Bước vào tháng 11, Giáo hội đưa dẫn con cái mình sống lòng hiếu thảo với các tiền nhân:
Quý Cha và quý Tu sĩ thân mến,
Bước vào tháng 11, Giáo hội đưa dẫn con cái mình sống lòng hiếu thảo với các tiền nhân:‘Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo hội lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh (x. 2Macc 12:45) (Lời dẫn vào phụng vụ tháng 11, lịch Công giáo).
Từ đầu lịch sử, loài người không ngừng suy tư vấn đề không thể suy thấu là cái chết. Từ nỗi khát khao sống, người ngưỡng vọng về thực tại bất tử, về thực tại bên kia cõi đời tại thế. Trái với một số ‘tôn giáo’ không ngại đề cao sự phủ nhận ‘Đấng Tuyệt Đối’, Kitô giáo truyền giảng một Thiên Chúa toàn thắng cái chết bởi và trong chính cái chết.
Một
Triết học đã luận bàn nhiều về cái chết. Triết gia Heidegger đã định nghĩa cái chết là ‘cách thức hiện hữu’, liên hệ mật thiết với hữu thể ‘bị ném vào đời’, Dasein. Người ta chỉ hiểu về cái chết qua cái chết của người khác. Đó vẫn là cái chết của kẻ bàng quan, mang tính chung chung, chứ đó không phải là cái chết xét như một khả thể riêng tư nhất, đến mức tuyệt đối, mức không thể ‘đi quá’ được của Dasein. Triết gia định nghĩa người hiện hữu là hữu thể hiện hữu ‘để mà chết’. Người ta nhận thức cái chết không thuộc thể thức hiện hữu tùy phụ (accident) mà ‘may ra’ có thể thoát ra, nhưng là khả thể ‘chết’ thường trực. Đàng khác, cái chết không chỉ là dấu hiệu hữu hạn căn bản của hữu thể người, mà còn là dấu hiệu hiện hữu đích thực. Ngược lại với J.P. Sartre, cho rằng cái chết là cái gián đoạn của thời tính, trong khi với Heidegger, cái chết đúng là sự đương đầu hằng ngày và đem lại lý hữu cho hiện hữu người.
Hai
Dân Cựu Ước từng đón nhận cái chết như thực tại kết thúc tự nhiên của cái sống. Một đàng, trong khi họ vẫn tin Thiên Chúa mà không tin cái bên kia cõi đời. Đàng khác, họ cảm nhận cái chết là một thử thách, một bí ẩn, một thực tại hàm hồ dù về sau xuất hiện niềm hy vọng Thiên Chúa chiến thắng cái chết.
Cái chết như thực tại kết thúc tự nhiên của cái sống. Dân xưa nhìn nhận cuộc sống tại thế là ân huệ Đức Chúa ban. ‘Ông Abraham đã thở hơi cuối cùng và đã chết lúc tuổi già phúc hậu và no đầy và ông đã được sum vầy với tổ tiên’ (St 25:8). ‘Ngày đời của Isaac là một trăm tám mươi năm. Isaac đã thở hơi cuối cùng và đã chết, cũng đã được sum vầy với tổ tiên, già nua và no đầy tuổi tác’ (St 35:28.29). ‘No đầy tuổi tác’ là dấu chỉ phúc lành Đức Chúa ban. Nhân học Do thái cho thấy cái chết đến không chỉ với xác (bâsâr) mà còn với hồn (nêfesh). ‘Con người từ tro bụi trở về bụi tro’ (St 2:7; 3:19; Tv 90:3; G 34:15; Gv 12:1-7). Người đã mang trong mình thành phần ‘đất’ với hướng sống của người là sai hoa kết quả và sinh sôi phát triển. Cái chết là định mệnh tự nhiên không gây cảm xúc bi ai và vắng bóng trên cõi đời được bù lại bằng dòng dõi con cháu đông đảo. Dụ ngôn người mẹ góa Têqoa soi sáng: Trị tội tử hình đứa con còn lại là ‘dập tắt nốt tia lửa còn lại cho tôi, không để cho chồng tôi được lưu danh, được còn một mống sống sót trên mặt đất… Vì chúng ta đều sẽ phải chết, và như nước đổ xuống đất, không sao hốt lại được, Thiên Chúa cũng chẳng hoàn dương vong hồn’ (2 Sm 14:7. 14).
Đối với hiền nhân Cựu Ước, cuộc đời mãn nguyện không chỉ là thịnh vượng hay ‘no đầy tuổi tác’ mà là cuộc sống no đầy Đức Chúa. Do đó, âm phủ (shéol), nơi ở kẻ chết u ám là nơi gây kinh hoàng, bị cắt đứt khỏi Đức Chúa nên không thể ca tụng Người ((Is 38:18). Dưới mắt người xưa, người chết rơi vào giấc ngủ triền miên, hiện hữu tương cận như hư vô. Hơn nữa nhiều điều cấm tiếp xúc với người chết cho khỏi nhiễm uế biểu thị dân Israel thật khó để hội nhập lãnh vực sự chết vào lòng tin của họ và đây là sự khác biệt lớn trước các ngoại giáo dành nhiều nghi lễ cho người chết.
Một phương diện dân Israel khó chấp nhận là cái chết ‘bất đắc kỳ tử’, chết giữa những ngày sống. Thánh vịnh diễn tả ‘cái chết xấu’ như đau bệnh, cô đơn, bất hạnh, thất vọng… qua đó thấp thoáng mối liên hệ giữa cái chết và tội lỗi mà hiền nhân có cách duy nhất thoát khỏi là hướng về Đức Chúa, Đấng là cội nguồn sự sống: ‘Vì Người sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ, Người sẽ không để kẻ thành tín thấy mồ chôn’ (Tv 16:10).
Thách đố nặng nề trong lương tâm dân xưa là tại sao hiền nhân vẫn rơi vào ‘cái chết xấu’, chung phận trong ‘cái chết xấu’ của tội nhân. Sách Sáng Thế (St 2) và sách Khôn Ngoan (Kn 2) đều bàn đến cái chết như gốc liên quan mọi giới hạn của con người và như ‘lương lậu của tội lỗi’. Chúng ta nghĩ gì về ‘cây sự sống’? Chúng ta nghĩ gì về sự tự do của người?: ‘Ta đặt trước mặt ngươi hôm nay sự sống và sự lành, sự chết và sự dữ’ (Đnl 30:15). Chúng ta nghĩ sao mạc khải Đức Chúa tuyệt đối: ‘Bây giờ hãy coi, Ta chính là Ta. Bên Ta không có thần nào, chính Ta cho chết và cho sống. Ta dủ thương, Ta cũng chữa lành, và không ai tài giựt ra khỏi tay Ta!’ (Đnl 32:39). Mãi đến thế kỷ 2 (BC), sách Daniel và Macabê quyển 2, mới khẳng định minh nhiên sự sống lại của những người chết. Đối với Dân Cựu Ước, niềm tin muộn màng này chứng minh sức mạnh toàn diện của Đức Chúa, bao trùm cả âm phủ và Đức Chúa công minh sẽ bù đắp xứng đáng cho những ai chết vì lòng tin vào Đức Chúa.
Ba
Trước kinh nghiệm hai phương diện về cái chết trong Cựu Ước: Cái chết là sự kết thúc tự nhiên của cái sống và cái chết là hậu quả của tội lỗi, Tân Ước lưu tâm đặc biệt tới phương diện thứ hai.
Chúng ta cùng dõi theo Chúa Giêsu vào giây phút Người đón lấy khổ hình, cái chết. Chúa đã trăn trở, cô đơn, buồn sầu. Chúa Giêsu không trải qua ‘cái chết lành’ nơi các hiền nhân Cựu Ước, cũng không có cái chết bình thản như Socrate. Chúa Giêsu đã đón nhận cái chết của một tội nhân. Khi Người xin Cha cất ‘chén’ này đi, mà Người vẫn ‘nguyện ý Cha nên trọn’ (Pater mi, si non potest hoc transire, nisi bibam illud, fiat voluntas tua) (Mt 26:42), thì có nghĩa Người sẵn lòng [‘sống’ cái chết] như sự thất bại trong sứ vụ của Người. Trên thập giá, tiếng kêu não nề: ‘Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của Con, nhân sao Ngài bỏ Con?’, có thể hiểu như nỗi thất vọng nhưng đồng thời gợi lên tâm tình Tv 22, tâm tình tín thác vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống. Trong cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của con người được trải nghiệm như dấu chỉ ‘cái tội’ đạt được ‘mạch sống’. Và… biến cố lẫy lừng là Thiên Chúa tín trung đã phục sinh Đức Giêsu vào ‘cái sống mới’. Qua cái chết của Chúa Giêsu, ‘lịch sử’ khổ đau và chết chóc của loài người đã được tháp nhập vào ‘lịch sử’ của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô quan tâm đặc biệt tới vấn đề ‘cái chết’. Cái chết liên hệ trực tiếp với tội lỗi, xác thịt, lề luật và đồng thời liên hệ đến phép Thánh Tẩy và ‘Pneuma’ (Thánh Thần). Hiện sinh của người là sự ‘căng ra’ giữa cái chết và cái sống. Theo Thánh Phaolô, cái chết có nguyên nhân là tội lỗi (Rm 5:12; 1Co 15:21). Lề luật xưa phục vụ cái chết, bị điều kiện hóa bởi xác thịt và nơi xác thịt tội lỗi thống trị. Điều xác thịt bó tay thì Thiên Chúa lại biểu lộ quyền năng. Thiên Chúa đã ban Con Một, Đấng hội nhập nơi mình xác thịt của tội lỗi để giải thoát chúng ta bằng quyền năng của Thần khí (Rm 8:2) khỏi lề luật của tội lỗi và của cái chết. Người phải chết thể lý vì ‘tội lỗi’ trong khi ai cùng chết với Đức Kitô, chung cuộc sẽ thắng cái chết nhờ Thần khí của Chúa Phục sinh.
Đối với người chịu phép Rửa trong Chúa Kitô, cuộc sống hằng ngày là cùng chết và sống lại với Chúa Kitô (Rm 6:2). Nhiệm tích Thánh Tẩy là cái chết nhiệm mầu liên hệ vào sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Đời sống Kitô hữu, bao hàm cả cái chết thể lý, chính là ‘sống’ cái chết triền miên với Chúa Kitô. Khi từ bỏ lối sống chỉ biết có mình mà đây chính là cái chết, thì Kitô hữu sống thông hiệp với Chúa Kitô là đã chiến thắng cái chết: ‘Vì nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa’ (Rm 14:8).
Thánh Gioan nhận thức cái chết là dấu đặc trưng của ‘thế gian’ mà thế gian thì chống lại vương quốc sự sống Chúa Kitô mang lại. Ai tin thì đã đi qua cái chết mà vào cái sống (Ga 5:24) với điều kiện mến thương anh em vì ai không mến thương thì ở trong sự chết (Ga 3:14).
Anh chị em thân mến,
Đối với người trần, cuộc đời: ‘sống – chết’ đi đôi, nhưng đối với người tín hữu, cuộc đời: ‘sống – chết – sống’ đi ba. Vận mạng của người không hạ màn nơi cái chết, nhưng là đạt đến ‘sống’ trong Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là niềm hy vọng, là đức Cậy của Giáo hội.
Một văn sĩ Nam Mỹ diễn tả một vị Thánh bằng ba nét: ‘Mắt ngước lên, tay chắp lại, đi chân trần’. Mắt ngước lên như ba Đạo sĩ tìm ra ánh sao dẫn tới thờ lạy Chúa Hài Nhi, như hai môn đệ về Emmau nhận ra Thầy đã phục sinh. Đi chân trần kẻo như người phú hộ chân bọc ‘gấm vóc lụa là’ không bước ra được tới cửa nhà mà bỏ rơi Lazaro nghèo khó ghẻ lở… đôi chân trần đinh nhọn xuyên thấu của Đấng chịu chết treo trên thập giá. Đôi tay chắp ‘… fiat voluntas tua’ của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu và đôi tay chắp của Đức Mẹ trong phòng Tiệc Ly, nơi Thánh Lễ đầu tiên được cử hành và là nơi Giáo hội nhận ơn Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Nguyện xin cho chúng ta ‘sống’ cái chết là sự đương đầu hằng ngày cái chết và cũng cái chết đem lại lý hữu cho hiện hữu người, cho hiện hữu tín hữu của chúng ta. Và nguyện xin ‘Nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa’ (Rm 14:8)…
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục đồng hành cùng anh chị em
Tin cùng chuyên mục
Tâm Tình Mục Tử tháng 11 năm 2024: Mạc Khải mở về Tin Mừng Phục Sinh
XIN CHUNG VUI VỚI TÔI (07.11.2024 – THỨ NĂM TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN)
TỪ BỎ HẾT (06.11.2024 – THỨ TƯ TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN)
XIN KIẾU (05.11.2024 – THỨ BA TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN)