GIÁO HUẤN GIÁO HỘI VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Giáo Huấn Giáo Hội về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội

GIÁO HUẤN GIÁO HỘI VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

 

Giáo Huấn Giáo Hội về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội

NHẬP ĐỀ

Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội[1] không dành một chương riêng cho chủ đề Truyền thông xã hội.[2] Đề tài này được đề cập trong chương Tám “Cộng đồng chính trị”, trong số những định chế của chế độ dân chủ (số 414-416), và trong chương Mười Hai “Hoạt động của Giáo Hội”, khi bàn về sự dấn thân của các giáo dân trong lãnh vực văn hóa (số 560-562). Thiết tưởng cũng nên biết là Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo đặt việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong phần luân lý, liên quan đến điều răn thứ Tám (số 2493-2499).

Trong bài này, sau vài nhận xét về từ ngữ, chúng tôi sẽ trình bày ba điểm: 1/ Những khái niệm về Truyền Thông Xã Hội. 2/ Các văn kiện của Giáo Hội về Truyền Thông Xã Hội. 3/ Vài tiêu chuẩn hành động dựa theo các văn kiện của Giáo Hội.

Nhận xét từ ngữ: Communication

Có lẽ cụm từ “Truyền Thông Xã Hội” mới được lưu hành ở Việt Nam trong hậu bán thế kỷ XX, để dịch các từ ngữ “mass media, social communication”. Nói đến“truyền thông xã hội” (hoặc: truyền thông đại chúng)[3] chúng ta liên tưởng ngay đến các “phương tiện”dùng để truyền thông (hay thông tin), chẳng hạn như: báo chí, radio, TV, internet,v.v… hơn là chính sự“truyền thông” (truyền thông cái gì, truyền thông để làm gì). Trong ngôn ngữ châu Âu (Latinh, Pháp, Anh), Communication đã có một lịch sử lâu đời, với ý nghĩa là“chuyển đạt, truyền đạt, thông đạt, chia sẻ, thông phần”. Không lạ gì mà thần học áp dụng danh từCommunication cho Thiên Chúa (Thiên Chúa thông ban chính mình cho nhân loại), cho Giáo Hội (Giáo Hội thông chuyển ơn cứu độ của Đức Kitô), cho các bí tích (sự hiệp thông các bí tích communicatio in sacris; đối lại là hình phạt “tuyệt thông”, excommunicatio).

Trong bối cảnh ấy, khi bàn về vấn đề truyền thông, Giáo Hội nhấn mạnh đến mục tiêu của nó là tạo ra mối tương quan giữa con người (xét như cá nhân hoặc cộng đoàn); đây là tiêu chuẩn căn bản đánh giá vai trò của các “phương tiện truyền thông”: chúng có thực tạo ra sự liên kết giữa con người với nhau hay không, hoặc chỉ gây ra chia rẽ, đố kỵ?

I. MỘT VÀI KHÁI NIỆM

A. Truyền thông và Phương tiện truyền thông

Con người sống trong xã hội, muốn thông tin cho nhau, trao đổi những hiểu biệt và tâm tình cho nhau. Đây là nền tảng của văn hóa. Sự trao đổi hoặc truyền thông có thể diễn ra ở nhiều cấp: giữa các chủ thể, hoặc trên bình diện xã hội, hoặc trên bình diện đại chúng. Sự truyền thông giữa các chủ thể thường mang tính cách trực tiếp (đôi khi cũng dùng dụng cụ, chẳng hạn như điện thoại). Sự Truyền Thông Xã Hội thường mang những ý nghĩa nào đó cho một nhóm, và đòi hỏi những dụng cụ để chuyển tải sứ điệp đến cho cả nhóm nhằm góp phần vào việc xây dựng đời sống xã hội.

B. Phân loại

Có nhiều tiêu chuẩn để phân loại các phương tiện Truyền Thông Xã Hội

1/. Dưới khía cạnh lịch sử: xét theo thứ tự thời gian xuất hiện

Lúc bắt đầu, con người giao tiếp với nhau bằng lời nói và cử chỉ. Để sự thông tin được quảng bá hơn (về thời gian và không gian), con người sáng chế chữ viết (và giấy), rồi đến kỹ thuật khắc mộc và máy in. Sang thế kỷ XIX, con người sử dụng điện tín, điện thoại. Thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của máy phát thanh, điện ảnh, truyền hình, computer, mạng internet.

2/. Dưới khía cạnh kỹ thuật: sự phân loại các cấp độ dựa trên sự can thiệp của kỹ thuật vào việc truyền thông

a/. Những phương tiện cấp một: những phương tiện sơ đẳng giúp con người tiếp xúc và thông tin cho nhau, không cần đến dụng cụ máy móc.

b/. Những phương tiện cấp hai: cần đến máy móc để sản xuất, nhưng không cần máy móc để tiếp nhận. Thí dụ: báo chí cần có máy in để phát hành, nhưng độc giả không cần dùng máy để đọc.

c/. Những phương tiện cấp ba: cần đến máy móc để sản xuất cũng như để tiêu thụ. Thí dụ: cuốn phim cần đến máy khi sản xuất (máy quay phim) cũng như khi tiêu thụ (máy chiếu phim); phát thanh cần đến máy để phát (đài phát thanh) và máy để nghe (radio).

d/. Những phương tiện đại chúng: nhắm đến một đám quần chúng đa diện và vô danh, được thực hiện qua hình ảnh và âm thanh. Ở đây việc truyền thông không nhắm tạo ra tương quan liên chủ thể. Các phương tiện chính yếu của truyền thông đại chúng là: truyền thanh, truyền hình, internet, báo chí, điện ảnh. Qua các phương tiện này, người ta có thể nhắm đến sự truyền thông xã hội hoặc thương mại.

– Truyền thông xã hội: phát ra những ý tưởng (triết học, ý thức hệ, tư tưởng,v.v…), qua những đường lối giáo dục, quảng bá, tuyên truyền, nhằm tạo ra một dư luận xã hội.

– Truyền thông thương mại: nhắm tới đối tượng là các người mua sắm, khách hàng.

e/. Những phương tiện phụ thuộc: nhắm đến một đối tượng thu hẹp, nhằm tạo ra một mối tương quan với những người ấy. Ta có thể kể đến các phương tiện quảng cáo làm thí dụ.

II. NHỮNG VĂN KIỆN GIÁO HỘI

Kể từ khi nào Giáo Hội lên tiếng về các phương tiện truyền thông? Câu trả lời tùy theo chúng ta hiểu truyền thông theo nghĩa nào. Như vừa nói trên đây, hiểu theo nghĩa rộng, truyền thông gắn liền với bản tính con người: con người chuyển đạt ý tưởng và tâm tình cho người khác, bằng các dấu hiệu của lời nói và chữ viết. Kinh Thánh là một bằng chứng của việc truyền thông(điển hình là các thư của Thánh Phaolô). Lịch sử văn hóa các dân tộc cũng ghi nhận nhiều hình thức truyền thông khác nữa, chẳng hạn như: nghệ thuật tranh ảnh, tuồng kịch. Vào thời cận đại, những phương tiện ấy được cải tiến nhờ những kỹ thuật khoa học: ngành in ấn (thay vì viết tay) đã giúp tăng gia việc xuất bản sách báo (đứng đầu là sách Kinh Thánh); ngành điện ảnh làm biến dạng không ít việc trình diễn trên sân khấu. Trong tất cả các mục vừa kể, Giáo Hội đều can thiệp hoặc tích cực (khuyến khích) hoặc tiêu cực (cảnh báo nguy cơ, chẳng hạn luật kiểm duyệt sách báo, để tránh những sai lệch về đức tin và phong hóa).[4]

Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ để ý đến những phương tiện truyền thông “đại chúng”. Dưới khía cạnh này, các học giả thường chỉ giới hạn vào các văn kiện trong thế kỷ XX, và cụ thể hơn nữa là bắt đầu từ Công Đồng Vatican II. Trước hết, chúng ta hãy điểm qua những văn kiện chính; kế đó chúng ta nêu bật vài tư tưởng nổi bật.

A. Điểm qua các văn kiện của Giáo Hội [5]

1. Thông điệp Vigilanti Cura (29/6/1936) của Đức Thánh Cha Piô XI.[6] Lần đầu tiên một thông điệp giáo hoàng viết về phương tiện Truyền Thông Xã Hội, bàn về điện ảnh, lúc đầu hướng đến các Giám mục Hoa kỳ và sau đó đến các toàn thể các Giám mục trên thế giới. Văn kiện không chỉ lo bảo vệ khỏi những nguy hiểm của điện ảnh như trước đây, nhưng có một cái nhìn tích cực hơn.

2. Thông điệp Miranda Prorsus (8/9/1957) do Đức Thánh Cha Piô XII ban hành, trình bày quan điểm của Giáo Hội về các phương tiện: điện ảnh, radio, TV. Thông điệp đề ra vài nguyên tắc mục vụ trong lãnh vực truyền thông. Văn kiện có cái nhìn tích cực đối với các phương tiện vừa kể, ca ngợi sự tiến bộ của kỹ thuật như là sáng kiến của con người.

3. Thông điệp Inter Mirifica (4/12/1963, viết tắt IM). Đây là lần đầu tiên một Công Đồng ban hành một văn kiện về Truyền Thông Xã Hội.[7] Giáo Hội bàn về “truyền thông” như là một tiến trình giữa con người (chứ không chỉ dừng lại ở “phương tiện”). Sắc lệnh đề nghị tạo ra một văn phòng Tòa Thánh chuyên môn về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội (tiền thân của Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội hiện nay), cũng như một văn phòng tại mỗi quốc gia với nhiệm vụ chính là thống nhất các nỗ lực, huấn luyện lương tâm, định hướng hoạt động cho các tín hữu. Công Đồng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo hàng giáo sĩ cũng như các giáo dân chuyên môn để đáp ứng những thách đố của thời đại.[8]

4. Huấn thị Communio et Progressio (23/5/1971, viết tắt CP) của Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, nhằm thực thi những chỉ thị của Công Đồng Vatican II. Văn kiện có cái nhìn tích cực về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội, được coi như Hiến chương của việc truyền thông. Huấn thị trình bày Đức Kitô như là một nhà truyền thông toàn hảo, và Bí tích Thánh Thể được nhìn như sự truyền thông hướng đến sự hiệp thông.

5. Thông điệp Redemptoris Missio (8/12/1990). Trong thông điệp về sứ mạng truyền giáo, Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến việc huấn luyện Dân Chúa sử dụng những phương tiện này cho việc loan báo Tin Mừng. Bên cạnh việc sử dụng các phương tiện, thông điệp còn đánh giá chúng như là một “diễn đàn” (areopagus) quan trọng cho sứ mạng của Giáo Hội và văn hóa thời đại (số 37).

6. Huấn thị Aetatis Novae (22/2/1992, viết tắt AN) do Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội ban hành nhân kỷ niệm 20 năm Huấn thị Communio et progressio. Văn kiện suy nghĩ về những hậu quả mục vụ của những cuộc cách mạng kỹ nghệ, cách riêng về ảnh hưởng của các phương tiện Truyền Thông Xã Hội đối với các cá nhân và đời sống xã hội. Văn kiện mời gọi hợp tác trong công việc mục vụ với các chuyên gia về truyền thông.

7. Luân lý trong việc quảng cáo (22/2/1997). Văn kiện của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, lưu ý về những đóng góp tích cực của quảng cáo cũng như những vấn đề luân lý của lãnh vực này.

8. Luân lý trong ngành Truyền Thông Xã Hội (2/6/2000). Văn kiện của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội, suy tư về những mục tiêu mà các phương tiện này nhắm đến cũng như về việc sử dụng về phía người tiếp nhận. Văn kiện nhắm cách đặc biệt đến những người hoặc cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát hoặc quyết định các cơ cấu của việc truyền thông. Vào đầu thiên niên kỷ mới, văn kiện nhìn thấy một “Xã hội Truyền thông” như một cuộc cách mạng văn hóa, khi con người không chỉ truyền thông và tiếp nhận thông tin, mà còn đồng hóa cuộc sống của mình với cảm nghiệm được truyền thông.Việc sử dụng các phương tiện này có thể gợi lên sự trắc ẩn và đồng cảm, hoặc tạo ra sự cô lập và vô cảm nơi những con người tiếp nhận, và họ thường chịu ảnh hưởng một cách vô thức.

9. Giáo Hội và Internet (28/2/2002). Văn kiện do Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội soạn thảo, bàn về Internet như là một hình thức đặc biệt của Truyền Thông Xã Hội. Internet đang góp phần vào việc những thay đổi cách mạng trong thương mại, giáo dục, chính trị, các tương quan quốc nội và quốc tế. Cần phải khuyến khích việc sử dụng đúng đắn để góp phần vào sự phát triển, công lý và hoà bình.

10. Luân lý trên Internet, được cơ quan nói trên ban hành vào cùng một ngày. Văn kiện này trình bày quan điểm của Giáo Hội về internet như là khởi điểm của sự tham dự vào cuộc đối thoại với các thành phần xã hội. Internet mang theo nhiều hiệu quả tích cực, nhưng cũng có thể gây nhiều tai hại. Vì thế cần có nguyên tắc để định hướng cho việc sử dụng, dựa trên tiêu chuẩn phát triển toàn diện của con người.

11. Tông thư Il rapido sviluppo (24/1/2005) của Thánh Gioan Phaolô II gửi những nhà hữu trách về Truyền Thông Xã Hội. Các tiến triển của các phương tiện Truyền Thông Xã Hội được nhìn như một dấu hiệu của sự tiến bộ xã hội, và đặt ra cho Giáo Hội những thách đố mới, làm thế nào đưa sứ điệp Tin Mừng vào “văn hóa mới” mà chúng tạo nên.

Đó là chưa kể đến những sứ điệp của Đức Thánh Cha được ban hành mỗi năm (kể từ năm 1967) để cử hành ngày Truyền Thông Xã Hội (Chúa Nhật sau lễ Thăng Thiên).

Nhìn lại các văn kiện trong vòng 80 năm ta thấy có sự tiến triển rõ rệt trong quan niệm về các phương tiện truyền thông. Từ thái độ dè dặt lúc đầu vì chỉ nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực (thí dụ đối với phim ảnh), dần dần các văn kiện nhận ra giá trị tích cực của chúng. Từ đó các tín hữu cần được huấn luyện để biết sử dụng chúng trong việc thăng tiến cá nhân và xã hội. Giáo Hội có nghĩa vụ phải tham gia vào việc truyền thông, không chỉ để loan báo Tin Mừng cứu độ mà còn giúp kiến tạo một nền văn hóa nhân bản, phát triển một cộng đồng nhân loại biết chia sẻ những nguồn lợi tinh thần và vật chất.

B. Những đề tài chính trong Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội về Thông tin và Truyền Thông Xã Hội

Những nguyên tắc quan trọng có thể tóm lại vào ba điểm: 1) Con người và truyền thông. 2) Thông tin. 3) Quảng cáo

1. Con người và truyền thông

a/. Mục đích của truyền thông không chỉ là trao đổi thông tin, nhưng còn nhắm tới sự hiệp thông. Nguyên ủy của mọi sự truyền thông là Thiên Chúa: ngài đã thông ban sự sống dồi dào của Ba Ngôi cho nhân loại, để mời gọi nhân loại vào chia sẻ tình yêu với Ngài. Đức Kitô là mẫu gương của sự truyền thông, bởi vì bằng lời nói và hành động, Người đã chia sẻ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại và quy tụ tất cả thành một gia đình. Nói cách khác, nhân vị và cộng đồng nhân loại là cứu cánh và tiêu chuẩn cho việc sử dụng các phương tiện Truyền Thông Xã Hội. Vì thế một phương tiện truyền thông được coi là tốt hoặc xấu, tuỳ theo nội dung, cách thức sử dụng, những cơ cấu của nó có thực sự phục vụ cho điều thiện của các nhân hay công ích hay không.

b/. Truyền thông là một quyền lợi và nghĩa vụ của con người tự do sống trong xã hội. Vì thế các phương tiện truyền thông cần tuân theo các nguyên tắc căn bản ấy. Trước khi nói đến quyền lợi và nghĩa vụ tham gia vào các phương tiện truyền thông, cần nhấn mạnh đến quyền lợi của mỗi nhân vị được tự do truyền thông: đây là một yêu sách của cuộc sống xã hội(x. CP 8; 44-45).

Cũng như các quyền lợi khác, quyền tự do truyền thông có những giới hạn của nó, đó là: sự tôn trọng nhân phẩm và công ích. Nói cách cụ thể hơn, sự tự do truyền thông bị giới hạn bởi “quyền của con người được biết sự thật (điều này cũng bao gồm thanh danh của các cá nhân và của xã hội); quyền có đời sống tư riêng (bảo vệ sự thân mật của các gia đình và các cá nhân); quyền giữ bí mật do chức vụ hoặc công ích đòi hỏi” (x. CP 42).[9] Ngoài ra, quyền“tự do truyền thông” cũng có thể hiểu về quyền được tham gia vào việc trao đổi thông tin, được truyền bá tư tưởng của mình (x. CP 44-46).

c) Một tiêu chuẩn khác để lượng định sự sử dụng phương tiện Truyền Thông Xã Hội là phải xét xem nó có giúp con người tốt hơn, nghĩa là trưởng thành hơn về tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá của mình, có trách nhiệm hơn, cởi mở với tha nhân, đặc biệt là với những người túng thiếu, tôn trọng những sự khác biệt văn hóa (x. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội số 415). Thực vậy, các phương tiện truyền thông cũng có thể khiến cho người sử dụng trở nên khép kín, cô lập. Điều này giả thiết sự giáo dục tự chủ về phía người sử dụng (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2496).

Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội cung cấp cho ta rất nhiều thông tin, nhưng đôi khi chúng ta không ngờ rằng chúng là công cụ của một người hay một nhóm nào đó dùng để lèo lái dư luận, áp đặt ý kiến của họ lên đám đông.

2. Thông tin

Việc thông tin là một quyền lợi của con người và một dụng cụ thiết yếu cho sự chung sống hòa bình và phát triển con người. Sự thông tin là một trong những công cụ chính yếu cho sự tham gia dân chủ. Không thể nào có sự tham gia nếu thiếu hiểu biết những vấn đề của cộng đồng chính trị, những dữ kiện của vấn đề và những giải pháp được đề ra. Vì thế trong lãnh vực tế nhị này, cần bảo đảm một sự đa dạng về thông tin và truyền thông, cũng như cần tạo ra những điều kiện bình đẳng trong việc sở hữu và sử dụng các phương tiện truyền thông (x. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội số 557).

Trên thực tế, điều này gặp nhiều khó khăn bởi vì những nhóm chính trị, tài phiệt muốn làm chủ lãnh vực thông tin, để lèo lái theo chiều hướng có lợi cho họ, hoặc bưng bít sự thật (x. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội số 416).

3. Quảng cáo

Ngoài lãnh vực chính trị, các phương tiện truyền thông còn gây tác dụng mạnh trong lãnh vực kinh tế, đặc biệt nhờ sự quảng cáo. Điều này đòi hỏi người tiêu dùng cần phải sáng suốt, không để mình dễ bị hấp dẫn bởi các hình ảnh bên ngoài mà không quan tâm đến thực chất. Điều này giả thiết sự đa dạng của những nguồn thông tin, để có thể thâu thập các dữ kiện cách khách quan. (x. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội số 347).

III. MỘT SỐ NHẬN XÉT

Không thể nào chối bỏ những ích lợi của các phương tiện Truyền Thông Xã Hội trong việc thăng tiến cá nhân và xã hội. Chúng cung cấp cho ta nhiều thông tin về xã hội, thu hẹp những khoảng ngăn cách giữa các cá nhân và dân tộc, đồng thời cũng có thể giúp cho mỗi người trở thành chủ động để truyền thông ý kiến của mình cho người khác.

Đồng thời, các văn kiện về Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội cũng cho ta thấy những nguy hiểm rủi ro của các phương tiện này. Nói cách khác, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy biết biện phân trong cách sử dụng chúng: nhìn nhận những giá trị tích cực và gạt bỏ những giá trị tiêu cực.

A. Những giá trị cần thực hiện trong Truyền Thông Xã Hội

Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội cần phải nhắm đến các giá trị sau đây:

– Con người là tiêu chuẩn cho việc sử dụng các phương tiện Truyền Thông Xã Hội. Nói cách khác, trong khi thi hành công tác truyền thông, cần phải quan tâm đến phẩm giá con người.[10]

– Mục tiêu của việc TT là công ích: những chương trình nào giúp nâng cao đời sống con người là đã thực hiện được sứ mạng của mình. Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội có thể giúp rất nhiều vào việc xây dựng tình liên đới (x. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội số 192; 561).

– Việc truyền thông đòi hỏi chuyên môn và trách nhiệm cả về phía người phát lẫn về phía người nhận: Người phát phải có khả năng chuyên môn nghề nghiệp; người nhận cần phải có khả năng giải thích và phê bình những thông tin được gửi đến. Điều này giả thiết một sự giáo dục tương ứng (x. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội số 562).

– Luật căn bản của truyền thông là tôn trọng sự thật. Các sự kiện loan đi phải phù hợp với sự thật khách quan (sự thành thực mà thôi thì chưa đủ).

– Duy trì thăng bằng giữa thông tin, huấn luyện và giải trí. Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội cần giữ sự quân bình cân xứng giữa những tin tức, đào tạo và thư giãn, để tránh sự đơn điệu và mở rộng lãnh vực hoạt động.

– Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội cần nhắm đến việc đào tạo con người biết phê phán, (trái ngược với khuynh hướng hiện thời là muốn cho con người thụ động, không phê phán).

B. Những nguy cơ phải tránh

Ngày nay sự truyền thông “xã hội” có nguy cơ trở thành truyền thông “đại chúng”, vì thế dễ mang theo những nguy cơ mà ta nên vạch trần:

– Khả năng lèo lái của các phương tiện Truyền Thông Xã Hội, muốn hướng dẫn dư luận theo một khuynh hướng nào đó (về chính trị, kinh tế), hủy diệt những lựa chọn riêng tư của mỗi người.

– Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội muốn “đúc khuôn” một mẫu người phù hợp với chế độ. Đối lại, các người theo dõi các chương trình dễ bị thu hút bởi các “mẫu đó” và cũng muốn hành động rập khuôn.

– Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội dễ làm lệch lạc phán đoán giá trị: cái gì được nói đến nhiều thì được coi là đúng, có giá trị; cái gì mà không được nói đến là không có giá trị. Như vậy, tiêu chuẩn phân biệt tốt hoặc xấu không còn dựa theo chân lý khách quan, nhưng dựa theo sự đồng tình của đa số.

– Các phương tiện Truyền Thông Xã Hội cần sự tài trợ của các nhóm tư bản; những nhóm này thường chỉ nhằm đến lợi nhuận kinh tế chứ không quan tâm đến các giá trị luân lý.

– Khi các phương tiện Truyền Thông Xã Hội nằm trong tay các nhóm kinh tế, thì mục tiêu được nhắm đến là tiêu thụ sản phẩm, với việc quảng cáo những mẫu hàng thời trang. Vô tình người theo dõi cũng bị lôi cuốn chạy theo thời trang mau thay đổi, không để ý đến những giá trị vững bền. Như chúng ta đã biết, để dễ thu hút, sự quảng cáo thường nhắm gợi lên những sự thèm khát nằm trong bản năng con người: ăn no, mặc đẹp, tiền tài, quyền lực,… Điều này đòi hỏi một sự giáo dục để phân biệt những giá trị và những nhu cầu thực sự, đối lại với những nhu cầu hư ảo, giả tạo.

C. Việc thông tin

Thông tin là một trường hợp cụ thể của ngành truyền thông. Thông tin là chuyển tải một điều gì mà người nhận chưa biết.

– Nhờ những kỹ thuật tân tiến, các thông tin được cung cấp rất dồi dào phong phú. Con người sống vào thế kỷ XVI phải mất cả đời để biết được số lượng thông tin mà con người thời nay có thể thu thập trong vòng một ngày. Mặt trái của nó là: số lượng càng nhiều thì phẩm chất càng giảm; người nhận được tin không có thời giờ để lựa chọn, phân tích, phê bình các tin tức lắm khi trái ngược nhau.

– Một đặc tính khác của việc thông tin thời nay là nhanh chóng, sốt dẻo. Mặt trái của nó là những tin tức ấy chưa được kiểm chứng xác đáng. Hơn thế nữa, vì muốn cạnh tranh, các hãng tin không ngần ngại “dựng” lên những tin thiếu cơ sở.

– Việc thông tin có thể bị lèo lái bằng những cách khác nhau. Chẳng hạn qua việc lọc tin (chỉ loan những tin có lợi, và im bặt những tin bất lợi cho cơ quan loan tin), qua việc đánh giá bản tin (cho lên hàng đầu hoặc để ở cuối, tuỳ theo quan điểm của người loan tin).

– Người nhận tin cũng vô tình bị lèo lái, khi nhắm mắt tin theo những cơ quan loan tin nổi tiếng (sự thật dựa theo người phát tin, – cho dù họ nói bậy -, chứ không theo bản chất của sứ điệp). Người nhận tin cũng không thể ngờ rằng hầu hết các tin tức đều nằm trong tay của một ít cơ quan thông tấn quốc tế lớn. Nói cách khác, việc thông tin mang tính độc quyền, thiếu tính đa dạng.

KẾT LUẬN

Trên đây là vài nét chính trong Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội về các phương tiện truyền thông. Người viết bài ý thức rằng nó bị hạn chế, trước hết bởi vì chỉ dựa trên vài văn kiện chính của Tòa Thánh, và bỏ qua nhiều văn kiện khác (chẳng hạn như các sứ điệp nhân ngày quốc tế Truyền Thông Xã Hội), mặt khác, giáo huấn của các vị giáo hoàng trong lãnh vực này không chỉ giới hạn vào các bản văn, mà còn được thể hiện qua các cử chỉ và hành động, chẳng hạn như cách thức sử dụng các phương tiện này (diễn văn truyền thanh, truyền hình, các cuộc phỏng vấn), cũng như thái độ khi giao tiếp với các cá nhân và đoàn thể (các tôn giáo ngoài Kitô giáo, các cơ quan chính trị của quốc gia và quốc tế,v.v…): đó là những hình thức trực tiếp của việc truyền thông.

Nói cho cùng, việc truyền thông nằm trong sứ mạng của Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng cho mọi người. Và việc truyền thông đạt được kết quả tối ưu khi tạo được sự hiệp thông giữa loài người với nhau và với tình yêu Thiên Chúa:

“Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,3-4).

[1] Sách Tóm Lược Học Thuyết do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004

[2] Trong sách Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội,Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã dành chương 21 cho “Đạo Đức Truyền Thông”.

[3]“Truyền thông xã hội” và “truyền thông đại chúng” được dùng như đồng nghĩa. Tuy nhiên các văn kiện của Giáo Hội từ Vaticanô II thích dùng thuật ngữ “truyền thông xã hội” vì muốn nêu bật vai trò xã hội của chúng là tạo nên các tương quan. Từ “đại chúng” (mass) nói lên một nhóm ô hợp, không có bản sắc.

[4]Vết tích còn lưu lại trong Bộ Giáo luật hiện hành, điều 823-832.

[5]Những văn kiện này có thể tìm trên địa chỉa internet của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/pccs/index_it.htm

hoặc: http://www.pccs.va/index.php/it/documenti/documenti-del-pccs

[6] Nên biết là chính đức Piô XI đã khánh thành Radio Vatican ngày 12/11/1931 do chính ông Guglielmo Marconi thiết kế.

[7] Vấn đề Truyền Thông Xã Hội cũng được đề cập cách gián tiếp trong nhiều văn kiện khác, thí dụ: Hiến chế về phụng vụ số 20 (Thánh lễ trên đài phát thanh và truyền hình); Tuyên ngôn về giáo dục số 4; Sắc lệnh về tông đồ giáo dân số 8; Sắc lệnh về truyền giáo số 26; Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục số 13; Tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng số 4; Hiến chế về Hội thánh trong thế giới ngày nay số 53-62.

[8] Ngày 18/3/1986, Bộ Giáo dục công giáo đã ban hành một thông tư “Hướng dẫn việc đào tạo các linh mục tương lai về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội”.

[9] Xem thêm Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2491-2492.

[10] Phẩm giá con người bao hàm những “quyền lợi căn bản” của con người, chẳng hạn như: quyền được tôn trọng danh dự, quyền được tôn trọng đời sống riêng tư, quyền được biết chân lý và truyền bá chân lý, quyền phát biểu tư tưởng, quyền tự do lập hội.

Nguồn: Catechesis | Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

https://tgpsaigon.net/bai-viet/giao-huan-giao-hoi-ve-cac-phuong-tien-truyen-thong-xa-hoi-63007