“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ?”
(Lc 12, 54-59)
54 Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy.55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy.
56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?
57 “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục.59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Suy niệm 1
Quan sát mọi sự để chuẩn bị cho phần rỗi
Chúa Giêsu lấy kinh nghiệm quan sát trời đất mà đoán biết về thời tiết của dân chúng để khuyên dạy về việc thu xếp trước cho phần rỗi của mình. Mỗi người cần thu xếp cho phần rỗi của mình bằng cách giải quyết những vướng mắc với người khác ở đời này. Vì chưng theo lẽ công bằng, mỗi người đều phải trả hết tất cả món nợ của mình khi còn sống. Không trả đủ đời này thì đời sau cũng sẽ phải trả tiếp. Vì vậy, Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người tranh thủ thu xếp mọi ân oán trần gian để khi kết thúc ra đi thanh thản.
Chúng ta đừng quên thời gian sống ở trần thế này có giới hạn nên bao lâu còn sống chúng ta đừng gây thù chuốc oán với ai, cũng đừng gây thiệt hại cho bất kỳ người nào vì không việc gì mà không phải trả giá. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta luôn biết thu xếp mọi sự để luôn được thanh thản. Ai mắc nợ chúng ta là việc của họ, còn phần mình chúng ta đừng mắc nợ ai, nhất là tránh gây thiệt hại hay làm tổn thương người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tránh những việc tạo nên gánh nợ cho cuộc đời mình nhờ đó mỗi ngày sống chúng con luôn được sống thanh thản và an vui. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
Suy niệm 2
- Khả năng phân định
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói trực tiếp đến khả năng phân định của những người đương thời, qua đó nói với chính chúng ta hôm nay. Và phân định phải là một trong những đặc nét làm nên chân dung của người môn đệ.
Thực vậy, Đức Giê-su khởi đi từ khả năng phân định về thời tiết, để nói về khả năng phân định về thời gian hiện tại. Với so sánh này, Đức Giê-su muốn nói rằng thời gian hiện tại (kairos) cũng là một dấu chỉ rất rõ ràng, rất hiển nhiên cho những gì thực sự đang ngấm ngầm diễn ra và sẽ tỏ hiện:
Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?(c. 56)
Không biết phân định sẽ bị Đức Giê-su khiển trách là “đạo đức giả”! Vậy “Thời gian hiện tại” của tôi là gì? của chúng ta, của Giáo Hội, của xã hội và của nhân loại là gì? Chúng ta được mời gọi xác định, bởi vì đó là một dấu chỉ cần phải phân định[1].
- Hòa giải hay tòa án?
Sau đó, Đức Giê-su còn đưa ra một tình huống đặc biệt của “thời gian hiện tại” và mời gọi người nghe xem xét, phán đoán, nghĩa là phân định. Tình huống này đặc biệt thích hợp với vấn đề của xã hội chúng ta, và với tương quan thường ngày với người khác, nhất là với người anh em.
Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục.(c. 57-58)
Chúng ta hãy hình dung ra hai người xung khắc với nhau và chuẩn bị đưa nhau ra ra tòa: nếu mình phạm lỗi, thì mình cố làm hòa là điều hợp lí (xin bãi nại); nhưng cả khi mình là nguyên cáo, thì giải quyết nội bộ với nhau thay vì đưa nhau ra tòa vẫn là điều hợp lí hơn!
Vì khi đưa nhau ra tòa, người vô tội có chắc chắn là mình thắng kiện không? Luật thì về phía người vô tội, nhưng Luật đâu có phán quyết, quan tòa mới phán quyết; và phán quyết của quan tòa lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố (liêm khiết, vô tư, nhưng cả tiền bạc nữa, và chưa kể thư kí, luật sư…).
Ngoài ra, nếu đưa nhau ra tòa, để không bị kết án, cả hai đều sẽ phải cố tự biện hộ cho mình; và khi tự biện hộ mình vô tội, thì minh nhiên hay mặc nhiên phải tố cáo người kia có tội, và đôi khi phải tố cáo người kia bằng mọi giá, để mình thắng kiện! Và kết cục không thể tránh khỏi theo “qui trình” của luật, đó là một trong hai sẽ bị xử phạt. Và đó là ai? Là người thân cận, người anh em, là đồng loại của tôi.
Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó
trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.(c 59)
Không áp dụng luật với nhau, không phải chỉ là vấn đề tình cảm đạo đức (khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu thương chịu khó…) hay “luật đức ái” đòi hỏi, nhưng còn là vấn đề của lí trí, của phán đoán, của phân định. Không áp dụng luật với nhau là điều hoàn toàn hợp lí, vì luật là một hệ thống vô hồn, vận hành theo “qui trình”, không phân biệt những lý do hay đau khổ thầm kín và riêng tư, nhưng “mắt đền mắt, răng đền răng”; và hơn nữa trong thực tế, luật có thể trở thành phương tiện của Sự Dữ, của Tội (x. St 3, 1-7; Rm 7, 7-13)[2].
Nhưng còn một lí do nữa, lí do cội nguồn, nền tảng và cứu cánh: Thiên Chúa không áp dụng luật với chúng ta, bởi vì Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Tin Mừng này được bày tỏ quá hiển nhiên nơi Thập Giá Đức Giê-su Ki-tô, vậy mà nhiều khi chúng ta vẫn không “phân định” ra. Và thánh Phao-lô đã nói thật rõ về điều này: “Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích” (Gal 2, 21). Hơn nữa, khi mời gọi chúng ta tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy, thì chính Ngài đã không thể không tha thứ trước cho chúng ta như thế.
- Nhận ra và sống “ý muốn của Thiên Chúa”
Tuy vậy, ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong phân định: làm sao nhận ra Chúa và ý muốn của Người? Và khi nhận ra, chúng ta lại cảm thấy bất lực trong việc thực hiện; như thánh Phaolô diễn tả trong trong thư Roma: “Điều tôi muốn tôi không làm, điều tôi không muốn tôi lại làm; như thế, tôi không còn là tôi, nhưng tội ở trong tôi… Vậy ai sẽ giải thoát tôi tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 19-25).
Để có khả năng phân định ý Chúa và sống theo ý Chúa, chúng ta được mời gọi đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, để hiểu biết và yêu mến Chúa; và dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đọc và cầu nguyện với đời mình, để nhận ra sự hiện diện yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời và trong từng ngày sống; và như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Chúa cuốn hút, lôi kéo chúng ta, chứ không phải nhờ nỗ lực của chúng ta mà chúng ta có thể hướng về Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự.
Bởi lẽ, không hiểu Chúa, làm sao chúng ta nhận ra Chúa, làm sao nhạy cảm với lời Chúa, với ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa, và nếu không yêu mến, động lực ở đâu để chúng ta thực hiện?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Có thể đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE của ĐTC Phanxicô, về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (19/03/2018), chương năm: CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC và PHÂN ĐỊNH, số 158-175.
[2] Có thể đọc các bài suy niệm “Con Rắn và Lệnh Truyền” (St 3, 1-7); Luật và Tội (St 3, 1-7 và Rm 7, 7-13).
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)