Tìm Chúa Giáng Sinh để đợi sống lại một ‘Mùa Xuân Như Ý’ (Hàn Mặc Tử)
Quý cha và quý Tu sĩ thân mến,
Tâm tình mục tử hôm nay đến trên tay anh chị em vào trước thềm năm mới Giáp Thìn. Mùa Xuân khởi đầu năm mới có ‘nắng mới reo ngoài nội’ (Lưu Trọng Lư), có ‘ngàn hoa nở rực rỡ trong vùng’ (Diệu Ca 2:12), có ‘trăm vẻ như in tờ giấy trắng, ngàn năm còn mãi cái xuân xanh’ (Hồ Xuân Hương). Cùng chung ý nghĩa nhịp sống của trời đất, mầu nhiệm Nhập Thể hàm ý mùa xuân ‘còn mãi’, ‘còn mãi cái xuân xanh’, xanh mãi trong sự sống mới của Đấng ‘mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự’ (Ga 1:2). Đã đến điểm viên mãn, điểm tròn đầy của thời gian. Đã được thực hiện trên địa cầu biến cố ‘Giáng Sinh’, ‘Lời đã thành xác phàm’.
Phụng vụ Thánh của Giáo hội đặt bậc lễ cử hành lễ Giáng Sinh liền sau Tam Nhật Vượt Qua cho thấy tầm quan trọng của lễ Giáng Sinh: một Đại Lễ. Nối liền với Đại Lễ Giáng Sinh, Giáo hội còn thiết lập tuần bát nhật để các tín hữu tận hưởng mầu nhiệm cao cả đang được cử hành.
Chúng ta lần bước theo Giáo hội để nhận thức Giáo hội đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể phong phú thăm thẳm như thế nào và để nghiệm trải tấm tình vô biên vô tận Thiên Chúa đang yêu thương Giáo hội và nhân loại như thế nào. Chúng ta lần bước ‘cẩn thận’ trong ý hướng không để rơi mất hồng ân.
Một
Lần mở các sách Tin Mừng Nhất Lãm, trước hết, chúng ta đã được phúc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể qua trải nghiệm thiêng liêng của Thánh sử Luca. Thánh sử đưa bước chúng ta đi từ biến cố Truyền Tin. Sứ giả của Thiên Chúa, Thiên Thần Gabriel gặp gỡ Trinh Nữ Maria, chào bằng ngôn từ mạc khải, mở màn cho thấy Trinh Nữ ‘Đầy Ơn Phúc’, Chúa ở cùng. Thiên Thần tỏ rõ kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa: Nơi lòng dạ, Người sẽ thụ thai, và sinh con, là Con Đấng Tối Cao và là Đấng Thánh. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít cha Ngài. Thánh Thần sẽ đến trên Người, và quyền năng Đấng Tối Cao trên Người rợp bóng. Đức Maria, Trinh Nữ sinh con (Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Marialis Cultus).
Thánh sử Matthêu đưa chúng ta về nguồn cội nhân loại, gia phả của Chúa Giêsu, gia phả nằm trong lịch sử cứu độ: từ Abraham, vua Đavít, lưu đầy Babylon, đến Đức Kitô. Thánh sử trình bày nổi bật Thánh Giuse, ‘Giuse, con của Đavít’. Thánh sử đặt đối diện tình huống ‘trước khi Ông Bà phối hợp cùng nhau, thì xẩy ra là Bà đã có thai…’ Thái độ của Giuse cẩn trọng: ‘không muốn tố giác, định âm thầm ly dị’, cho thấy tấm lòng ‘công chính’ của dưỡng phụ Giuse và làm sáng tỏ lời tường thuật ‘Bà đã có thai do tự Thánh Thần’ và lời Thiên Thần xác nhận ‘thai sinh nơi Bà là do tự Thánh Thần’. Giuse gia trưởng, che chở danh thơm cho Mẹ khiết trinh và đặt tên, chăm sóc Đấng Nhập Thể với ‘trái tim người Cha’ (Đức Thánh Cha Phanxicô). Giuse là một người cha ‘hợp pháp’ để Đấng là Con bước vào ‘triều đại Thiên sai’ vì một trẻ sinh ra ‘không có người cha’ trong thế giới Do thái sẽ thuộc danh sách những người con ngoài giá thú’, không có quyền công dân, không có quyền phát biểu trước công chúng.
Thánh sử Matthêu đưa ta về quá khứ của giao ước chuẩn bị với các lời hứa: ‘Này Nữ Trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel’, ‘Và ngươi. Bêlem, đất thuộc Giuđa, hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ lạc Giuđa, vì tự ngươi, sẽ xuất hiện vị thủ lãnh, kẻ sẽ chăn dắt Israel dân Ta’. Thánh sử Luca đưa ta vào tình huống lịch sử Con Thiên Chúa chào đời tại quê cha đất tổ, niềm vui Tin Mừng khắp cả càn khôn, niềm vui Tin Mừng cho toàn dân, giữa cảnh đơn nghèo của máng cỏ với mục đồng và chiên cừu vây quanh ấm áp. Cả hai Thánh sử hé mở ân sủng thời viên mãn: ‘Ánh sáng mạc khải cho dân ngoại’… theo ánh sao, ba đạo sĩ ‘hớn hở vui mừng quá đỗi’, thấy Hài Nhi và phục mình bái lạy Người; và cũng là ân sủng thời viên mãn: ‘Vinh quang của Israel dân Người’. Cụ Simêon và Anna mãn nguyện một đời!
‘Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền…’ (Hàn Mặc Tử, Vầng trăng)
Hai
Mười bốn thư mang tên của Thánh Phaolô rất ít khi gợi lên trong tâm trí chúng ta ý tưởng về lễ Giáng Sinh. Nổi bật hơn chính là Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô. Chúa Kitô sống lại hiện ra với Phaolô trên đường đi Đamas, đã đảo ngược cuộc đời Thánh nhân thế nào, thì cũng đánh dấu đạo lý của Người như vậy. Ơn cứu rỗi cho mỗi người nhờ lòng tin vào Chúa Kitô. Công việc Thiên Chúa hằng đeo đuổi từ tạo thiên lập địa, từ khi nguyên tổ người sa ngã, là ơn cứu chuộc, đã được thực hiện bằng sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Thánh Phaolô là người thứ nhất trong Tân Ước đã nói rõ ra sự hằng có và thần tính của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Hiện nay mãnh lực của Thánh Thần hiện hữu trong Lời hằng sống và các Nhiệm tích, làm nên mầu nhiệm ‘Thân Mình Chúa Kitô’ là Giáo hội, vẫn hoạt động trong mọi kẻ tin. Thánh Phaolô, được thụ huấn với thầy Gamaliel, thấu hiểu Lề Luật và công trình chuẩn bị của Giao Ước cũ, thấu hiểu tính cách lâm thời của luật Môsê, chứng minh thời viên mãn đã đến bằng Giao Ước mới trong Chúa Kitô với mãnh lực cánh chung là Chúa Thánh Thần.
Chân lý Con Thiên Chúa Giáng Sinh được gói gọn trong một câu rất trọng, rất quí giá: ‘Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật, để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền Lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử’ (Gl 4:4.5).
Thánh Phaolô đã gởi gắm vào câu viết này một tâm tư trĩu nặng mầu nhiệm. Chữ nghĩa không thể mang nổi. Mầu nhiệm tình yêu ‘giữ từ muôn thuở’, Chúa Ba Ngôi cứu chuộc loài người. Có sự hiện hữu Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đồng thời là Con người. Con Thiên Chúa được thụ thai bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật nghĩa là chia sẻ thân phận người, có gia phả, thuộc dân Do thái, ấp ủ gia bảo ‘Lề luật Môsê’, mang nỗi khát khao ơn nghĩa tử.
Cách diễn đạt này trước tiên cho thấy sự ‘hạ mình thấp hèn’, ‘hủy mình ra không’, ‘trở thành giống hẳn người ta’ (x. Pl 2:7.8). Thánh ca Qumran diễn nghĩa ‘sinh bởi người nữ’ là ‘được hình thành từ bụi đất’, ‘thụ tạo bằng đất sét’. Cha Karl Rahner suy tư về sự thật khó tin nhất là sự vô hạn của Thiên Chúa đã thấm nhập nỗi thống khổ của con người, sự hạnh phúc của Thiên Chúa đã mang lấy nỗi buồn vô vọng của trần gian, Thiên Chúa hằng sống đã đón nhận cái chết trong chính mình.
Điều nhiệm lạ trung tâm Thánh Phaolô đưa chúng ta vào là cuộc giáng sinh của Con Thiên Chúa là sự nhiệm lạ làm thành thời viên mãn. Đã có một thời chuẩn bị, nay đến thời viên mãn do Con Thiên Chúa giáng sinh. Đã có một thời những lời hứa cứu chuộc, nay đến thời hoàn tất lời hứa do Con Thiên Chúa nhập thể. Thánh Phaolô đã rao giảng tiến trình cứu độ: ‘Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và cái chết thập giá! Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài… Giêsu Kitô là Chúa’ (x. Pl 2: 8-11). Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, ‘trở thành giống hẳn người ta’ trong thân phận người sau địa đàng, nhạt nhòa vẻ đẹp giống Thiên Chúa, loáng thoáng ‘phù vân’ (Gv 1:2) tro bụi, để nhờ giáng sinh làm người chung phận với mọi người dưới Lề luật mà phục hồi quyền nghĩa tử và đưa mọi người thông phần ân phúc phục sinh. Thân nô lệ được giải phóng. Thân ngoại vi địa đàng được đưa về nhà, ‘người nhà của Thiên Chúa’ (Ep 2:19), ‘chịu lấy quyền nghĩa tử’.
Ba
Đại lễ Giáng Sinh theo Thánh Gioan không có dáng dấp hang đá, máng cỏ, thiên thần, mục đồng, không nhắc đến quán trọ, Bêlem, Hêrôđê, tiến sĩ luật, đạo sĩ và ngay cả không nói đến Đức Mẹ và Thánh Cả. Chỉ một điều thiết yếu, diễn ngôn ngắn gọn như cách của Thánh Phaolô: ‘Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ân nghĩa và sự thật’ (Ga 1:14).
Biến cố giáng sinh Thánh Gioan gọi là ‘thành xác phàm’. Xác phàm hiểu là cả con người.
Đấng đã thành xác phàm là Lời. Lời mang nội hàm của chữ đầu tiên của Kinh Thánh và của Tin Mừng theo Gioan ‘khởi thủy’. Lời hằng hữu tự khởi nguyên, sinh động hiệu nghiệm tác thành. Lời tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Lời là Thiên Chúa.
Đấng đã thành xác phàm là Thiên Chúa Ngôi Hai, Con Một Chúa Cha, Đấng không khi nào không hiện hữu, vô thủy vô chung… nay ‘thành xác phàm’ với ba ý nghĩa cơ bản:
Thiên Chúa ‘lưu trú nơi chúng tôi’ trên cõi đời của nhân loại. Người giáng sinh với thân phận bé bỏng mong manh, cần mẹ cha để tồn tại, cần người để sống với. Ba mươi năm thầm lặng lao động nguyện cầu với tình làng nghĩa xóm Nazaret. Cuộc đời của Đấng hằng hữu, vì ‘lưu trú nơi chúng tôi’ nên cũng trải qua ‘cái một thời’ có đó và mất đó (Gv 1:2), cái ‘trăm năm trong cõi người ta’ mà ‘chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’ (Nguyễn Du) tương khắc tương sinh.
Một ý nghĩa thâm sâu Thánh Tông đồ truyền lại, nhờ mầu nhiệm Giáng Sinh ‘Lời’ ‘lưu trú nơi chúng tôi’ nên ‘chúng tôi được ngắm vinh quang’ của Thiên Chúa… Biết nói sao về cái phúc này? Cần cung kính lần mở từng trang… đến bên biển hồ Galilê hiệp cùng đoàn dân đông đảo sau khi được ăn no nê, còn nhận được ‘bánh ban sự sống vĩnh hằng’; đến bên thiếu phụ Samari để được niềm vui mới giữa ban trưa nắng nôi cuộc đời; đến dự lễ tại Giêrusalem mà nhận mạc khải Đấng là ánh sáng ‘chính là Người đang nói với anh’ chữa lành đôi mắt của anh bị mù lòa bẩm sinh; đến bìa làng Bêtania để gặp ‘Thầy đến đây rồi và gọi em’, Thầy sẽ truyền cho Lazarô sống lại; đến dự bữa ăn sau hết để trải nghiệm niềm khát khao ăn lễ vượt qua này của ‘Lời’ mà nghe bộc bạch những tâm sự ‘chưa từng’… và đến đồi Calvê mà ‘ngắm vinh quang’ của Đấng phục sinh.
Một mặc khải Thánh Tông đồ Philip ấp ủ bấy lâu và chúng ta cũng vậy: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện’ (Ga 14:8). Thật cô đọng, sáng tỏ mà vẫn thăm thẳm vượt mọi tư duy nhân loại, ‘Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri’ (Ga 1:18): ‘Ai thấy Thầy là đã thấy Cha’ (Ga 14:9). Tới đây chúng ta phải lặng thinh mà ngắm nghe mầu nhiệm Giáng Sinh, mà ‘hấp thụ’ lấy ơn nghĩa và sự thật là hai ơn chỉ về Thiên Chúa, hô hấp cho sâu Thánh Thần (Ga 14:17).
Anh chị em rất thân mến,
Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta nhận thức ân huệ Thiên Chúa ban cho không riêng ai, không riêng bậc sống nào. Hãy ngắm nghe ơn ‘Giáng Sinh’ nơi Hàn Mặc Tử. Người sinh 22 tháng 9 năm 1912, tại Đồng Hới, tên Thánh rửa tội là Phêrô, tên Thánh thêm sức là Phanxicô Xaviê, một tín hữu lâm cơn thử thách giữa tuổi thanh xuân…
Hàn Mặc Tử chìm vào phụng vụ Thánh ngắm nghiệm Ngôi Hai ‘Ra Đời’, một thể với sự ra đời của ‘Mùa Xuân’:
‘Ôi cao sang khôn ví, trọng ai bì’
Trên nước cả, có vô vàn châu báu
Trí rất ngợp, bởi chưng Xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lịnh của Ngôi Hai…
Xuân ra đời…’
Hàn Mặc Tử gần với tâm tư Gioan: ‘Lời đã thành xác phàm’ là ‘Sáng’, là ‘Hương’, là ‘Máu’, là ‘Mộng’ và là ‘Tình’
‘Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi niềm,
Không u ám như cõi lòng ma quỷ…
Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên.
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên,
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng…’
Bên Chúa Hài Nhi, có Mẹ Người và Dưỡng Phụ Giuse. Chúng ta cùng Hàn Mặc Tử ngắm nguyện Đại lễ Giáng Sinh, dâng tâm tình lên các Đấng:
… Giữa đầy ứ những khổ đau mịt mù của đất…,
‘Lạy Bà là Đấng trinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế…
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ…’
Maria Trinh Mẫu, Nữ Hoàng, xin mớm nuôi chúng con, dìu dắt chúng con, củng cố chúng con trong niềm hoan lạc bất tận của Thập Giá và Phục Sinh:
‘Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh…
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…’
Xưa nay những người hâm mộ văn chương ước ao nói lên ‘những điều trông thấy mà đau đớn lòng’ tìm đến ‘sự quên đời’, hay, mơ cùng mây bay theo gió… Hàn Mặc Tử, giữa kho cảm xúc, đi tìm ‘ánh sáng muôn năm’ (Chơi giữa mùa trăng), ‘cái phi thường’ (Đời phiêu lãng), ‘cái xuất thế gian’ (Ra đời), tìm Chúa Giáng Sinh để đợi sống lại một ‘mùa xuân như ý’.
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Mục tử hiệp hành cùng Anh Chị em
Tin cùng chuyên mục
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)
LÀM ĂN SINH LỢI (20.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
BỎ MÌNH VÀ MẤT MÌNH (17.11.2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)