Người Nữ tỳ Sống Tự Hiến theo gương Chúa Giêsu nơi mầu nhiệm thánh giá để loan báo Tin Mừng

Chia sẻ 5:

Đối với người Do Thái, bị đóng đinh là hình phạt « ô nhục, không thể chấp nhận » ; với người Hy Lạp, mang lấy thập giá là điều vô cùng ngu xuẩn ; và với dân ngoại, yêu mến Thánh Giá là điên rồ hết chỗ nói (x. 1Cr 1,22-23). Thật vậy, vác thập giá và đóng đinh vào thập giá vẫn luôn là mối đe dọa đáng sợ, nỗi ám ảnh khủng khiếp, nỗi ô nhục tận cùng, và đau đớn khôn nguôi, đối với con người ở mọi nơi, mọi thời.

Ấy thế mà Thiên Chúa lại chọn thập giá là hình phạt ô nhục nhất dành cho những tội phạm nguy hiểm cần phải loại bỏ khỏi xã hội loài người làm nơi biểu lộ sự khôn ngoan thượng trí, và lòng thương xót vô cùng bao la của Ngài đối với con người tội lỗi. Ngài đã tự nguyện vác thập giá, tự nguyện chịu đóng đinh vào thập giá để thánh hóa thập giá và biến thập giá ô nhục vì mục đích huỷ diệt sự sống thành Thánh Giá vinh quang khơi nguồn sự sống đời đời.

  1. Thánh Giá là nơi biểu lộ « sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa »:

Nếu thập giá là điều đáng sợ, đáng kinh hãi cần phải tránh xa, thì Thánh Giá có Đức Giêsu chịu đóng đinh lại được Thiên Chúa chọn để biểu lộ sự khôn ngoan thượng trí của Ngài trong công trình cứu độ con người. Chọn lựa này của Thiên Chúa không khỏi làm sốc nhiều người. Hầu hết chúng ta ít là một lần trong đời đã tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa phải chọn cho mình và cho những người Ngài yêu thương Thánh Giá đau đớn, khổ sầu, tủi nhục làm con đường phải đi, lý tưởng phải đạt, lẽ sống phải một lòng gắn bó ?

Quả thực, bao lâu còn làm người, dù là người được thánh hiến, chúng ta vẫn không thể hiểu hết mầu nhiệm Thánh Giá như chọn lựa khôn ngoan của Thiên Chúa. Chẳng thế mà thánh Phaolô, dù thấm thiá sâu xa giá trị và ý nghiã cứu độ của Thánh Giá cũng chỉ có thể lý giải về sự khôn ngoan của Thánh Giá đến mức độ nào đó như trong thư ngài gửi giáo đoàn Côrintô: « Đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy (tức Đấng chịu đóng đinh trên thập giá) chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa » (1 Cr 1,24). Liền sau đó, thánh nhân so sánh: «Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người » (1 Cr 1,25).

Và vì tin vào Thiên Chúa và chọn lựa khôn ngoan của Ngài, mà thánh tông đồ dân ngoại đã không ngần ngại xác tín: « Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá » (1 Cr 2, 2), và « trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh… » (1 Cr 1,23).    

  1. Thánh Giá là nơi biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa:

Trên Thánh Giá, Ngài đã biểu hiện lòng thương xót vô bờ bến dành cho toàn thể nhân loại tội lỗi, khi cầu nguyện với Chúa Cha: « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23,34). Ngài đã biểu hiện lòng thương xót đến cùng khi hứa Nước Trời cho người gian phi cùng bị đóng đinh: « Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng » (Lc 23,43). Ngài đã biểu hiện lòng thương xót bao dung đối với đám đông  không ngớt cười nhạo, thách thức Ngài: « Hãy cứu lấy mình đi, nếu ông là Đấng Kitô của Thiên Chúa », « nếu ông là vua dân Do Thái », sao không xuống khỏi thập giá đi ? (x. Lc 23,35-37), bằng thái độ yên lặng chịu đựng, yên lặng thứ tha. Ngài đã biểu hiện lòng thương xót thiết tha, trìu mến đối với những ai đi theo Ngài đến tận chân Thánh Giá khi ban cho họ người mẹ hiền, là chính mẹ mình khi « nói với thân mẫu rằng: « Thưa Bà, đây là con của Bà ». Rồi Người nói với môn đệ: « Đây là mẹ của anh » (Ga 19,26-27).              

Quả thực, nếu Thánh Giá biểu lộ sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, cũng như biểu hiện lòng thương xót cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa, thì Thánh Giá sẽ phải là nơi người NTCGLM tìm về để được trở nên giống Đức Giêsu, Đấng các chị yêu mến, tôn thờ, tận hiến và phụng sự.

Như Đức Maria, và Gioan, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến, các chị cũng được mời gọi đến tận chân Thánh Giá để tận mắt nhìn thấy Đấng mình yêu mến bị đóng đinh ; tận tay chạm vào thân xác tím bầm, loang lổ các vết thương đẫm máu vì gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng. Nhất là với cõi lòng tan nát, các chị trọn vẹn hiệp thông và chia sẻ nỗi đau trên thân xác, nỗi đau trong tâm hồn của Đấng Phu Quân mà các chị đã thề hứa yêu thương, gắn bó « đời đời » trong Nước của Ngài.

Vâng, qua mầu nhiệm Thánh Giá, chúng ta học được nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh tinh thần bỏ mình, xóa mình của người môn đệ. Vì điều kiện tiên quyết để sống đời thánh hiến, tức trở nên « đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu » chính là bỏ mình để mặc lấy Đức Giêsu chịu đóng đinh là nguồn ơn cứu rỗi, vì « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy » (Mt 17,24-25).

Qua mầu nhiệm Thánh Giá, chúng ta học được nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh con đường nên thánh, con đường trở nên giống Ngài, con đường của người môn đệ trung tín. Vì Thánh Giá là trường đào tạo môn đệ đích thực, là dấu chỉ chắc chắn « chúng ta thuộc về Đức Giêsu ». Vì chỉ với Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô, nhân loại mới được hoà giải với Thiên Chúa (x. Cl 1,19-20), và chúng ta mới hoà giải được với nhau và với chính mình như thánh Phaolô đã khẳng định: « Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời » (Cl 1,20). Với Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô, « Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta » (Cl 2,13). « Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá » (Cl 2,14). Cũng với Thánh Giá Đức Giêsu Kitô, các quyền lực thần thiêng đã bị truất phế, vì sự sống đã chiến thắng thần chết, và hoả ngục (x. Cl 2,15).

Tóm lại, người NTCGLM được Đức Giêsu mời gọi yêu mến Thánh Giá, bởi chính Ngài đã chọn Thánh Giá làm con đường nên hoàn thiện ; đã dùng Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại ; đã lấy Thánh Giá làm dấu chỉ để biết ai là môn đệ đích thực của Ngài.

Vì thế, yêu mến Thánh Giá nơi chị em NTCGLM từ đây sẽ là hy sinh vác thập giá mình, và thương xót vác thập giá của anh chị em như ông Simôn gốc Kyrênê đã vác đỡ Thánh Giá Đức Giêsu (x. Mc 15,21). Lòng yêu mến Đức Giêsu chịu đóng đinh của chị em Nữ tỳ từ đây chắc chắn sẽ không để thập giá Đức Kitô trở nên vô hiệu (x. 1Cr 1,17), nhưng sinh hoa trái thiêng liêng là ơn cứu rỗi cho bản thân và cho mọi người, khi vui lòng chịu đau khổ vì người khác, để có thể nói như thánh Phaolô: « Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh » (Cl 1,24). Yêu mến Thánh Giá nơi chị em Nữ tỳ từ đây cũng sẽ là niềm hãnh diện, như tâm tình của thánh Phaolô: « Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ! » (Gl 6,14).

Xin Đức Giêsu ban cho chị em lòng yêu mến mầu nhiệm Thánh Giá và học với Đấng chịu đóng đinh tinh thần xóa mình, bỏ mình để hiến mình làm của lễ đền tội cho mình và mọi người. Xin Người nâng đỡ những bước chân có lúc run rẩy, sợ hãi, ngại ngùng trên đường đến chân Thánh Giá Đức Giêsu của chị em. Nhất là giữa đêm tối đức tin, xin cho chị em biết nhìn lên « Đấng chịu treo » trên Thánh Giá (Ga 3,14). Sau cùng, xin cho chị em dám cùng Đấng, mà chị em một đời yêu mến và tự hiến làm Nữ Tỳ, đi vào mầu nhiệm Thánh Giá với niềm vui có Chúa là hạnh phúc và gia nghiệp đời đời.

JNT

  Gợi ý:

  1. Hành trình tự hiến – xóa mình – với Đức Giêsu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, có thực sự phong phú và giúp chị tiến nhanh trên đường thánh hiến ?
  2. Là người NTCGLM, theo chị, thái độ và tâm tình nào cần phải có nhất trên đường vác Thánh Giá với Đức Giêsu?
  3. Đấng sáng lập Dòng đã khuyên dạy và ước mong, chớ gì trong đời dâng hiến của mình hết mọi chị em đều sống Mầu Nhiệm Hy Tế một cách triệt để: “Nữ tu Nazareth hằng phải ăn ở nhiệm nhặt luật phép, đừng bao giờ muốn theo đà dễ dãi, vì đường hẹp mới là đường đưa về Nước Trời. Con đường của nữ tu Nazareth phải là con đường bắt chước Chúa, vác khổ giá đi trên núi Sọ thưở xưa. Chị em hãy sống khiêm nhường, và trước mọi nghịch cảnh hãy chịu đựng và tha thứ, không bao giờ được phép oán hận[1] (Linh Đạo, tr.70). Từng ngày, chị đã sống lời mời gọi này như thế nào ? Xin chị chia sẻ.
  4. “Chị em gắn chặt đời mình vào cuộc hy tế của CGLM, chấp nhận mình được Cha Người cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái” (Linh Đạo, 21). Xin chị chia sẻ trải nghiệm về nỗi đau, niềm vui và hoa trái khi chị được Chúa cắt tỉa theo cách của Ngài.

 

[1] x. “Lời Di Chúc” sách Kỷ yếu 1966