Tháng 05/2024
Chia sẻ 11:
NGƯỜI NỮ TỲ SỐNG TỰ HIẾN
TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
Triết gia hiện sinh Jean- Paul Sartre đã nói rằng: « Người khác là địa ngục của tôi ». Bởi theo ông, chung quanh toàn những người đầy khuyết điểm, nếu không muốn nói là tội lỗi ngợp đầu, tính hư nết xấu đầy thân. Và vì là những con người không hoản hảo, đức độ, nên họ quấy rầy, làm phiền mình đủ cách ; làm khó, làm khổ, làm tổn thương mình đủ kiểu ; đe dọa, rình rập, và gây nên sợ hãi đêm ngày. Vì thế, cuộc sống với Jean- Paul Sartre đã chẳng khác gì địa ngục.
Ông triết gia hiện sinh người Pháp này được rất nhiều người, đặc biệt giới trẻ ngưỡng mộ, thần tượng. Bởi ông nói đúng điều đám đông nghĩ, nói đúng thực tế đáng buồn của đời sống con người trong một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, đúng hơn là cuộc sống của con người không muốn Thiên Chúa có mặt. Quả thực, một thế giới không có Thiên Chúa sẽ là một thế giới bất hạnh như trong địa ngục.
Hãy nhìn vào nhiều gia đình, nhiều thôn xóm, nhiều khu phố để thấy hiện tượng « tha nhân là địa ngục » đáng lo ngại, và hậu qủa của nó tang thương, đáng sợ ra sao.
Chính trong hỗn loạn, bất an do quyền lực của hoả ngục gieo rắc mà Thiên Chúa đã làm người để đem ánh sáng cứu độ, ánh sáng bình an cho nhân loại: « Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an » (Lc 1, 78-79).
Vâng, chỉ với ánh sáng của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta mới nhận ra mình là anh chị em, mà không là địa ngục của nhau như thế gian đang gào thét.
Là anh em, chị em của nhau trong gia đình nhân loại, vì tất cả đều được sinh ra bởi một Thiên Chúa và được mang chung hình ảnh Ngài (St 1,27). Đồng thời, mọi người được mời gọi dự phần vào hạnh phúc đời đời với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã sống như con người, chết như con người và sống lại để con người phải chết sẽ được sống lại với Ngài.
Là anh em, chị em của nhau trong gia đình Giáo Hội, vì tất cả « chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa » (Ep 4,5) và mỗi người là chi thể của thân thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh (x. Ep 4,4).
Với người NTCGLM, các chị còn một gia đình quan trọng khác nữa, đó là Nhà Dòng, là cộng đoàn gồm những con người tự hiến để yêu mến và phục vụ Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài.
Vì gia đình cộng đoàn quy tụ những con người tự nguyện sống đời thánh hiến, nên tinh thần tự hiến là tinh thần chủ đạo trong sinh hoạt đời sống cộng đoàn. Ở đó, mọi người tự hiến cho Thiên Chúa bằng tự hiến cho nhau, khi chấp nhận quên mình, xóa mình, bỏ mình vì lợi ích của cộng đoàn, và hạnh phúc của người khác.
Trước hết, chúng ta cần minh định: cộng đoàn Nhà Dòng, nơi chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi đến, là tập thể những người còn mang trên mình nhiều yếu đuối, khiếm khuyết, giới hạn về mọi mặt ; là gia đình gồm những người con được Thiên Chúa kêu gọi để trở nên thánh, nhưng chưa là thánh ; đoàn ngũ những người khao khát sống đời công chính được Đức Giêsu mời gọi lên đường tự hiến với Ngài, nhưng chưa đến đích, mà vẫn đang từng bước trên hành trình nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5, 48).
Vì thế, thật là ảo tưởng nếu cho rằng: vào nhà dòng để tìm một gia đình gồm toàn những người thánh thiện, hoàn hảo ; đi tu để được sống với cộng đoàn « thánh sống », là những con người tuyệt hảo, đạo hạnh, không chỉ biết Chúa, « biết người biết ta », mà còn rất « biết điều » nữa.
Do đó, người NTCGLM cần ý thức ngay từ đầu: cộng đoàn nhà dòng là gia đình của Thiên Chúa. Ở đó, Ngài quy tụ những chị em chưa hoàn hảo, nhưng có thiện chí, quyết tâm nên trọn lành và nỗ lực sống tự hiến đời mình cho Đức Giêsu và Giáo Hội. Cộng đoàn Nhà Dòng từ nay sẽ là trường đào tạo con người tự hiến, huấn luyện trái tim tự hiến ; là nơi thực tập và thử thách tinh thần tự hiến, nhưng đồng thời cũng là mái ấm của mẹ hiền che chở, nâng đỡ, khích lệ tình yêu tự hiến của con cái mình.
Cộng đoàn đào tạo con người tự hiến khi huấn luyện trái tim người NTCGLM biết rộng mở đón nhận những khác biệt nơi chị em trong nhà như kho tàng quý giá Thiên Chúa ban. Vì qua những khác biệt nơi mỗi chị em, cộng đoàn cũng như mỗi thành viên sẽ nhận về rất nhiều điều tốt đẹp góp phần xây dựng, làm triển nở cộng đoàn và chính bản thân mỗi người. Vì thế, tinh thần tự hiến luôn được khởi đầu bằng thiện chí đón nhận những khác biệt của tha nhân, mà không phủ nhận, loại trừ, tẩy chay. Bởi tự hiến theo gương Đức Giêsu trước hết là bỏ mình, xóa mình để hoà vào nếp sống cộng đoàn, dù lắm lúc không muốn hoà, và lắm khi muốn hoà cũng không xong.
Cộng đoàn còn là nơi có tất cả cơ hội, điều kiện để người NTCGLM thực tập « chọn sống từng ngày, từng giờ đời tự hiến ». Nơi cộng đoàn, chị em được mời gọi không coi nhau « là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa » (Ep 2,19), và « ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại », « lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau », « thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau » (Ep 4,2-3). Bởi dù là cộng đoàn thánh hiến, vẫn không thiếu những trái ý nghịch lòng ; không thiếu những tỵ nạnh, giận dỗi ; không thiếu những thái độ, lời nói, hành động làm mất mặt, mất lòng nhau. Vì cộng đoàn gồm chị em từ khắp nơi, thuộc mọi vùng miền, với đủ tính khí, trình độ khác nhau, kể cả đối nghịch nhau, nên khi thiếu tinh thần tự hiến thì người NTCGLM sẽ mãi dậm chân tại chỗ trên đường nên trọn lành.
Cộng đoàn cũng là con đường Thánh Giá mà trên đó, người NTCGLM sống đời tự hiến không chỉ bằng « vác thập giá riêng mình », mà còn « vác thập giá của chị em » nữa. Bởi nếu chỉ vác thập giá mình mà thôi, chúng ta sẽ còn rất xa, rất khác Đức Giêsu, Đấng mang trên mình tất cả gánh nặng tội lỗi của nhân loại, trong đó có gánh nặng tội lỗi của mỗi người chúng ta.
Vác thập giá của mình và của chị em trong cộng đoàn là trở nên giọt nước được hoà tan trong ly rượu tình yêu « hiến mình làm giá cứu chuộc muôn người » (Mt 20,28) của Đức Giêsu trên bàn thờ. Nghiã là không còn là mình nữa nhưng là tự hiến hy sinh vì người khác ; không còn ý rêng mình nữa trong tự hiến phục vụ chị em như nữ tỳ ; không còn tìm cho mình bất cứ một chỗ đứng vinh quang, quyền lực nào nữa, nhưng âm thầm tự hiến để trở thành Của Lễ chuộc tội mình và mưu cầu ơn ích thiêng liêng cho chị em trong Dòng .
Vì thế, con đường tự hiến nơi cộng đoàn mà Đức Giêsu mời gọi người Nữ Tỳ bước đi với Ngài là tình yêu cháy bỏng, luôn noi gương Thầy chí thánh để « tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chiu đựng tất cả » (1 Cr 13,7). Vì không tha thứ tất cả, trái tim tự hiến của người NTCGLM không thể chắp cánh bay cao, bởi đố kỵ, hiềm khích, giận hờn trì kéo, trói buộc. Không tin tưởng tất cả, cám dỗ nghi ngờ, coi thường, dèm pha, nói xấu, kéo bè kéo cánh tẩy chay chị em trong nhà sẽ khuynh đảo, thống trị trái tim tự hiến của người Nữ Tỳ vốn hiền hậu, khiêm nhường, quảng đại, bao dung trước đó. Không hy vọng tất cả, trái tim người NTCGLM sẽ bực bội, tức tối, nổi loạn trước những thiếu sót, lỗi lầm, hậu đậu, yếu kém của chị em và thất vọng, tuyệt vọng sẽ chiếm dần trái tim chính ra phải bình an, vì tin tưởng vào ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần trên mỗi người. Không chịu đựng tất cả, cộng đoàn thánh hiến sẽ trở thành sào huyệt của giả hình, tuy khấn hứa tự hiến, nhưng giữ lại hết cho mình và chỉ sống theo ý riêng.
Sau cùng, cộng đoàn là nơi đời sống tự hiến được lớn nhanh và sinh nhiều hoa trái, nhờ được tình yêu cộng đoàn chăm nom, nâng đỡ, chữa lành. Bởi cộng đoàn Nhà Dòng là mái ấm mẹ hiền lúc nào cũng quan tâm, thấu hiểu, trìu mến, để người Nữ Tỳ không thấy mình cô đơn, lạc lõng, nhưng luôn bình an, vững tiến vì được tình yêu tự hiến của cộng đoàn bao bọc, dìu dắt.
Xin Chúa Giêsu Linh Mục giúp các chị sống tinh thần tự hiến ngay giữa lòng cộng đoàn Nhà Dòng, bên chị em cùng lý tưởng tự hiến, như Chúa Giêsu đã tự hiến nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ và tự hiến nhập thế giữa loài người chúng ta để trở nên Của Lễ toàn thiêu cứu chuộc muôn người.
JNT
Tin cùng chuyên mục
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)
LÀM ĂN SINH LỢI (20.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)