CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN

 

TẠ ƠN CHÚA, nhân dịp mừng 60 năm hiện diện của Tu Hội Nazareth, tiền thân của Hội Dòng, một cơ hội thật quý để con nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Hội Dòng; một điểm dừng – lặng – để con về nguồn, nhìn lại “cội” của mình cách sâu, rộng hơn.

Nhìn lại “cây Hội Dòng” Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục dưới con mắt đức tin và đời thường, mọi Đấng Bậc đều ngạc nhiên thốt lên: “Chúa thương các chị quá!”, “Dòng các chị phát triển rất tốt đẹp”…

Vâng, con cũng hết lòng cảm tạ Chúa về muôn điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi Hội Dòng. Sáu mươi năm hiện diện và phục vụ được kết dệt từ ơn Chúa, từ công lao rất to lớn của các bậc Tiền Nhân. Quý chị đã là nền móng vững chắc cho những thế hệ đàn em, để noi gương và tiếp bước.

Động lực nào đã thúc đẩy quý chị dấn thân tích cực trong buổi đầu gian khổ như thế? Hẳn quý chị đã là những cành cây tràn đầy sức sống của Chúa, được nuôi dưỡng bằng biết bao hy sinh lao nhọc và muôn vàn đắng cay tủi nhục mà quý Bề Trên cựu và đương nhiệm đã “đứng mũi chịu sào”, quý chị đã làm cho “thân cây” ngày một vững chắc và kiên cường, giúp Dòng vượt qua bao sóng gió.

Thân cây này có đứng vững được cho đến hôm nay là nhờ đã được Chúa chăm sóc, tưới bón cho 2 “bộ rễ” thật chắc, thật khoẻ và nhờ công đức cao dầy cũng như sự hy sinh vô cùng lớn lao của Hai Đấng Sáng Lập: Cha Cố Giuse Maria Phạm Quang Tuyến và Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng.

Càng suy gẫm về cuộc đời của 2 Đấng sáng lập, con càng nhận ra Hội Dòng dù còn non trẻ, nhưng Chúa và Mẹ Maria vẫn luôn đồng hành và dắt dìu từng bước.

Từ câu châm ngôn sống của Cha sáng lập Giuse: “XIN CHÚA IN 5 DẤU THÁNH CHÚA VÀO TÂM HỒN CON” đến bút hiệu Thất Sự, chúng con thấy được tâm hồn Cha Cố tràn đầy lửa mến yêu SỰ THƯƠNG KHÓ của Chúa. Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc CUỘC KHỔ NẠN của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại như thế nào, nên ngài mới ước ao đi theo CON ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA và BẢY SỰ ĐAU ĐỚN CỦA MẸ như thế.

Giả như không có quyết định “Giải Nhiệm chức vụ Tổng Tuyên Uý” ngày 10.10.1971, thì đã chẳng có cú sốc tinh thần thật khủng khiếp giáng xuống trên Cha Cố, người đã mang hoài bão xây dựng một Dòng Nữ để nuôi dưỡng con nhà nghèo khổ, thất học, thất nghiệp và lỡ đời…Người đã bỏ ra bao công sức để tạo dựng cơ ngơi vững chắc cho đoàn con NAZARETH yêu dấu và còn biết bao chương trình phát triển Tu Hội mà ngài đang ôm ấp…

Sức mạnh thiêng liêng nào thôi thúc ngài đã làm được bao điều lớn lao trong vỏn vẹn 8 năm trời như thế (1963 – 1971), nếu không phải là “Tình yêu Đức Kitô thúc bách” ngài? Theo thiển nghĩ của em, nếu không có 5 năm cầu nguyện âm thầm từ 1958 – 1963 khi Ngài xin Đức Cha Cố Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền ký giấy phép thành lập “Hội Nữ Trợ Tá các Tông Đồ”, thì cũng chẳng thể phát triển nhanh chóng một “Tu Hội Nazareth” vào thời điểm đó.

Phải chăng Ngài đã dùng 5 năm đó để gắn bó mật thiết với Chúa, để xin Ơn Chúa trợ giúp soi sáng, để lên kế hoạch cho việc thành lập Tu Hội? Dường như Ngài đã lên sẵn một mô hình xây cất các nhà? Vay tiền từ những ân nhân nào để có thể xây dựng “thần tốc” 8 cơ sở trong vòng 8 năm như thế? Nếu không phải vay từ những người có lòng hảo tâm và quý mến Ngài qua những việc tông đồ bác ái Ngài làm suốt mấy chục năm trước đó? Cũng có thể Ngài đã sử dụng tiền từ gia đình Ông Bà Cố và anh em con cháu của Ngài? (Cha Cố là Chú ruột và cũng là Nghĩa Phụ của Cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn) Vì theo di chúc của Cha: “Cha đã tốn biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tiền của nữa mới có được như ngày hôm nay”.

Ngài đã xây cất các trường Trung Tiểu Học tại các vùng “đắc địa” như Sài Gòn, Vũng Tàu và Đà Lạt, mướn giáo sư giỏi về dạy và thu hút được nhiều học sinh đến lớp. Nhờ đó mau có lợi nhuận cao và có thể trả nợ dần cách mau chóng. Ngài cũng xây cùng lúc 2 trường Tiểu học miễn phí để dạy dỗ con em các gia đình nghèo túng, xây Ký nhi viện để chăm sóc các cháu nhỏ, mà cha mẹ các em là những công nhân nghèo khổ, đầu tắt mặt tối để kiếm tiền, không còn thời gian nuôi dưỡng và chăm sóc con. Nhờ vậy, họ rất vui và biết ơn Dòng, vì có thể an tâm giao phó con cái mình cho các sơ dưỡng dục.

Cứ nhìn lại những gì cha để lại, chúng con mới thấy Ngài thật “có tâm và có tầm” biết bao. Cha đã dành 5 năm đó để viết sẵn Bản NỘI QUY – TỤC LỆ, được Đức Cha Phụ Tá Fx Trần Thanh Khâm (Gp. Sài Gòn) chuẩn y vào ngày 15.9.1965 và 8.12.1965. Cha còn viết thêm 3 cuốn sách: Lý tưởng người con tận hiến mình cho Mẹ, Tóm tắt 3 Lời Khấn và cuốn Thánh Hoá Giáo Khoa được tái bản mấy năm liền, để có tài liệu hướng dẫn tu đức cho đoàn con.

Cha cũng hết lòng kính mến Trái Tim Tân Khổ và Vô Nhiễm Mẹ Maria, nên tất cả chị em đã tận hiến cho Mẹ vào ngày bắt đầu chương trình Luyện Tu (Tập Viện). Mỗi chị em đều được mang tên Mẹ Maria trước tên Thánh của mình, để nhắc nhở chị em rằng mình là con yêu dấu của Mẹ và phải cố gắng sống xứng đáng với danh xưng ấy. Cha cũng đã thỉnh tượng Mẹ Chiêm Niệm và đặt trước cổng vào của mỗi cộng đoàn, để nhắc nhở chị em sống kết hợp mật thiết với Chúa như Mẹ. Mỗi chị em nhập Tập Viện đã được đeo chiếc nhẫn “đính hôn” có ảnh Mẹ bên trên. Khi Tuyên Khấn, các chị em còn được cài ảnh Mẹ trên áo dòng và trên mũ (lúp), để xin Mẹ luôn phù hộ giữ gìn…

Trong các buổi huấn đức hằng tuần, Cha luôn sốt sắng giảng về các nhân đức của Mẹ, để chị em noi gương bắt chước. Cha cũng đặc biệt rao giảng về lòng sùng kính Phép Thánh Thể, như Nguồn Suối Tình Yêu mà chị em cần kín múc để nuôi dưỡng đời sống nội tâm, là nơi chị em tìm được Nguồn An Ủi khi gặp gian nan thử thách.

Cha còn có lòng quý mến Thiên Chức linh mục cách đặc biệt, nên đã cho xây 2 Nhà Mát để đón các linh mục đến nghỉ dưỡng cách vô điều kiện, không chút so đo tính toán, và còn dạy dỗ chị em phải có lòng tôn kính, mến yêu Đức Giáo Hoàng, các vị Giám Mục, các linh mục và phải ra sức giúp đỡ các ngài bao nhiêu có thể (Di Chúc số 5).

Ngài cũng hun đúc tinh thần bác ái truyền giáo cho chị em thường xuyên (Di chúc số 4). Ngài không chỉ dạy lý thuyết suông, nhưng đã xây 4 trạm xá phát thuốc miễn phí, cho chị em tham gia mục vụ giáo xứ: hướng dẫn 36 lớp giáo lý; đã tìm mọi cách để cấp phát lương thực cho những người nghèo đói, kể cả xuất quỹ Tu Hội; đã giúp cho 36 gia đình được nhận phép Thanh Tẩy khi đẩy mạnh việc bác ái truyền giáo trong 3 ấp người Kinh và 1 ấp người Thượng…

Và phải chăng, chính việc bác ái truyền giáo đã tạo nguồn hứng khởi và hấp dẫn tâm hồn các thiếu nữ quảng đại dấn thân theo gương sống của chị em? Và thế là Hồng Ân Ơn Gọi đã tuôn đổ dạt dào trên Hội Dòng, giúp Dòng mau chóng có đủ nhân sự cho cánh đồng truyền giáo đang thiếu nhiều thợ gặt (?). Từ con số 4 chị Tiên Khởi, rồi 11 tu sinh ngày đầu khởi sự, và đến năm 1971, đã tăng đến con số 230 chị em.

Tiếp nối công trình của Cha Cố Giuse, 4 chị Tiên Khởi đã ra sức chèo chống con thuyền của Dòng đang chông chênh giữa biển đời và bị sóng gió vây bủa tư bề, các chị hầu như sắp chìm đắm trước bao điều thị phi, búa rìu dư luận, báo chí săm soi: nhục nhã biết bao khi cha bị khủng hoảng và ra sức giữ lại những gì đang vuột mất; con cái nữ tu thì hoang mang chưa biết phân định phải trái, nhiều chị em đã ra về trong thất vọng chán nản. Tu Hội lúc đó như đi trong sương mù, các chị em lần mò trong đêm tối đức tin, nào là đối nội, nào là đối ngoại và vẫn phải lo bươn chải với cuộc sống cũng như tiếp tục các sứ vụ…

Thật may mắn và đầy Ơn Khôn Ngoan của Chúa Thánh Thần, Đức Cha Cố Giuse Lê Văn Ấn đã đặt Cha Cố Gioan Baotixita Đinh Đức Hậu làm Tổng Linh Hướng, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị em trong lúc chao đảo như thế. Nếu không nhờ đời sống âm thầm, đạo đức thánh thiện của Ngài, và với Ơn Chúa nâng đỡ, chắc chắn chị em Tu Hội không thể vượt qua giai đoạn tăm tối ấy.

Thiết nghĩ, nếu không có vụ “xì căng đan” này, có lẽ Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng đã không nghĩ tới Tu Hội chúng con với ý định tìm một dòng chuyên lo cầu nguyện cho việc thánh hoá các linh mục và cộng tác với các ngài trong sứ vụ tông đồ.

Từ khi Tu Hội được nâng lên bậc Dòng, chị em chỉ tuyên khấn 3 Lời Khuyên Phúc Âm theo Giáo Luật. Lời khấn Hy Sinh tuy không còn khấn giữ như thời kỳ Tu Hội, nhưng chị em vẫn tiếp tục con đường hy sinh đang ẩn tàng trong Linh Đạo Tự Hiến mà Đức Cha Cố Đa Minh đã vạch ra, khi chọn tên Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục và mong muốn chị em sống triệt để căn tính của mình.

Đúng là Chúa đã vẽ những nét thẳng trên những đường cong. Dù con người có mỏng giòn yếu đuối, nhưng cuối cùng Tình Thương Chúa vẫn lớn hơn. Vào những năm cuối đời, Cha Cố Giuse đã được đoàn con phụng dưỡng chu đáo, và ngài đã an nghỉ thanh thản sau khi đã thống hối mọi lỗi lầm. Và ngài lại chính là “hoa quả đầu mùa” của Dòng nhờ lời cầu nguyện và hy sinh của chính đoàn con mà Ngài đã sinh dưỡng giáo dục…

Giờ đây chắc hẳn Cha Cố đã mãn nguyện khi nhìn đoàn con đang cố gắng thực thi di chúc số 5 của mình, và quả thật chị em Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục đã sống đúng tinh thần người “NỮ TRỢ TÁ CÁC TÔNG ĐỒ” như tên gọi đầu tiên ngài muốn đặt cho chị em.

SUY CHO CÙNG, CHỈ CÓ CHÚA LÀ ĐẤNG THẤU SUỐT TẤM LÒNG CỦA CHA CỐ. PHẦN CHÚNG TA HÃY TIẾP TỤC CẦU NGUYỆN VÀ PHÓ THÁC NGÀI CHO TÌNH THƯƠNG NHÂN HẬU CỦA CHÚA.

NHƯNG RIÊNG CON VẪN TIN VÀO CÂU LỜI CHÚA TRONG Mt 7, 15 – 20:

“KHÔNG CÂY NÀO XẤU MÀ SINH TRÁI TỐT…CỨ XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY”

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm hiện diện của Dòng, con xin được hiệp cùng Đức Mẹ, và cả triều Thần Thánh trên Trời dâng lời Tạ Ơn Chúa và chung khúc tạ ơn, tri ân đến quý Bề Trên cựu và đương nhiệm, quý chị Tiên Khởi và tất cả quý chị em, nhất là quý chị cao niên đã chung tay xây dựng Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống.

Nguyện xin Chúa Giêsu Linh Mục xót thương và ban thưởng Nước Trời cho Hai Đấng Sáng Lập, quý cha Cố Vấn, quý ân nhân và quý chị em đã ra đi trước chúng con.

M. Clara