Hiểu biết để yêu mến Chúa hơn (17.10.2024 – THỨ NĂM TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN)

Phúc Âm: Lc 11, 47-54

“Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại”.

Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.

Suy niệm 1

Chúa Giêsu quở trách các nhà thông luật vì họ dùng luật để cản trở người ta đến với Thiên Chúa. Lẽ ra họ hiểu biết lề luật của Thiên Chúa nhiều thì bản thân phải sống đẹp lòng Chúa hơn và giúp nhiều người thêm lòng yêu mến Chúa. Tuy nhiên, họ dùng kiến thức về lề luật để bắt bẻ người này, kết án người kia và tạo ra nhiều áp lực cho dân chúng. Chính cách giải thích luật theo ý riêng mình đã làm cho người nghe hiểu sai về lề luật của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu không ngại lên án lối sống dùng lề luật của Chúa để hù dọa và gây khó dễ cho người khác. Điều này làm lu mờ hình ảnh thánh thiện và yêu thương nơi Thiên Chúa.
Thiên Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và hiểu biết để hoàn thiện bản thân và giúp mọi người thêm lòng yêu mến Chúa. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cắt nghĩa Lời Chúa, giải thích lề luật của Chúa và Giáo hội một cách cứng ngắc theo ý riêng nên cản trở nhiều người đến với Chúa. Mỗi người hãy học nơi Chúa Giêsu, Ngài đến trần gian để cứu chứ không phải để giết. Do đó, trong mọi vấn đề, chúng ta cố gắng giải quyết cho nhẹ nhàng chứ không cột chặt một cách khắt khe.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết dùng sự khôn ngoan và hiểu biết của mình để thêm lòng yêu mến Chúa nhờ đó giúp nhiều người nhận biết Chúa hơn. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
Suy niệm 2

Các kinh sư và các nhà thông luật là những bậc vị vọng trong Do Thái giáo, ít nhiều cũng được giới lãnh đạo kính nể. Thế mà từ khi bước vào hoạt động công khai, Đức Giê-su đã nhiều lần lên án, chỉ trích lối sống giả hình của họ. Điều này lại càng làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa Đức Giê-su và giới lãnh đạo Do Thái giáo, họ tìm cách bắt bẻ Người.

Qua thái độ của Đức Giê-su và các kinh sư, nhà thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay cho tôi những bài học cho cuộc sống và sứ vụ của mình. Đó là thái độ mạnh mẽ can đảm, dám lên tiếng bảo vệ sự thật dù điều đó có làm cho bản thân gặp phải những khó khăn, bắt bớ. Điều này không hề dễ, bởi tự nhiên con người ai cũng muốn được bình an, không đụng tới ai cũng đừng ai đụng tới mình. Đức Giê-su đã sống ngược lại, Người sống cho sự thật sẵn sàng lên tiếng bảo vệ sư thật, bảo vệ quyền lợi của những người yếu đuối những người bị xã hội loại trừ. Dường như Người không quan tâm đến những điều sẽ xảy đến cho mình miễn làm sao sự thật được phơi bày, làm sao để con người trở nên tốt hơn, hướng tới hạnh phúc đích thực là sự sống đời đời. Là người môn đệ của Đức Giê-su, tôi cũng được mời gọi sống cho và vì sự thật cho dù phải gặp những khó khăn, thử thách.

Điều thứ hai tôi học được từ chính thái độ của các kinh sư, những nhà thông luật khi Đức Giê-su chỉ trích họ. Họ đã “căm giận Người ra mặt” (c.53). Tôi nghĩ đây cũng là điều tự nhiên của thân phận con người: không muốn ai đụng đến những điều xấu của bản thân mình. Điều Đức Giê-su làm không phải nhằm loại trừ hay bêu xấu họ, nhưng đó lại là điều tốt cho họ. Đức Giê-su muốn họ nhìn thẳng vào con người của mình để thấy và sửa đổi. Có lẽ đây cũng là lời nhắc nhở của Đức Giê-su đối với bản thân tôi: phải biết khiêm tốn trước sự nhắc nhở, sửa sai của người khác. Không dễ để đón nhận những lời “vạch trần” như thế, nhưng nếu đủ khiêm tốn và cậy dựa vào Chúa thì mọi sự đều có thể đón nhận được.

Lạy Chúa, xin cho con có đủ khiêm tốn để nhận ra chính con người thật của mình, đồng thời có đủ can đảm để sửa đổi bản thân; để từ đó con mạnh mẽ hơn để sống cho sự thật, đứng về phái những người bị coi thường, bị loại trừ trong nơi con đang sống.

Maria Vũ Thị Kiều.