KINH NGHIỆM ĐƯỢC YÊU THƯƠNG

Tình yêu là một huyền nhiệm không ai lý giải được mà chỉ cảm nhận bằng con tim chân thành. Như vậy, ta cũng có thể diễn giải về huyền nhiệm của tình yêu phần nào qua cảm nhận của một tâm hồn được yêu thương.

Kinh nghiệm được thương khi con được thuộc về gia đình Hội Dòng. Mỗi người luôn có một nơi để thuộc về chính là gia đình. Gia đình là nơi đầu tiên con có kinh nghiệm ấy. Chính trong gia đình, con được sinh ra và lớn lên, được yêu thương và chở che. Do đó, dân gian có câu “đi đâu không bằng nhà mình.”

Thế rồi, con bắt đầu rời xa mái ấm của mình và tham gia vào ơn gọi Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều điều lạ lẫm. Tại môi trường mới này, con như được “tái sinh”. Như một đứa trẻ, con quan sát, dò dẫm, học hỏi những kinh nghiệm mới và bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới. Nơi gia đình “thứ hai” này, con nhận được sự ấm áp và chân thành từ mỗi người chị em con gặp gỡ. Con cảm nghiệm trong tim niềm vui được thuộc về. Ngày con tiên khấn, con ý thức Hội Dòng chính là “mái ấm thứ hai” và các chị em trong Hội Dòng là chị em trong gia đình của con. Theo dòng thời gian, con được học hỏi và đào sâu thêm những gia sản thiêng liêng quý giá của Hội Dòng mà các bậc tiền nhân để lại. Với lòng biết ơn, con hứa sẽ tiếp tục cố gắng mỗi ngày để xây dựng Hội Dòng bằng đời sống chứng tá của mình, qua linh đạo Tự Hiến.

Hơn ai hết, con cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương, bởi bản thân con chỉ là tội nhân nhưng chính Chúa đã thương cứu vớt và còn mời gọi con trong ơn gọi thánh hiến. Lời mời gọi đó xuất phát từ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa mà chẳng có lý do vì sao. Lời mời gọi hiến dâng cũng không đến từ tiêu chuẩn của con người. Không phải vì đạo đức hơn, giỏi giang hơn, thông minh hơn, tài nghệ hơn hay thánh thiện hơn mà con được Chúa mời gọi. Có khi, con cảm thấy mình còn tồi tệ hơn những người khác bội phần. Khi xưa Chúa chọn Môsê, một con người vừa nhút nhát vừa bị tật nói lắp, để giải cứu dân ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Để chọn người mang Tin Mừng đến với muôn dân, Chúa đã tuyển chọn 12 tông đồ, tất cả đều là những con người bình thường thấp bé trong xã hội. Mười hai ông không ai giống ai, mỗi người một tính cách. Người thì bồng bột, người thì dối trá, người thì toan tính, kẻ thì gian manh. Ai đi theo Chúa cũng mang trong đầu một hy vọng làm lớn. Ngay cả Phaolô một thời ra tay sát hại các Kitô hữu lại được chọn làm người mang Tin Mừng đến với dân ngoại. Như thế, không có tiêu chí nào để có thể quy định ai là người được mời gọi sống đời dâng hiến. Nhưng điểm chung là họ đều được Chúa yêu thương.

Con cảm nghiệm được Chúa thương khi con được quay về Phong Lộc Cẩm Mỹ-chiếc nôi của Tu Hội Nazareth- Tiền thân của Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Giáo phận Xuân Lộc. Nơi đây, theo lời một Sơ chia sẻ: “Các em được trở về nơi dạ mẹ, nơi cưu mang giọt máu đầu tiên của Hội Dòng”. Hình ảnh “dạ của người mẹ” mang đến cho con biết bao cung bậc cảm xúc. Bởi dạ mẹ là nơi nuôi dưỡng đứa con bằng thức ăn tinh tuyền nhất và bảo vệ cách chắc chắn nhất khi nó mong manh nhất và không thể tự làm được gì! Con cảm nghiệm được Hội Dòng giữa bao sóng gió, thử thách cũng không thể làm được gì thì chính Chúa bảo vệ, chở che. Nơi cung lòng của Chúa, Chúa cưu mang Hội Dòng từ những bước chập chững đầu tiên. Con chợt nhận ra “Không có sự so sánh nào cho ‘phép lạ’ và tình thương của Chúa”. Chúa thương con và Ngài cũng thương mỗi chị em trong Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục. Chúa cứ cho, cứ ban tặng, mà đôi khi con quên mất mình được Chúa thương.

Kinh nghiệm được thương còn thể hiện khi được sống trong ơn gọi thánh hiến. Ơn gọi dâng hiến là một ơn gọi rất đẹp không phải vì nó hơn các ơn gọi khác nhưng nó khắc ghi tình yêu vô biên của Chúa dành cho thân phận nhỏ bé của con người. Trong ơn gọi dâng hiến và qua Hội Dòng, con có được những giờ phút tĩnh lặng bên lòng Chúa và đối diện với chính mình. Con nhận ra cuộc đời con là một chuỗi những hồng ân nhiệm lạ, được Chúa kiên nhẫn gắn kết từ trong kế hoạch đời đời cho đến khi được hiện hữu, được lớn lên và được thánh hiến dành riêng cho Chúa. Tất cả không gì khác ngoài tình thương rất vĩ đại mà Thiên Chúa đã dành cho riêng con.

Kinh nghiệm yêu thương khi vác thập giá theo Chúa. Trong hành trình theo Chúa, không ai tránh khỏi đau khổ. Chính Chúa Giêsu trên thập giá, Ngài cũng nhận sự phản bội, đau khổ, hiểu lầm…nhưng cách Chúa trả lại đó lại là tình yêu thương, bao dung, kiên nhẫn, tha thứ…

Quả thật, dưới chân thập giá, con lặng ngắm nhìn Chúa và con cảm nghiệm được tình thương bao la mà Chúa dành cho con. Con tự hỏi: Sao Ngài lại thương con, con chỉ là cát bụi mỏng giòn, sao Ngài lại thương con? Như một lời thì thầm đầy an ủi và ấm áp: “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương.” (Is 43,4) “Vì con là con ta và ta vẫn sẽ mãi yêu thương con…”

Trong hành trình theo Chúa, lắm khi con mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả. Giữa lúc ấy, một bàn tay giơ ra để gồng gánh tất cả. Quả thật, con nói sao hết được tình yêu đầy diệu huyền mà Chúa dành cho con. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la, đã khéo “dẫn dụ” con đến với Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục. Con cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương con qua Hội Dòng, Hội Dòng đã cưu mang và dẫn dắt con qua từng biến cố vui buồn trong cuộc sống.

 Nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, con luôn cảm nếm được tình Chúa yêu con như lời bài hát: “chẳng phải con đã yêu Chúa nhưng chính Ngài yêu con từ trước”. Chính tình yêu thương bao la của Chúa, sự yêu thương của Mẹ Hội Dòng, sự dìu dắt của quý Sơ Bề trên, Quý sơ Giáo và đặc biệt sự hy sinh âm thầm ngày đêm của Ba Mẹ và người thân trong gia đình giúp con cảm nếm và tri ân sâu sắc hơn tình yêu Chúa dành cho con. Là Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, con ý thức mình được tháp nhập vào nguồn mạch sự sống của Thiên Chúa và được sống trong tình yêu, sự bao bọc chở che của Hội Dòng. Bản thân con là một thế hệ trẻ kế thừa những bước chân của Quý chị Tiền bối, con sẽ cố gắng hơn mỗi ngày, hăng say rao giảng Tin Mừng, dấn thân phục vụ trong tinh thần khiêm tốn, gánh vác trách nhiệm bảo vệ gia sản và phát triển Hội Dòng thêm vững mạnh trong tình thương của Chúa.

M. Têrêsa Nguyễn Thị Vui, SJP.