Lời chủ chăn tháng 11 năm 2023

 Loan Báo Tin Mừng

Quý Cha và Quý Tu sĩ rất thân mến,

Lòng chúng ta còn đang đọng lại tâm tình ‘Khánh Nhật Truyền Giáo’ vừa được cử hành. Từ ngữ ‘Truyền Giáo’ thường gợi lên trong ta nỗ lực hướng đến anh chị em chưa nhận biết Chúa. Ngày nay chúng ta dùng thay thế bằng từ ‘Loan Báo Tin Mừng’ để còn bao hàm mối quan tâm đến các tín hữu đang sốt sắng sống đạo, đang nhạt nhòa lòng tin, hay đã ‘xa rời Giáo hội’.

Một

Cùng trong tháng 10, Giáo hội tôn kính hai vị Thánh nhiệt thành loan báo Tin Mừng: Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hai vị Thánh, hai cuộc đời là hai mô mẫu truyền giáo. Có rất nhiều khác biệt theo những dữ kiện tại thế. Một vị sống 24 tuổi vắn vỏi, một vị sống 85 tuổi. Thời gian tuổi đời đã thoáng cho thấy số liệu hoạt động rất khác… Khung cảnh cuộc đời cũng thật khác: một vị sống đời đan tu trong đan viện, một vị là mục tử trong Giáo xứ, Giáo phận, Giáo hoàng với biết bao cảnh đời… Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói được 14 ngôn ngữ. Thăm viếng mục vụ ngoài nước Ý 104 lần, trong nước 143 lần. Đường dài Ngài đi gấp 28 lần vòng địa cầu, hơn 3 lần lên xuống mặt trăng. Ngài giữ kỷ lục Guiness về các ‘fans’ tham dự các cuộc gặp gỡ… chỉ trong năm 2000, Ngài tiếp hơn 8 triệu khách hành hương. Ngài viết và giảng huấn phong phú với 14 thông điệp, 14 tông huấn, 11 tông hiến, 42 tông thư, 22 tự sắc và hàng chục ngàn trang suy niệm… Ngài đã mở 9 mật nghị hồng y, đã tuyên 482 Thánh và 1341 Chân Phước…

Giữa những khác biệt trời vực, các Đấng lại quy về một mối chung…

Chúa Giêsu ngập tràn tâm tư cuộc đời các Ngài. Qua ánh sáng thư Corintô, Têrêsa định hướng cuộc đời trong tình yêu Giêsu: ‘Giả như tôi nói được các thứ tiếng, nhân loại và Thiên Thần, mà tôi không có lòng mến, thì tôi chỉ là thanh la vang vảng hay chũm chọe chập cheng… và giả như… ơn tiên tri… lòng tin khiến chuyển được đồi núi… nộp mình chịu thiêu… mà tôi lại không có lòng mến, thì cũng hư không vô ích cho tôi’ (1Cor 13:1-3). Tiếng Hylạp ‘Agapê’[1] nên dịch bằng tiếng đơn giản: Lòng Mến, hơn là những tiếng cầu kỳ mà không đúng nghĩa như: đức ái, tình ái. Lòng Mến dành cho anh chị em phát xuất tự Thiên Chúa (1 Ga 4:7), nơi Con Thiên Chúa (Ga 2:20), nơi Thánh Thần (Rm 5:5). Lòng Mến đòi phải thí bỏ mình đi, phải phục vụ, phải nhẫn nại chịu đựng (Rm 12:9). Đó là chứng chỉ và là điều răn tuyệt đỉnh của lòng Mến Thiên Chúa (1Ga 3:17). Lòng Mến là tất cả sự trọn lành (Col 3:14) và hoàn tất khi được hưởng kiến Nhan Thiên Chúa. Trong khi Thánh Gioan-Phaolô không từ chối Chúa điều gì, miệt mài loan Tin Mừng với rất nhiều sáng kiến, Thánh Têrêsa tận dụng từng hy sinh nhỏ thường nhật với lòng mến đong đầy. Dù để lại cho hậu thế một tập sách, Têrêsa xứng danh Tiến sĩ vì Giáo hội nhận thức chị để lại con đường nên trọn lành đặc sắc trong tầm tay mọi người: Đường thơ ấu thiêng liêng.

Hai vị Thánh đều xác tín hiệu lực loan Tin Mừng và niềm hạnh phúc nhiệm hiệp cùng Thiên Chúa trong nguyện cầu. Thánh Gioan-Phaolô từng tâm sự ‘cầu nguyện là nhu cầu sâu thẳm của linh hồn tôi’. Ngài giang tay nằm giữa gian cung thánh cầu nguyện nhiều giờ khi nhận tin Giáo hội gọi Ngài nhận lãnh thánh ân Giám mục. Ngài quỳ gối cung kính chầu Thánh Thể hằng ngày và dâng lễ sốt sắng ‘nhập thần’ như thể đang cử hành phụng vụ thánh nơi trời mới đất mới. Đời đan tu của Thánh Têrêsa vốn hô hấp liên lỉ sự cầu nguyện. Cầu nguyện để bản thân sống và đưa nhiều người thông hiệp sự sống ân sủng. Dù làm một việc âm thầm trong đan viện hay những cuộc công du giữa những cộng đồng đông đúc bạt ngàn, hai vị Thánh đều không ngơi nguyện cầu. Têrêsa được Giáo hội tôn phong bổn mạng các hoạt đông loan báo Tin Mừng dù không bao giờ ra khỏi đan viện. Têrêsa chia sẻ hiệu quả của cầu nguyện: Phạm nhân Enrico Pranzini bị kết án tử hình vì đã giết dã man ba người. Ngày thi hành án tử hình bằng máy chém không còn xa. Têrêsa biết tin, hết lòng cầu nguyện cho anh được ơn hoán cải… Người ta đã thi hành án tử hình Enrico Pranzini… Hôm sau Têrêsa theo dõi tin tức được biết: Ngay trước khi đặt đầu vào máy chém, đột nhiên một nguồn cảm hóa xúc động xảy đến, anh quay lại ôm lấy Thánh giá và hôn lên những vết thương thánh thiêng của Chúa ba lần… Têrêsa ghi lại cảm nhận: ‘Bấy giờ linh hồn anh đi lãnh bản án đầy thương xót của Đấng đã tuyên bố rằng trên thiên đàng vui mừng vì một tội nhân sám hối hơn vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải’.

Cuối đời hấp hối giữa cơn bệnh lao phổi, Têrêsa thưa ‘Giêsu, con yêu mến’ và Thánh Gioan-Phaolô suốt đời dâng lên Chúa và Đức Mẹ tâm tình ‘Totus Tuus’ (Trọn thân con thuộc về Mẹ) hòa vào lời ngỏ cuối đời Ngài đi ‘về nhà Cha’…

Hai

Trong tâm tư muốn tu luyện để có một não trạng và cuộc sống loan bào Tin Mừng như lòng Chúa mong ước, chúng ta hãy ngẫm suy từng ý Đức Thánh Cha Phaxicô chia sẻ ngày 26 tháng 10 trong khóa họp Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ 16:

‘Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một Dân trung thành của Thiên Chúa, thánh thiện và tội lỗi, một dân tộc được kêu gọi và quy tụ bằng sức mạnh của các Mối Phúc Thật và của Tin Mừng Mátthêu chương 25. Chúa Giêsu, đối với Giáo hội của Người, đã không áp dụng bất kỳ kế hoạch chính trị nào trong thời của Người: không phải Pharisêu, cũng không phải Sađốc, cũng không phải Essenes, cũng không phải phái nhiệt thành. Không phải là ‘đoàn thể đóng’; nhưng chỉ đơn giản là tiếp nối truyền thống của Israel: ‘Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi’.

Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một dân tộc đơn sơ và khiêm nhường bước đi trước sự hiện diện của Chúa (Dân trung thành của Thiên Chúa). Đây là cảm thức tôn giáo về dân trung thành. Và tôi nói dân trung thành để tránh rơi vào nhiều cách tiếp cận và hệ tư tưởng làm giảm đi thực tế của Dân Chúa. Cách đơn sơ là dân trung thành, hay cũng là ‘dân thánh trung thành của Thiên Chúa’ bước đi, thánh thiện và tội lỗi. Và Giáo hội là như thế.

Một trong những đặc điểm của dân trung thành này là tính không thể sai lầm của họ. Vâng, dân trung thành không thể sai lầm trong đức tin. (Trong đức tin họ không thể sai lầm, Lumen Gentium 9). Trong đức tin, không thể sai lầm. Và tôi giải thích điều đó như thế này: khi bạn muốn biết Mẹ thánh Giáo hội tin gì, hãy đến Huấn quyền, bởi vì chính Huấn quyền là người chịu trách nhiệm giảng dạy điều đó cho bạn, nhưng khi bạn muốn biết Giáo hội tin như thế nào, hãy đến với dân trung thành.

Một hình ảnh hiện lên trong tâm trí tôi: các tín hữu tụ họp ở lối vào nhà thờ chính tòa Êphêsô. Lịch sử (hoặc truyền thuyết) kể rằng dân chúng đứng hai bên đường hướng về nhà thờ trong khi các giám mục trong đoàn rước vào, và dân chúng đồng thanh lặp lại: ‘Mẹ Thiên Chúa’, trong khi yêu cầu Phẩm trật Giáo hội tuyên bố rằng sự thật này là tín điều mà họ đã ôm ấp với tư cách là dân Chúa (Một số người nói rằng họ có gậy trong tay và đưa cho các giám mục xem). Tôi không biết đó là lịch sử hay truyền thuyết, nhưng hình ảnh này thật có giá trị.

Dân trung thành, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, có linh hồn, và vì có thể nói về linh hồn của một dân tộc nên chúng ta có thể nói về một lối diễn giải, một cách nhìn thực tại, một lương tâm. Dân trung thành của chúng ta ý thức được phẩm giá của mình, họ rửa tội cho con cái họ, họ chôn cất những người đã chết.

Các thành viên của hàng giáo phẩm đến từ dân này và đã nhận được đức tin từ dân này, nói chung là từ mẹ và bà của họ, ‘mẹ của anh và bà của anh’, Thánh Phaolô nói với Timôthê như thế, một đức tin được truyền tải bằng tiếng địa phương được sử dụng bởi người nữ, giống như mẹ của anh em nhà Mác-ca-bê, người đã nói với các con của mình ‘bằng phương ngữ’. Và ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong số dân thánh trung thành của Thiên Chúa, đức tin được truyền tải bằng phương ngữ, và nói chung bằng tiếng địa phương được người nữ sử dụng. Điều này không chỉ vì Giáo hội là mẹ và chính phụ nữ là những người phản ánh điều tốt nhất (Giáo hội là nữ), mà bởi vì chính phụ nữ biết chờ đợi, biết khám phá những nguồn lực của Giáo hội, của dân trung thành, những người vượt quá giới hạn, có lẽ đầy sợ hãi nhưng can đảm, và lúc một ngày mới đang bắt đầu nửa sáng nửa tối, họ đến gần một ngôi mộ với trực giác (vẫn không hy vọng) rằng có thể có điều gì đó vẫn sống. Phụ nữ của dân thánh trung thành của Thiên Chúa là phản ảnh của Giáo hội. Giáo hội là nữ, là hiền thê, là mẹ.

Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy ‘bảng giá’ của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Và khi các tác nhân mục vụ đi theo con đường thứ hai này, thì Giáo hội trở thành siêu thị cứu độ và các linh mục trở thành nhân viên đơn thuần của một công ty đa quốc gia. Đây là sự thất bại lớn nhất mà chủ nghĩa giáo sĩ trị dẫn chúng ta đến. Và điều này gây ra nhiều nỗi buồn và cớ vấp phạm (chỉ cần đến các tiệm may đồ lễ ở Roma để xem thật là cớ vấp phạm khi các linh mục trẻ đang xúng xính thử áo chùng, mũ, áo cổ col và tua áo). Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một xói mòn, một tai họa, một hình thức thế tục làm vấy bẩn và làm tổn thương dung mạo hiền thê của Chúa, bắt dân thánh trung thành của Chúa làm nô lệ.

Và dân Chúa, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tiến bước với lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, chịu đựng sự hoang phí, bị ngược đãi, bị loại trừ bởi chủ nghĩa giáo sĩ trị được thể chế hóa. Và thật tự nhiên khi chúng ta nói về những ‘ông hoàng của Giáo hội’, hay việc thăng chức giám mục như sự thăng tiến trong nghề nghiệp! Những nỗi kinh hoàng của thế giới, tinh thần thế gian ngược đãi dân thánh trung thành của Thiên Chúa’.

Anh chị em thân mến,

Nhờ sự chuyển cầu hiền mẫu của Đức Mẹ, sự chuyển cầu hiền phụ của Thánh Cả, chúng ta hãy chạy đến Tòa Hòa giải… đến trước Thánh Thể… chiêm niệm, xin ơn hoán cải và ơn nhiệt thành loan báo Tin Mừng…

† Gioan Đỗ Văn Ngân

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

  1. X. Cha Nguyễn Thế Thuấn, chú giải 1 Cor 13:1