Chia sẻ 6: NGƯỜI NỮ TỲ SỐNG TỰ HIẾN THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU NƠI MẦU NHIỆM THÁNH THỂ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Tin Mừng Gioan 6,22-71 cho chúng ta thấy bầu khí căng thẳng trong hội đường Caphácnaum khi Đức Giêsu tuyên bố « Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống » (Ga 6,51).

Trước những lời tuyên bố « chướng tai » ấy, hầu hết  người Do Thái có mặt đã « tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: « Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ? » và họ tỏ ra bực bội với Đức Giêsu vì cho rằng Ngài lộng ngôn, phạm thượng.

Về phiá các môn đệ, nhiều người xầm xì bàn tán: « Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ? » (Ga 6,60), đến nỗi Đức Giêsu phải lên tiếng hỏi: « Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? » (Ga 6,61), và thánh sử Gioan ghi rõ: « Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa » (Ga 6,66).

Quả thực, mầu nhiệm Thánh Thể đã không chỉ gây sốc cho những người Do Thái và môn đệ cùng thời với Đức Giêsu, mà còn tiếp tục làm sốc nhiều người ở thời đại chúng ta hôm nay. Bởi không ai có thể đi vào mầu nhiệm đức tin, nếu không được Chúa ban cho đức tin. Mầu nhiệm đức tin chính là Con Người Đức Giêsu Kitô, như Ngài đã khẳng định với các môn đệ: « Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho » (Ga 6, 65) ;  « Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy » (Ga 6,54-56).     

Như thế, mầu nhiệm Thánh Thể chính là sự hiện diện sống động của Đức Giêsu như lương thực siêu nhiên nuôi dưỡng linh hồn chúng ta trên hành trình đi theo Ngài trên dương thế ; là sức sống thiêng liêng cho chúng ta được  sống đời sống con cái Thiên Chúa. Sâu xa hơn, mầu nhiệm Thánh Thể chính là Đức Giêsu sống trong chúng ta, và chúng ta được sống chính sự sống của Ngài, như thánh Phaolô qủa quyết: « Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20).

Mầu nhiệm Thánh Thể đã được Đức Giêsu loan báo nhiều lần, và chính Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể cùng với chức linh mục trong bữa tiệc ly (Mt 26,26-28).

Qua những lời truyền phép trên bánh, rượu, Đức Giêsu quả quyết: bánh chính là thịt Ngài, và rượu là máu Ngài cho muôn người được tha tội và được sống đời đời.

Giờ đây qùy trước Thánh Thể, người NTCGLM nghe tim mình rộn ràng tiếng Tình Yêu réo gọi:

Tình Yêu Thiên Chúa réo gọi các chị hãy để Đức Giêsu biến đổi các chị thành những tấm bánh cho muôn dân, như Ngài là Bánh hằng sống cho nhân loại được sống đời đời.

Nhưng Bánh mà Ngài muốn các chị trở thành phải là Bánh được làm từ những hạt lúa mì đã được gieo vào lòng đất, và thối rữa đi, như lời Ngài nói: « Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt » (Ga 12,24)

Gieo vào lòng đất là chấp nhận chịu chôn vùi, bị quên lãng ; gieo vào lòng đất là vui nhận tất cả những gì « ở đây và lúc này » theo ý Chúa ; gieo vào lòng đất là không từ chối bất cứ ai, bất cứ sự gì được Thiên Chúa gửi đến ngay trong giây phút hiện tại.

Sở dĩ hạt lúa được gieo vào lòng đất là để chết đi trước khi nảy mầm, và hạt lúa được kín đáo, âm thầm chôn vùi « giữa anh chị em » ấy sẽ chết đi cho cái tôi ích kỷ để có thể trở thành Bánh làm no lòng người đang đói ; chết đi cho những tham vọng xấu xa, toan tính đê hèn, để có thể là Bánh cho một thế giới mới no đủ và công bình hơn ; chết đi cho những kiêu căng, ngạo mạn, để trở thành Bánh cho một nhân loại có tình người ; chết đi cho ganh ghét, hận thù để trở nên Bánh mang hương vị thơm ngon của Thiên Đàng cho thế giới loài người đang cần lòng Chúa  thương xót nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa họ.

Quả thực, nếu mầu nhiệm Thánh Giá là biểu hiện sức mạnh, sự khôn ngoan và tình yêu đến cùng của Thiên Chúa, thì mầu nhiệm Thánh Thể củng cố đức tin của chúng ta vào một Thiên Chúa đã đi vào vô cùng của tình yêu thương xót, khi chấp nhận ở lại với con người cho đến tận thế (Mt 28,20).

Có Đức Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta không một mình yêu thương, không đơn độc phục vụ, không cô thân chiến đấu, nhưng làm gì, ở đâu và đi đến đâu cũng có Đức Giêsu đồng hành. Vì thế, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: « Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng » (2 Cr 6,4-5).

Xin Đức Giêsu dạy chúng con yêu mến mầu nhiệm Thánh Thể và siêng năng qùy bên Thánh Thể như cô Maria ở Bêtania « cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy » (x. Lc 10,38-42).

JNT  

Gợi ý suy niệm :

  1. Theo chị, động từ « ở lại » có ý nghiã gì trong ngôn ngữ tình yêu ? Và ý nghiã ấy có thể áp dụng cho tương quan tình yêu giữa chúng ta với Đức Giêsu không ?
  2. Xin chị so sánh hai đọan Tin Mừng sau đây của thánh Gioan:
  • « Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy » (Ga 15,4).
  • « Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy » (Ga 9, 57).
  1. Khi Đức Giêsu giảng dạy về mầu nhiệm « Thịt và Máu mình là lương thực cho muôn dân được sống » ở Caphácnaum, đám đông và các môn đệ đều cho là « chướng tai, khó nghe qúa ». Kết quả là đám đông người Do Thái kịch liệt chống đối Ngài, và « nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa » (Ga 6,66). Nếu ngày xưa bị chống đối, thì mầu nhiệm Thánh Thể trong thời đại chúng ta cũng là điều khó chấp nhận đối với nhiều người và là mầu nhiệm bị xúc phạm nhiều nhất.

Chúng ta phải làm chứng về mầu nhiệm cực trọng ấy cho người chung quanh như thế nào ?  

  1. “Mỗi chị em Nữ Tỳ có thể hiệp thông với Chúa qua việc dâng những hy sinh đau khổ…. để nhiều người biết Chúa. Chấp nhận thân phận của hạt lúa miến, chịu chôn vùi, thối rửa để sinh nhiều bông hạt” (Linh Đạo, 19).