Số 8: Có thể sử dụng cây nến phục sinh làm bằng nhựa (plastic) thay vì bằng sáp?
1. Ý nghĩa cây nến phục sinh?
Trên thế giới, nhiều tôn giáo sử dụng nến hoặc đèn cầy để thắp sáng trên bàn thờ. Từ xa xưa, nến phục sinh đã được các quốc gia theo Ki-tô giáo sử dụng cho đến ngày nay. Năm 384 thánh Hiêrônimô (347-419) cho rằng, sự sống là ý nghĩa biểu tượng của nến phục sinh. Năm 417, Đức Giáo Hoàng Zosimus (Dô-si-mô) nhìn nhận, nến phục sinh là biểu tượng sự chết và sống lại của Chúa Giê-su.
Nến phục sinh có mối liên hệ với dân Ít-ra-en. Sau khi họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, trên hành trình tiến về đất hứa, cột lửa luôn đi trước chiếu sáng dẫn đường cho họ. Tương tự như vậy, cây nến phục sinh tượng trưng cho Chúa Ki-tô phục sinh là cột lửa chiếu sáng dẫn đường cho đoàn chiên Hội thánh băng qua thung lũng tối tăm tội lỗi.
Trên cây nến phục sinh được viết chữ Alpha và Omega, niên hiệu của năm, hình cây thánh giá, và năm dấu đinh. Những dấu hiệu mang ý nghĩa biểu tượng này được viết trên cây nến phục sinh từ thế kỷ thứ IX. Chữ Alpha là mẫu tự đầu tiên trong bảng chữ cái Hy-lạp mang ý nghĩa, Chúa Giê-su là khởi đầu công trình sáng tạo mới. Chữ Omega là mẫu tự cuối cùng trong bảng chữ cái Hy-lạp mang ý nghĩa, Chúa Giê-su là tận cùng công trình sáng tạo. Cây thánh giá với năm dấu đinh mang ý nghĩa, Chúa Giê-su bị đóng đinh trên đôi tay, đôi chân, nơi lồng ngực bị đâm thủng, và trên đầu Ngài đội mão gai. Con số của năm niên lịch mang ý nghĩa, thời gian là của Chúa.
Cây nến phục sinh được dựng trên cung thánh trong thánh đường từ lễ vọng phục sinh tới hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, sau đó được đặt bên cạnh giếng rửa tội.
Cây nến phục sinh mang sứ điệp: Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại. Ngài đã chiến thắng sự chết. Sự phục sinh của Ngài xóa tan bóng tối tội lỗi. Ánh sáng mạnh hơn bóng tối.
Ngọn lửa cây nến Chúa phục sinh diễn tả: Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng trần gian, như lời Ngài đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Trong năm phụng vụ, nến phục sinh được thắp sáng khi cử hành bí tích Rửa tội và lễ an táng.
Bí tích Rửa tội. Cha hoặc mẹ người lãnh nhận bí tích Rửa tội lấy lửa từ cây nến phục sinh thắp sáng cây nến của mình. Với cử chỉ này, họ biểu lộ quyết tâm dấn thân cùng người phối ngẫu và cha mẹ đỡ đầu người tân tòng, để giúp họ bước đi trong ánh sáng của Chúa Ki-tô.
Lễ an táng. Nến phục sinh được thắp sáng tượng trưng cho mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, nhắc nhở chúng ta rằng, một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được phục sinh trong vinh quang của Thiên Chúa Cha.
2. Có thể sử dụng cây nến phục sinh làm bằng nhựa (plastic) thay vì bằng sáp?
Việc sử dụng nến phục sinh làm bằng nhựa với que sáp tái tạo bên trong hoàn toàn có lý do thực tế. Không thể phủ nhận tính tiện lợi của nó. Chẳng hạn, sử dụng loại nến này sẽ tiết kiệm và sạch sẽ hơn vì không bị sáp nến chảy ra. Tuy nhiên, ngoài tính hữu dụng thì nó không phù hợp với đời sống đạo. Chúng ta có thể tặng người thân bông hoa làm bằng nhựa vì nó tiện lợi, tươi lâu hơn và không cần tưới nước? Phụng vụ không phải là một hoạt động hướng tới tính tiện lợi nhưng là cuộc gặp gỡ giữa Tân nương với Tân lang (x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ, số 9). Chỉ có những cử chỉ phụng vụ chân thực mới làm nên những Ki-tô hữu đích thực.
Đời sống Ki-tô giáo không chỉ tùy thuộc vào cây nến phục sinh. Tuy nhiên, trong phụng vụ cũng như trong mọi gia đình, giáo dục là kết quả của nhiều yếu tố nhỏ mà mẫu số chung là sự thật. Toàn bộ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vaticano II thấm nhuần mối quan tâm tới sự thật của cử chỉ, sự vật và con người. Cần phải vững tin vào phụng vụ như một “nơi giáo dục và mạc khải” đức tin để chọn lựa một cách có trách nhiệm giữa tính tiện lợi và sự thật, giữa sự thoải mái và ý nghĩa.
Với tinh thần tôn trọng sự thực trong mọi cử hành phụng vụ, Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích đã chỉ dạy như sau: “Nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi; để nó diễn tả một sự thật rằng Chúa Ki-tô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian” (Huấn thị Chuẩn bị và cử hành lễ phục sinh, năm 1988).
3. Tại các nhà thờ, nhà nguyện không có Thánh lễ vọng phục sinh, các tín hữu có thể xin làm phép cây nến phục sinh ở nhà thờ, nhà nguyện có Thánh lễ vọng phục sinh, để sử dụng khi cử hành bí tích Rửa tội, lễ an táng và trong mùa Phục sinh?
Một thực tế hiện nay vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, miền truyền giáo, nơi thiếu các linh mục…, ngay cả trong Tổng Giáo phận Hà Nội, nhiều nhà thờ, nhà nguyện không có Thánh lễ vọng phục sinh. Sách lễ Rôma không dự trù làm phép những cây nến phục sinh dành cho các nhà thờ, nhà nguyện không có Thánh lễ vọng phục sinh cùng với cây nến phục sinh tại nhà thờ, nhà nguyện có Thánh lễ vọng phục sinh. Để giải quyết vấn đề mục vụ này, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra gợi ý như sau: Có thể làm phép những cây nến phục sinh cho các nhà thờ, nhà nguyện không có Thánh lễ vọng phục sinh cùng với cây nến phục sinh tại nhà thờ, nhà nguyện có Thánh lễ vọng phục sinh. Tuy nhiên, sau nghi thức làm phép lửa và thắp sáng cây nến phục sinh, chỉ rước vào nhà thờ cây nến phục sinh dành cho nhà thờ nơi có cử hành Thánh lễ vọng phục sinh. Những cây nến phục sinh còn lại sẽ được mang về các nhà thờ, nhà nguyện không có Thánh lễ vọng phục sinh và sử dụng trong mùa phục sinh, khi cử hành phép Rửa, và lễ an táng (x. Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Eighteen Questions on the Paschal Triduum – Mười tám câu hỏi về Tam Nhật Thánh).
Gợi ý, hướng dẫn giải quyết vấn đề mục vụ thực tiễn này của Ủy ban Phụng tự Hoa Kỳ, theo suy nghĩ của tôi là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, cây nến phục sinh là hình ảnh tượng trưng diễn tả Đức Ki-tô phục sinh. Hình ảnh tượng trưng này hiện diện tại các nhà thờ nhà nguyện không có Thánh lễ vọng phục sinh thì tốt hơn là không có hình ảnh này.
Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ
Nguồn:https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Tin cùng chuyên mục
BỎ VÀO TẤT CẢ (25.11.2024 – THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN)
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA NĂM B – ÔNG LÀ VUA SAO?
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)