn đệ, nữ tỳ hạnh phúc, vì được nhận ơn bình an của chính Chúa và được chính Chúa sai đi (x. Ga 20 ,19-21)
- Ngài khẳng định hạnh phúc cho những ai tin vào Ngài (x. Ga 20, 29).
- Ngài qủa quyết : cứ tin và tận tuỵ với sứ mệnh “lưới người” được trao phó, và chính Chúa sẽ làm cho “lưới đầy cá.” (Ga 20,4-6).
- Ngài căn dặn: ơn gọi của chúng ta là ơn gọi tình yêu, sứ vụ của chúng ta cũng là tình yêu, và cả động lực cũng không ra ngoài tình yêu, nên không ở trong tình yêu, không được tình yêu hướng dẫn, thúc bách, chúng ta không thể chu toàn trách nhiệm Thiên Chúa ủy thác (x. Ga 21, 15-17)
- Ngài trấn an các môn đệ, nữ tỳ của Ngài : hạnh phúc của những năm tháng cuối đời của mỗi người cũng vẫn là hạnh phúc ở tuổi thanh xuân khi chúng ta đáp lời mời “Hãy theo Thầy” của Ngài (x. Ga 21,18-22).
- Đức Maria, người Nữ Tỳ hạnh phúc của Thiên Chúa:
- Mẹ là người Nữ Tỳ hạnh phúc
Với chúng ta, con người hạnh phúc nhất trần gian này chính là Đức Maria, và Tin Mừng đã làm chứng điều này :
a.
Trình thuật Truyền Tin của Tin Mừng Luca đã khẳng định Mẹ hoàn toàn khác vời Evà trần truồng, nghèo nàn ơn sủng, nhưng là Đấng đầy ơn phúc, qua lời sứ thần Gabriel : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà ” (Lc 1,28).
Đầy ơn phúc nghĩa là chan chứa, ngập tràn hạnh phúc, một tình trạng no đầy, viên mãn bình an, hoan lạc, và lý do Mẹ được đầy ơn phúc, chính là Mẹ có Thiên Chúa ở cùng.
b.
Trong kinh Magnificat, chính Đức Maria đã nhận mình là người hạnh phúc khi Mẹ cất lời tán tụng : “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” và lý do của hạnh phúc Mẹ lãnh nhận chính là Mẹ được Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ đoái thương nhìn tới (x. Lc 1, 47-48).
- Hạnh Phúc của Mẹ đến từ Thiên Chúa vì Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực:
Chúng ta ghi nhận một điểm rất quan trọng ở con người hạnh phúc là Đức Maria, đó là Mẹ hạnh phúc vì có Thiên Chúa ở cùng, hạnh phúc vì được Thiên Chúa thương nhìn tới.
Như thế, hạnh phúc đích thực của chúng ta, những môn đệ, nữ tỳ của Đức Giêsu không đến từ con người, không do con người mang lại nhưng từ chính Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã qủa quyết với các môn đệ của Ngài : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, bình an mà thế gian không ban cho anh em được ” (Ga 14,27).
Bình an là hạnh phúc lớn lao, sâu lắng nhất và không thể mất vì được cất giữ cẩn thận trong tâm hồn.
Khi nhấn mạnh cụm từ: “để lại bình an, ban bình an của Thầy, bình an chỉ có Thầy mới ban cho anh em được”, Đức Giêsu muốn xác quyết : bình an, tức hạnh phúc đích thực không đến từ bất cứ ai, nhưng chỉ đến từ Ngài, duy một mình Thiên Chúa mới ban cho con người hạnh phúc không bao giờ hư mất, không bao giờ bị lấy đi (x. Mt 6,19-23).
- Chúa chỉ ban hạnh phúc cho người khiêm nhường :
Đức Maria đã quả quyết : hạnh phúc Mẹ nhận được là do “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều vcao cả”, và tôn vinh “danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49) .
Tâm tình và thái độ không bao giờ thiếu ở người khiêm nhường là nhận ra hồng ân được ban không do mình xứng đáng, hay do công lênh, công trạng của bản thân mình, nhưng do sự thánh thiện, tốt lành của người ban, và tuyên xưng vinh quang, vinh dự, sự cao cả, cao qúy của người đã ban ơn cho mình, như Đức Maria đã làm (x. Lc 1,48-50).
Khác với người khiêm nhường, người kiêu căng nhận hết về phần mình, dù họ chẳng có gì; họ vơ hết về mình cả quyền năng, và lòng tốt của người thi ân, nhất là trơ trẽn và lố bich dành giật cả quyền sở hữu vinh dự chính đáng và công bình của người thi ân cho mình, vì đặc điểm cố hữu của họ là vô ơn, bất công, bất nghĩa: vô ơn khi không nhận ơn mình nhận là từ người khác, bất công vì chiếm đọat quyền lợi của kẻ thi ân cho mình, và bất nghĩa vì không chỉ phủ nhận mà còn lật đổ vị thế của người đã ban ơn cho mình trong tương quan với mình. Đó là lý do những kẻ kiêu ngạo khi thành đạt luôn tìm cách tiêu diệt những người đã làm ơn, giúp đỡ họ khi họ còn cơ hàn tân khổ, và thiếu thốn, bần cùng để xóa hết vết tích, nhân chứng còn sót lại của qúa khứ nghèo hèn của mình.
- Chúa đối đầu và chống lại người kiêu ngạo:
Một sự thật đáng sợ làm chúng ta ngạc nhiên, bỡ ngỡ, đó là Thiên Chúa không chỉ không ban ơn, mà còn đối đầu với người kiêu ngạo. Đối đầu có nghĩa là đi vào tương quan thù nghịch rất căng thẳng vì không nhân nhượng, không đội trời chung, không đi chung đường. Bằng chứng là chính Đức Maria đã khẳng định qua lời tạ ơn của mình : “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế… người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).
Sở dĩ ở đây “người quyền thế và giàu có” bị xếp vào “phường lòng trí kiêu căng” vì quyền lực và của cải trong tay họ đã không được xử dụng như phương tiện để mưu cầu hạnh phúc cho họ và người khác, nhưng đã trở thành mục đích của đời họ, biến họ thành những kẻ dùng tiền của và thế lực để sở hữu và thống trị mọi người.
Cũng thế, Chúa lấy hết những gì người kiêu ngạo đang có, vì Chúa chống lại họ, như lời thánh Giacôbê : “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6).
Chống lại kẻ kiêu ngạo, Thiên Chúa không chống lại họ, như đối thủ “ngang cơ ngang sức họ” , nhưng vì lòng trí kiêu căng của họ làm khổ con cái nghèo hèn, thiếu thốn, yếu đuối của Ngài, khi họ dùng của cải, thế lực và lòng trí kiêu căng ấy để sở hữu và thống trị con người là con cái tự do của Ngài.
Như thế, ngoài đặc điểm vô ơn, bất công, bất nghĩa, người kiêu ngạo còn một đặc điểm làm Chúa không thể chấp nhận họ và ban ơn cho họ, đó là họ luôn mang tham vọng Sở Hữu và Thống Trị:
- Sở hữu của cải, thế lực chỉ là phương tiện để họ đạt mục tiêu cuối cùng là sở hữu con người, nghĩa là mọi người phải tuân phục, phục vụ họ như nô lệ không còn quyền tự do là quyền của con cái Thiên Chúa, vì tự do là hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi người.
- Thống trị là mục đích của kẻ kiêu ngạo. Cứ quan sát những người kiêu ngạo: họ xông xáo, vất vả, lao tâm lao lực chỉ vì muốn ở trên thiên hạ, nắm đầu thiên hạ, làm cha thiên hạ. Chính vì thế mà họ suốt đời bất hạnh, vì không có hạnh phúc của Thiên Chúa là hạnh phúc chỉ được ban cho những con người khiêm nhuờng được sai đến “để phục vụ và hiến mình làm giá cứu chuộc muôn người”như Chúa (x.Mt 20,24- 28).
Từ đặc điểm khao khát sở hữu và thống trị, người kiêu ngạo đứng vào hàng ngũ của ma quỷ vì để sở hữu và thống trị, họ phải như ma quỷ gian xảo, dối trá, bất chính, tham lam vô độ để sở hữu; phải thủ đọan, hung dữ, ác ôn, tàn bạo, vô cảm, bất công để tồn tại trong quyền lực thống trị. Và Thiên Chúa chống lại họ, vì họ không còn đứng vào hàng ngũ những người chọn Thiên Chúa, đi theo Đức Giêsu, nhưng tự nguyện chọn làm cánh tay nối dài của Lixiphe, tổng lãnh thiên thần ánh sáng đã tự giập tắt ánh sáng thánh thiện của mình vì Kiêu Căng muốn bằng Thiên Chúa để thoả mãn tham vọng sở hữu tất cả , thống trị tất cả của mình.
Đến đây, chúng ta ít nhiều đã nhận ra nguy hiểm của kiêu căng và số phận bất hạnh của người kiêu ngạo, vì người kiêu ngạo tự mình ký bản án của kẻ chống lại Thiên Chúa, khi tự nguyện đứng về phía Thần Dữ, Hoả Ngục.
- Khiêm Nhường là Hạnh Phúc của Thiên Chúa:
- Hạnh phúc của Thiên Chúa vì Chúa yêu người khiêm nhường:
Vì Chúa yêu thương và ban phúc cho người khiêm nhường, nên người khiêm nhường là Hạnh Phúc của Thiên Chúa.
Chúa hạnh phúc trong con người khiêm nhường, Chúa muốn ở lại trong trái tim người khiêm nhường, Chúa chọn người khiêm nhường là bạn tâm giao và chia sẻ, trao gửi tất cả nơi người khiêm nhường.
- Hạnh Phúc của Thiên Chúa vì là phần thưởng Chúa ban cho người khiêm nhường:
Hạnh phúc của Thiên Chúa mà người khiêm nhường nhận được là phần thưởng của Thiên Chúa, vì Chúa ở với người khiêm nhường, và Chúa là nguồn hạnh phúc vô tận của người môn đệ, nữ tỳ khiêm cung, như Đức Maria đã hạnh phúc thốt lên : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46), và như lời thánh vịnh: ” Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con”(Tv 43, 4).
- Khiêm Nhường là đường đưa người môn đệ – nữ tỳ đến hạnh phúc của Thiên Chúa:
- Khiêm nhường đem lại cho ta hạnh phúc của người được Thiên Chúa xót thương. Nhờ khiêm nhường, ta nhận ra mình đã được Thiên Chúa thương xót, nên ta biết chạnh lòng thương xót anh em đang cần lòng thương xót, mà không như người đầy tớ đã không có lòng xót thương chỉ vì không từ bỏ được tham vọng sở hữu, thống trị người anh em còn mắc nợ mình, vì lòng trí anh còn đầy kiêu căng (x.Mt 18,23-35).
- Khiêm nhường dẫn ta đi thẳng vào trái tim thương xót của Thiên Chúa:
Người gian phi bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu đã làm Chúa chạnh lòng và hứa Nước Trời ngay hôm ấy cho anh, vì anh khiêm nhường khi anh lên tiếng làm chứng : “Chúng ta đang chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm gì trái !”Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu : “Ông Giêsu ơi, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,41-42).
- Khiêm nhường là điều kiện để lời cầu nguyện được Thiên Chúa khứng nhận:
Câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện đã cho chúng ta thấy rõ khiêm nhường là điều kiện quan trọng để lời cầu xin được Chúa thương nhận (x. Lc 18,9-14).
- Nhờ khiêm nhường, người Nữ Tỳ tin vào lời hứa của Thiên Chúa:
Bà chị họ Êlisabét đã nói với Maria, em mình : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Bởi không khiêm nhường, Đức Maria sẽ không đủ tín thác để ném mình vào cuộc mạo hiểm của đức tin, như Evà vì không khiêm nhường, nên đã muốn biết điều Thiên Chúa biết trước khi làm điều Thiên Chúa muốn.
Trái tim của đức tin phải đập theo nhịp đập của khiêm nhường, vì chỉ với nhịp đập của khiêm nhường, Tin Mừng và lời kinh Magnificat mới được vang lên thành lời chúc tụng và công bố : Tất cả là hồng ân của Chúa đã làm cho chúng ta.
Đó là nhịp đập đức tin của trái tim trẻ thơ: trái tim đơn sơ, hồn nhiên, phó thác như Đức Giêsu dạy: “Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14)
Nền tảng của niềm vui và nguồn mạch của hạnh phúc chính là Đức Tin. Người Nữ Tỳ tin nên vui, tin nên hạnh phúc, tin Chúa nên yêu đời, yêu người, tin Đức Giêsu là lẽ sống nên sống hay chết vẫn một niềm vui.
Sở dĩ Đức Tin cho chúng ta hạnh phúc, vì Đức Giêsu đã dạy chúng ta tin bằng một đức tin khiêm tốn của trẻ thơ (Lc 18,15-17), mà không tin như bất cứ một ai khác, bởi có rất nhiều niềm tin không được Đức Giêsu chấp nhận, đó là :
- Niềm tin của những người Pharisêu cầu nguyện trong Đền Thờ (Lc 18,9-14)
- Niềm tin của các kinh sư (Lc 20,45-47)
- Niềm tin của đám đông Do Thái đòi dấu lạ
- Niềm tin của người thủ lãnh giàu có (Lc 18,18-27)
- Niềm tin của những người Do Thái giải giao người đàn bà ngoại tình đến trước Chúa (x. Ga 8,1-11)
- Niềm tin của các thủ lãnh và lính tráng (Lc 23,35-37)
- Niềm tin của người gian phi chịu đóng đinh bên trái Đức Giêsu (Lc 23,39)
Nhưng là niềm tin đích thực : Biết mình được yêu, và lắng nghe, tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,27-28); biết mình được yêu, và kể lại tình yêu cùng những việc làm của Thiên Chúa là Tình Yêu vô cùng và đến cùng ấy cho người khác.
Quan sát trẻ thơ: đơn sơ, hồn nhiên, phó thác tuyệt đối
- Không tìm hiểu, nhưng chỉ biết Mẹ yêu và được mẹ yêu
- Không thắc mắc, muốn bằng mẹ, nhưng luôn muốn làm con thơ bé bỏng của mẹ để được mẹ âu yếm, cưng chiều
- Không muốn gì khác, ngoài được ở bên mẹ, “mẹ ở đâu thì con được ở đó với mẹ”, dù là nhà tù, trại giam.
- Ở đâu có mẹ, ở đó có sự sống, tình yêu, bình an, hạnh phúc
- Không nghe ai, không tin ai bằng nghe lời và tin lời mẹ căn dặn.
Em còn làm gì ? Thưa, em còn sung sướng kể cho người khác về tình yêu của mẹ và những việc mẹ làm cho em, và đó là hạnh phúc không gì sánh bằng của em, vì em biết mẹ sẽ rất vui khi biết em nhận ra tình yêu của mẹ, và nói lên tình yêu ấy.
Với đức tin trẻ thơ, chúng ta sẽ tin như Áprham, thánh Giuse, Đức Maria và các tín hữu thánh thiện, khi lắng nghe và làm những gì Thiên Chúa dạy, vì tin một cách vô điều kiện Thiên Chúa là Tình Yêu, và vì là Tình Yêu, nên Thiên Chúa chỉ có thể yêu thương, mà không có thể làm bất cứ điều gì ngược lại tình yêu. Nếu không, Ngài sẽ tự mâu thuẫn với chính Ngài.
Với đức tin trẻ thơ, chúng ta sẽ tin bằng một đức tin khiêm hạ, nghĩa là đón nhận ơn gọi làm Ánh Sáng, Muối, Men cho đời ở bất cứ nơi nào Thiên Chúa sai đến, bất cứ hoàn cảnh nào Thiên Chúa muốn mình nhập cuộc, bất cứ lúc nào, ở tuổi nào Thiên Chúa cần đến mình, vì ở đâu, lúc nào, hoàn cảnh nào, Ánh Sáng luôn có thể chiếu soi, xua tan bóng tối; Muối vẫn mặn và có khả năng làm cho cá thịt không ươn thối; và Men vẫn có thể làm dậy thúng bột, mà không cần phải ở địa vị này, hay phải được cất nhắc lên phẩm hàm, chức tước kia.
Tóm lại, nếu Đức Maria đã hạnh phúc vì Mẹ khiêm nhường và tin, thì người môn đệ – nữ tỳ cũng là Hạnh Phúc của Cộng Đoàn nhờ khiêm nhường trong đức tin như Mẹ; nếu Khiêm Nhường là hạnh phúc của Thiên Chúa, thì khiêm nhường cũng là hạnh phúc của cộng đoàn thánh hiến, vì thành viên có lòng khiêm nhường sẽ mang hạnh phúc của Thiên Chúa cho cả cộng đoàn; vì Thiên Chúa ở với cộng đoàn trong những trái tim môn đệ, nữ tỳ khiêm hạ.
Đàng khác, nếu tin Thiên Chuáa yêu thương là nguồn mạch hạnh phúc của mỗi người, thì cộng đoàn càng có nhiều trái tim tin yêu, càng chan chứa niềm vui thánh hiến; càng đông đảo những tâm hồn khiêm nhường, càng dạt dào hạnh phúc của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu và Nguồn Vui vô tận cho các tâm hồn và cộng đoàn khiêm hạ tin yêu.
Trái lại, cộng đoàn thiếu vắng những con người khiêm nhuờng, hiếm hoi những trái tim nhận ra tình Chúa thương mình, thì khó tránh khỏi thảm họa của một cộng đoàn bất hạnh, vì kiêu căng sẽ đưa đến ganh ghét, đố kỵ, hận thù, bạo lực, và tất nhiên sợ hãi, hoang mang, nghi ngờ, tuyệt vọng, huỷ diệt sẽ là hậu qủa của trái tim trống vắng niềm tin vào một Thiên Chúa là tình yêu, Đấng chỉ có thể yêu mà không thể làm gì khác.
Sở dĩ cộng đoàn thánh hiến cần những con người khiêm nhường, vì cộng đoàn thánh hiến là cộng đoàn yêu thương, mà để yêu thương được trở thành hành động của ý chí khi đón nhận một người khác, kể cả người khác là kẻ thù, vào cuộc đời mình, và để cả hai giúp nhau được tự do hơn, trưởng thành hơn và hạnh phúc hơn thì chủ thể yêu thương không thể là chủ thể kiêu căng, vì kiêu căng luôn nhắm đến sở hữu và thống trị, nhưng chủ thể yêu thương phải khiêm nhường, vì chỉ khiêm nhường mới thực hiện được mục đích của tình yêu là hy sinh để mưu tìm hạnh phúc cho người mình yêu, phục vụ để xây dựng người mình yêu, hiến mình để người mình yêu được “sống và sống dồi dào” như lòng mong ước của Đức Giêsu, Đấng là Chúa và là Thầy của người môn đệ, nữ tỳ (x. Mt 20,28; Ga 10, 10), bởi chỉ người kiêu căng mới tìm sở hữu và thống trị, khác với người khiêm hạ chỉ khắc khoải, thao thức được xoá mình để phục vụ hữu hiệu.
Tóm lại, người môn đệ, nữ tỳ là sứ giả của Hạnh Phúc, người gieo hạt Hạnh Phúc Nước Trời, người làm chứng Thiên Chúa là nguồn Hạnh Phúc, là người rao giảng tin mừng Hạnh Phúc, nên các vị không thể sống bất hạnh, cư xử như người không hạnh phúc, vì như thế, các vị sẽ trở thành những kẻ phản chứng thay vì là chứng nhân; những người sống trái ngược với lời mình loan báo khi sống buồn thảm mà lại rao giảng Tin Vui, Tin Mừng; loan truyền Chúa là Tình Yêu, Nguồn Hạnh Phúc mà đời sống của người được sai đi lại ganh ghét, cay đắng, sầu buồn.
Nhưng trên hết và trước hết, người môn đệ, nữ tỳ đừng quên “Tám mối Phúc thật”là Hiến Chương Nước Trời”, và con đường hạnh phúc là con đường Đức Giêsu muốn chúng ta đi theo Ngài bằng đôi chân hiền lành khiêm nhường, là bài học đầu tiên Ngài dạy các môn đệ Ngài : “Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường ” (Mt 11,29). Và chỉ với hiền lành, khiêm nhường, người Nữ Tỳ mới có được trái tim tin Thiên Chúa là tình yêu, và đơn sơ tín thác đời mình cho Tình Yêu Chúa Kitô đưa đẩy, thúc bách theo thánh ý Ngài.
Ước gì đời người Môn Đệ, Nữ Tỳ mãi là đời hạnh phúc trong Chúa là Nguồn Mạch của mọi Hạnh Phúc trên trời dưới đất, bằng sống như Đức Maria, Đấng được đầy tràn ơn phúc, được bao phủ bởi Hạnh Phúc là chính Đức Giêsu, Đấng Mẹ cưu mang.
Jorathe Nắng Tím
Tài liệu đọc thêm:
AUGUSTINÔ, VỊ THÁNH CỦA NGƯỜI TRẺ HÔM NAY, chương 3 : Khát Vọng Hạnh Phúc, Jorathe Nắng Tím, 2016.
Tin cùng chuyên mục
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA NĂM B – ÔNG LÀ VUA SAO?
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)