Thánh Augustino đã từng nói: “Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại, có tự ngàn đời mà vẫn luôn mới mãi, khiến con phải say mê”[i]. Quả thật, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động không ngừng qua các thời đại, Ngài đã phác họa lại vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa trong vũ trụ bao la xinh đẹp này. Và một trong những vẻ đẹp của Thiên Chúa được bày tỏ nơi nhân loại đó là nét đẹp đời thánh hiến. Hơn ai hết, chính Chúa Thánh Thần đã tô điểm cho vườn hoa đời thánh hiến những nét đẹp tinh thần thiêng liêng phong phú, sâu sắc và giá trị qua các đoàn sủng khác nhau. Cách riêng, trong sự quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa, người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục được Chúa Thánh Thần họa nên một nét đẹp đặc biệt qua đặc sủng và linh đạo Dòng, đó là được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế qua việc sống mầu nhiệm tự hiến và thi hành sứ mạng của Dòng là cầu cho việc thánh hóa các linh mục và cộng tác vào việc tông đồ của các ngài.
Đức Kitô Thượng Tế đời đời
Hơn ai hết, Đức Kitô Thượng Tế chính là mẫu gương tuyệt hảo để người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục dấn bước noi theo. Người là Thượng Tế đích thực và vĩnh viễn, là trung gian của giao ước mới (Dt 8,6; 9,15; 12,24). Thật vậy, “bằng cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã thi hành chức năng tư tế và đưa chức tư tế đến mức hoàn thành”[ii]. “Người đã vào cung thánh không phải máu con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần mà thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12). “Người là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tm 2,5). Theo thánh Augustino: “tư tế chỉ có một, là Đức Kitô; lễ tế và lễ vật chỉ có một là Đức Kitô; Người là tư tế nhờ mầu nhiệm nhập thể: vì là Con Thiên Chúa làm người. Người dâng lễ suốt cả cuộc đời, nhưng đặc biệt là trên thập giá, và tiếp tục dâng lễ ở trên trời trong tư thế là Đầu của Giáo hội.”[iii] Hơn thế nữa, chính Thiên Chúa đã không chỉ khẳng định, mà còn “thề” rằng Đức Kitô được tôn vinh là tư tế: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melchisedech” (Dt 5,8-10).[iv] “Người ta có lý khi nói rằng Chúa Giêsu không thuộc giai cấp tư tế, Người không coi mình như một tư tế phục vụ trong Đền thánh Giêrusalem. Thế nhưng theo ý nghĩa mới mẻ và sâu xa nhất, Chúa Giêsu chính là Thượng Tế của Giao Ước mới. Người không hiến dâng cho Thiên Chúa cái gì ở bên ngoài nhưng Người hiến dâng chính mình, và Người làm như thế để bày tỏ tình yêu, tình bạn Người dành cho chúng ta. Trong hoàn cảnh của nhân loại sau khi tổ tông loài người sa ngã và sự chết đột nhập trần gian (Rm 5,12), chúng ta không thể tự cứu mình, Chúa Giêsu đã tự hiến dâng chính mình để mang lại cho ta sự sống mới. Sự sống ấy chính là hoa trái của tình yêu hiến dâng và phục vụ.[v]
Trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế và thực thi sứ mạng của Hội Dòng
“Để tiếp tục Hy Lễ Thập Giá bằng hiến tế Thánh Thể, Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục để phục vụ dân thánh Chúa, giúp cho dân có khả năng hiến tế và làm chứng nhân danh Chúa Kitô cho loài người”[vi]. Các linh mục “không chỉ có nhiệm vụ đại diện cho Đức Kitô, Đấng là Đầu Hội Thánh, trước cộng đoàn tín hữu, mà còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện của Hội Thánh (x. SC 33), nhất là khi cử hành thánh lễ (x. LG 10)”[vii]
Nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của các linh mục trong việc xây dựng và phục vụ Hội Thánh, Đấng sáng lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục được Chúa Thánh Thần soi sáng, mời gọi chị em sống đặc sủng: trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế và thi hành sứ mạng Dòng là “cầu cho việc thánh hóa các linh mục và cộng tác vào việc tông đồ của các ngài. Đặc biệt trong giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày, chị em dâng mọi lời cầu nguyện và hy sinh dâng lên Thiên Chúa để xin ơn thánh hóa các linh mục, vì sự thánh thiện của các ngài ảnh hưởng lớn đến Giáo hội, và để nhờ sức sống của Chúa như cây nho chuyển qua ngành, các ngài sinh nhiều hoa trái phong phú”.[viii] Chị em cũng cộng tác vào việc tông đồ của các linh mục trong các hoạt động mục vụ Giáo xứ. Ngoài ra, trong khi thi hành các sứ vụ khác của Dòng, như: giáo dục văn hóa, chăm sóc bệnh nhân và bác ái xã hội; chị em dâng mọi công việc, hy sinh, vất vả, nỗ lực trong những thách đố và khó khăn khi thi hành sứ vụ để trở thành của lễ dâng lên Thiên Chúa trong tình yêu hiến tế với Đức Kitô nhằm xin ơn thánh hóa và tông đồ của các linh mục.
Như thế, chị em đang cùng với Giáo Hội sống mầu nhiệm hiệp thông qua sự hợp nhất trong Đức Kitô, thể hiện tinh thần cộng tác và chia sẻ trách nhiệm mục vụ. Cùng với các linh mục, chị em xây dựng và làm cho Giáo Hội trở thành một cộng đồng cùng lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau thăng tiến để duy trì sự hiệp nhất trong đa dạng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Giáo Hội đang phải đối diện với nhiều thách thức liên quan đến sự hiệp nhất, một trong những giá trị cốt lõi mà Giáo hội luôn hướng tới; việc xây dựng sự gắn kết chặt chẽ giữa mọi thành phần trong Giáo Hội càng trở nên quan trọng. Qua đặc sủng Dòng, Người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục vinh dự được cộng tác cách đặc biệt với sứ vụ tông đồ của các linh mục trong cầu nguyện và hy sinh, đó cũng là cơ hội để chị em trở nên chứng tá sống động cho sức mạnh hiệp thông trong mọi thành phần của Giáo Hội, cùng nhau hướng tới một Giáo Hội hiệp hành : hiệp thông – tham gia – sứ vụ.
Sống mầu nhiệm tự hiến theo gương Đức Kitô Thượng Tế
Nhờ việc dâng hiến chính mình cùng với Đức Kitô Thượng Tế, người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục khao khát được trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong hiến lễ toàn thiêu của Người trên thập giá. Chị em chọn con đường sống mầu nhiệm tự hiến theo gương Đức Kitô Thượng Tế để trở thành của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Thật vậy, qua việc tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, chị em tự nguyện sống một đời hiến tế. Chị em “chấp nhận thân phận của hạt lúa miến, chịu chôn vùi, thối rữa…để sinh nhiều hoa trái”.[ix] Trong tình yêu tự hiến với Đức Kitô, “chị em hằng ngày đặt tất cả vui buồn, sướng khổ của mình cũng như của cõi đời nhân thế trên đĩa thánh, kết hợp với cuộc hiến tế của Chúa, và công nghiệp của Đấng Cứu Thế để cầu xin Thiên Chúa cho cộng đồng nhân loại và cách riêng cho việc thánh hóa các linh mục”.[x] Và khi theo Chúa là chị em “tự nguyện sống hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, là bước đi trên con đường mà chính Người đã đi, đó là con đường khổ giá, qua việc từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa cách triệt để, sẵn sàng chết đi cho ý riêng để đạt đến sự tự do làm con Chúa”.[xi] Thật là một điều kiện không dễ chút nào, nhưng nhờ tình yêu Đức Kitô là nguồn động lực giúp chị em thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Nhờ việc “từ bỏ mình cách tuyệt đối, chị em khám phá ra kho tàng chị em tìm kiếm không phải là của cải vật chất, khả năng, tiện nghi nhưng chính là Nước Trời.[xii] Không chỉ thế, khi sống đời dâng hiến, chị em tự nguyện từ bỏ “con người cũ” để mặc lấy “con người mới” trong Đức Kitô, chấp nhận được Thiên Chúa “cắt tỉa” để sinh nhiều hoa trái; mặc lấy tâm tình của Người, sẵn sàng đồng thân phận tôi tớ với Đức Kitô, trở nên hình ảnh sống động của Người. Hình ảnh Đức Kitô Thượng Tế, khơi lên trong lòng chị em khao khát trở thành hy tế thập giá trong sự khiêm nhường và vâng phục Thánh ý Chúa qua những đau khổ, bệnh tật cả trong thể xác lẫn tinh thần, tuân giữ kỷ luật tu trì, cùng những khác biệt của chị em trong đời sống cộng đoàn và những thách đố, khó khăn khi thi hành sứ vụ.
Và khi chị em tham dự vào chức vụ tư tế của Đức Kitô, cũng là lúc chị em cùng tham dự vào chức vụ ngôn sứ và phục vụ của Người. Chị em trở nên những phát ngôn viên loan báo Tình Yêu Thiên Chúa và phục vụ Người qua tha nhân trong sự hiến tế chính mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.
Dù còn đó nhiều giới hạn trong thân phận làm người, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Linh và trong tình yêu Đức Kitô Thượng Tế, chị em can đảm, nỗ lực sống mầu nhiệm tự hiến cách sống động trong tình yêu tự hiến với Đức Kitô để tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Giáo hội, cứu rỗi các linh hồn và thánh hóa bản thân, đặc biệt cầu nguyện cho việc thánh hóa các linh mục và cộng tác vào việc tông đồ của các ngài.
Như thế, nhờ khao khát được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế qua con đường sống mầu nhiệm tự hiến và thực thi sứ mạng Dòng, chị em đã họa lại đậm nét và làm tỏa rạng vẻ đẹp của Thiên Chúa cho thế giới. Văn hào Dostoevsky đã nói: “Chính cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Ước gì mỗi chị em Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục luôn sống đẹp đời thánh hiến qua việc tiếp tục gìn giữ và phát huy những nét đẹp và cũng là gia sản quý giá mà Chúa đã ân ban Hội Dòng, nhờ đó, cùng với Đức Kitô Thượng Tế, chị em xây dựng một thế giới tràn đầy Tình Yêu. Chính Tình Yêu Đức Kitô, và chỉ Tình Yêu Đức Kitô mới có thể cứu rỗi thế giới.
Sương Mai, SJP
[i] AUGUSTINO. Tự Thuật, quyển 10, chương 27.
[ii] LINH TIẾN KHẢI. Chức tư tế của Đức Kitô. Truy cập ngày 16/10/2024 tại https://www.daobinh.com/tu-sach-tai-lieu/thanh-kinh/chuc-tu-te-cua-chua-giesu-kito-2.htm
[iii] FELIPE GOMEZ. Kitô học, tập 2, tr 367. NXb An tôn và đuốc sáng, 2002.
[iv] LINH TIẾN KHẢI. op. cit.
[v] Gm. PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM. Chức tư tế trong Tân ước từ quan điểm Kitô học. Truy cập ngày 17/10/2024 tại https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/chuc-tu-te-trong-tan-uoc-tu-quan-diem-kito-hoc-43774.
[vi] Gm. PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC. Thần học của Trento và Vaticano II về chức linh mục. Truy cập ngày 21/10/2024 tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/than-hoc-cua-trento-va-vaticano-ii-ve-chuc-linh-muc-18552.
[vii] GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, số 1552.
[viii] X. DÒNG NỮ TỲ CHÚA GIÊSU LINH MỤC. Hiến Pháp 1984, điều 165.
[ix] DÒNG NỮ TỲ CHÚA GIÊSU LINH MỤC. Linh Đạo, tr 19.
[x] Ibid, tr 17.
[xi] Ibid, tr 58.
[xii] X. Ibid, tr 60.
Tin cùng chuyên mục
TÊN CHÁU LÀ GIOAN (23.12.2024 – THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG – NGÀY 23.12)
KỶ YẾU 40 NĂM
NÉT ĐẸP NGƯỜI NỮ TỲ CHÚA GIÊSU LINH MỤC QUA ĐẶC SỦNG VÀ LINH ĐẠO DÒNG
THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI (22.12.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 MÙA VỌNG NĂM C)