“Chính trong cộng đồng mà các hồng ân Chúa Cha đổ đầy trên chúng ta được nảy nở và phát triển; và chính trong cộng đồng mà chúng ta học cách nhận ra các hồng ân ấy như là dấu chỉ của tình yêu của Ngài dành cho tất cả con cái mình.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 1 tháng 10 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh. Ngài giải thích về các Đặc Sủng trong Hội Thánh.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Ngay từ ban đầu, Chúa đã đổ đầy Hội Thánh những hồng ân của Chúa Thánh Thần, cho nên Người làm cho Hội Thánh được sinh động và phong phú hơn, với những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Trong những hồng ân ấy, có những hồng ân đặc biệt có giá trị cho việc xây dựng và cuộc hành trình của cộng đồng Kitô hữu: đó là các đặc sủng. Trong bài giáo lý này, chúng ta muốn tự hỏi: các đặc sủng là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra và đón nhận chúng? Và trên hết: sự kiện là trong Hội Thánh có một sự đa dạng và vô số đặc sủng, và chúng ta coi chúng như một điềutích cực, một điều đẹp, hay như một vấn đề?
Theo ngôn ngữ thông thường, khi nói về “đặc sủng”, người ta thường nghĩ đến một tài năng, một khả năng tự nhiên. Người ta nói rằng: “Người này có một đặc sủng đặc biệt để giảng dạy. Có nghĩa là “tài năng mà người ấy có.” Vì vậy, khi đối diện với một người đặc biệt lỗi lạc và hấp dẫn, họ nói: “Đó là một người có sức lôi cuốn [có đặc sủng].” “Điều ấy có nghĩa gì?” “Tôi không biết, nhưng người ấy có sức lôi cuốn.” Và chúng ta nói như thế. Chúng ta không biết điều mình nói, nhưng chúng ta nói: “Đó là đặc sủng.” Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, sức lôi cuốn [đặc sủng] không chỉ là một phẩm chất cá nhân, một tài năng thiên phú có thể được trang bị: đặc sủng là một ân sủng, một hồng ân được Chúa Cha ban, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Và đó là một hồng ân được ban cho một người không vì người ấy tốt hơn những người khác hoặc vì người ấy xứng đáng: đó là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho người ấy, vì với cùng một sự ban tặng nhưng không và cùng một tình yêu, người ấy có thể dùng nó để phục vụ toàn thể cộng đồng, vì lợi ích của tất cả mọi người. Theo cách nhân loại thì chúng ta có thể nói: “Thiên Chúa ban cho người này đặc tính này, đặc sủng kia, không phải cho cá nhân người ấy, mà để phục vụ toàn thể cộng đồng.” Hôm nay, trước khi đến quảng trường này, tôi tiếp đón rất nhiều trẻ em khuyết tật trong Đại Sảnh Phaolô VI. Có rất đông các em với một hiệp hội dành riêng cho việc chăm sóc các trẻ em này. Hiệp hội này là gì? Hiệp hội này, những người này, những người nam nữ này, có đặc sủng để chăm sóc các trẻ em khuyết tật. Đó là một đặc sủng!
Một điều quan trọng cần phải được nhấn mạnh ngay là sự kiện là một người không có thể tự mình nhận ra rằng mình có đặc sủng hay không, và có đặc sủng gì. Vì thế, nhiều lần chúng ta nghe một người nói, “Tôi có đặc tính này, tôi biết cách hát hay lắm.” Và không ai có can đảm để nói lại: “Bạn nên im lặng, bởi vì tất cả chúng tôi đều bị hành hạ khi bạn hát.” Không ai có thể nói: “Tôi có đặc sủng này.” Chính trong cộng đồng mà các hồng ân Chúa Cha đổ đầy trên chúng ta được nảy nở và phát triển; và chính trong cộng đồng mà chúng ta học cách nhận ra các hồng ân ấy như là dấu chỉ của tình yêu của Ngài dành cho tất cả con cái mình. Như thế, thật tốt cho mỗi người chúng ta khi tự hỏi: “Có đặc sủng nào mà Chúa đã khơi dậy trong tôi, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, mà các anh chị em trong cộng đoàn Kitô đã nhận ra và khuyến khích không? Và tôi phải làm gì với hồng ân này: tôi có sống quảng đại, sử dụng nó để phục vụ mọi người, hoặc bỏ bê nó và cuối cùng quên mất ơn ấy? Hoặc nó có thể trở thành một cớ làm tôi kiêu hãnh, đến nỗi luôn luôn phàn nàn về người khác và đòi mọi người trong cộng đồng phải làm theo cách của tôi”. Đây là những câu hỏi mà chúng ta phải tự hỏi: nếu có một đặc sủng trong tôi, nếu đặc sủng này được Hội Thánh công nhận, nếu tôi hài lòng với đặc sủng này hoặc tôi có một chút ghen tị với những đặc sủng của người khác, nếu tôi muốn, tôi muốn có những đặc sủng ấy. Đặc sủng là một hồng ân: chỉ một mình Thiên Chúa ban cho mà thôi!
Tuy nhiên kinh nghiệm đẹp nhất là khám phá ra biết bao đặc sủng khác nhau và biết bao hồng ân của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đổ đầy Hội Thánh của Ngài! Điều này không được coi như một cớ gây ra sự hỗn loạn hay khó chịu, tất cả đều là những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn Kitô hữu, để cộng đoàn này có thể phát triển hài hòa, trong đức tin và trong tình yêu của Ngài, như một thân thể duy nhất, thân mình của Đức Kitô. Cùng một Thánh Thần đã ban cho chúng ta sự đa dạng về đặc sủng này, tạo nên sự hiệp nhất của Hội Thánh. Luôn luôn cùng một Thánh Thần. Cho nên, trước sự đa dạng của các đặc sủng, chúng ta phải vui mừng mở rộng lòng ra và nghĩ rằng, “Tốt đẹp biết bao! Có nhiều hồng ân khác nhau, bởi vì chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, và tất cả mọi người đều được Ngài đặc biệt yêu thương. Do đó, khốn thay, nếu những hồng ân này trở thành cớ cho ghen tương, chia rẽ và tị hiềm! Như Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 12, rằng tất cả các đặc sủng đều quan trọng trong mắt Thiên Chúa, và đồng thời, không ai là không thể thay thế được. Điều này có nghĩa là trong cộng đồng Kitô hữu, chúng ta cần nhau, và mỗi hồng ân mà chúng ta lãnh nhận được thể hiện trọn vẹn khi được chia sẻ với anh chị em vì lợi ích của tất cả mọi người. Đây là Hội Thánh! Và khi Hội Thánh, trong sự đa dạng về các đặc sủng của mình, được diễn tả trong sự hiệp thông, thì không thể sai lầm: đó là vẻ đẹp và sức mạnh của sensus fidei, cảm thức siêu nhiên của đức tin, được Chúa Thánh Thần ban cho, để tất cả chúng ta có thể cùng nhau đi vào trung tâm của Tin Mừng và học cách theo Chúa Giêsu trong đời sống của mình.
Hôm nay Hội Thánh mừng lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ qua đời khi 24 tuổi và Chị đã rất yêu Hội Thánh, đã muốn trở thành một nhà truyền giáo, nhưng Chị muốn có tất cả các đặc sủng, và nói: “Tôi muốn làm điều này, điều này và điều này,” muốn mọi đặc sủng. Trong khi cầu nguyện, Chị cảm nhận được rằng đặc sủng của Chị là tình yêu. Và Chị đã nói một câu tuyệt mỹ này: “Trong lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu.” Và tất cả chúng ta đều có đặc sủng này: khả năng yêu thương. Hôm nay chúng ta xin Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu khả năng yêu thương Hội Thánh này, yêu thương Hội Thánh rất nhiều, và nhận mọi đặc sủng với tình yêu này của con cái của Hội Thánh, của Mẹ thánh Hội Thánh phẩm trật của chúng ta.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/Bai-Giao-Ly-8-cua-DTC-Phanxico-ve-Hoi-Thanh-Cac-Dac-Sung-trong-Hoi-Thanh.html
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)