Chia sẻ 1: ĐỨC GIÊSU THƯỢNG TẾ
Khi trình bày về Đức Giêsu Thượng Tế, tác giả thư Hípri đã viết: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Ápraham. Bởi thế, Người phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân”[8].
Như thế, Đức Giêsu Thượng Tế là trung gian giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đối với Thiên Chúa, Ngài tuyệt đối trung thành và vâng phục; đối với con người, Ngài vô cùng nhân từ, cảm thương và lấy “chính mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”[9]. Ngài là vị Thượng Tế siêu phàm và đích thực, là Con Một Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”[10].
- Đức Giêsu là vị Thượng Tế Siêu Phàm
Đức Giêsu là vị Thượng Tế siêu phàm, vì Ngài là Con Thiên Chúa, và đồng bản thể với Chúa Cha như thư Hípri khẳng định: “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người”, Thiên Chúa đã nói: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” và “mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy Người”[11], nên “chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa”[12].
- Đức Giêsu là vị Thượng Tế đích thực:
Thượng tế là người có vai trò rất quan trọng vì được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội cho mình và cho dân[13].
Không như các vị thượng tế khác, Đức Giêsu chính là vị Thượng Tế đích thực:
- Đích thực thập toàn:
Vì Ngài “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám đông tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời”[14].
- Đích thực đời đời :
Đức Giêsu chính là vị Thượng Tế đích thực đời đời vì Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống muôn đời, nên phẩm vị Thượng Tế của Người tồn tại mãi mãi; đời đời vì khi được chọn làm Thượng Tế, Thiên Chúa đã thề với Ngài “Muôn đời Con là Thượng Tế” trong khi “các tư tế Lêvi đã trở nên tư tế mà không có lời thề”[15].
Do đó, Đức Giêsu là Đấng bảo đảm cho Giao Ước đời đời giữa Thiên Chúa và nhân loại bởi Giao Ước mới ấy được ký kết bằng máu Ngài cho muôn người được tha tội (x. Mt 26,28). Vì duy chỉ một mình Ngài mới “đem lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Ngài mà tiến lại gần Thiên Chúa”[16]
- Đức Giêsu, vị Thượng Tế trung thành và vâng phục của Chúa Cha:
Là trung gian giữa Thiên Chúa Cha và nhân loại, Đức Giêsu sống tình con thảo hiếu tuyệt vời đối với Chúa Cha mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.
Tác giả thư Hípri quả quyết: Đức Giêsu Thượng Tế “đã trung thành với Đấng đã đặt Người lên chức vụ đó”. Bởi thế, nếu “ông Môsê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa trong tư cách là tôi tớ để làm chứng về các điều Thiên Chúa sẽ phán truyền, thì Đức Giêsu trung thành với tư cách là người Con đứng đầu nhà Thiên Chúa”[17].
Ngài tuyệt đối trung thành với sứ vụ được sai đến trong thế gian để làm theo ý Chúa Cha: “Tôi đến để làm theo ý Đấng đã sai tôi”[18]. Dù phải trải qua muôn vàn đau khổ:
- Bị người ta đánh đòn, giật râu, mắng nhiếc phỉ nhổ, vu oan giáng hoạ, đớn đau cùng cực[19] đến nỗi mặt mày tan nát chẳng ra người, bị đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật, bị đem đi giết chết như chiên bị đem đi làm thịt, bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh vì tội lỗi của dân[20].
- Bị quên lãng, và trải qua cảm giác bị bỏ rơi khi bị bắt và trong giờ lâm chung trên Thánh Giá[21].
Dẫu vậy, Đức Giêsu – Người Tôi Trung của Chúa – vẫn tuyệt đối phó thác trong tay Cha Ngài[22]. Ngài còn hạ mình vâng phục Chúa Cha trong mọi sự “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”[23], bởi với Ngài, của lễ đẹp lòng Chúa Cha Ngài hơn tất cả chính là lòng vâng phục tuyệt đối.
- Đức Giêsu, vị Thượng Tế nhân hậu, và thương xót đối với mọi người:
Nếu đối với Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu là người Con trung thành và vâng phục, thì với con người, Ngài là người anh đầy lòng nhân hậu và thương xót Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ .. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách, và cảm thương những nỗi yếu hèn của ta[24].
Thật vậy, Đức Giêsu Thượng Tế, dù vô tội và trong sạch tuyệt đối đã tự nguyện “mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.., đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành”[25]. Chính lòng nhân hậu, bao dung, thương xót vô bờ bến của Đức Giêsu Thượng Tế đã củng cố niềm hy vọng được “hưởng chung ơn gọi trên trời” và “được ẩn náu bên Thiên Chúa” của chúng ta[26]. Do đó, chúng ta luôn có đủ lý do để tín thác nơi Ngài, vì Ngài không chỉ là Thượng Tế, mà còn là “Sứ Giả, Đấng Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin”[27] và bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc đời đời là gia nghiệp Nước Trời.
- Đức Giêsu Thượng Tế và Của Lễ tuyệt đối thánh thiện, hữu hiệu:
Đức Giêsu là “vị Thượng Tế cao cả ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời”. Chính Ngài “lo việc tư tế trong cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa, chứ không phải do người phàm dựng nên”[28]
Theo tác giả thư thư Hípri, Đức Giêsu là Thượng Tế Tối Cao và là Trung Gian của Giao Ước Mới theo phẩm hàm Menkixêđê[29]. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Menkixêđê là một nhân vật huyền bí “không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc”[30] .
Nếu như Menkixêđê là nhân vật huyền bí đối với dân Do Thái, thì Đức Giêsu đã “đụng chạm” và gần gũi tất cả mọi người, nhất là những người đau yếu, nghèo khổ, bị bỏ rơi trong xã hội. Các tư tế nói chung và các thượng tế nói riêng trong lịch sử Do Thái được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành tác vụ và không ai trong họ được gọi là ‘thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê’[31]. Chỉ Đức Giêsu mới được Thiên Chúa gọi như thế. Menkixêđê là hình bóng của Đức Giêsu, Thượng Tế Tối Cao, để ‘nhờ Người, với Người và trong Người’, Thiên Chúa cứu độ và giải thoát tất cả mọi người khỏi gông cùm tội lỗi, đau khổ và sự chết.[32]
Quả thực, Đức Giêsu là vị Thượng Tế cao cả đến từ Thiên Chúa, vì chính Ngài là Thiên Chúa. Ngài đã đến và lấy máu mình lập Giao Ước mới ; “lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi loài người đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa”[33].
Thời Cựu Ước, máu là yếu tố cần thiết để ký kết giao ước bởi “nếu không có máu, thì đã không khai mạc giao ước thứ nhất”. Do đó, “sau khi ông Môsê công bố cho toàn dân mọi điều răn như đã ghi chép trong Sách Luật, thì ông lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và nói: Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ”[34]. Con Thiên Chúa đã lấy chính máu mình để lập Giao Ước mới. Chính Giao Ước bằng máu ấy đã làm cho Giao Ước thứ nhất trở nên cũ và phải tan biến đi[35].
Cũng thế, không như các thượng tế vào cung thánh do tay người làm ra để dâng đi dâng lại nhiều lần của lễ là máu các con vật để xin ơn tha tội, “mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi, “Đức Giêsu, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại. Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân.”[36]
Như thế, “Đức Giêsu Thượng Tế tuyệt đối thánh thiện “đã xuất hiện chỉ một lần” với Của Lễ cũng tuyệt đối thánh thiện là chính bản thân mình. Ngài vừa là Thượng Tế vừa là Của Lễ tuyệt đối thánh thiện mang giá trị cứu rỗi vĩnh viễn cho nhân loại, vì đẹp lòng Thiên Chúa Cha.
Sở dĩ Của Lễ là “chính mình Ngài” đã làm đẹp lòng Chúa Cha và sinh ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại, vì Của Lễ ấy là tấm lòng tuyệt đối trung tín và vâng phục thánh ý Chúa Cha, như Ngài đã thâm tín: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”[37].
Khác với hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội của Giao Ước cũ mà các tư tế, thượng tế tiến dâng theo luật truyền, Đức Giêsu Thượng Tế đã dâng chính mình, khi tự hiến làm Của Lễ trên Thánh Giá. “Ngài chỉ dâng một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo”[38]. Của Lễ hoàn hảo ấy mang đến ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót, Thượng Tế nhân hậu, hay chạnh lòng cảm thương những ai yếu hèn, tội lỗi.
Sở dĩ “hoàn hảo và sinh ơn cứu độ” là đặc tính của Hy Lễ Thánh Giá” vì Đức Giêsu là Thượng Tế đích thực, thập toàn, tuyệt đối trung thành và khiêm hạ vâng phục thánh ý Chúa Cha, đồng thời là Thượng Tế giàu lòng thương xót, bao dung, nhân hậu với con người là anh em của Ngài.
Tóm lại, khi học hỏi về Đức Giêsu Thượng Tế, chúng ta cần nhận ra và tuyên xưng chân lý: Đức Giêsu được tôn vinh là Con Thiên Chúa[39] và là anh em của loài người[40].
Là Đấng Trung Gian hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, Đức Giêsu nhận được vinh quang ngự bên hữu Thiên Chúa, nhưng đồng thời gắn bó thiết thân với thân phận con người. Ngài đã ở giữa loài người, và hoàn toàn “làm một” với con người, như “nên một” với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã thực hiện hữu hiệu sứ vụ là Đấng Trung Gian, và là Nhịp Cầu Giao Hoà giữa Thiên Chúa với con người khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa, đã lấy chính mình làm Của Lễ hoàn hảo sinh ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi. Chính vì thế, Ngài trở nên Thượng Tế trung thành và vâng phục Chúa Cha, đồng thời là Thượng Tế nhân hậu và xót thương đối với con người.
[1] Perfectae Caritatis 7
[2] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN. BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, Đặc Sủng, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2016, tr. 250.
[3] Sđd tr. 533.
[4] Sđd tr. 769
[5] Sđd tr. 770
[6] x. Tông huấn Chứng tá Phúc Âm, số 11
[7] Quyết định Thành lập Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, số 3b.
[8] Hr 2,16-18
[9] Mt 20,28
[10] Ga 4,17
[11] Hr 1,5.6
[12] Hr 4,14
[13] x. Hr 5,1-3
[14] Hr 7,26
[15] Hr 7,21.24
[16] Hr 7,22.25
[17] Hr 3,2. 3-6
[18] Ga 6,38
[19] x. Is 50,6
[20] x. Is 52,14; 53,3.7.8
[21] x. Lc 22,39-44
[22] x. Is 49,5 ; Lc 22,39-44; 23,44-46
[23] Pl 2,8
[24] x. Hr 2,17 -18; 4,15
[25] Is 53,4.5
[26] Hr 3,1; 6,18
[27] Hr 3,1
[28] Hr 8,1-2
[29] x. Hr 5,10
[30] Hr 7,1-3
[31] Hr 5,6
[32] ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức Giêsu Kitô – Đường Thượng Tế Tối Cao, Bản tin Hiệp Thông/HĐGM VN, 4/5/2021
[33] Hr 9, 15
[34] Hr 9,18-20
[35] x. Hr 8,13
[36] Hr 10,12-13
[37] Tv 39,8
[38] Hr 10,14
[39] x. Hr 1, 5-14
[40] x. Hr 2,5-16
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)