NGƯỜI NỮ TỲ  SỐNG TỰ HIẾN TRÊN GIƯỜNG BỆNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Tháng 06/2024

 Chia sẻ 12:
NGƯỜI NỮ TỲ  SỐNG TỰ HIẾN TRÊN GIƯỜNG BỆNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Tin Mừng cho chúng ta gặp gỡ nhiều khuôn mặt đau bệnh, trong nhiều tình huống được Đức Giêsu chữa lành khác nhau. Có những người bệnh được người nhà khiêng tới: « Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người chữa lành họ » (Mt 4,24). Có người được Đức Giêsu tìm đến như « Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay, và bà chỗi dậy phục vụ Người » (Mt 8,14-15). Có người tự tìm đến Ngài như người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm (Mt 20-21). Cũng có những gặp gỡ ngẫu nhiên, tình cờ giữa Đức Giêsu và người đau bệnh, tật nguyền như người bại tay được Chúa chữa trong ngày sabát (x. Mt 12,9-14), hoặc như người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1).

Bên cạnh những người đau bệnh, tật nguyền mà chúng ta gặp trong Tin Mừng, chị em NTCGLM còn được theo chân Đức Giêsu đến thăm các chị em của cộng đoàn chúng ta cũng đang đau đớn chiến đấu với những căn bệnh khó chữa trên giường bệnh.

Đi theo Đức Giêsu đến tận giường bệnh của từng chị em trong Dòng, chúng ta nhận ra rất nhiều điều mà trước đây chúng ta không hề nghĩ tới:

Chúng ta sửng sốt nhận ra sự tàn phá đáng kinh sợ của bệnh tât, nhất là những căn bệnh hiểm nghèo, quái ác. Bệnh tật làm cho người chị em của chúng ta « không còn dáng vẻ người ta nữa » (Is 52,14). Chúng ta ngậm ngùi cảm nhận nỗi đau đớn trên thân xác, và những dằn vặt thử thách trong tâm hồn của người chị em trên giường bệnh. Chúng ta giật mình hoảng sợ vì không biết Thánh Giá nặng nề người chị em đang phải vác có khi nào cũng sẽ đặt trên vai chúng ta không ?

Thực vậy, bệnh tật là thử thách lớn của đời làm người, vì mấy ai tránh được bệnh tật, và những biến cố gây nên thương tích, tật nguyền. Đó là chưa kể khi về già, bệnh tật là những khách không mời cũng đến, đến rồi không đi. Ai nấy đều sợ hãi, ngao ngán, bất đắc dĩ phải sống chung với bệnh tật cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Đức Giêsu thương người đau bệnh, tật nguyền. Ngài không từ chối lời van xin, năn nỉ của người bệnh nào, nhưng luôn chạnh lòng thương và chữa lành. Ngài khai mở cho chúng ta một sự thật mà bấy lâu chúng ta không hề biết: đó là bệnh tật không phải là hình phạt nhãn tiền Thiên Chúa giáng trên người đau bệnh, như chính Đức Giêsu đã khẳng định được Tin Mừng Gioan (Ga 9,1-3). Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện (Ga 9,1-3).

Người mù đã chịu cảnh tối tăm, từ thuở mới sinh chỉ để mọi người nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, qua lời chứng của mình:  « Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta (tức Đức Giêsu), đã chẳng làm được gì » (Ga 9,32-33). Cũng vậy, những chị em đau bệnh ở giữa chúng ta hôm nay đang làm vinh danh Thiên Chúa trên thân xác đã tự hiến của mình, khi sống triệt để tinh thần tự hiến của người NTCGLM trong đau đớn thân xác, và  đau khổ tinh thần vì lợi ích của Giáo Hội và các linh hồn.

Quả thực, các chị là những Nữ Tỳ đã tự hiến đến cùng, khi để con người mình được trọn vẹn thông phần đau khổ với Đức Giêsu, bằng chấp nhận chịu đóng đinh vào Thánh Giá với Đức Giêsu « trên giường bệnh ».

Đây là chọn lựa quả cảm của « một tình yêu cao cả là chết cho người mình yêu » (Ga 15,13), chết với người mình yêu ở tâm hồn tự hiến, khi vui nhận Thánh Giá « đau bệnh: nằm yên một chỗ, không còn khả năng làm được bất cứ việc gì, kể cả nhu cầu tối thiểu là vệ sinh cá nhân », bởi Đức Giêsu trên Thánh Giá cũng nằm yên một chỗ, bất lực trong mọi sự đến nỗi khát nước cũng không được uống nước, mà phải uống giấm (Ga 19,29).

Là thái độ anh hùng của tình yêu mạnh hơn sự chết ở người NTCGLM, khi với tinh thần tự hiến đã không chối bỏ, tránh xa hay thất vọng vì món quà tình yêu của Đấng Phu Quân lại là Thánh Giá sần sùi, nặng nề, khó vác.Trái lại, chị em trân trọng đón nhận, với tình yêu tự hiến sâu thẳm tận cùng, mặc dù « lòng xao xuyến bồi hồi » và « mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất » (Lc 22,44), như Đức Giêsu trong vườn Ghétsêmani xưa.

Là hành động liều lĩnh của yêu vào những thách đố lớn nhất của tình yêu. Đó là không còn quyền tình yêu hoàn toàn tự hiến, khi can đảm đi với người mình thế, nhưng bị coi thường, bỏ rơi, bạc đãi, nguyền rủa ; không còn của cải, phương tiện, khi phải trần truồng, đói khát, thiếu thốn ; không còn đám đông thần tượng, ngưỡng mộ, bạn bè vây bám…nhưng cô đơn và phải lệ thuộc, cậy nhờ mọi người ; không còn « được làm, làm được » điều mình muốn, nhưng phải làm điều người khác muốn, đến nơi mình chẳng muốn. Chính Đức Giêsu đã nói với Phêrô: « Thầy bảo thật cho anh biết: lúc con trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay cho người ta thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. » (Ga 21, 18).

Như đã nói với môn đệ Phêrô, Đức Giêsu cũng nói với người Nữ Tỳ đã tự hiến cho Ngài: Nay con còn khỏe mạnh, con làm gì mặc ý, nhưng khi con bệnh họan, người ta sẽ làm cho con những điều con không vừa ý, và đưa con đến những nơi con không hề muốn.

Nhưng Đức Giêsu đã không để người môn đệ sắp về già, cũng như nguời Nữ Tỳ đang đau bệnh của Ngài lơ lửng, chơi vơi giữa  trời mù sương, vô định. Trái lại, Ngài bảo người nữ tỳ: « Hãy theo Thầy » (Ga 21,19), dù phải nằm liệt, dù hơi tàn sức kiệt những ngày tuổi đời xế bóng .

Mời gọi môn đệ  Phêrô « Hãy theo Thầy » lần này, Đức Giêsu muốn nói với ông và tất cả những môn đệ, Nữ Tỳ đang theo Ngài trên giường bệnh, hoặc trong tình cảnh nghiệt ngã của tuổi già kiệt lực, tàn phế. Hãy tiếp tục theo Thầy như đã bỏ mọi sự mà theo Thầy năm xưa bên bờ hồ Galilê. Hãy tiếp tục theo Thầy như đã bỏ gia đình, bỏ kỷ niệm sân trường, bỏ lưu luyến bạn thân, bỏ nhớ thương tình đầu để đi theo thầy vào tu viện khi tuổi đời chưa tròn mười tám. Hãy tiếp tục theo Thầy như đã theo Thầy khi tình yêu phơi phới, và « chân sáo » tương lai nhảy vang  phố phường. Và cứ hãy tiếp tục theo Thầy cả những tháng ngày thê thảm, bệ rạc vì bệnh tật và thân xác không còn sinh lực, dù một chút xíu để có thể cử động ra dấu cho mọi người biết mình còn sống.

Vâng, đời tự hiến trên giường bệnh của người NTCGLM trước hết là thái độ đón nhận Thánh Giá với tâm tình của Đức Giêsu trong vườn Ghếtsêmani trước chén đắng Thánh Giá Chúa Cha muốn Ngài phải uống.

Chúng ta đừng quên: đón nhận Thánh Giá trước mặt khác với đón nhận Thánh Giá trong ý nghĩ và sách giáo lý. Vì Thánh Giá trước mặt cho chúng ta thấy mức độ kinh khủng của nặng nề, và tần suất kinh hoàng của đau đớn, làm chúng ta xao xuyến, bấn loạn, hoang mang đến đổ mồ hôi máu. Ngay cả Thiên Chúa làm người cũng không tránh khỏi nỗi sợ hãi khi Thánh Giá được đặt trước mặt Ngài.

Xin Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá thương xót các chị em Nữ Tỳ đang chịu đóng đinh thân xác mình vào Thánh Giá là giường bệnh. Xin thương xót các chị để các chị tìm gặp niềm vui được thương xót bên trái tim Đấng chịu đóng đinh, Đấng mà các chị đã một đời tự hiến vì yêu. Nhờ lòng thương xót ấy, các chị sẽ không như nhiều người trở thành kẻ thù của Thánh Giá, vì không dám nhận Thánh Giá là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng, là nguồn mạch ơn cứu rỗi, là đường dẫn tội nhân đáng phải chết đến sự sống và vinh quang đời đời của Thiên Chúa.

Xin Đức Giêsu nằm chết trên Thánh Giá nâng đỡ các chị Nữ Tỳ đang nằm liệt trên giường bệnh, để tình yêu tự hiến dành cho một mình Đức Giêsu là Đấng Phu Quân trung tín và toàn năng của các chị trở nên niềm an ủi, mà chỉ những tâm hồn tự hiến đến cùng mới có thể cảm nghiệm.

Ước gì các chị NTCGLM đang chịu đóng đinh với Đức Giêsu vào Thánh Giá « giường bệnh » không bao giờ quê: chỉ trên Thánh Giá, khi không còn làm được điều mình muốn, đến được nơi mình muốn, nghiã là hoàn toàn bất lực lại là lúc công cuộc cứu độ đạt mức hoàn hảo. Bởi chính thời điểm bi thương nhất khi bị treo lên, bị cột chặt vào Thánh Giá là lúc Đức Giêsu kéo mọi người lên với Cha Ngài (x. Ga 12,32-33). Chính những năm tháng không còn sức lực, không còn khả năng hoạt động của các chị chịu đóng đinh vào giường bệnh lại chính là thời gian đem lại ơn ích thiêng liêng cho mình, cho cộng đoàn và cho các linh hồn nhiều nhất. Vì trên giuờng bệnh, các chị không còn vác Thánh Giá nữa, nhưng đã được đóng đinh vào Thánh Giá, và được treo lên cùng với Đức Giêsu rồi.

JNT