‘Bí Mật Thiên Sai’
Tâm tình mục tử tháng này đến tay anh chị em vào thời điểm Giáo phận hân hoan tạ ơn Thiên Chúa và Đức Thánh Cha Phanxicô về hồng ân Đức Giám mục phụ tá Đaminh Nguyễn Tuấn Anh. Dịp này tôi xin cùng anh chị em dành chút thời gian ngẫm nghĩ đôi điều về ý nghĩa phận vụ Chúa Kitô ủy thác cho Giám mục và cũng cho mọi tín hữu.
Một
Khi suy niệm Tin Mừng, đặc biệt nơi Tin Mừng theo Thánh Marcô, chúng ta nghiệm thấy Chúa Giêsu, sau nhiều sự việc, cố ý giữ lại một điều rất riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn Người… các vị am tường Kinh Thánh gọi là ‘Bí mật Thiên Sai’.
Thánh Marcô tường thuật Chúa Giêsu chữa lành người bị bệnh phong, Chúa căn dặn ngay: ‘Coi chừng, đừng nói gì với ai…’ (Mc 1:44); với người điếc ngọng vừa được khỏi, Chúa dạy: ‘Không được nói cho ai biết…’ (Mc 8:36); ‘Ngài trừ quỷ nhiều và cấm quỷ nói năng’ (Mc 1:34). Có hai trường hợp khác rất cần chú ý. Sau khi Chúa hỏi các Tông đồ xem các ông nhận định Chúa là ai, ‘Đáp lại, Phêrô nói: ‘Thầy là Đức Kitô’ ‘và Ngài căn dặn họ không được nói với ai về Ngài’ (Mc 9:29.30). Trên núi Tabor, Chúa tỏ vinh quang rạng rỡ cho các Tông đồ, vậy mà, ‘Trong khi họ xuống núi, Ngài căn dặn họ không được tường thuật cho ai các điều họ đã thấy’ (Mc 9:9)…
Thuở sinh thời, Chúa Giêsu ngăn cấm quảng bá về Chúa và các dấu lạ Chúa thực hiện, vì ngay cả nhóm Mười Hai cũng chưa hiểu nổi căn tính và sứ vụ của Chúa. Lòng dạ các ông còn nặng trĩu ‘dưới đất’. Tư tưởng và lối sống còn thuộc ‘lề lối loài người’ hơn là thuộc ‘tầm vóc Thiên Chúa’. Thầy và trò, ‘đồng sàng dị mộng’, trong mọi phương diện còn xa cách nhau biền biệt… Phương thức cứu thế Chúa Cha muốn thực hiện nơi Chúa con là ‘vô tiền khoáng hậu’. Trong lúc triết gia tìm khôn ngoan soi dẫn người đời, các tôn giáo tìm dấu lạ xoa dịu thương tích nhân sinh, thì Chúa Cứu Thế Giêsu lại vác thập giá đi trên con đường khổ nạn… Lần thứ nhất Chúa báo trước cho các Tông đồ Chúa phải trải qua đau khổ, bị phế thải bởi hàng niên trưởng, bị giết đi… thì Phêrô can ngăn và bị Chúa mắng nặng lời. Khi qua miền Galilê, Chúa lại tiên báo Người sẽ bị nộp và bị giết… trong khi các môn đệ vẫn còn bận tâm tranh ai giữa anh em là người lớn nhất. Trong hành trình Chúa dạn dĩ dẫn đầu đoàn Tông đồ lên Giêrusalem, Chúa tiên báo lần thứ ba Chúa sẽ bị nộp vào tay thượng tế, bị lên án tử, bị nộp cho dân ngoại, bị nhạo báng khạc nhổ đánh đòn, bị giết chết… thì anh em nhà Dêbêđê đòi chiếm chỗ nhất nhì…
Điều đáng tiếc, các Tông đồ đánh rơi mất lời Chúa tiên báo quan trọng liền sau cả ba lần tiên báo cuộc thương khó: sau ba ngày Chúa sẽ sống lại (x. Mc 8:31; 9:30; 10:32). Các ông cũng không quan tâm lời Chúa dạy sẽ công bố mọi điều vào thời điểm Chúa từ cõi chết sống lại (x. Mc 9:9). Mãi cho đến cuối đời, Thầy trò gắn bó bên nhau đến thế mà Chúa Giêsu vẫn trăn trở: ‘Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng hiện giờ, các con không mang nổi’ (Ga 16:12).
Chúa Giêsu mạc khải bí quyết mở ‘Bí Mật Thiên Sai’: Chúa Thánh Thần, ‘Đấng Thầy sẽ gởi đến từ nơi Cha’ (Ga 15:26) sẽ giúp các con mang nổi… ‘nhiều điều Thầy phải nói với các con’… Chúa Giêsu gởi Chúa Thánh Thần đến trên các Tông đồ qua thập giá: ‘Chúa gục đầu xuống, Người phó thác Thần Khí’ (Ga 19:30) và vào chiều ngày thứ nhất trong tuần: ‘Người thổi hơi trên họ và nói với họ: Hãy chịu lấy Thánh Thần’ (Ga 20:22).
Quả thực, căn tính đích thực của Chúa Giêsu sẽ chỉ được nhận biết chính xác khi nhìn từ những biến cố cuối đời của Chúa, trong ánh sáng Chúa phục sinh, nhờ năng lực Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ hoàn thành nỗi mong mỏi… mênh mông… sâu thẳm… nhiệm mầu… của Chúa Giêsu, để cho ý Chúa Cha nên trọn… (x Ga 13-17), để cho ‘mọi sự đã hoàn tất’ (Ga 19:30). Nhờ Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô cứu thế, chan chứa tình yêu của Chúa Cha, sáng tỏ trong nhãn quan Thập giá và Phục sinh.
Hai
Chúa Kitô phục sinh ban cho các Tông đồ ‘Phép Rửa trong Thánh Thần’ (TđCv 1:5). Thời điểm ‘Con Người đã sống lại từ cõi chết’ (Mc 9:9), là lúc quyết liệt công bố ‘Bí Mật Thiên Sai’: ‘Các con sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần đến trên các con. Và các con sẽ là chứng tá của Thầy ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari, và cho đến mút cùng trái đất’ (TđCv 1:8).
Vâng lệnh Chúa truyền, các Tông đồ và toàn thể Giáo hội, đặc biệt Tông đồ cả Phêrô, đã dạn dĩ thi hành sứ vụ mở ‘Bí Mật Thiên Sai’. Tại Giêrusalem, trước những người Do Thái và tòng giáo… ‘Cùng mười một vị, Phêrô đứng lên cất tiếng tuyên ngôn: ‘Các ông, người Israel, xin nghe các lời này: Đức Giêsu Nazaret, người được Thiên Chúa ủy nhiệm… các ông đã thủ tiêu Người đi, là dùng tay vô đạo đóng đinh thập giá… Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại, chúng tôi hết thảy xin làm chứng…’ (TđCv 2:22.23.32). Giáo hội, trong Thánh Thần, đã mở rộng công cuộc loan Tin Mừng cho anh em ngoài Do thái giáo. Cũng chính Phêrô, tại gia đình người ngoại đầu tiên, gia đình ông Cornêliô, tin vào Tin Mừng Giêsu, đã tuyên ngôn cùng một nội dung cốt yếu, ‘Kérygma’: ‘Đức Giêsu, người Nazaret, Thiên Chúa đã xức dầu cho Người bằng Thánh Thần và quyền năng… Người mà họ đã treo trên súc gỗ mà giết đi. Chính Người Thiên Chúa đã làm cho sống lại ngày thứ ba, và đã cho hiện tỏ, không phải cho toàn dân, nhưng là cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước, tức là chúng tôi…’ (TđCv 10:38-41)… ‘Thánh Thần và chúng tôi làm chứng’ (x. TđCv 5:32).
Ba
Kế nhiệm các Tông đồ là các Giám mục. Giám mục được diễn tả bằng từ ‘Episcopos’, xuất hiện năm lần trong Tân Ước. Trước hết với ý nghĩa người có tầm nhìn từ trên cao, mà Đức Thánh Cha Bênêđictô diễn giải là người có tầm nhìn của Thiên Chúa, Đấng ngự trên cao, chữ này trước tiên chỉ về Chúa Giêsu, ‘Chúa chiên’: ‘Vì anh em đã từng như chiên thất lạc, nhưng nay anh em đã trở lại với Chúa chiên và là Đấng coi sóc linh hồn anh em’ (1Pr 2:25). Sau đó, chữ này cũng chỉ về những Kitô hữu mang trọng trách chăm sóc cộng đoàn. Tại Êphêsô, chữ này chỉ về hàng niên trưởng mà Thánh Thần đã đặt lên (x. TđCv 20:28).
‘Episcopos’ là vị nhận trách nhiệm một Giáo hội địa phương, gọi là ‘vị chăn chiên’, khác với các Tông đồ, Tiên tri, Giảng viên, các Phó tế: ‘Chính Đức Kitô đã ban cho: người thì làm Tông đồ, kẻ thì làm Tiên tri, người thì làm Giảng viên, kẻ thì làm vị Chăn chiên, làm Thầy dạy’ (Ep 4:11). Trong các thư mục vụ, Thánh Phaolô ủy thác cho vị Chăn chiên ấy nhiệm vụ giảng dạy, canh chừng kho tàng đức tin: ‘Timothê hỡi! tồn khoản (kho tàng đức tin) trao tay, anh hãy giữ kỹ, tránh chuyện bá láp vô lại, những ‘phản đề’ của thứ trí tri giả hiệu, điều mà có những kẻ chủ trương thì đã trật mất đức tin. Ân sủng ở cùng anh em!’ (1Tm 6: 20.21).
Sách Didachè (Giáo huấn các tông đồ, năm 98) và Thánh Clêmentê (năm # 96) phản ánh hoạt động của Giáo hội tại Corintô và Rôma cho thấy các vị Chăn chiên đã hiệp thông thành Giám mục đoàn. Vị được chọn trở thành Giám mục do việc đặt tay thông truyền Thánh Thần của các Giám mục trong miền hoặc như Công đồng Nicê quy định ít nhất ba Giám mục. Các thư của Thánh Inhaxiô Antiôkia (110- # 150) lần đầu tiên xác nhận rõ ràng vị Giám mục đứng đầu (cho miền Syrie) và những vị thứ bậc thấp hơn là các Linh mục và các Phó tế. Sự phân biệt ba cấp phẩm thừa tác của chức tư tế không được nói tới trong Kinh Thánh, nhưng được Thánh Công đồng Vaticanô II dùng thuật ngữ ‘ab antiquo’ (từ xưa): ‘Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo hội được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa gọi là Giám mục, Linh mục và Phó tế’ (GH s. 28). Các Giám mục từ mọi miền hiệp thông là dấu chỉ tính công giáo của Giáo hội và tính duy nhất của cộng đoàn Thánh Thể. Thánh Inhaxiô và Công đồng Nicê nói: ‘Ở đâu có Giám mục, ở đó là Giáo hội Công giáo’. Giám mục đứng đầu không có nghĩa là một quân chủ. Cuộc đời Thánh Giám mục Cyprianô cho thấy Ngài hoạt động hiệp hành với các Giám mục khác và với Dân thánh của Chúa.
Do liên kết với Giám mục đoàn, mỗi Giám mục địa phương thể hiện trong Giáo hội của mình đức tin và mối hiệp thông của Giáo hội toàn cầu. Yếu tố này làm nên điểm độc đáo giáo hội học của các Công đồng miền và hoàn vũ. Giám mục được truyền chức để chủ trì phục vụ Lời và các Nhiệm tích. Ở đây nổi bất tính tông truyền: mở ra ‘Bí Mật Thiên Sai’ của Đấng đã chết và sống lại ban ơn sự sống Chúa Ba Ngôi cho nhân loại. Thánh Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: Nhiệm vụ ưu tiên của Giám mục là chăm sóc mục vụ cho Dân Thánh như một tôi tớ theo lối đường Tin Mừng (x. GH s. 18.24.27). Giám mục được thánh hiến bởi bí tích và nhận năng lực từ bí tích: ‘Khi được truyền chức, các Giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo hội và các Thánh Giáo phụ gọi là chức Linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Việc truyền chức Giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; tuy nhiên các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ lãnh và các phần tử của Giám mục đoàn’ (GH s. 21).
Anh chị em thân mến,
‘Bí Mật Thiên Sai’ của Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế đã được mở trong lịch sử nhờ Giáo hội đầy Thánh Thần… Vẫn còn đây ‘Bí mật Giêsu’ hấp dẫn chúng ta từng phút giây, suốt đời… trong tình yêu nồng nàn và trong ‘dạ nhớ’ sâu lắng…
“Lạy Chúa của con, con yêu mến Chúa và ước muốn duy nhất của con là yêu mến Chúa cho đến hơi thở cuối cùng của con.
Lạy Chúa đáng yêu mến vô cùng, con yêu mến Chúa và con thà chết vì yêu mến Chúa còn hơn là sống một giây phút mà không yêu mến Chúa.
Lạy Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể nói với Chúa trong mọi giây phút rằng con yêu mến Chúa thì con muốn trái tim của con lặp lại điều ấy với Chúa trong từng hơi thở của con.
Lạy Chúa của con, xin ban cho con ơn được chết trong lúc yêu mến Chúa và biết rằng con yêu mến Chúa.” (Thánh Gioan Maria Vianney)
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục hiệp hành với anh chị em
Tin cùng chuyên mục
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)
LÀM ĂN SINH LỢI (20.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
BỎ MÌNH VÀ MẤT MÌNH (17.11.2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)