Đức Thánh Cha Phanxicô: Trí tuệ nhân tạo (AI) phải tôn vinh và không được xâm phạm phẩm giá con người

Trong thông điệp gửi đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2025 tại Davos, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm. Ngài nhấn mạnh rằng AI phải phục vụ con người vì lợi ích chung của nhân loại, và không bao giờ được phép xâm phạm phẩm giá con người chỉ để chạy theo lợi ích vật chất.

“Không bao giờ được phép xâm phạm phẩm giá con người vì lợi ích vật chất.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở điều này trong thông điệp gửi đến Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025 tại Davos, Thụy Sĩ. Đức Thánh Cha mở đầu bằng cách đề cập đến chủ đề của Diễn đàn năm nay: “Hợp tác trong thời đại Trí Tuệ Nhân Tạo”. Ngài nhận định đây là cơ hội quý báu để suy định về AI không chỉ như một công cụ hỗ trợ sự hợp tác, mà còn là phương tiện để gắn kết các dân tộc lại gần nhau hơn.

Trí tuệ – món quà từ Thiên Chúa

Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng theo truyền thống Kitô giáo, trí tuệ là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa.”

Đồng thời, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo từ lâu đã luôn ủng hộ sự tiến bộ trong khoa học, công nghệ, nghệ thuật và các nỗ lực của con người. Giáo hội xem những lĩnh vực này như “sự cộng tác giữa con người với Thiên Chúa để hoàn thiện công trình sáng tạo hữu hình.”

Rủi ro từ những điều không lường trước

Đức Thánh Cha lưu ý rằng AI được thiết kế để bắt chước trí tuệ con người – vốn là nguồn gốc tạo ra nó – nên đặt ra những câu hỏi và thách thức đặc biệt. Công nghệ này có khả năng tự học, tự đưa ra quyết định, và đôi khi cho ra những kết quả mà ngay cả người lập trình cũng không dự đoán được.

Đức Giáo hoàng nói rằng vì lý do này, AI khơi lên “những câu hỏi căn bản về trách nhiệm đạo đức, sự an toàn của con người, và tác động rộng lớn của nó đối với xã hội.”

Hỗ trợ con người

Đức Giáo hoàng khen ngợi:

“Khi được sử dụng đúng đắn, AI giúp con người sống trọn vẹn ơn gọi của mình trong tự do và trách nhiệm.”

Ngài nhắc nhở rằng giống như mọi hoạt động và tiến bộ công nghệ khác của con người, AI cần hướng đến con người và trở thành một phần của những nỗ lực nhằm đạt được “công lý vững bền hơn, tình huynh đệ sâu rộng hơn, và một trật tự xã hội nhân văn hơn.”

Theo ngài, điều này “còn quý giá hơn bất kỳ tiến bộ kỹ thuật nào”. Đức Thánh Cha cảnh báo về nguy cơ AI bị lạm dụng để phục vụ “mô hình kỹ thuật trị” – tức là quan niệm rằng mọi vấn đề trên thế giới đều có thể giải quyết chỉ bằng công nghệ. Ngài giải thích: “Trong mô hình này, phẩm giá và tình huynh đệ của con người thường bị xem nhẹ, bị đặt dưới mục tiêu lợi ích vật chất, như thể thực tại, lòng tốt và sự thật tự nhiên phát xuất từ quyền lực công nghệ và kinh tế.” Ngài nhấn mạnh một lần nữa:

“Không bao giờ được phép xâm phạm phẩm giá con người vì lợi ích của lợi ích vật chất.”

Không làm gia tăng bất công hay xung đột

Đức Thánh Cha khẳng định: “Nếu những tiến bộ công nghệ không mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, ngược lại còn làm gia tăng bất bình đẳng hay xung đột, thì không thể gọi là tiến bộ thực sự.”

“Nếu những tiến bộ công nghệ không mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, ngược lại còn làm gia tăng bất bình đẳng hay xung đột, thì không thể gọi là tiến bộ thực sự.”

Vì thế, ngài kêu gọi sử dụng AI vào việc phục vụ sự phát triển lành mạnh, nhân văn, xã hội và toàn diện hơn.

Siêng năng và tỉnh thức

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Sự tiến bộ được đánh dấu bởi sự khởi đầu của AI đòi hỏi chúng ta tái khám phá giá trị của cộng đồng và cam kết mạnh mẽ hơn trong việc chăm sóc ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.” Ngài nói thêm:

“Để đối mặt với sự phức tạp của AI, các chính phủ và doanh nghiệp cần siêng năng và cảnh giác.” Ngài thúc giục họ “xem xét kỹ lưỡng từng ứng dụng cụ thể của AI trong các bối cảnh khác nhau, để xác định liệu việc sử dụng đó có thực sự tôn vinh phẩm giá con người, ơn gọi của con người và lợi ích chung hay không.”

Đức Thánh Cha, người đã nhiều lần lên tiếng về ưu điểm và nhược điểm của AI, cảnh báo: “Như nhiều công nghệ khác, tác động của AI không phải lúc nào cũng có thể dự đoán ngay từ đầu.”

Hướng AI đến lợi ích của mọi người

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Khi ứng dụng của AI và ảnh hưởng xã hội của nó dần rõ ràng theo thời gian, mọi cấp độ trong xã hội cần có những phản ứng phù hợp.” Ngài kêu gọi “từng người dùng, gia đình, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, các tổ chức, chính phủ và các tổ chức quốc tế cùng làm việc ở vai trò của mình để đảm bảo AI được định hướng vì lợi ích của tất cả mọi người.”

“Người dùng cá nhân, gia đình, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, các tổ chức, chính phủ và các tổ chức quốc tế cùng làm việc ở vai trò của mình để đảm bảo AI được định hướng vì lợi ích của tất cả mọi người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc thông điệp bằng cách gửi lời cầu chúc tốt đẹp cho các cuộc thảo luận tại Diễn đàn, đồng thời cầu xin ơn thánh Chúa đổ xuống trên tất cả những người tham dự.

Nguồn: Vatican News

Tác giả: Deborah Castellano Lubov

Người dịch: Gia Hân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên