Vào đề
Năm 1989 lần đầu tiên, sau ngày giải phóng, một vị chức sắc cao cấp của Giáo Hội, Đức hồng y Etchegaray sang thăm Hội thánh Việt Nam.
Trong lần gặp gỡ và tâm sự với anh chị em tu sĩ Thành phố, Ngài kể đến một kỷ niệm leo núi. Bất ngờ, Ngài đã thấy một bông hoa nở bên vách núi cheo leo, trông rất rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời.
Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn đối với các cộng đoàn tu trì Ngài an ủi, khích lệ anh chị em hy can đảm làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa. Trong bối cảnh còn nhiều thử thách, chính đời sống vui tươi của anh chị em lại là một lời chứng.
Trong hòan cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn của mùa đại dịch: Hạn chế đi lại, hạn chế giao tiếp với người khác…chúng ta được mời gọi đi vào chiều sâu nơi mỗi biến cố của cuộc sống.
Những trở ngại trong đời tu
- Ai đang đứng hãy ý tứ kẻo ngã (1 Cr 10, 12)
Đời sống Thánh hiến được định nghĩa là một cuộc nhập thế giữa lòng đời. Tu sĩ là những con người không thuộc về thế gian, nhưng sống trong thế gian và chịu ảnh hưởng của thế gian. Thế gian ở đây là cộng đồng nhân loại, là tất cả những gì đang diễn ra trong thế giới hôm nay – một thế giới đang chứng kiến những đổi thay đến chóng mặt trên tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội.
Những thay đổi ấy đang từng ngày từng giờ tác động một cách mạnh mẽ vào đời sống tu trì, nhất là trong lãnh vực đời sống thiêng liêng. Nó mang đến cho đời thánh hiến một làn gió mới, nhưng đồng thời cũng là một thách đố lớn lao đối với những ai đang dấn thân cho lý tưởng tu trì.
Chúng ta biết rằng: đời sống thiêng liêng là linh hồn của đời tu trì, và cầu nguyện là hơi thở của đời sống tâm linh. Vì thế, nếu thiếu vắng cầu nguyện, đời tu sẽ mất hết giá trị và trở nên vô nghĩa. Khi ấy, người sống đời tu không thể trở nên ánh sáng cho trần gian, không thể nên muối ướp mặn cuộc đời và cũng không thể là men trong bột. Do đó, cầu nguyện là chìa khóa vạn năng giúp mở ra chân trời hạnh phúc và khóa lại những điều bất hạnh. Chính vì cầu nguyện quan trọng nên ma quỉ luôn tìm cách len lỏi vào những vị trí trọng yếu nhất, hòng phá đổ đời tu dưới mọi hình thức.
- Những cám dỗ về tính hiệu năng
Trước hết, hiệu năng công việc là một cám dỗ dai dẳng và ngọt ngào nhất đối với đời sống thiêng liêng của người Thánh hiến. Thực tế cho thấy: đời sống thiêng liêng đang dần nhường chỗ cho các hoạt động Tông đồ. Giữa một cuộc sống phóng túng và tha hóa, người tu dường như để cho dòng đời cuốn trôi, biến họ trở nên những cỗ máy của công việc.
Đi tu là chọn Chúa làm gia nghiệp, nhưng thay vì chọn Chúa, họ lại chọn công việc của Chúa. Vì chọn sai nên nhiều Tu sĩ trẻ bị lâm vào cuộc khủng hoảng Ơn gọi, đặc biệt trong thời gian thi hành sứ mạng Tông đồ. Đó đây không thiếu những Tu sĩ vì ham thành công đã bỏ bê cầu nguyện, ơ hờ khi tham dự Thánh lễ, Kinh Nhật tụng, cũng chẳng mấy thiết tha với việc Nguyện ngắm, Xét mình, lần chuỗi Mân Côi, đọc sách thiêng liêng, viếng Thánh Thể hay lãnh nhận các Bí tích…
Người tu thường rao truyền cho thiên hạ về cầu nguyện, nhưng thực chất chính chúng ta lại chưa sống cầu nguyện. Nhiều Tu sĩ mới chỉ cầu nguyện trong những giờ nhất định mà bỏ quên tinh thần cầu nguyện liên lỉ suốt ngày.
“Cơn cám dỗ hiệu năng” thúc đẩy chúng ta viện cớ này, cớ kia để tự chước chuẩn cho mình những bổn phận thiêng liêng; hoặc chúng ta cầu nguyện một cách nhanh gọn; hoặc dồn tất cả việc thiêng liêng vào những giây phút cuối ngày sau khi thân xác đã mệt mỏi rã rời… Từ đó, những xác tín về đời sống thiêng liêng mờ nhạt dần, rồi Chủ nghĩa dửng dưng thắng thế, người tu dễ dàng quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, để rồi còn lại sau đó là sự lạnh nhạt, hững hờ.
- Khuynh hướng hưởng thụ
Đi đôi với cơn cám dỗ của Chủ nghĩa hiệu năng ta còn phải kể đến những thách đố của khuynh hướng hưởng thụ. Đây cũng là một vật cản không nhỏ giăng bẫy đời sống tâm linh của mỗi người tu sĩ chúng ta. Thật thế, ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, với sự bùng nổ của phương tiện truyền thông tốc độ cao. Một mặt, nó giúp người tu mở rộng tầm mắt ra thế giới xung quanh, và cho họ tiếp cận với những loại hàng hóa đa dạng về chủng loại và mẫu mã, với đầy đủ các chức năng để giải trí, làm việc…
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là làm cho chúng ta dễ dàng rơi vào cơn cám dỗ triền miên của thái độ sống hưởng thụ vật chất. Người tu mải mê với các phương tiện mà không còn thiết tha với việc cầu nguyện, không tìm được hứng thú và niềm vui khi gặp gỡ Thiên Chúa. Thay vào đó, họ lặng lẽ đi vào vòng xoáy của hưởng thụ vật chất nhằm thỏa mãn những đam mê trần tục của mình.
- Phải đối diện với những ồn ào
Bên cạnh đó, thế giới ngày nay có quá nhiều tiếng ồn ào. Sự tĩnh lặng, trầm lắng xem ra vô bổ và xa xỉ đối với nhiều Tu sĩ trẻ. Họ tìm cách giải khuây và bị hấp dẫn bởi nhịp sống sôi động của âm nhạc, quảng cáo, video, truyền thanh, truyền hình. Một cơn lốc mãnh liệt của sự ồn ào xé tan bầu khí thinh lặng của đời tu trì. Người tu thích nói, thích hàn huyên tâm sự, thích trao đổi thông tin với nhau hơn là đi vào sa mạc để gặp gỡ Thiên Chúa.
Họ thích tìm niềm vui chóng qua bên ngoài để giải tỏa sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng hơn là đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nhiều Tu sĩ trẻ ưa thích nhịp sống ồn ào và cảm thấy chán ngán khi phải thinh lặng. Vì thế, thật khó khăn cho việc cầu nguyện khi tâm hồn người tu không hề có một khoảng lặng nào dành cho Thiên Chúa. Sự ồn ào chính là con sâu gặm nhấm đời sống cầu nguyện của người tu trì.
- Những bất ổn trong đời sống cộng đoàn
Ngoài ra, xung đột trong đời sống chung cũng là một cám dỗ cho sự thăng tiến đời sống thiêng liêng của người tu trì. Chúng ta biết rằng: đời sống chung chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển của đời sống tâm linh. Thực tế cho thấy: trong Cộng đoàn có những trường hợp sống bên nhau, cùng ăn, cùng uống, cùng sinh hoạt với nhau nhưng lại không có được những tương giao cần thiết.
Trong Cộng đoàn, một cám dỗ rất lớn là muốn loại trừ những khác biệt, muốn nắn đúc người khác theo hình ảnh của mình, muốn cho mình là khuôn mẫu để người khác phải sống theo. Các thành viên trong Cộng đoàn chưa biết nghe, biết nói, biết hiểu và biết đón nhận vấn đề của nhau, nên những xung khắc, bất hòa, chia rẽ vẫn còn ngự trị. Khi tâm hồn chúng ta bất an, chúng ta khó có thể cầu nguyện sốt sắng được. Do đó, những bất hòa trong Cộng đoàn chính là một thách đố lớn lao trong hành trình tâm linh của người tu trì.
Một vài phương thế chữa trị
- Hãy nhớ mình là ai
Tuy nhiên, tất cả những vật cản nêu trên đây cũng chỉ là những tác nhân bên ngoài, trở ngại lớn lao và quan trọng hơn cả lại khởi đi từ chính nội tâm mỗi người. Thành ra, Nguyễn Bá Học đã viết: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Quả thế, nguyên nhân làm cho việc cầu nguyện của chúng ta trở nên sa sút khởi đi từ chính cá nhân mỗi người.
Người tu nhất là tu sĩ trẻ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về căn tính. Bởi lẽ, chúng ta biết rằng: Căn tính đời sống thánh hiến là bước theo Chúa Kitô (Sequela Christi), chọn Chúa là người bạn trăm năm để suốt đời chung thủy với Ngài. Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Đời tu hôm qua, hôm nay và muôn thế hệ vẫn là bước theo Chúa Kitô. Do đó, đây là tiêu chuẩn tối hậu của đời Thánh hiến.
Thế nhưng, người tu chúng ta nhiều khi lại chưa ý thức rõ ràng căn tính đích thực của mình, chưa thực sự dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thân xác cho Thiên Chúa. Họ chơi vơi giữa dòng đời mà không biết lý tưởng của mình là gì? mình đang theo ai? đang sống thế nào? và phải làm gì để thăng tiến đời sống ấy? Đó chính là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ và cần những lời giải đáp sao cho thấu lý, đạt tình.
- Hãy khao khát và kiên trì bước theo Chúa
Trước hết, để có thể vươn lên trong đời sống thiêng liêng, chúng ta hãy tập luyện cho mình thái độ kiên trì. Thái độ ấy cần thiết ngay cả khi chúng ta cảm thấy khô khan và lời cầu nguyện của chúng ta không được Thiên Chúa nhận lời. Thành ra, ngoài những giờ phút cầu nguyện chung với Cộng đoàn, chúng ta cần thiết phải tìm cho mình những giây phút cô tịch và an tĩnh. Bởi lẽ, Thiên Chúa không bao giờ phán bảo điều gì ở nơi huyên náo, nhưng chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể lắng nghe tiếng Ngài mà thôi.
Do đó, mỗi người hãy năng đến gặp gỡ Chúa trong Thánh Thể, kéo dài các giờ cầu nguyện cá nhân, chuyên cần suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, và dành giờ kiểm điểm đời sống. Chúng ta hãy kiên trì và bắt đầu lại mỗi ngày, nhất là luôn trung thành với thời gian biểu thiêng liêng đã đề ra. Nói như thế không có nghĩa là ta chỉ gặp gỡ Chúa trong những giờ nhất định, nhưng là liên lạc với Ngài mọi lúc mọi nơi: khi vui cũng như khi buồn; khi thành công cũng như khi thất bại; khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi…
- Cần có một vị hướng dẫn đời tu
Để tăng triển trong đời sống thiêng liêng, sự kiên nhẫn không thôi chưa đủ, chúng ta cần thiết phải nhờ đến những vị linh hướng. Họ có thể là các Linh mục, các Bề trên, hoặc những anh chị em đã có kinh nghiệm trong đường tu và đường đời. Giống như Samuel, cậu bé phải cần đến thầy Hêli để có thể nhận ra tiếng Chúa.
Thành ra, mỗi chúng ta cũng hãy đặt niềm tin tưởng nơi các vị linh hướng của mình. Nhờ tác động của Thánh Linh, họ sẽ có khả năng nâng đỡ, đồng hành mỗi khi chúng ta gặp thử thách trong Ơn gọi. Đó là đường lối sư phạm thiêng liêng tuyệt vời mà Thiên Chúa tặng ban cho những ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài.
- Xây dựng cộng đoàn hiệp thông huynh đệ
Mặt khác, như đã nói ở trên: những xung khắc trong đời sống Cộng đoàn cũng là một vật cản không nhỏ trong hành trình tâm linh. Thành ra, để có thể cầu nguyện sốt sắng, chúng ta hãy khởi đi từ việc thăng tiến đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn. Mỗi tu sĩ hãy tập sống tinh thần hiệp nhất, yêu thương để biến Cộng đoàn thành “nơi hạnh phúc, chốn an vui”.
Vì chỉ khi tâm hồn bình an, những khúc mắc trong đời tu mới có cơ may được hòa giải. Chúng ta không thể nào cầu nguyện bao lâu chúng ta còn mải mê gặm nhấm những vết thương. Hơn nữa, chúng ta cũng không thể hiệp nhất với Đức Kitô là Đấng vô hình, bao lâu chúng ta chưa hiệp nhất với anh chị em là người sống kề cận bên ta hàng ngày. Do đó, mỗi người hãy biết trân trọng, cảm thông và đón nhận nhau trong sự yêu thương và tha thứ. Khi đó, đời sống huynh đệ không còn là gánh nặng, nhưng lại là đòn bẩy và là nhịp cầu dẫn ta đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Thay lời kết: Cần nỗ lực hướng đến sự trưởng thành đời tu
Trước hết và trên hết, hãy xem Chúa Thánh Thần chính là tác giả và là Thầy hướng dẫn chúng ta trong hành trình tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài sẽ luôn đồng hành và gia tăng sức mạnh để chúng ta vượt qua những cám dỗ gặp phải trong đời sống thiêng liêng. Điều quan trọng là chúng ta phải sống tinh thần đơn sơ, khiêm nhường và tín thác vào Chúa.
Chúng ta cũng hãy biết khơi cạn tâm hồn để tình yêu Chúa lấp đầy cuộc đời chúng ta. Mỗi người hãy biết trở nên những con người trắng tay để chúng ta là không và Thiên Chúa là tất cả.
Điều quan trọng lã mỗi người hãy tự huấn luyện chính mình để trở thành những tu sĩ trưởng thành. Luật sống chính là “khuôn vàng thước ngọc”, là ngọn hải đăng chỉ đường, là lan can che chắn để chúng ta bước đi vững vàng trong Ơn gọi.
Dẫu biết rằng: Đời nội tâm và đời hoạt động Tông đồ là hai bánh lái của một con thuyền, nhưng rốt cuộc “đời hoạt động lại chỉ là phần dư dật của đời sống nội tâm” mà thôi. Cũng vậy, công việc của Mátta quan trọng thật, nhưng Đức Giêsu đã khen ngợi Maria, vì cô đã biết chọn phần tốt hơn. Thành ra, chúng ta hãy cố gắng rèn luyện bản thân, can đảm và sáng suốt chọn lựa xem cái gì quan trọng và cần thiết nhất trong cuộc đời. Nếu không, một lúc nào đó, cuộc đời sẽ quay lại để xô đẩy và vùi lấp chúng ta.
Để làm được điều đó, mỗi người hãy luôn biết cộng tác với ơn Chúa, gắn bó với Ngài trong cầu nguyện và chiêm niệm. Nhờ đó, dẫu cho thời gian đắp đổi xoay vần, lòng người có thay trắng đổi đen, chúng ta vẫn đứng vững với thái độ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)