« Đây Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa bỏ tội trần gian »
(Ga 1, 29-34)
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” 32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”
34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Trong những ngày sau Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Giáo Hội tiếp tục mời gọi chúng ta chiêm ngắm chân dung của thánh Gioan Tẩy Giả, được kể lại trong sách Tin Mừng theo thánh Gio-an, như là chứng nhân của Đức Ki-tô, Đấng là Sự Sống và Ánh Sáng.
Xin Chúa cũng khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao trở thành chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô, như thánh Gioan Tẩy Giả, bằng cách đón nhận sự sống mỗi ngày của chúng ta từ chính Người, Ngôi Lời Sự Sống, và sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng, thay vì như là bóng tối. Bởi vì Ngôi Lời là Sự Sống và ở nơi Người Sự Sống là Ánh Sáng.
- « Ông là ai ? »
Trả lời cho câu hỏi về căn tính « ông là ai ? », thánh Gioan tuyên bố thẳng thắn, mình không phải là Đấng Ki-tô. Nhưng điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là ông cũng không tự cho mình là Elia hay là một ngôn sứ :
Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào?
Ông có phải là ông Ê-li-a không? ”
– Ông nói: “Không phải.”
“Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”
– Ông đáp: “Không.(Ga 1, 21)
Trong khi đó, Đức Giê-su sẽ nói về ông như là vị ngôn sứ lớn nhất và như chính ngôn sứ Elia trở lại: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả… Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến (Mt 11, 11-15 và 17, 10-13). Nhưng về phần thánh Gio-an, ngài chỉ tự nhận mình như là tiếng hô hoàn toàn hướng về Đức Chúa :
Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi,
như ngôn sứ I-sai-a đã nói:(c. 23)
Xin cho chúng ta có lòng ước ao có được tâm tình khiêm tốn này của thánh Gioan. Như thánh Gioan đã trở thành điều mà lời ngôn sứ Isaia đã loan bao. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để cho lời kinh Thánh được ứng nghiệm nơi cuộc đời của mình. Xin cho Lời Chúa mà chúng ta đọc, lời nguyện Thánh Vịnh mà chúng ta hát dâng lên Chúa hàng ngày cũng được ứng nghiệm, được thực hiện nơi cuộc đời và trong mỗi ngày sống của chúng ta.
Như thánh Gioan, chúng ta được mời gọi sống sự sống của mình, sống thời gian Chúa ban, sống đời mình và ơn gọi của mình như một lời mời gọi, không phải mời gọi qui về mình, nhưng là qui về Đức Ki-tô.
- « Tôi đã không biết Người »
Như thánh Gioan, chúng ta cũng tự mình không thể biết Đức Ki-tô, nhưng đó là ơn huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực vậy, thánh nhân nhấn mạnh :
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”, “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.(c. 31-32)
Như thế, sự hiểu biết Đức Ki-tô của thánh Gioan hoàn toàn là ơn huệ: của chính Thiên Chúa Chúa Cha, vì Người đã thúc đẩy thánh Gioan đi tìm kiếm Đức Ki-tô; của Chúa Thánh Thần, vì dấu chỉ để nhận biết Đức Ki-tô, là sự hiện diện của Thần Khí; và cuối cùng là của chính Đức Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa đến tỏ mình ra cho thánh Gioan:
Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.(c. 29)
Cũng vậy, lời chứng của chúng ta về Đức Ki-tô, cũng hoàn toàn đến từ kinh nghiệm được đích thân gặp gỡ Đức Ki-tô và giới thiệu Người cho mọi người, như thánh Gioan sẽ giới thiệu Đức Ki-tô cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.
- “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Lời tuyên xưng này chất chứa cả một mầu nhiệm cứu độ và vì thế, trở thành bất hủ, vì được tuyên xưng tới bốn lần trong mỗi Thánh Lễ: sau khi chúc bình an, cộng đoàn phụng vụ đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (3 lần); tiếp đến, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh trên chén (hoặc dĩa) thánh, long trọng công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.
- Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội, nhưng lại mang vào mình mọi tội lỗi của từng người và loài người chúng ta, như Người Tôi Tớ Đau Khổ, để ban cho chúng ta sự vô tội của Ngài.
- Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên tinh tuyền bị sát tế, để bày tỏ sự tín thác tuyệt đối vào đức công chính và sự sống mạnh hơn sự chết nơi Thiên Chúa, và để trở thành đường đi và sự sống cho chúng ta.
- Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên hiền lành, diễn tả khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi.
Như thánh Gioan, xin cho chúng ta cũng khao khát gặp gỡ, hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, để có thể nói cho mọi người, ngang qua chính đời sống hằng ngày của chúng ta :
Đây Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa tội trần gian.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin cùng chuyên mục
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)
LÀM ĂN SINH LỢI (20.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)