“Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù”
(Thánh Vịnh 8 Tuần II, thứ bảy, Kinh Sáng)
* * *
2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao. 3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, 5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
|
6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, 7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: 8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, 9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
10 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! |
(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
* * *
Thánh Vịnh 8 được cấu tạo theo dạng song song đối xứng như sau:
(A) Câu 2ab: ca tụng khởi đầu
(B) Câu 2c -3: em bé và địch thù
(C) Câu 4-5: Vấn đề con người
(B’) Câu 6-9: con người và loài vật
(A’) Câu 10: ca tụng kết thúc
Tv 8 mở đầu và kết thúc (c. 2ab và c. 10) bằng lời ca tụng; phần trung tâm (c. 4-5) đặt câu hỏi về căn tính của con người; và hai phần còn lại (c. 2c-3 và c. 6-9) mang lại câu trả lời về căn tính của con người trong tương quan với thần linh và loài vật. Con người ứng với em bé: ơn gọi của con người là trở nên “em bé”; loài vật ứng với thù địch: con người trở thành con thú, khi biến mình trở thành thù địch của nhau. Con người không phải là thần linh và cũng không phải là con vật; sâu sa hơn, con người được mời gọi sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, đến cùng, không tự biến mình thần linh và không làm cho mình trở thành con thú, nghĩa là trở thành thù địch của nhau hay ham muốn nhau. Con người thống trị thú tính, trong mức độ trở nên như em bé.
Như thế, Thánh Vịnh mời gọi chúng ta thực hiện một chuyển động “ra khỏi mình” hướng đến thế giới sáng tạo của Thiên Chúa: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài”, nhưng sau đó quay trở lại với chính mình, để khám phá ra tương quan sâu sa và đích thật giữa mình và Thiên Chúa, ngang qua những vấn đề lớn của con người: “thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?”, để cả cuộc đời, từ khởi đầu đến kết thúc, trở thành lời ca tụng Chúa.
- Ca tụng khởi đầu và ca tụng kết thúc (2ab và c. 10)
Tv 8 mở đầu và kết thúc bằng lời ca tụng; bản văn Nguyên Lý và Nền Tảng (x. Linh Thao, số 23) cũng nêu ra cùng đích ca tụng ở đầu và ở cuối. Ca tụng thường đi đôi với tạ ơn, và cả hai đều là chuyển động ra khỏi mình. Chính vì thế, ca tụng và tạ ơn hiện diện một cách tất yếu ngay trong lòng lời nguyện, bởi vì phải ra khỏi mình để cầu nguyện. Trong lời nguyện Thánh Vịnh, “ca tụng” là một hạn từ thay thế cho hạn từ “tình yêu”, bởi vì ca tụng nhấn mạnh đến một khía cạnh đặc thù của tình yêu, đó là khía cạnh vô vị lợi, là sự quên mình. Trong các Thánh Vịnh sáng tạo, tác giả đã không chỉ ra khỏi mình, nhưng còn quên mình đi để chiêm ngắm Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người. Chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà không ca tụng Ngài, và không thể ca tụng Thiên Chúa nếu không yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên Chúa bằng cách ca tụng Ngài, chính là yêu mến Ngài bằng cách ra khỏi chính mình.
Chính vì thế, ca tụng phải là khởi đầu và kết thúc không chỉ của mọi lời nguyện, nhưng của mọi sự : của ngày sống : « Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài » ; của từng việc làm, của cuộc đời chúng ta , của lịch sử và của cả thế giới sáng tạo : Để ca tụng vinh quang của Ngài (x. Eph 1, 6.12.14).
Để ca tụng Chúa, chúng ta phải có lí do, và những lí do phải thực sự và đích thật. Tv 8 sẽ giúp chúng ta tìm ra lí do để ca tụng Chúa. Thật vậy, trong lời ca tụng rất đơn sơ và quen thuộc này của Tv 8, chứa đựng cả một kinh nghiệm thiêng liêng ở đỉnh cao, đó là kinh nghiệm chiêm niệm : nhìn mặt đất, chúng ta nhận ra được đó là ân huệ, và ân huệ này bộc lộ Danh Chúa thật lẫy lừng. Đó là đôi mắt biết chiêm ngắm, nhìn thấy Chúa trong mọi sự, biết khám phá ra những lí do để ca tụng Chúa.
* * *
Ơn gọi của con người là ca tụng Chúa (x. LT 23: Nguyên lý và nền tảng), nhưng để ca tụng Chúa con người không chỉ sử dụng “những sự khác” theo qui tắc “trong mức độ”, và phải “bình tâm” trước khi lựa chọn, nhưng còn phải đảm nhận nhận sứ mạng thống trị thú tính.
- “Con người là chi ?” (c. 4-5)
Khi ra khỏi mình và ngước nhìn lên trời, trăng, sao, cái nhìn của tôi được mời gọi quay trở lại với chính mình. Hãy cảm nhận sự tương phản về độ lớn và độ dài, giữa một bên là vũ trụ bao la và bền vững, và một bên là thân phận nhỏ bé và chóng qua của chúng ta. Đây là một chuyển động thiêng liêng, thậm chí là “linh đạo” (con đường thiêng liêng) của các Thánh Vịnh sáng tạo.
- Tv 139: môi trường sống của tôi, nói theo ngôn ngữ của Linh Thao là “những sự khác”, là nơi chốn để tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa, gặp gỡ Người và sống trong tương quan với Người, hay là nơi tôi chốn chạy, ẩn nấp hoặc tôi biến thành ngẫu tượng, thành cùng đích?
- Tv 104: Tôi, với tư cách là sinh vật, sống bằng hơi thở và được nuôi dưỡng bằng lương thực đến từ chính hơi thở và bàn tay của Thiên Chúa; đó là thân phận và cách sống của “hình ảnh”, hoàn toàn lệ thuộc vào tình yêu Thiên Chúa. Và tôi sẽ chẳng còn là “hình ảnh” của Thiên Chúa, nếu tôi sống bằng chính mình.
- Tv 19: con người không thể sống mà không có Lề Luật; vậy đâu là ương quan của tôi với lề luật? Luật là chữ, hay lời ngọt ngào của Đấng ban ơn huệ?
Ở đây, Tv 8 mời gọi tôi cũng đặt ra câu hỏi và tự mình suy gẫm : Con người là chi ? Tôi là gì ? Và tôi có thể nhận ra nhiều tương phản như thế nơi tôi, giữa : một bên là thân phận nhỏ bé, giới hạn và yếu đuối của tôi, và một bên là những gì Thiên Chúa làm cho tôi và đầu tư cho tôi : trực tiếp và qua rất nhiều trung gian.
Câu trả lời mà Tv 8 mang lại, về vấn đề con người phải làm cho chúng ta kinh ngạc, nhưng đồng thời lại phù hợp hoàn toàn với căn tính đích thật của chúng ta.
- Ơn gọi của con người
- Em bé và địch thù (c. 2b-3)
Nhìn lên trời cao, nhận ra uy phong hay ánh quang của Thiên Chúa. Và không chỉ nhìn mà còn nghe được tiếng hát, nghĩa là lời ca tụng (x. Tv 19) : tiếng hát vang tận trời cao, hát về uy phong của Thiên Chúa. Tiếng hát của ai ? Thật bất ngờ, đó là tiếng hát của « con thơ trẻ nhỏ ». Chúng ta có thể dừng lại để cảm nhận những tương phản :
- Tương phản quá lớn giữa uy phong Thiên Chúa và tiếng hát của em bé (như tiếng hát của các em bé trong Nhà Trẻ).
- Tương phản giữa tiếng hát này và kẻ địch thù: tiếng hát của em bé, những có sức mạnh đến độ khiến địch thù phải tiêu tan!
Những em bé, thật bất lực nhưng lại được coi là thích hợp nhất để hát mừng uy phong và chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ. Tại sao vậy? Bởi vì, em bé thì hiền lành và là biểu tượng tốt nhất của sự hiền lành của Thiên Chúa. Đức Giê-su sẽ đón nhận lời này của Kinh Thánh, bởi vì Ngài sẽ chiến thắng sự dữ, tội lỗi và bạo lực bằng sự hiền lành của Thiên Chúa trong cuộc Thương Khó:
Các thượng tế và kinh sư thấy những việc lạ lùng Người đã làm và thấy lũ trẻ reo hò trong Đền Thờ: “Hoan hô Con vua Đa-vít! “, thì tức tối và nói với Người rằng: “Ông có nghe chúng nói gì không? ” Đức Giê-su đáp: “Có; nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao: Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen? “
(Mt 21, 15-16)
- Con người và thú vật (c. 6-9)
Hãy chiêm ngưỡng con người, chiêm ngưỡng chính bản thân tôi, và nhận ra con người, bản thân tôi là một kì công của Thiên Chúa, dù tôi có như thế nào : bẻ bỏng và chóng qua, nhưng :
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo :
đặt muôn loài muôn sự dưới chân
Được tôn vinh trên “muôn loài muôn sự”, nhưng rốt cục theo Tv 8, con người chỉ có quyền trên loài vật mà thôi!
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Có lẽ não trạng hiện đại chẳng thấy “vinh quang và danh dự” gì nhiều nơi địa vị này của con người. Tuy nhiên, Kinh Thánh lại rất coi trọng, vì qua đó mặc khải Kinh Thánh diễn tả ơn gọi đích thực của con người. Chúa đặt để con người ở một vị trí đặc biệt, và đồng thời vị trí này cũng là một lời mời gọi : chúng ta được sinh ra là người, thì hãy sống như một con người, hãy sống nhân tính như là một hồng ân được ban tặng :
- Đừng tự biến mình thành thần linh. Pascal nói : « Ai làm cho mình trở thành thần linh, sẽ biến thành quái vật » (Qui se fait ange, fait la bête), bởi vì sẽ phải loại trừ những người chống đối bằng bạo lực, để thống trị và được tôn thờ.
- Và cũng đừng tự biến mình thành thú vật, nghĩa là đừng sống theo thú tính ; thú tính là ham muốn nhau, ăn nhau, huỷ diệt nhau bằng bạo lực.
Thần linh (thần tính)
Khởi đầu CON NGƯỜI (nhân tính) Cùng đích
Loài vật (thú tính)
- Thống trị thú tính và trở nên em bé
Tv 8 giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của sứ mạng thống trị muôn loài, mà Thiên Chúa đã trao cho con người từ thủa ban đầu : « Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. » (St 1, 28). Đó là sứ mạng chế ngự thú tính ; và chính trong mức độ con người chế ngự thú tính, hiện diện ngay trong nội tâm của mình, con người sống ơn gọi làm người, nghĩa là ơn gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 27); và nhờ “kính sợ” Chúa, mà con người hoàn tất sứ mạng thống trị thú tính của mình, như sách Huấn Ca nói: “Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muông chim cầm thú.” (17, 4). Lệnh truyền “cấm ăn” trong vườn Eden cũng là để giúp con người làm chủ lòng ham muốn, vốn là nét đặc trưng của thú tính, như Thánh Phao-lô đã tóm tắt Lề Luật trong công thức sau đây: “Ngươi không được ham muốn” (Rm 7, 7).
Theo Tv 8, sống ơn gọi làm người là thống trị thú tính; và để thống trị thú tính con người được mời gọi trở nên « em bé ». Đức Giê-su không chỉ xác chuẩn lời mời gọi này, khi mời gọi chúng ta hãy đón nhận Nước Trời với tâm hồn của một trẻ em (Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 9, 13-15; Lc 18, 15-17), nhưng Ngài còn hoàn tất sứ mạng của em bé, nghĩa là sứ mạng chiến thắng những dã thú, nghĩa là thú tính, sự dữ và bạo lực bằng sự hiền lành và tình yêu của Thiên Chúa, trong cuộc Thương Khó. Vì thế, ơn gọi sống nhân tính đến cùng, không tự biến mình thành thần linh hay thành thú vật, đó là trở nên giống Đức Giêsu.
Nhưng phải làm thế nào để trở nên như « em bé » ? Chúng ta không thể lùi thời gian lại được ; vì thế, ai muốn quay trở lại với thời ấu nhi để có được sự ngây thơ trong trắng, thì đó là « ngây thơ cụ ». Trở nên như em bé là một ơn gọi, luôn ở phía trước.
- Trở nên như em bé là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì em bé không thể sống một mình. Sâu sa hơn, em bé không thể đón nhận sự sống từ chính mình, nhưng từ những người khác, nhất là từ những thân yêu.
- Trở nên « em bé » là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa Cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một em bé, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?”
- Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi :
Phúc thay những người hiền lành,
Vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp.
(Mt 5, 4)
Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)