Quý Cha và quý Tu sĩ thân mến,
Lời đoàn Thiên thần ngợi khen: ‘Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm và dưới đất bình an cho kẻ Người thương’, nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Trời và đất. Thiên Chúa đáp ứng niềm khao khát của lòng người… khao khát vô biên…
Một
Khi con người ‘mở mắt’, người đã nhận thức sẵn đó các thực tại. Có phải các thực tại không thật có đó, chỉ là giả hợp do một duyên khởi bất định? Phải chăng lòng người băn khoăn trăn trở khi đối diện những người với nhân cách phi thường… ‘Ông là ai ?’ ‘Ông là ai, để chúng tôi thưa lại với những vị đã phái chúng tôi đến ?’ (Ga 1:19.22)
Khi con người càng ‘mở mắt’, người càng nhận thức mình ‘trần truồng’ (St 3:7), thì người lại càng khao khát vô biên…
Hai
Thánh sử Gioan viết Tin Mừng Chúa Giêsu, nương vào nghi vấn đối với Gioan Tẩy giả của những người được phái đi, đưa vào nghi vấn triền miên về Chúa Giêsu. Toàn nhân loại, tiêu biểu qua tất cả những người được phúc ‘gặp gỡ’ Chúa, đều trải qua kinh nghiệm ấy… tất cả họ đều thắc mắc ‘tính chất là ai’ của Chúa Giêsu và họ đã dần dần được Chúa ‘mở màn’ (mạc khải) cho thấy.
Có những kinh nghiệm đi liền với sự hiện diện của Chúa mà nhận thức mầu nhiệm sâu thẳm… bên trong… siêu phàm…
Thánh sử Gioan lấy kinh nghiệm bản thân gặp Chúa trong những ngày đầu tiên Chúa loan Tin Mừng chia sẻ cho chúng ta. Gioan và một người bạn, nghe lời Đấng Tiền hô, ‘đi theo Đức Giêsu’, thắc mắc ‘Rabbi, Thầy lưu lại ở đâu, được Chúa Giêsu quay lại bảo họ ‘Hãy đến mà xem’. Lúc đó khoảng chừng giờ thứ mười. Nathanael được bạn Philip khích lệ ‘Thì hãy đến mà xem!’… Ông ngạc nhiên ‘Bởi đâu mà Ngài biết tôi ?’ và đã tuyên xưng ‘Rabbi, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Vua Israel!’ (Ga 1:49).
Tại tiệc cưới Cana, xứ Galilê, Mẹ Đức Giêsu nói với Người: ‘Họ không có rượu nữa!’ Các gia nhân vâng nghe lời Mẹ dặn ‘Người có bảo gì, hãy làm theo!’… Sự việc dẫn đến sự ngạc nhiên của vị quản tiệc: ‘Phàm người ta, trước tiên ai cũng thết rượu hảo hạng đã, khi khách ngà ngà thì đãi rượu xoàng hơn. Còn ông, ông đã giữ rượu hảo hạng cho đến bây giờ!’ (Ga 2:10).
Phụ nữ miền Samari viện nhiều lẽ chối từ Chúa Giêsu… ‘Làm sao ông là Do thái mà lại xin uống với tôi là đàn bà Samari?’, ‘Gàu Ngài không có, giếng thì lại sâu, vậy Ngài lấy đâu ra cho có nước sinh sống?’, ‘Tôi không có chồng’, ‘Cha ông chúng tôi đã thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo: Giêrusalem mới là nơi thờ phượng’… Chúa Giêsu ôn tồn dẫn dắt chị: ‘Nếu chị biết ơn của Thiên Chúa và ai là người nói với chị: cho tôi uống với…’, ‘Giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ…’ Và Chúa xác nhận tâm tư của chị: ‘Khi nào Đức Mesia đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự’, rằng: ‘Chính là Ta (thuật ngữ Chúa Giêsu mạc khải Thiên Tính của Chúa), Người đang nói với chị’ (x. Ga 4).
Toàn nhân loại muôn đời không thể nhạt phai ký ức về lòng xót thương xuyên thấu mọi bóng đêm lòng người. Vào dịp Lễ Nhà Tạm, tại Giêrusalem, trong khi đông đảo dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu, họ nói: ‘Khi Đức Kitô đến, Người sẽ làm nhiều phép lạ hơn ông này làm không?’, Thượng tế, Ký lục và Biệt phái dù nghe biết dân chúng rỉ tai bàn tán về Người như thế… lại sai thủ hạ đi bắt Người’… Trong não trạng này, họ dẫn đến một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang với cáo trạng và phán quyết: ‘Thưa Thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt tại trận. Trong lề luật, Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà như thế. Vậy Thầy dạy sao?’ Một cách thanh thản, Chúa trao cho họ chìa khóa mở ‘gọng kềm’ giết người: ‘Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi!’ Hiệu quả là ‘kẻ trước người sau họ rút lui hết, các kẻ cao niên dẫn đầu’… Đấng ‘giàu lòng thương xót’ (Ep 2:4) an ủi ‘người khốn cùng’: ‘Thầy cũng không xử tội chị đâu, đi đi và từ nay đừng phạm tội nữa’ (x. Ga 8:1-11).
Có những kinh nghiệm đi liền với ‘sự hiện diện vắng mặt’ của Chúa mà nhận thức mầu nhiệm bên trong… siêu phàm…
Sau một ngày Thầy trò vất vả. Trong khung cảnh ‘lễ Vượt Qua, đại lễ của người Dothái đã gần’, Chúa rao giảng Tin Mừng Bánh ban sự sống đời đời cho dân và với lòng thương, từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa truyền hóa ra nhiều, nuôi dưỡng đoàn dân chừng năm ngàn người. Các môn đồ tiếp tay phân phát cho từng người ‘bao nhiêu tùy thích’. Khi họ đã ăn đầy đủ rồi, các môn đồ thu lại đầy mười hai giỏ thực phẩm còn dư lại. Chiều đến, các môn đồ lên đò, nhắm đến Capharnaum bên kia biển. Chắc Chúa hữu ý không cùng đi với các ông. Chúa ở lại bên này bờ, không rời xa nhưng ‘hiện diện vắng mặt’ bên các ông… vì khi ‘trời tối’, ‘biển động’, cuồng phong’… ‘hoảng sợ’… thì Chúa đã đến kịp đúng lúc… không những biển lặng mà còn đưa thuyền vào ‘sát đất nơi họ hướng đến’ (x. Ga 6:16-21).
Anh mù bẩm sinh, bởi mù lòa nên không thấy được Chúa Giêsu, Chúa như ‘hiện diện vắng mặt’,
anh bị dân vây quanh chất vấn: ‘Ông ấy đâu?’, anh đáp: ‘Tôi không biết’. Từ sự việc được chữa lành do người anh nghe tên là Giêsu đã chữa anh lành chỉ bằng ‘làm bùn’, xức mắt và bảo ‘đi Siloam mà rửa’, anh mù đã nghiệm ra được thân thế ‘thầy thuốc’ ấy: ‘Ngài là một tiên tri’… Chúa ‘hiện diện vắng mặt’ cả khi anh đã tuyên dương Người… ‘Đức Giêsu nghe biết ‘người Dothái’ đã trục xuất anh mù, Chúa tìm gặp và nói: ‘Còn anh, anh có tin vào Con Người không?’ Anh đáp lại: ‘Ai vậy, thưa Ngài, ngõ hầu tôi tin vào Người?’ Đức Giêsu nói với anh: ‘Anh đã thấy Người! chính là kẻ đang nói cùng anh!’ Anh liền thưa: ‘Lạy Ngài, tôi tin!’ Và anh sấp mình bái lạy Người.
Trước cái chết của em Lazarô, Martha có lý mà thưa cùng Chúa Giêsu: ‘Thưa Thầy, nếu Thầy đã có đây, em con đã không chết’. Martha không hiểu được sự ‘hiện diện vắng mặt’ của Thầy mình… ‘Người còn lưu lại hai ngày nơi đang ở’… để ‘cơn bịnh này không đến nỗi chết, song vì vinh quang Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ đó Con Thiên Chúa được hiển vinh’. Chúa Giêsu ‘hiện diện vắng mặt’ để lúc này Martha có dịp nói lời thân thương an ủi cô em, Maria: ‘Thầy có mặt và gọi em’. Chúa Giêsu ‘hiện diện vắng mặt’ để cảm thông nỗi niềm thương đau nhân thế: ‘Đức Giêsu đã khóc’. Và Chúa Giêsu ‘hiện diện vắng mặt’ để trước thân phận mộ chết của loài người, Chúa hướng về cội nguồn sự sống: ‘Lạy Cha, Con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhậm lời Con! Con biết Cha hằng nhậm lời Con, vì dân chúng đứng xung quanh mà Con đã nói, ngõ hầu chúng tin rằng Cha đã sai Con’.
Ba
Hằng tuần chúng ta tuyên xưng ‘Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền’. Lời tuyên xưng này đặt ta đứng trên nền tảng tông đồ, tông truyền. Lời tuyên xưng này đưa ta vào từng trang Sách Thánh, chứng từ của Giáo hội tông truyền.
Chứng từ tông truyền, tiêu biểu nơi Thánh Gioan đặt nền móng trên mầu nhiệm Nhập Thể của Đấng ‘khởi nguyên đã có’, là ‘Lời’ và ‘Lời là Thiên Chúa’: ‘Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật’ (x. Ga 1: 1-18).
Nhập Thể, Người đã đến nhà của Người. Con Thiên Chúa đến thế gian, vào nhà của mình, đến cùng những người thân, nhập thân nhập phận cùng người nhà. Dù loài người dìm mình trong tội lỗi, Con Thiên Chúa không thấy con người xa lạ, nhưng đến ban lại cho con người tấm áo ân sủng, để người không còn xấu hổ ẩn núp tránh Thiên Chúa nữa.
Giáo hội tông truyền luôn lưu giữ chứng từ: ‘Điều từ thuở ban đầu đã có, điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã cung chiêm, và tay chúng tôi đã rờ đến về Lời sự sống, và sự sống đã tỏ hiện… và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời’ (1Ga 1:1.2).
Chứng từ của Giáo hội tông truyền về ‘Ngôi Lời nhập thể’ đạt đỉnh cao qua sự việc ‘một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Người và lập tức có máu và nước chảy ra’. Một chứng từ long trọng: ‘Người trông thấy đã làm chứng, và chứng của người là chứng xác thực, và người biết là đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin’ (Ga 19:34.35). Chứng từ này làm sống dậy toàn bộ mầu nhiệm Nhập Thể và soi sáng ý nghĩa cứu chuộc qua các nhiệm tích.
Anh chị em rất thân mến,
Như một quà tặng quý báu, chúng ta cùng vui mừng đón nhận với các Đấng tại Giáo triều, sứ điệp[1] Đức Thánh Cha Phanxicô huấn dụ dịp lễ Chúa Giáng Sinh ngày 21 tháng 12 năm 2023:
‘Trước hết, Mẹ Maria, người nhắc nhở chúng ta lắng nghe. Thiếu nữ Nazareth đang bồng ẵm trên tay Đấng đến ôm cả thế giới, là Đức Trinh Nữ của sự lắng nghe bởi vì Mẹ đã chăm chú lắng nghe lời loan báo của Thiên Thần và mở lòng mình ra cho kế hoạch của Thiên Chúa. Mẹ nhắc nhở chúng ta điều răn lớn đầu tiên “Nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6, 4), bởi vì trước bất kỳ giới luật nào, điều quan trọng là bước vào mối tương quan với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân tình yêu của Người đến gặp gỡ chúng ta. Thực tế, trong Kinh Thánh, lắng nghe đề cập đến việc nghe không chỉ bằng tai, nhưng còn bằng con tim và cả cuộc sống. Thánh Biển Đức bắt đầu Quy luật của ngài: “Này con, hãy chăm chú lắng nghe…” (Regola, Prologo, 1). Lắng nghe bằng con tim đòi hỏi nhiều hơn nghe một tin nhắn hoặc trao đổi thông tin.
Và đây là cách Đức Trinh Nữ Maria lắng nghe. Mẹ đón nhận lời loan báo của Thiên Thần với sự cởi mở hoàn toàn, và do đó không che giấu sự thắc mắc và bối rối trong lòng. Có đối thoại và có vâng lời. Lắng nghe “quỳ gối” là cách tốt nhất để thực sự lắng nghe, bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta không tự phụ nghĩ rằng chúng ta đã biết mọi thứ.
Đôi khi, ngay cả khi nói chuyện với nhau, chúng ta có nguy cơ giống như những con sói đói: chúng ta có thể ngay lập tức ngấu nghiến lời nói của người khác, không thực sự lắng nghe họ, và sau đó nhào nặn chúng để phù hợp với ý tưởng và đánh giá của chúng ta. Trái lại, để thực sự lắng nghe người khác, cần có sự thinh lặng bên trong, nhưng cũng cần một không gian thinh lặng giữa những gì chúng ta nghe và những gì chúng ta nói. Cầu nguyện dạy chúng ta cách thực hiện điều này, bởi vì cầu nguyện mở rộng tâm hồn, lật đổ tính ích kỷ của chúng ta, chỉ cho chúng ta cách lắng nghe người khác và tạo trong chúng ta sự thinh lặng chiêm niệm
Nghe đơn giản là một chuyện, lắng nghe lại là một chuyện khác, nó cũng có nghĩa là “chào đón bên trong”. Lắng nghe nhau giúp chúng ta sống phân định như một phương pháp hành động của chúng ta. Và ở đây chúng ta có thể nghĩ đến Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta biết sự vĩ đại của vị ngôn sứ này, sự khổ hạnh và mạnh mẽ trong lời rao giảng của ngài. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đến và bắt đầu sứ vụ, Thánh Gioan trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin sâu sắc; ông đã loan báo Chúa đến như một Thiên Chúa quyền năng, Đấng cuối cùng sẽ phán xét tội nhân bằng cách quăng vào lửa cây nào không sinh quả tốt và đốt thóc lép bằng lửa không hề tắt (Mt 3,10-12). Nhưng hình ảnh này của Đấng Mêsia bị phá vỡ bởi những cử chỉ, lời nói và phong cách của Chúa Giêsu, bởi lòng trắc ẩn và lòng thương xót mà Người tỏ ra cho tất cả mọi người. Sau đó, Gioan Tẩy Giả cảm thấy rằng mình cần phải phân định để nhận được đôi mắt mới. Tin Mừng nói với chúng ta: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Chúa Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?’ (Mt 11, 2-3). Nói tóm lại, Chúa Giêsu không như Gioan mong đợi, và do đó, vị Tiền Hô cũng phải được hoán cải để theo sự mới mẻ của Nước Trời. Thánh nhân phải có lòng khiêm nhường và can đảm để phân định.
Phân định là quan trọng đối với tất cả chúng ta, nghệ thuật của đời sống thiêng liêng này loại bỏ khỏi chúng ta ảo tưởng rằng mình biết tất cả mọi thứ, khỏi nguy cơ nghĩ rằng chỉ cần áp dụng các quy tắc là đủ, khỏi cám dỗ làm tiếp, chỉ đơn giản bằng cách lặp lại các khuôn mẫu; không nhận ra rằng Mầu nhiệm Thiên Chúa luôn vượt trên chúng ta và cuộc sống của mọi người và thực tại xung quanh chúng ta đang và luôn luôn vượt trội hơn các ý tưởng và lý thuyết. Cuộc sống thì luôn vượt trội hơn ý tưởng. Đức Hồng Y Martini viết: “Phân định hoàn toàn khác với sự chính xác tỉ mỉ của những người sống theo luật hoặc kỳ vọng hoàn hảo. Đó là sự thúc đẩy của tình yêu giúp phân biệt giữa điều tốt và điều tốt hơn, giữa những gì tự nó hữu ích và những gì hữu ích ở đây và ngay lúc này, giữa những gì có thể tốt nói chung và những gì cần được thúc đẩy ngay bây giờ”. Và ngài nói thêm: “Việc thiếu cố gắng phân định điều tốt hơn thường làm cho đời sống mục vụ trở nên đơn điệu, lặp đi lặp lại: các hành động tôn giáo nhân lên, lặp lại các cử chỉ truyền thống mà không thấy rõ ý nghĩa của chúng” (Il Vangelo di Maria, Milan 2008, 21).
Và bây giờ, từ ngữ thứ ba: bước đi. Và ở đây chúng ta hướng suy nghĩ của mình về các nhà đạo sĩ. Các vị đạo sĩ nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bước đi. Niềm vui Tin Mừng, khi chúng ta thực sự đón nhận, sẽ dẫn chúng ta đến việc làm môn đệ, bỏ lại phía sau và lên đường hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa và hướng tới cuộc sống tràn đầy. Cuộc xuất hành khỏi chính chúng ta: một thái độ của đời sống thiêng liêng mà chúng ta luôn phải xét mình. Khi Thiên Chúa kêu gọi, Người luôn sai chúng ta thực hiện một hành trình, như trường hợp của Abraham, Môsê, các ngôn sứ và tất cả các môn đệ Chúa. Michel de Certeau khẳng định: “Nhà thần bí là người không thể dừng cuộc hành trình. […] Ước muốn tạo ra một điều vượt hơn. Ước muốn vượt xa hơn, đến một nơi khác” (Fabula Mistica. XVI-XVII secolo, Milano 2008, 353).
Như các nhà đạo sĩ đã làm, giống như mọi hành trình mà Kinh Thánh nói với chúng ta, luôn bắt đầu “từ trên cao”, vì một lời mời gọi của Chúa, vì một dấu chỉ đến từ trời hoặc vì chính Thiên Chúa hướng dẫn soi sáng những bước đi của con cái Người.
Cần phải có can đảm để bước đi, để đi xa hơn. Đó là vấn đề của tình yêu. Cần có can đảm để yêu. Tôi thích nhắc lại suy tư của một linh mục nhiệt thành về chủ đề này. Ngài nói không dễ nhen lại ngọn lửa hồng dưới đống tro tàn của Giáo hội. Hôm nay, chúng ta cố gắng khơi dậy niềm say mê cho những người đã mất nó từ lâu. Sáu mươi năm sau Công đồng, chúng ta vẫn còn tranh luận về sự khác biệt giữa những người “cấp tiến” và “bảo thủ”, nhưng điều này không khác biệt. Sự khác biệt trung tâm thật sự là giữa những người “say mê” và những người “theo thói quen”. Đó là sự khác biệt. Chỉ những người say mê yêu mới có thể bước đi.
Đêm cực thánh, Con Thiên Chúa Giáng Sinh, với lời reo vang của đoàn Thiên Thần: ‘Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm và dưới đất bình an cho kẻ Người thương’, chúng ta được nhắn nhủ sống lại sứ vụ ‘Nhập Thể’, như muối ướp cá cho tươi làm thực phẩm lành mạnh, đưa Lời Chúa và Thánh Thể thấm nhập các tâm hồn.
Đã từng xẩy ra trong thực tế, nhiều cây cối chết khô bên dòng nước. Hai bên không được nối kết và hai bên không nối kết được… Đã có những giáo xứ và các tâm hồn héo hắt, tan tác vì mục tử ‘mất lửa’, ‘đã chết hồn tông đồ’, một mình một cõi bên ngoài nỗi đau đói khát của đoàn chiên…
Mong sao mục tử là người đầu tiên: ‘Người con đã chỗi dậy mà về cùng cha’ (Lc 15:20) để khơi dậy cả đoàn dân cùng ‘chỗi dậy mà về cùng cha’…
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)