Tâm tình mục tử tháng 5 năm 2024
‘Mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh em’ (1Pr 5:7)
Quý Cha và quý Tu sĩ thân mến,
Hãy ‘hội tọa’ dưới chân Thánh Phêrô, lắng nghe dập dồn những dấu ấn hiện sinh Người đã trải qua trong lịch sử ‘thời’ theo Chúa Giêsu. Giữa nhóm mười hai, Thánh nhân rơi vào những bước thăng trầm cực đoan nhất, ân phúc rất cao cả mà nguy cơ rất hiểm nghèo… Cuối đời, Thánh Phêrô truyền lại kinh nghiệm hiện sinh: ‘Mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh em’ (1Pr 5:7).
Một
Nội dung trình bày nơi đây có phần chuyên môn, nhưng quá trình đào tạo một linh mục hay tu sĩ đã từng đề cập đến và thực tế dòng đời đã cho ta nhiều ‘bài chiêm niệm’. Chữ nghĩa ‘hiện sinh’ không còn xa xôi với mỗi người. ‘Hiện sinh’ chống lại trào lưu duy lý trừu tượng của triết học Hegel, chống lại quan niệm ‘ý thức tuyệt đối’ trong đó mọi đối kháng được dung hòa. Hiện sinh nhấn mạnh phương diện cá nhân với chủ thể tính, thể hiện nơi những hành vi, cảm xúc, tư tưởng và dự phóng…, không thể giản lược vào bất cứ thực tại nào.
Thực tại ‘hiện sinh’, theo S. Kierkegaard, bao hàm thực tại ta không thể tránh né những vấn đề sống của ‘ngôi thứ nhất’. ‘Không thể hiện hữu mà không có đam mê’. Đam mê khơi dậy căn tính của riêng ta và là cách làm ta trở thành ‘một cá nhân hiện hữu’. Trên đời mỗi cá nhân không sống lẻ loi một mình mà giữa những cá nhân khác. Các cá nhân này chỉ tồn tại trước những thăng trầm của số phận nhờ ‘cái nhảy liều của lòng tin’, qua lòng tin, mỗi cá nhân đối diện ‘nỗi hãi sợ’ và ‘sự trăn trở’, xuất phát từ sự bấp bênh của thành-bại, của tình cảm con người, mà vẫn ngưỡng vọng ‘ơn cứu rỗi’ nhờ gắn bó với Thiên Chúa.
M. Heidegger tiếp nối tư tưởng S. Kierkegaard khi dùng từ ‘hiện sinh’ mô tả lối hiện hữu đặc thù của người, được gọi là Dasein. Dasein hoàn toàn không phải là những đối tượng ta qui vào phạm trù sử dụng hoặc những đối tượng độc lập ngoài ta. Đặc trưng hiện sinh của người là không thể giản lược vào những quan tâm thực tiễn trước cuộc đời ta vì mỗi ‘hiện hữu của cá nhân ta là một vấn đề riêng’ và cách ta ứng xử ‘vấn đề’ xác định bản chất hiện sinh của ta. Không có yếu tính người cố định làm nên cấu trúc đời người nhưng chỉ có những dấn thân và những mục đích nhắm tới làm đầy hiện sinh chúng ta. Giải đáp cho vấn đề hiện hữu hệ tại tra vấn ‘cấu tạo hiện sinh’ của Dasein, của đời người. Hiện hữu của Dasein là ‘hữu-thể-trong-thế-giới’ mà căn bản là ‘hành động’. Trong khi S. Kierkegaard nối kết trực tiếp ‘nỗi đam mê’ của hiện sinh con người vào lòng muốn, vào sự dấn thân có sự chọn của chủ thể, thì M. Heidegger lại cho đó là phản ánh những lo toan và những quan tâm không được chọn, không tự ý thức, vì chúng ta ‘bị ném vào đời’ (một dân tộc, gia đình, những nhu cầu hằng ngày…). Tuy nhiên M. Heidegger nhìn nhận thực tại tự ý thức cân nhắc và quyết định, làm nên yếu tố phân biệt và tiến triển từ một cá nhân ‘không đích thực’ thành ‘đích thực’. Đạt phẩm hạnh ‘Cá nhân đích thực’ khi trải qua những trăn trở là những bấp bênh bập bồng thân phận người mà mục tiêu và giá trị đời người không xuất tự cấu trúc hiện sinh riêng cá nhân. Những trăn trở nhắc nhở ta trở về chính mình để làm nên cấu trúc hiện sinh của cuộc đời mình với khả năng giúp chúng ta nhận thức tự do của chúng ta. Kinh nghiệm trăn trở này gắn liền với thái độ trước cái chết của chính mình. Cái chết hiểu cho chính xác là sự kết thúc một hiện hữu, là thời điểm biểu tỏ cấu trúc hiện hữu của chúng ta. Đời người đích thực là sự tự do không đam mê đang hướng về cái chết.
Trong khi M. Heidegger quan niệm ‘hiện sinh đích thực – hiện sinh không đích thực’ không phải là sự phân biệt luân lý nhưng mang tính siêu hình, thì J.P. Sartre lại nhìn chủ nghĩa hiện sinh như một lý thuyết đạo đức. Trong khi M. Heidegger phân cách hiện sinh khỏi sự chọn, J.P. Sartre lại tổng hợp thành một, trong đó vai trò chọn trong đời người là tuyệt đối căn bản. Chúng ta chọn cảm xúc của chúng ta như đã chọn trong các phương diện khác của cuộc sống và mục tiêu căn bản của đời ta liên thông vào dự phóng căn bản như chính thành phẩm của ‘sự chọn gốc’. ‘Sự chọn gốc’ này là nguyên động lực của mọi động lực, nghĩa là động lực không cần một động lực nào có trước phát khởi.
Thực tại của ‘sự chọn gốc’ này vô điều kiện tựa như ‘mệnh lệnh tuyệt đối’ vô điều kiện của đạo đức trong quan điểm của E. Kant. Dù J.P. Satre trải nghiệm sự buồn nôn vì những mâu thuẫn trong ‘tự do hiện sinh’, ông vẫn khuyến dụ thực hành sự tự do này vì nó biểu lộ sự tôn trọng tự do tha nhân. Thành tựu ‘một hiện sinh đích thực’, theo cả nghĩa của M. Heidegger, nằm trong cộng đồng với sự trân trọng hỗ tương. ‘Hiện sinh đạo đức cộng đồng’ này nơi J.P. Sartre tương phản nổi bật với tình trạng hiện sinh cá nhân lẻ loi cô đơn của S. Kierkegaard.
Hai
Chúa Giêsu Kitô đứng vị trí nào trong hiện sinh đời người và nhân loại?
… Không chỉ như tấm bảng giao thông dẫn đường. Tấm bảng cần thiết cho khách trên hành trình mới lạ. Thiếu những tấm bảng chỉ đường khách khó mà đến nơi đã được dự phóng.
… Không chỉ như những hiền nhân lập thuyết cứu đời thoát nhiễu nhương. Thuyết lý còn cần chứng nghiệm và hiền nhân còn đứng bên ngoài.
… Không chỉ như ‘Tiền Đường thả một bè lau rước người’ (Kiều). Dù rằng ‘Trời cũng chiều người’, đã hiểu nỗi niềm tinh tế của ‘người’: ‘Lại mang lấy một chữ tình, khư khư mình buộc lấy mình vào trong’, nên đã ‘thả một bè lau rước người’… nhưng Trời vẫn còn khoảng cách, còn đứng bên bờ dòng đời vô vàn những trái ngang.
Quả thật, sâu xa hơn cả những phương thức trên, Chúa Giêsu Kitô: ‘Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi’ (Ga 1:14), bởi đó Chúa Giêsu Kitô nên một với từng người và toàn nhân loại. ‘Ngôi Lời Thiên Chúa vốn không có thân xác, không thể hư hoại, và không phải là thể chất. Người đã ngự đến miền đất của chúng ta, mặc dù trước đó Người cũng không ở xa. Quả thế, chẳng bao giờ có nơi nào trong vũ trụ vắng bóng Người. Trái lại, Người luôn hiện hữu cùng với Chúa Cha, và đồng thời hiện diện trong muôn vật muôn loài ở khắp nơi khắp chốn’ (T. Athanasiô, Kinh Sách ngày 02 tháng 5).
Một phạm trù đặc trưng hiện sinh của lịch sử cứu độ là ‘giờ’, được soi dẫn bằng ánh sáng cuối ‘thời’ (Kh 22:10). Đã đến thời viên mãn, thời điểm Chúa Giêsu Kitô thực hiện sự chiến thắng chung cuộc. Đó là ‘giờ’ loài người tuyệt đối không thể biết, ‘giờ’ của mùa gặt (Kh 14:15tt). Người tín hữu, dù chỉ biết tới mức ‘giờ’ đã gần đến, nhưng vẫn cần tỉnh thức và xin ơn đứng vững (Mt 25:13).
Chúa Giêsu Kitô đã sống và làm chủ ‘giờ’ của mình, một ‘cá nhân đích thực’: ‘Tại Giêrusalem… họ định bắt Người, nhưng chẳng ai tra tay trên Người, vì ‘giờ’ của Người chưa đến’ (Ga 7:30). Chúa ‘biết giờ Người qua khỏi thế gian này…’ (Ga 13:1). Đây là ‘giờ’ loan Tin Mừng, ngụ ý tại tiệc cưới Cana (Ga 2:4), là ‘giờ’ cử hành lễ Vượt Qua. Đây là ‘giờ hiện sinh’ giằng xé như người mẹ trải qua cuộc vượt cạn sinh nở tặng ban cho đời và cho lịch sử sự sống mới (Ga 16:21).
‘Giờ’ Chúa trải qua cơn lẻ loi, sầu đau toát mồ hôi máu, chẳng còn thân hữu nào cảm thông nỗi lòng: ‘Thôi cứ ngủ! cứ nghỉ! Này giờ đã gần, và Con Người sắp bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Dậy, Ta đi!… ‘(Mt 26:45.46; x. Ga 14:31). ‘Giờ’ Chúa trải qua nỗi cô đơn cùng cực: ‘Lạy Thiên Chúa, vì sao Ngài lại bỏ con’ (Mc 15:34), lại cũng là ‘giờ’ Chúa cất đi bão lòng của các tông đồ: ‘Lòng các con chớ rúng động’, ‘Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi’ (Ga 14:1.18).
‘Giờ đã đến’, Thánh Gioan nhấn mạnh ‘giờ của Thầy’, cũng là ‘giờ’ Chúa Cha tôn vinh Con (x. Ga 17:1), ‘giờ’ hội tụ toàn bộ ‘Lời’ và ‘Lực’ chữa lành. Cuộc tôn vinh này không theo kiểu khôn ngoan người Hy lạp, cũng không theo cách nghĩ của người Do thái, mà bằng sự ‘điên rồ’ thập giá: ‘Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết: Chính là Ta’ (Ga 8:27).
Chúa ‘biết rằng đã đến giờ Người qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha’ (Ga 13:1). Giờ ‘hiện sinh’ Chúa đi vào cái chết thập giá ‘lối giờ thứ sáu’ (Ga 19:14), lại là ‘giờ’ được tôn vinh, cả từ miệng dân ngoại: ‘Đích thật người này là Con Thiên Chúa’ (Mc15:39). ‘Giờ hiện sinh’ của sự ‘chọn gốc’: mọi sự ‘đã hoàn tất’ lại là ‘giờ’ mở ra ‘ngày thứ nhất trong tuần’. Đây là ‘ngày’ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt nhân loại ‘Này bà, tại sao bà khóc’. Đây là ‘ngày’ mở then cửa đã gài do nỗi hãi sợ, vì Chúa Giêsu Kitô phục sinh hiện diện, chào chúc bình an và ban hơi thở Thánh Thần. Đây là ‘ngày’ của lòng xót thương, ban phúc cho kẻ cứng lòng tin, ‘Bởi thấy Thầy, con đã tin, phúc cho những ai không thấy mà tin’ (Ga 20:28).
Ta quán niệm Thiên Chúa làm người, nơi phận người, Chúa đổi mới cái ‘sống hiện sinh’ mỗi người và nhân loại. Chúa ‘biết giờ Người qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha, đã mến yêu các kẻ thuộc về mình còn trong thế gian, thì Người đã yêu mến họ đến cùng’ (Ga 13:1)…
Ba
Tâm tình mục tử đến trên tay anh chị em lúc này bước vào tháng hoa, mùa hoa dâng kính Đức Mẹ. Chúng ta hiệp cùng Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI dâng lên Đức Mẹ năm bông hoa thiêng…
Ngày 22.03.1974, Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI ban hành Tông Huấn ‘Marialis Cultus’ về việc tôn kính Ðức Mẹ Maria trong Giáo Hội. Tông Huấn quảng diễn ý nghĩa của lòng tôn kính Ðức Mẹ trên nền tảng vững vàng của Kinh Thánh, Phụng vụ, Thánh Công đồng Vaticanô II và Nhân học Kitô. Lòng sùng kính Đức Mẹ mở đường cho chúng ta đến cùng Chúa Ba Ngôi.
Đức Mẹ Maria là chi thể và gương mẫu tuyệt hảo của Giáo Hội. ‘Đức Trinh Nữ Maria được chào kính như chi thể của Giáo hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo hội trên phương diện đức tin và đức ái’ (GH 53). ‘Giáo hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Mẹ tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu’ (GH 53).
Qua năm bông hoa thiêng, Đức Mẹ tỏa sáng vẻ đẹp của Giáo hội là hiền thê yêu dấu của Chúa Kitô:
* Đức Mẹ Maria là Trinh Nữ lắng nghe, Virgo Audiens.
‘Phúc cho em là người đã tin rằng những gì Chúa hứa với em sẽ được nên trọn’ (Lc 1:45)
‘Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng ở đó’ (GH 58)
‘Như một Eva mới, Mẹ đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt’ (GH 63)
* Đức Mẹ Maria là Trinh Nữ nguyện cầu, Virgo Orans.
‘Hồn tôi tôn dương Chúa và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa…’ (Lc 1: 46.47)
‘Các Tông đồ trước ngày Hiện Xuống ‘đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với anh em Người’ (Cvtđ 1:14). Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin’ (GH 59)
* Đức Mẹ Maria là Trinh Nữ sinh con, Virgo Pariens (Đức Trinh Mẫu)
‘Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria’ (Kinh Tin Kính CĐ Constantinô)
‘Mẹ Maria cưu mang Sự Sống trong lòng dạ của mình, Giáo hội cưu mang Sự Sống nơi nước rửa tội (Phụng vụ Mazarabic)
‘Trong mầu nhiệm Giáo hội, chính Giáo hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Đức Trinh Nữ Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người Mẹ và Trinh Nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có’ (GH 63)
* Đức Mẹ Maria là Trinh Nữ hiến dâng, Virgo Offerens.
‘Hỡi Trinh Nữ thánh thiện, xin hãy hiến dâng Con Mẹ và hiến dâng quả phúc của lòng Mẹ. Xin hãy dâng Tế Phẩm hoàn hảo làm vui lòng Thiên Chúa cho việc hòa giải của tất cả chúng ta’ (Thánh Bênađô)
‘Giáo hội, qua con người của Đức Trinh Nữ, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Ep 5:27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế họ ngước nhìn lên Đức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được tuyển chọn’ (GH 65)
* Đức Mẹ Maria là Trinh Nữ tôn thờ, Virgo Adorans
‘Việc tôn kính Đức Maria khuyến khích việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi’ (GH 66)
‘Giáo hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô càng nên giống khuôn mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó trong công cuộc tông đồ, Giáo hội có lý để nhìn lên Đấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần… Đời sống của Đức Trinh Nữ là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo hội để tái sinh nhân loại’ (GH 65)
Anh chị em thân mến,
Qua lăng kính ‘hiện sinh’, chúng ta nhận thức cái ‘giờ’ của Chúa Giêsu Kitô làm nên cái ‘giờ’ của mỗi chúng ta. Ta quán niệm Thiên Chúa làm người, nơi phận người, Chúa đổi mới cái ‘giờ hiện sinh’ mỗi người và nhân loại, đưa về cùng Cha, ‘để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy’. Chúa ‘biết giờ Người qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha, đã mến yêu các kẻ thuộc về mình còn trong thế gian, thì Người đã yêu mến họ đến cùng’ (Ga 13:1)…
Ta hãy giữ lòng mình tĩnh lặng, thêm một lần, lắng nghe dập dồn những dấu ấn hiện sinh Thánh Phêrô đã trải qua trong lịch sử ‘thời’ theo Chúa Giêsu. Giữa nhóm mười hai, Thánh nhân rơi vào những bước thăng trầm cực đoan nhất, ân phúc rất cao cả mà nguy cơ rất hiểm nghèo… Cuối đời, Thánh Phêrô truyền lại kinh nghiệm hiện sinh: ‘Mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh em’ (1Pr 5:7).
Lạy Đức Mẹ thân thương, tháng hoa đã về, cùng với Giáo hội, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, chúng con ‘dâng lên Mẹ tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu’. Là con, Mẹ bao giờ cũng là đẹp nhất… Là con, con say sưa ngưỡng mộ Mẹ, với năm bông hoa thiêng… Mẹ tỏa sáng vẻ đẹp của Giáo hội là hiền thê yêu dấu của Chúa Kitô.
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục hiệp hành cùng anh chị em
Tin cùng chuyên mục
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)
LÀM ĂN SINH LỢI (20.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)