Phúc Âm: Ga 20, 19-31
“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niêm 1: VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA
“Chúng tôi đã được thấy Chúa”
Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ.
Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất,
nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi.
Ðộng từ “thấy” được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này.
Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm.
Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay.
Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn.
Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin.
Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.
“Phúc cho ai không thấy mà tin”
Chúng ta vẫn tin bao điều mình không thấy.
Các bạn trẻ vẫn tin vào tình yêu, tình bạn.
Các đôi vợ chồng vẫn tin vào sự chung thủy của nhau,
dù chẳng ai thấy rõ hết lòng dạ con người.
Tin không phải là một hành vi mù quáng, phi lý.
Tin chẳng hề làm hạ giá con người.
Trái lại, chỉ con người mới biết tin và dám tin.
Nhờ tin, tôi không còn bị giam trong thế giới chật hẹp
của cân đo đong đếm, của vật chất khả giác,
nhưng được đưa vào một thế giới phong phú hơn nhiều:
thế giới của những ngôi vị tự do, của chính Thiên Chúa.
Tin là chấp nhận bấp bênh, là có thể bị lừa.
Nhưng nếu không tin thì không thể sống được.
Vấn đề là tôi phải biết tôi đã tin vào ai.
Khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng niềm tin:
niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào con người.
Cả hai niềm tin nâng đỡ nhau và cho tôi hạnh phúc.
Ông Tôma không tin vào lời chứng của các bạn,
nên ông chậm tin vào việc Chúa phục sinh.
Khi Chúa giúp ông lấy lại niềm tin vào Chúa,
ông sẽ gắn bó hơn nhiều với cả tập thể.
Chúng ta là những kẻ không thấy mà tin.
Không thấy bằng mắt thường,
nhưng vẫn thấy bằng con mắt đức tin.
Tin là một cách thấy nghiêm túc.
Người tin là người thấy bằng trái tim.
Họ thấy được Ðấng Vô Hình rõ hơn cả cái hữu hình.
Kitô hữu là người tin Chúa, nên cũng là người thấy Chúa.
Thấy Thiên Chúa hiện diện như người Cha nhân từ.
Thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người trên trái đất,
sống chết chỉ vì say mê Cha và say mê con người
và đã sống lại để cho cuộc đời một ý nghĩa mới.
Thấy mọi người là con cái Cha và là anh em của nhau.
Dù những điều chúng ta tin thật là mầu nhiệm,
nhưng đó không phải là chuyện mơ hồ, viễn vông.
Thế giới hôm nay chỉ tin vào những người đã thấy.
Ước gì chúng ta dám mạnh dạn tin Chúa hơn,
để có thể thấy Chúa tỏ tường hơn
và giúp người khác thấy điều mình đã thấy.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Suy niệm 2: BÌNH AN CHO ANH EM
Giáo hội đặc biệt dành Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh
để kính Lòng Chúa Thương xót.
Khi đi rao giảng, Đức Giêsu hay chạnh lòng thương
trước những người bệnh tật, khổ đau, tội lỗi.
Khi bước vào cuộc Khổ nạn và đi đến cái chết,
chúng ta cũng thấy trái tim Ngài đầy tình xót thương.
Ngài thương các môn đệ khi mắt họ nặng trĩu ở Vườn Dầu,
Ngài để cho họ ngủ dù rất mong họ thức (Mt 26,43-44).
Ngài chấp nhận nụ hôn phản bội của Giuđa
và đứng ra bảo vệ để các môn đệ rút lui an toàn (Ga 18,8-9).
Ngài sờ vào tai của anh đầy tớ vị thượng tế để chữa lành,
sau khi tai anh bị chém đứt (Lc 22,51).
Lúc gà gáy, Ngài quay lại nhìn Phêrô sau khi ông chối Ngài.
Cái nhìn cảm thông, tha thứ, khiến ông bật khóc (Lc 23,62).
Trên đường lên Núi Sọ, khi các phụ nữ khóc thương Ngài,
Ngài lại tỏ lòng thương họ, vì tai họa họ sắp phải chịu (Lc 23,28).
Trên thập giá, Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình,
và ban ơn cứu độ cho người trộm biết thống hối (Lc 23,34.43).
Cử chỉ tình yêu cuối cùng của Ngài là gắn kết
Mẹ của mình với anh môn đệ mình thương:
“Đây là con của Bà… Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27).
Khi Đức Giêsu được Chúa Cha phục sinh từ cõi chết,
Ngài được vào vinh quang đã có trước đây (Ga 17,24),
được Cha trao mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18).
Nhưng Đấng chiến thắng vẫn là Chúa xót thương,
Đấng đầy quyền năng thần linh vẫn quý tự do con người.
Chúa phục sinh đã không đi gặp Philatô,
để trừng phạt ông này về tội hèn nhát.
Ngài không hiện ra để lên án sự vô trách nhiệm của ông.
Chúa phục sinh cũng không đi gặp các thượng tế
để vạch trần lòng dạ xấu xa của họ,
khi họ lên kịch bản công phu nhằm hãm hại Ngài,
khi họ thách thức Ngài xuống khỏi thập giá (Mt 27,42).
Bây giờ Ngài có thể hiện ra với họ để bắt họ phải tin.
Nhưng Ngài đã không làm.
Những người được Đấng phục sinh hiện ra,
đều là các môn đệ và tín hữu (1 Cr 15,3-8).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy
lòng thương xót vô bờ của Đấng phục sinh.
Ngài đi bước trước đến với các môn đệ,
để nâng đỡ họ sau biến cố thập giá kinh hoàng,
biến cố làm vỡ tan mọi hy vọng và sụp đổ mọi ước mơ.
Các môn đệ mang mặc cảm vì đã chối Thầy, bỏ Thầy.
Thầy đến để an ủi và chữa lành các thương tích
bằng việc cho họ thấy các vết thương trên thân thể mình.
Các dấu đinh ở tay chân, và dấu đâm ở cạnh sườn Thầy
đem lại niềm vui và niềm tin về vị Thầy đã chết
nhưng nay đang sống và đang đứng bên họ.
Đấng phục sinh tế nhị không nhắc lại chuyện đã qua.
Ngài đưa họ về phía trước, và sai phái họ lên đường.
Rồi sẽ đến lúc họ phải mở toang mọi cánh cửa khép,
thắng vượt mọi sợ hãi để chịu chung số phận với Thầy.
Đấng phục sinh là Đấng có trái tim thương xót.
Ngài không muốn mất Tôma, vì Ngài biết tính của anh ấy.
Ngài hiểu những đòi hỏi có vẻ quá đáng của anh,
và biết anh muốn tin một cách nghiêm túc.
Chính vì thế một tuần sau, Ngài đã trở lại để gặp anh,
và thỏa mãn mọi điều anh đòi hỏi (Ga 20,27).
Thầy Giêsu vui sướng khi thấy lòng tin của anh mềm lại.
Anh chịu thua khi thấy tình thương Thầy dành cho mình,
chỉ biết thốt lên lời tuyên xưng: Lạy Thiên Chúa của con!
Tình thương của Thầy không chỉ dành cho Tôma,
mà còn trải rộng đến đoàn tín hữu tương lai.
Vẫn có những con chiên cần được đưa về ràn (Ga 10,16).
Vẫn có những người vì không thấy nên chưa tin (Ga 20,29).
Vẫn có những người đã tin nhưng nay đức tin bị mất.
Mùa Phục sinh là thời gian bắt chước Đấng phục sinh
đi thăm các Tôma ở quanh ta…
Cầu Nguyện
Lạy Cha là Chúa trời đất,
Cha là Cha toàn năng,
nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.
Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.
Cha đã cho con người cùng được chia sẻ tự do của Cha,
và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,
dù con người vẫn lạm dụng tự do để làm điều xấu.
Lạy Cha toàn năng,
Khi trao cho loài người chúng con tự do,
Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.
Bởi đó sự dữ có sức tung hoành trong thế gian này.
Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,
chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.
Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công
của bao người thấp cổ bé miệng trên thế giới.
Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá của Con Cha
trở nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu Cha
đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,
chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.
Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.
Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.
Chúng con tin vào tình yêu Cha
dành cho từng người ngay giữa sóng gió.
Và chúng con biết mình không bao giờ phải thất vọng. Amen.
Suy niệm 3: HÃY NHÌN XEM
Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo,
hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã.
Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.
Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua.
Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ,
Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn.
Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng:
Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu;
Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo,
dù điều đó chẳng đẹp gì.
Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.
Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.
Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức
cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.
Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình.
Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành.
Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành sẹo.
Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương.
Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó.
Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh.
Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.
Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến
để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình.
Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập,
để bước vào thế giới của lòng tin.
Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy,
nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,
nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.
Cần tập thấy Chúa để rồi tin.
Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình,
của Hội Thánh, của cả thế giới,
để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt
giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau.
“Phúc cho những ai không thấy mà tin”,
và phúc cho những ai biết thấy nên tin.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người -cũng như con- đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con sẽ về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu Phục Sinh
Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ cùng một nơi, vì muốn củng cố niềm tin cho ông Toma. Ngài lắng nghe và hiện đến để đáp ứng yêu cầu của ông Toma. Chính khi Chúa mời gọi ông Toma kiểm tra những vết thương của Ngài là lúc mắt ông mở ra. Ông không cần chạm nữa vì những gì ông yêu cầu, những lời ông nói với anh em, giờ đây Chúa lặp lại đầy đủ. Chúa mời gọi ông đừng cứng lòng nhưng hãy tin. Chúa Giêsu đã rất kiên nhẫn với các môn đệ, khi Ngài hiện ra theo yêu cầu của họ. Sự kiên nhẫn của Chúa diễn tả một tình yêu rất lớn dành cho các ông. Ngài muốn các ông tin để rồi các ông làm cho nhiều người tin. Chúa luôn kiên nhẫn với chúng ta, mỗi khi chúng ta yếu đuối. Ngài không hiện ra tỏ tường để chúng ta thấy, nhưng Ngài âm thầm hiện diện bên cạnh bằng ân sủng để hướng dẫn và chở che mỗi người. Tuy nhiên sự cứng lòng và ý riêng nhiều khi cản trở chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài. Hãy trở thành những người được Thiên Chúa chúc phúc vì không thấy mà vẫn tin.
Lạy Chúa, sống giữa thế giới thực dụng này cũng dễ làm cho đức tin của chúng con lung lay. Xin Chúa ban thêm đức tin để khi đối diện với những thách đố, biến cố trong đời dù chưa hiểu được ý Chúa, nhưng chúng con vẫn tin và bước theo Chúa đến cùng. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
Tin cùng chuyên mục
Ai tín: Thân phụ Sr. Maria Nguyễn Thị Thanh Uyên
ĂN CHAY CHỜ CHÚA (20.01.2025 – THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN)
HỌ HẾT RƯỢU RỒI (19.01.2025 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN, NĂM C)
KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI (18.01.2025 – THỨ BẢY TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)