ANH EM BẢO THẦY LÀ AI? (15.09.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN B)

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Suy niệm 1: ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Ðức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ

sau khi họ đã ở với Ngài và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14),

sau khi họ đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng.

Hôm nay Ðức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho tôi

sau khi tôi đã theo đạo một thời gian dài,

đã cầu nguyện và tham dự các bí tích…

“Còn anh, anh bảo Thầy là ai?”

Câu hỏi này nhắm thẳng vào tôi, đòi tôi phải trả lời.

Tôi không được trả lời qua loa hay máy móc.

Câu trả lời của tôi phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm,

kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Ðức Giêsu.

Chẳng nên theo một người mà mình không quen và tin tưởng.

Ðời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không ngừng

để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ của Ðức Giêsu.

Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò và quá phong phú.

Chúng ta chỉ mon men đến gần,

nhưng không sao múc cạn được mầu nhiệm ấy.

Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn có về Ngài.

Người làng Nadarét cứ nghĩ Ðức Giêsu chỉ là bác thợ.

Gioan Tẩy Giả nghĩ Ngài là một Mêsia vinh quang toàn thắng.

Phải gột bỏ cái biết cũ về Ngài

để đón nhận một Ðức Kitô khác, vượt xa điều mình nghĩ.

“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”.

Cần trở nên trẻ thơ để nhận ra khuôn mặt thật của Giêsu.

Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô:

“Thầy là Ðức Kitô”,

và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa”.

Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi

mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.

Ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi,

Ðức Giêsu loan báo con đường dành cho người môn đệ.

Môn đệ chỉ có một con đường, con đường của Thầy.

Thầy đã sống phận người với tất cả bấp bênh tăm tối,

tôi có dám sống phận người của tôi trong niềm vui không?

Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật,

tôi có dám hiến mạng tôi vì Thầy và vì Tin Mừng không?

Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt,

tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó không?

“Người ta bảo Thầy là ai?”

Ta cần biết cái nhìn của con người hôm nay về Ðức Giêsu.

Nhiều cái nhìn đúng nhưng chưa đủ.

Truyền giáo là giúp người ta biết đúng và đủ về Ngài.

Không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở,

nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ.

Cuộc sống của ta vén mở căn tính của Ðức Giêsu.

Dung mạo của ta phải mang nét đặc trưng của Ngài.

Ðức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).

Chúng ta ao ước nói: “Ai thấy tôi là thấy Ðức Giêsu”.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng,

cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên : Sao Cha bỏ con ?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Suy niệm 2

Theo Chúa là sống như Ngài

Chúa Giêsu nói rõ với các môn đệ con đường cứu độ Ngài đi là con đường thập giá. Ngài sẽ chịu đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết và sau 3 ngày sẽ sống lại. Do đó, người môn đệ của Chúa Giêsu sẽ không đi con đường nào khác ngoài con đường thập giá. Cho nên ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu phải làm 3 việc giống như Ngài đã làm: (1) từ bỏ chính mình, (2) vác thập giá mình, và (3) đi theo. Chúa Giêsu đã từ bỏ chính mình khi từ bỏ mọi vinh quang trên trời dưới đất để chấp nhận mang lấy phận người. Ngài đã chấp nhận vác thập giá như một phạm nhân để gánh lấy hết mọi tội lỗi của nhân loại. Cuối cùng, Ngài đã đi theo thánh ý của Chúa Cha bằng cách vâng phục hiến mình chết trên thập giá. Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta không chỉ trở nên con cái của Thiên Chúa mà còn là môn đệ của Ngài.

Lời Chúa hôm nay vừa mời gọi vừa nhắc nhở mỗi người xem lại chúng ta đã thực sự trở thành môn đệ của Chúa chưa? Việc từ bỏ chính mình không gì khác hơn là dứt khoát từ bỏ tội lỗi. Còn việc vác thập giá chính là việc đón nhận mọi khó khăn, thử thách xảy ra trong cuộc đời mình. Và cuối cùng, việc theo Chúa chính là luôn làm mọi sự đều quy hướng về Thiên Chúa, không theo ý riêng mình hoặc tìm vinh danh cho mình.

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con Chúa đã chẳng tiếc bất cứ điều gì, kể cả mạng sống của Chúa để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con luôn biết sống xứng đáng với tình yêu của Chúa bằng một đời sống hy sinh âm thầm, đón nhận mọi vui buồn trong đời như của lễ tháp nhập vào hy tế thập giá của Chúa. Amen.

Lm. Laurenso Quốc Huy