Phúc Âm: Ga 1,35-42
“Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm 1:
Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khuôn mẫu của hành trình gặp gỡ Đức Giê-su, “Đấng Mesia (nghĩa là Đấng Ki-tô)”, và trở nên người môn đệ của Người. Hành trình bao gồm ba bước.
- Bước thứ nhất: được giới thiệu
Thầy Gioan giới thiệu Đức Giê-su cho hai anh học trò của mình:
Đây là Chiên Thiên Chúa.(c. 36)
Lời giới thiệu này chất chứa cả một mầu nhiệm cứu độ và vì thế, trở thành bất hủ, vì được tuyên xưng tới bốn lần trong mỗi Thánh Lễ: sau khi chúng ta chúc bình an, cộng đoàn phụng vụ đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (3 lần); tiếp đến, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh trên Chén Thánh (hoặc Dĩa Thánh), long trọng công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.
Trong hành trình trở thành người môn đệ của Đức Kitô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, chúng ta cũng cần có những “Gioan” giới thiệu, giúp chúng ta hiểu, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô, là “Chiên Thiên Chúa”.
- Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội, nhưng lại mang vào mình mọi tội lỗi của từng người và loài người chúng ta, như Người Tôi Tớ Đau Khổ, để ban cho chúng ta sự vô tội của Ngài.
- Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội bị sát tế, để bày tỏ sự tín thác tuyệt đối vào đức công chính và sự sống mạnh hơn sự chết nơi Thiên Chúa, thay vì tự mình xét xử và lên án, để trở thành Đường Đi và Sự Sống cho chúng ta.
- Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên hiền lành, thay vì dùng bạo lực chống lại bạo lực, diễn tả khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu thì hiền lành.
- Bước thứ hai: đi theo
Hai môn đệ, một trong hai mang tên Anrê, đi theo Đức Giê-su.
Hai môn đệ nghe ông (Gioan) nói,
liền đi theo Đức Giê-su.(c. 37)
Chúng ta được mời gọi thán phục hai người môn đệ này, vì hai ông đã đặt hết lòng tin nơi lời giới thiệu của thầy Gioan và đã liều lĩnh đi theo người mà mình chưa thực sự hiểu biết và gặp gỡ. Điều này giả định hai ông phải có khát khao gặt gỡ và tìm kiếm “Chiên Thiên Chúa”, tìm kiếm Đấng Cứu Độ; và việc hai ông “liền đi theo Đức Giê-su” cũng giả định sức thu hút của Người, cho dù Người chưa lên tiếng hay chưa làm gì cho hai ông.
Chúng ta hãy hình dung ra hình ảnh rất đẹp này: Đức Giêsu đi trước, hai người đi sau: hai bên vẫn chưa quen nhau, vẫn còn khoảng cách, nhưng lòng đã hướng về nhau rồi.
- Bước thứ ba: gặp gỡ
Đây là bước quyết định hay bước ngoặt. Đức Giê-su biết có hai người đi theo mình, nhưng có lẽ cố ý để như thế một hồi lâu. Hai người chủ động đi theo Đức Giêsu, nhưng chính Ngài dừng bước, quay lại, thấy và lên tiếng trước:
Hai anh tìm gì vậy?(c. 38)
Câu hỏi này xem ra thật bình thường, vì chúng ta vẫn hay hỏi nhau với những câu hỏi tương tự như thế trong đời thường. Nhưng vì là của Đức Giêsu, nên câu hỏi này mãi mãi và mỗi ngày đụng chạm đến nơi sâu thẳm của hai môn đệ và của tất cả những ai đang đi theo Đức Giêsu, trong đó có chúng ta.
Thật vậy, trong hành trình đi theo Chúa của chúng ta, ở mỗi giai đoạn sống, ở mỗi ngày sống, trong mỗi dự định và lựa chọn, trong mỗi công việc lớn nhỏ, và trong Thánh Lễ này nữa, Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta: “Con tìm gì vậy?” Nếu Đức Giêsu hỏi đích thân từng người chúng ta, hỏi Cộng Đoàn chúng ta, chúng ta sẽ trả lời làm sao? Coi vậy mà không dễ trả lời, vì một đàng, điều chúng ta đi tìm đôi khi rất khó nói ra; đàng khác, điều chúng ta đi tìm, có thực sự là điều chúng ta khao khát trong sâu thẳm tâm hồn và một cách bền vững hay không, bởi lẽ lòng ước ao của chúng ta luôn vượt quá những gì những cụ thể, những gì được xác định hay phát biểu. Quả vậy, vì khó trả lời, và hơn nữa bị hỏi rất bất ngờ nên hai người trẻ đã đáp lại hẳn là với sự bối rối bằng một câu hỏi:
Thưa Thầy, Thầy ở đâu?(c. 38)
Và câu hỏi này cũng thật kì cục, vì chưa làm quen gì hết mà đã hỏi người ta ở đâu! Tuy nhiên, Đức Giêsu chẳng bắt bẻ gì hết, ngược lại, Ngài như đã quen biết hai anh từ lâu, nên mời đến tham quan nơi ở của Ngài, Ngài nói với họ:
Hãy đến và các anh sẽ thấy.(c. 39)
Và họ đã không chỉ đến tham quan chỗ ở của Ngài, nhưng còn lưu lại với Ngài. Sau này, hai môn đệ này và tất cả những ai đi theo Đức Giê-su, trong đó có chúng ta, sẽ nhận ra rằng Đức Giêsu không có một nơi ở nào cố định hết trên trần gian này. Ngài đến từ Thiên Chúa và Ngài sẽ đi về cùng Thiên Chúa (x. Ga 13, 3). Đây cũng chính là hành trình của các môn đệ, của mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi “lưu lại với Ngài” mọi nơi mọi lúc, bởi vì Ngài là đường đi và chính Ngài cũng lưu lại với chúng ta mọi nơi mọi lúc, với mầu nhiệm Thánh Thể của Đấng đã chết, đã Phục Sinh, đang sống và hiện diện giữa và trong chúng ta.
* * *
Vẫn còn một bước nữa, đó là, sau khi đến xem nơi ở của Đức Giêsu và lưu lại với Ngài, một trong hai người là Anrê đi giới thiệu Đức Giê-su cho người khác. Người khác ở đây không phải là người xa và lạ, nhưng là Simon, em của mình. Thực vậy, Anrê gặp em mình và nói:
Chúng tôi đã gặp Đấng Messia !(c. 41)
Và Anrê không chỉ giới thiệu thôi, nhưng còn dẫn em Simon đến gặp Đức Giêsu. Như thế, ông Anrê đóng vai trò của thầy Gioan Tẩy Giả đối với em mình.
Một khi đã gặp được và tin vào Đức Giêsu, ai trong chúng ta cũng có sứ mạng giới thiệu Ngài cho những người thân cận và thân yêu và dẫn họ đến gặp Đức Giêsu. Và điều này rất tự nhiên, bởi vì gặp được Đức Giêsu là niềm vui, bởi vì Ngài mang lại ý nghĩa cho cuộc đời đầy khó khăn thử thách của chúng ta, và Ngài là ánh sáng và là con đường dẫn chúng ta ngay hôm nay đến với Nguồn Sự Sống, là chính Thiên Chúa.* * *
Ba bước (được giới thiệu về Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, gặp gỡ Đức Giêsu, sau đó giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhất là cho những người thân cận) diễn tả cho chúng ta ba chặng đường làm nên hành trình trở nên môn đệ của Đức Giêsu.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ trải qua từng bước một lần là xong. Vì thế, ba bước này cũng còn là ba yếu tố lúc nào cùng phải có trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta: lúc nào chúng ta cũng cần được giới thiệu và dạy dỗ về Đức Ki-tô, lúc nào cũng cần đi theo Ngài, gặp gỡ Ngài đích thân, và lúc nào chúng ta cũng cần giới thiệu, loan báo, trình bày Ngài bằng lời và nhất là bằng cách sống cho người khác.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2:
“Đây là Chiên Thiên Chúa” (c.35).
Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế
khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua.
Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32).
Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15.30).
Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại,
ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn.
Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình.
“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ
đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen.
Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức.
“Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?”
Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy.
“Hãy đến và các anh sẽ thấy”.
Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình.
Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ.
Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình.
Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại.
Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi.
Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa.
Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen.
Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà,
họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu,
kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được.
Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy,
và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm.
“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô.
Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên.
Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu.
Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi,
nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài.
Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng.
Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c.42).
Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu.
Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng:
Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69).
Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người.
Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp,
nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu.
Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu,
để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời.
Thầy gọi các môn đệ theo Thầy
đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin.
Thầy không mở trường, không viết sách.
Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy,
bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.
Thầy dạy học trên đường.
Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày
với cái nhìn của Thiên Chúa.
Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo,
thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời.
thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.
Thầy tập cho họ trưởng thành,
tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió,
tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông,
tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn.
Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh
khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất,
Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy,
và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.
Lạy Thầy Giêsu,
Khoa sư phạm của Thầy là huấn luyện môn đệ bằng tình yêu.
Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng.
Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công.
Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ.
Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy
khi cúi xuống rửa chân cho họ.
Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy,
nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con.
Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian,
để làm cho muôn dân thành môn đệ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)