DÒNG NỮ TỲ CHÚA GIÊSU LINH MỤC – Giáo phận Xuân Lộc
CHỦ ĐỀ TỔNG HỘI IX: « CÙNG CHÚA GIÊSU LINH MỤC SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG »
TIÊU ĐỀ NĂM THỨ IV : HỌC NƠI CHÙA GIÊSU LINH MỤC SỐNG TỰ HIẾN ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
Chia sẻ 2: TỰ HIẾN THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU
Tự hiến hay tận hiến được hiểu là tự nguyện trao ban, dâng tặng, cho đi hết những gì « mình có, mình là », mà chẳng giữ lại bất cứ sự gì cho mình. Tận hiến và tự hiến bổ túc cho nhau làm nên đời sống thánh hiến, khi tận hiến là cho đến cùng, hiến dâng đến chết, và tự hiến là tự do dâng hiến, tự nguyện trao ban.
Nhưng động lực nào đã thúc đẩy chúng ta đến chọn lựa tận hiến, tự hiến ?
Thưa, đó là tình yêu, bởi hai người chỉ có thể đi đến hành động tận hiến, tự hiến cho nhau khi yêu nhau đến mức độ hoàn toàn quên mình, xóa mình vì hạnh phúc của người mình yêu. Hai người chỉ có thể dâng hiến trọn vẹn cho nhau, trao ban cho nhau tất cả, khi giữa họ chẳng còn gì là của riêng hay ranh giới.
Như thế, tự hiến tận hiến đòi một tình yêu vĩ đại, mà tự do và tính cách « tha thiết, quyết liệt, triệt để » là những yếu tố cần thiết làm nên tình yêu mãnh liệt hơn cả sự chết « Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình » (Ga 15,13).
Quả thực, ở ngoài tình yêu cao cả, không ai có thể chết cho người mình yêu; thiếu tình yêu quyết liệt và mãnh liệt, không người nào có thể sẵn sàng hiến dâng tất cả vì hạnh phúc của người mình yêu.
Từ kinh nghiệm bản thân khi yêu, ta nhận ra ai là người ta đã yêu nhiều và bên cạnh đó, ai là người đã không được ta thương nhiều. Sự khác biệt của mức độ yêu thương gắn liền với ý muốn và khả năng trao ban, dâng hiến, nên mới có những thang bậc khác nhau giữa các đối tượng. Như có người ta dè sẻn từng chút thời gian, tiền bạc, cố gắng, vì tình yêu dành cho họ ít quá ; trong khi với người khác, ta lại sẵn sàng hy sinh mà không so đo, tính toán.
Với người sống đời thánh hiến, đối tượng của tình yêu là Đức Giêsu, và cũng như với con người, tình yêu người sống đời thánh hiến dành cho Đức Giêsu có thể có nhiều thang bậc, mức độ khác nhau.
Có người muốn sống đời thánh hiến, nhưng không đủ nồng nàn để yêu Đức Giêsu đến cùn.
Có người chọn đời thánh hiến, nhưng tình yêu cho Đức Giêsu không đủ thiết tha để đặt Thánh Ý là chọn lựa ưu tiên trên tất cả mọi ưu tiên.
Có người dấn thân vào đời sống thánh hiến, nhưng con tim còn bừa bộn trăm mối, nên nhịp sống tự hiến, tận hiến lên xuống bất thường, tùy theo ý muốn của con người, mà không nương theo ý muốn của đối tượng là Đức Giêsu.
Có người thích sống đời thánh hiến, nhưng tình yêu chưa đủ mạnh, nên ái ngại đủ điều, ngần ngại trong mọi chọn lựa.
Có người tìm kiếm đời sống thánh hiến, nhưng tình yêu dành cho Đức Giêsu còn hời hợt, nhất thời, nên không thể theo Ngài đi xa. Và tất cả đã làm nên bất hạnh trong đời sống tận hiến, vì tình yêu không đủ lớn để dâng hiến đến tận cùng; đã không tìm được niềm vui trong đời sống tự hiến, vì lẩn khuất những mảng tối tuy thấp thoáng nhưng rất nặng nề do ức chế, áp lực.
Để đời thánh hiến thực sự là đời tự hiến, tận hiến cho Thiên Chúa và là đời hạnh phúc, người môn đệ được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Giêsu, Đấng đã tha thiết thân thưa với Chúa Cha: «Xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta…. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian… Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến » (x. Ga 17,11.14.17-19).
Qua lời nguyện thánh hiến, Đức Giêsu cho chúng ta thấy người môn đệ được thánh hiến không thuộc về thế gian vì đi theo sự thật là chính Ngài, bởi Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, và trong sự thật của Thiên Chúa, người môn đệ được thánh hiến. Nhưng cũng vì đi theo sự thật và được sự thật thánh hiến, mà người môn đệ đích thực sẽ bị thế gian ghét bỏ, vì đường thánh hiến là đường « từ bỏ » rất hẹp, lắm chông gai, lại nghịch chiều với đường thênh thang của thế gian. Chính trên con đường từ bỏ này, Đức Giêsu đã sống đời thánh hiến, khi tự hiến, tận hiến đời mình làm giá cứu chuộc, thánh hiến muôn người.
- Noi gương thánh hiến của Đức Giêsu, người Nữ Tỳ chọn Thiên Chúa làm lẽ sống:
Chọn ai làm lẽ sống của đời mình, tất phải yêu mến người ấy rất nồng nàn, thiết tha, bởi lẽ sống là lý do của đời sống, câu trả lời cho vấn nạn: Tại sao tôi sống ? Tại sao tôi làm người ? Tại sao tôi có mặt trong cuộc đời này ?
Đức Giêsu đã yêu mến Chúa Cha với một tình yêu vô cùng, tuyệt đối và lẽ sống của Ngài chính là Chúa Cha, cũng như Chúa Cha đã yêu thương Ngài « trước khi thế gian được tạo thành » (Ga 17,24), và Ngài nên một trong Chúa Cha (x. Ga 17,21). Vì thế, không người nào, không sự gì, cũng không vinh quang nào có thể tách Ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Cha. Điển hình là khi bị ma qủy cám dỗ trong hoang địa, Đức Giêsu đã luôn đặt Thiên Chúa, Cha Ngài lên trên tất cả, và chỉ quy chiếu về một mình Ngài, khi trả lời ma qủy trước những cám dỗ vật chất, vinh quang và kiêu căng tự mãn: « Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra », « ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi », « Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi » (Mt 4,4.6.7.10).
Noi gương thánh hiến của Đức Giêsu, người sống đời thánh hiến sẽ hân hoan tuyên xưng tình yêu của mình như thánh Phaolô: « Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta » (Rm 8,35.37-39).
- Noi gương thánh hiến của Đức Giêsu, người Nữ Tỳ tận hiến cho Thiên Chúa ý muốn của mình:
Ngay khi kêu gọi vào đời thánh hiến, Đức Giêsu đã đưa ra điều kiện « phải từ bỏ mình » với những người Ngài muốn tuyển chọn làm môn đệ (x. Lc 9,23).
Từ bỏ mình chính là từ bỏ ý muốn của mình, vì ý muốn biểu hiện toàn thể con người và điều khiển mọi sinh hoạt của con người từ tư tưởng đến lời nói, việc làm. Bởi chỉ khi muốn, người ta mới suy nghĩ, tìm cách biểu lộ và thực hiện ý muốn đó qua ngôn từ, hành động. Do đó, nói « bỏ mình », mà không bỏ ý muốn, « bỏ mình » mà vẫn khư khư bảo vệ ý triêng thì quả thực người ấy đã không bỏ mình, cũng chẳng bỏ bất cứ sự gì thuộc về mình. Vì thế, nét đẹp nổi bật của đời tận hiến là không còn sống theo ý riêng mình nữa, nhưng hoàn toàn sống theo ý Thiên Chúa được thể hiện qua ý Giáo Hội, ý Bề Trên. Vì thế, càng từ bỏ ý riêng mình để theo ý Chúa, người Nữ Tỳ càng sống trọn vẹn đời thánh hiến.
Thực vậy, Đức Giêsu đã không làm gì theo ý mình, nhưng nhất cử nhất động đều làm theo Thánh Ý Chúa Cha, như chính Ngài đã nhiều lần công khai khẳng định: « Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi » (Ga 6,37-38).
Ngài thực hiện Thánh Ý Chúa Cha, vì Ngài không tự mình mà đến: « Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ Người mà đến, và chính Người đã sai tôi » (Ga 7,28-29). Người Nữ Tỳ cũng không có câu trả lời nào khác khi được hỏi về nguồn gốc đời thánh hiến của mình, bởi cuộc đời ấy đã đến từ Đức Giêsu, Đấng đã kêu gọi, tuyển chọn và sai các chị đi thực hiện Thánh Ý Ngài.
Đức Giêsu cũng xác tín: « Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi » (Ga 7,16), nên người Nữ Tỳ được sai đi rao giảng sẽ không tự ý mình rao giảng, hay rao giảng đạo lý của mình, vì « Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật, và nơi người ấy không có gì là bất chính » (Ga 7,18).
Ngay cả trong những hoàn cảnh bi thương nhất, lúc mà Thánh Ý bị mây mù đau khổ, đơn độc che khuất, Đức Giêsu vẫn đặt mình dưới Thánh Ý của Cha: « Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này xa con. Nhưng xin đừng làm theo ý con, nhưng theo ý Cha mọi đàng » (Lc 22,42).
Thực thi Thánh Ý, khi từ bỏ ý riêng, và đặt để ý riêng trong ý Chúa, người Nữ Tỳ sẽ tràn đầy hạnh phúc trong đời sống thánh hiến, vì đã làm đẹp lòng Đấng Phu Quân của mình là Đức Giêsu.
- Noi gương thánh hiến của Đức Giêsu, người Nữ Tỳ tận hiến chính sự sống của mình:
Tận hiến đời sống là tự hiến mạng sống, bởi khi sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho người mình yêu, chúng ta cũng sẵn sàng chết cho người ấy mà không tiếc nuối mạng sống mình, do sức mạnh mãnh liệt hơn cả sự chết của tình yêu.
Trong đời thường, chúng ta từng được chứng kiến hoặc nghe kể về những con người đã yêu thương đến chấp nhận dâng hiến mạng sống mình vì người mình yêu, đó là những người mẹ sẵn sàng chết cho con được sống, những người vợ liều mất mạng để cứu chồng. Ở Đức Giêsu, người Nữ Tỳ khám phá tình yêu hiến mạng vì người mình yêu còn tuyệt vời, cao cả, mãnh liệt hơn gấp bội: tuyệt vời tình yêu của « mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11), cao cả tình yêu của « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết » (Lc 9,22), mãnh liệt tình yêu của Ngôi Lời « đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người » (Mt 20,28).
Như Đức Giêsu, khi tự nguyện sống đời thánh hiến, người Nữ Tỳ tự nguyện tận hiến đời mình cho Đức Giêsu và tùy Ngài định liệu mọi sự. Từ đây, trái tim của người Nữ Tỳ sẵn sàng thân thưa với Thiên Chúa: « Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha » (Lc 23,46). Và như thế, đời thánh hiến của người Nữ Tỳ được rập khuôn đời Đức Giêsu, được « đồng hình đồng dạng » với Đức Giêsu trong mọi sự là mẫu gương lý tưởng của đời tận hiến, tự hiến.
Từ đây, tất cả những ham muốn và tìm kiếm vinh quang, của cải, quyền lực, thú vui không phù hợp Tin Mừng sẽ không còn là đối tượng của người Nữ Tỳ. Bởi trí khôn, trái tim người Nữ tỳ đầy Thánh Ý – Tình Yêu Thiên Chúa, để không sự gì, hay con người nào có thể đánh đổi vị thế tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời người Nữ tỳ. Không thế lực, quyền năng, giá trị nào có thể thay thế hoặc đặt ngang hàng Thiên Chúa trong chọn lựa của ta.
JNT
Gợi ý suy niệm :
- Có khi nào chị lo sợ một ngày tình yêu chị dành cho Đức Giêsu sẽ trầm trọng xuống cấp đến độ thờ ơ, lạnh lùng, hờ hững ?
- Trong trường hợp trên, chị sẽ làm gì ?
- Chị hốt hoảng, hoang mang ?
- Chị buông tay, chùn bước ?
- Chị phó thác và để Chúa làm việc ?
- Khi ý riêng của chị được nhiều người cho là hữu lý và đúng đắn hơn ý Bề Trên, chị sẽ ứng xử thế nào ?
…………….
- Lời Chúa: Con xin thánh hiến chính mình, để họ được thánh hiến (x. Ga 17,19)
- Linh Đạo Dòng
- “Chị em gắn chặt đời mình vào cuộc hy tế của CGLM, chấp nhận mình được Cha Người cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái” (Linh Đạo, 21).
- Chị em phải chấp nhận để Chúa và cộng đoàn bẻ ra: thời giờ, sức khỏe, học vấn, tài năng … tùy Chúa và các linh hồn sử dụng (x. Linh Đạo, 44).
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)