WHĐ (22.07.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 41: NGHI THỨC BẺ BÁNH

I/ LỊCH SỬ

Bẻ Bánh (Fractio Panis) là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ buổi cử hành Thánh Thể. Ngay thời các tông đồ, việc cử hành Thánh Thể đã được gọi là Bẻ Bánh (x. Lc 24,35; Cv 2,42; 20,7.11).[1]

Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Tin Mừng ghi lại Chúa Giêsu đã làm những cử chỉ này trong 4 trường hợp. Hai lần khi Người làm phép lạ bánh hóa ra nhiều (x. Mt 14,19; 15,36; Mc 6,41; 8,6; Lc 9,16; Ga 6,11); Một lần khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể (x. Mt 26,26; Mc 14,22; Lc 22,19; 1Cr 11,24); Và một lần khác nữa tại quán ăn làng Emmaus, nơi hai môn đệ nhận ra Thầy mình trong lúc Người bẻ bánh (x. Lc 24, 13-34; Mc 16, 12 -13).[2]

Trong ba thế kỷ đầu, khi tham dự Thánh thể, các Kitô hữu luôn chia sẻ cùng một Tấm Bánh với vị chủ tế (x. Cv 2,46; 20,7.11). Đó là cử chỉ thông thường của Hội Thánh thưở ban sơ và là nghi thức duy nhất diễn ra giữa Kinh nguyện Thánh Thể và hiệp lễ. Dựa theo mô tả Thánh lễ của Justinô, việc bẻ bánh và hiệp lễ được cử hành sau Kinh nguyện Thánh Thể mà không đi kèm nghi thức hay lời kinh nào.[3] Thánh Grêgôriô Cả đặt nghi lễ bẻ bánh ra sau kinh Embolimus (là lời nguyện sau kinh Lạy Cha theo Nghi thức Thánh lễ hiện nay) và thực hành này kéo dài nhiều thế kỷ. Cử chỉ bẻ bánh sớm được nhìn nhận là dấu chỉ hiệp nhất của Hội Thánh Chúa Kitô như giáo lý của thánh Phaolô: khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (I Cr 10,16-17). Cho nên, để biểu lộ sự hiệp nhất đó, vì Thánh lễ chỉ cử hành vào Chúa nhật, người ta sẽ lấy Bánh Thánh dành cho người vắng mặt.[4]

Khi số tín hữu gia tăng, hành động bẻ bánh được chuẩn bị kỹ lưỡng và là một thực hành cần thiết. Trong phụng vụ Giáo hoàng diễn ra hồi thế kỷ thứ VII và thứ VIII, Đức Thánh cha chủ sự tại ngai tòa trong khi linh mục trợ lễ và thầy phụ phó tế bẻ bánh để cho các tín hữu rước lễ. Sách Ordo Romanus I cho biết: các Đức Giám mục và các linh mục bẻ tất cả những ổ bánh đã thánh hiến mà các thầy giúp lễ mang đến cho họ ở những vị trí khác nhau. Nghi thức này đi kèm với việc hát bài Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) vốn được đưa vào Thánh lễ (phụng vụ Rôma) bởi Đức Giáo hoàng người Syria xuất thân từ Antiokia và có danh hiệu là Sergius I (701).[5] Nhưng đến thời kỳ sau (khoảng thế kỷ XI-XII) khi Hội Thánh thay bánh có men bằng bánh không men ở Tây phương và dùng những bánh nhỏ bằng cỡ đồng tiền cho dân chúng, cử chỉ bẻ bánh bấy giờ bị giảm thiểu đi hay không còn được thực hành nữa.[6]

Cuộc cải cách Thánh lễ dưới triều của Đức Phaolô VI đã nỗ lực để phục hồi ý nghĩa của nghi thức này. Bởi thế hiện nay, Hội Thánh vẫn còn duy trì hành động bẻ bánh lễ lớn của tư tế (x. NTTL 129; QCSL 83,155). Vị tư tế bẻ ra trước hết vì tấm bánh lớn khó có thể rước lấy một lần. Thứ đến, vì ngài phải làm một nghi thức khác nữa: cho một miếng bánh thánh rất nhỏ vào trong chén để hòa chung Mình Thánh với Máu Thánh (x. NTTL 129; QCSL 155).

Hướng dẫn của Hội Thánh hiện nay trong QCSL 83 là: “Việc bẻ bánh bắt đầu sau khi trao bình an, và phải được thực hiện với lòng tôn kính, tuy nhiên không nên kéo dài quá mức cần thiết cũng như gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng. Nghi thức này được dành riêng cho vị tư tế và phó tế. Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con.”

II/ Ý NGHĨA

Ngày xưa, hành động bẻ bánh rất hữu ích và cần thiết, vì các tín hữu mang những ổ bánh từ nhà tới, do đó phải bẻ ra để chia cho mỗi người rước lễ một miếng. Nhưng nay dùng các bánh lễ nhỏ cắt tròn sẵn rồi thì không cần bẻ bánh nữa. Tuy nhiên, nghi lễ bẻ bánh vẫn còn được giữ lại. Thực hành này có những ý nghĩa sau:

– Thứ nhất, theo giáo lý được giảng dạy bởi Theodore của Mopsuestia (390), bẻ và phân chia bánh là biểu tượng cho sự hiện diện đa vị trí của Chúa phục sinh như những lần hiện ra của Ngài cho những nhóm môn đệ khác nhau sau biến cố phục sinh (Mingana 246).[7]

– Thứ hai, việc bẻ bánh làm cho ta nhớ tới Chúa Kitô: Ngài là người tôi trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào. Theo thánh Gioan Kim Khẩu (347 – 407), cuộc khổ nạn của Chúa Kitô được biểu tượng qua việc bẻ bánh (Hom. 24:2; PG 61:200). Thời gian sau, thượng phụ Eutychius (582) đã làm sáng tỏ ý tưởng này khi cho rằng bẻ bánh diễn tả việc “sát tế nạn nhân” (De Pascha 3; PG 86:2396) hay “sát tế con chiên” như trong cách hiểu của nghi điển Byzantin và nhiều nghi điển khác. Quả thật, hy tế là chính Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong Thánh Thể như một hy tế hiến dâng; Ngài đã tự nộp mình để được “bẻ ra” qua cuộc khổ nạn của Ngài và phân phát cho mọi người. Do vậy, bẻ bánh trở thành động tác cốt cõi của phụng vụ Kitô giáo (x. Cv 2,46; 20,7.11; 27,35; 1Cr 10,16).[8]

– Thứ ba, mặc dù cử chỉ bẻ bánh của chính Chúa Kitô đã thuộc về lịch sử, nó chỉ hiện ra như một kỷ niệm,[9] nhưng lại mang một ý nghĩa sâu xa: là cách biểu lộ rõ nét toàn thể Mình – Máu Đức Kitô được trao ban cho nhân loại; đồng thời diễn tả sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu trong Chúa Kitô và trong đức ái huynh đệ khi họ chia sẻ – hiệp thông vào một Tấm Bánh duy nhất ban sự sống là Ðức Kitô, Ðấng đã chết và sống lại vì phần rỗi thế gian nên tất cả các tín hữu trở thành một thân thể (x. QCSL 83) như lời của thánh Phaolô: “Khi ta nâng Chén Chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”(1Cr 10, 16-17).[10] Việc rước lễ sẽ trở thành “một dấu hiệu hiệp thông trọn vẹn hơn nữa khi được trao dưới hai hình”: bánh và rượu, tức là tín hữu rước cả Mình và Máu Thánh, bởi vì theo hình thức đó, dấu hiệu của bữa ăn Thánh Thể càng xuất hiện rõ rệt hơn.[11] Dẫu cho ngày nay, chúng ta sử dụng những tấm bánh tròn nhỏ đã cắt sẵn thì nguyên việc tất cả cùng nhau tuần tự lên lãnh nhận bánh đã được truyền phép trong một Thánh lễ cũng vẫn biểu thị mầu nhiệm hiệp nhất này.[12]

Bẻ bánh trong Thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn (x. 1 Cr 10,16-17).

Hành động bỏ một mẩu Bánh nhỏ vào trong chén thánh có một ý nghĩa biểu trưng rất lớn đó là Đức Giêsu đã chết nhưng nay đã sống lại. Hai lần truyền phép riêng bánh và rượu như tách rời Máu khỏi Thân của Ngài và điều này biểu thị cho sự chết của Đức Giêsu. Sau đó, đến lúc hiệp lễ, bánh và rượu được hòa trộn liên kết lại với nhau làm dấu chỉ cho sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác của Chúa Giêsu, biểu trưng cho thân thể duy nhất của Đức Kitô cũng như chỉ rõ sự sống lại vinh quang của Ngài![13] Điều này nhắc nhớ các tín hữu rằng: Chúa Kitô mà họ sắp lãnh nhận là Chúa Kitô phục sinh và dầu có lãnh nhận Mình Thánh thôi hay lãnh nhận cả Mình và Máu Thánh thì cũng là lãnh nhận trọn vẹn Chúa Kitô đang sống hiển vinh.[14]

III/ MỤC VỤ

1) Trong các trường hợp sau đây: (1) thứ nhất, cử hành Thánh lễ với ít người tham dự (chẳng hạn như trong dịp tĩnh tâm) hoặc Thánh lễ tại một cộng đoàn nhỏ…; (2) thứ hai, nhà thờ quá rộng lớn; (3) thứ ba, buổi cử hành có quá đông người tham dự, chúng ta không nên “máy móc” dùng loại bánh lễ bình thường (nhỏ) mà nên ưu tiên chọn sử dụng loại bánh lễ có kích cỡ lớn hơn/thật lớn, để một mặt, dân chúng có thể nhìn thấy từ xa; mặt khác, nhờ bánh lớn, sau khi truyền phép, chủ tế có thể bẻ Bánh Thánh ra thành nhiều miếng nhỏ mà phân chia cho mọi người tham dự [nếu Thánh lễ có ít người tham dự] hoặc ít là cho một số người [nếu Thánh lễ có đông người tham dự].[15]

2) Khi cộng đoàn chúc bình an xong xuôi thì nhạc công mới bắt đàn cho bài hát Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) và chủ tế mới bắt đầu bẻ bánh, nghĩa là đang lúc đọc/hát Agnus Dei, chủ tế mới tiến hành bẻ Bánh Thánh (x. NTTL 128-130). Nếu cần thì phó tế hay vị đồng tế phụ giúp chủ tế bẻ bánh nhưng cần lưu ý những điều sau: (1) đừng bao giờ để giáo dân tham gia vào hành động hỗ trợ này vì là một lạm dụng phụng vụ (x. BTCĐ 73); (2) cả phó tế cũng không tham gia hỗ trợ hành động này nếu đức giám mục chủ tế và có sự hiện diện của các linh mục đồng tế (x. QCSL 83, 155; LNGM 162).[16]

3) Nghi thức bẻ bánh cần được tiến hành với sự kính cẩn thích hợp nhưng đừng lạm dụng khi kéo dài nghi thức một cách không cần thiết, cũng đừng quan trọng hóa quá mức; bẻ bánh ở trên đĩa thánh chứ không phải trên chén thánh (x. NTTL 129; QCSL 83; BTCĐ 73, 83).[17]

4) Các linh mục đồng tế/phó tế có thể làm nhiệm vụ phân phát Bánh Thánh đã bẻ ra, chẳng hạn chia sẻ Bánh Thánh vào các bình thánh khác… nhưng họ không được bỏ miếng Bánh nhỏ vào chén thánh thay cho chủ tế (x. NTTL 129; QCSL 83).

5) Trong Thánh lễ đồng tế, không nhất thiết phải phân phát Bánh Thánh cho hết mọi linh mục vào lúc bẻ bánh. Nếu thời giờ không cho phép, chỉ nên phân phát cho những vị ở gần bàn thờ, còn những vị ở xa, họ sẽ rước Chúa sau khi chủ tế rước lễ xong (QCSL 83).

6) Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” (x. NTTL 129-130; QCSL 83). Kinh này nên được hát vào Chúa nhật/lễ trọng và có thể được lặp đi lặp lại [theo kiểu Kinh Cầu] bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con” (x. NTTL 129-130; QCSL 83; Notitiae 14 [1978] 306, n. 8).[18]

_______

[1] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992),201.

[2] X. Ibid.

[3] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 443.

[4] X. Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),136-137.

[5] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 110.

[6] X. Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 103; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 103; Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 202.

[7] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 207.

[8] X. Ibid., 49-50, 207; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York: Benziger Brothers, 1951), 334-35.

[9] X. Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ ơn (Sài Gòn: Tủ sách Đại Kết, 1996), 192.

[10] X. Le Gall, La Mess au fil de ses rites,201.

[11] X. East Asian Pastorasl Review, Celebrate Life in Liturgy, vol. 33 (1996), Number 1-4, 106-107.

[12] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 157.

[13] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 265; Edward McNamara, “Tại sao một phần Mình Thánh được đặt vào Chén thánh?”, dg. Nguyễn Trọng Đa (07/07/2015); acc. 09/02/2024, https://gpquinhon.org/qn/news/hoc-hoi/Tai-sao-mot-phan-Minh-Thanh-duoc-dat-vao-Chen-thanh-3923/.

[14] X. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 80.

[15] Sean Swayne, Gather Around the Lord: A Vision for the Renewal of the Sunday Eucharist (Dublin: Columba Press, 1987), 93.

[16] Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: The Liturgical Press, 2021), Kindle, 136.

[17] Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 325; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 83; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 152.

[18] Musicam sacram (5 March 1967), 34, AAS 59 (1967), 310