Tâm Tình Mục Tử tháng 4 năm 2025

Đón nhận nhãn quan lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Đổi mới việc học lịch sử để hiểu và diễn giải thế giới đương đại và Giáo hội tốt hơn.

 Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Một thực tại thấm nhuần hiện hữu, tự nhiên và siêu nhiên, của chúng ta, ta sống trong đó như cá sống trong nước, đó là lịch sử. Ngày 21/ 11/ 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô viết lá thư nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc học hỏi lịch sử để hiểu và diễn giải thế giới đương đại và Giáo hội tốt hơn. Các mục tử, do ơn đã nhận và do sứ vụ, không thể bỏ qua tầm nhìn về thế giới và Giáo hội, để có thể hoạch định hoạt động mục vụ.

Một

Đức Khổng Tử đã nói “Ôn cố tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” nghĩa là ‘Ôn lại việc cũ biết được việc mới thì có thể làm thầy người ta được’. Linh mục Johannes Hirschberger, triết gia, tác giả tác phẩm ‘Lịch Sử Triết Học’, được tái bản tới lần thứ 80, qua câu nói gọn gàng nhấn mạnh sử tính của triết học: ‘Triết học hiện đại cần được tìm hiểu từ quá khứ. Không như thế, ta chỉ có hiện tại, mà không có triết học’.

Không nguyên vì có ký ức, đời con người mang sử tính, mà cả đời sống Kitô hữu cũng chất chứa sử tính. Xin lẩy một lời của Thánh Phaolô: ‘Kế hoạch Thiên Chúa đã định từ trước trong Đức Kitô, là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô’ (Ep 1:9b.10). Câu viết tiêu biểu này diễn tả sâu xa vừa ý nghĩa thần học, vừa ý nghĩa lịch sử.

Sử tính của Dân Thánh của Chúa phát sinh từ kinh nghiệm dân Israel. Dân được tuyển chọn này trải nghiệm một quá khứ với niềm xác tín đã lãnh nhận hồng ân nhận biết cội nguồn và cùng đích của mình. Con người sống trong công trình tạo dựng, trong đó biến cố tuyển chọn và cứu độ điều khiển vận mệnh của đoàn dân. Họ kinh nghiệm sống cái hiện tại được cấu thành bởi lề luật và giao ước, theo đó việc tế tự tưởng nhớ mãi mãi những kỳ công của Đức Chúa. Dân được tuyển chọn hướng về một tương lai tuyệt đối: Giao ước được nuôi dưỡng bằng các lời Thiên Chúa hứa khơi lên niềm hy vọng. Các lời tuyên sấm, lời hứa Đấng Thiên Sai, những huyền khải tương lai khơi dậy những lời nhắc nhở. Họ kinh nghiệm thời tiết tuần hoàn tuần tự, họ cử hành các nghi lễ theo dòng thời gian đường thẳng, được Đức Chúa chỉ dạy ý nghĩa và duy trì tiến tới. Trải qua các thế hệ, bất chấp những bất toàn của con người, Đức Chúa vẫn ban sự an bình và ơn cứu độ.

Thời Tân Ước vang lên ngôn ngữ ‘viên mãn, hoàn thành’, kể cả sự hoàn thành hàm ẩn nội tại, thay cho ngôn ngữ ‘lời hứa’. Không nguyên sự việc Chúa Giêsu loan báo Triều đại Nước Thiên Chúa đã cận kề (Mt 3:17), không nguyên sự việc Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng hoàn thành những mong đợi nơi Sách Thánh của Israel, mà còn cả sự việc Chúa Giêsu nhận thức Ngài là Đấng Thiên Sai với sứ mạng hướng về thời sau cùng. Nơi Chúa Giêsu, lịch sử Dân Israel, lịch sử này không tách rời khỏi các dân tộc, đã đến đích điểm, đem lại ‘thời viên mãn’: Giáo hội sơ khai nhận biết mình phát xuất từ một lịch sử, một yếu tố mới mẻ của Giáo hội, một sứ mạng mời gọi hoán cải, trong khi đợi chờ cuộc quang lâm hàm ẩn nội tại của Đấng Thiên Sai Phục Sinh. Giáo hội còn nhận thức hành trình của mình trong thời gian kể cả trong sứ vụ đến với muôn dân, dựa trên sự ‘nhẫn nại’ của Thiên Chúa.

 

Hai

Chúng ta đang sống trong bối cảnh nhiều luồng tư tưởng vàng thau, thật giả đan xen lẫn lộn. Các phương tiện truyền thông góp phần không nhỏ cho việc truyền bá những ‘dữ kiện thô’, đòi hỏi chúng ta sự thức thời và biết biện phân.

Trào lưu tư tưởng Marxit tuyên truyền một loại lịch sử loại trừ Thiên Chúa, đề xuất tư tưởng thế tục hóa lịch sử tận căn, nối kết vào viễn tượng cánh chung cũng theo kiểu thế tục hóa. Chỉ có ‘thành đô trần thế’ và ở cuối lịch sử, toàn bộ mục đích là sự ‘cứu độ’ mà ta có thể hình dung ra, sẽ thành tựu nhờ giai cấp vô sản, giai cấp mang tính ‘thiên sai’, không vì được Thiên Chúa ‘xức dầu’, nhưng nhờ định luật biện chứng hàm ẩn nội tại trong thế giới. Điều mâu thuẫn là chủ thuyết vô thần lại muốn sở hữu những ‘thực tại’ hết sức mang tính thần học.

Sự chỉ trích cay đắng Kitô giáo không phải là K. Marx, nhưng là F. Nietzsche. Hình tượng sử tính vô thần được triển khai trong chủ trương ‘Thần lý học không có Thiên Chúa’. Tuy nhiên, sự thực lịch sử là Thiên Chúa đã chết thì lịch sử cũng chết theo.

Có trào lưu tư tưởng chủ trương không ngó ngàng lịch sử, chẳng đếm xỉa đến kinh nghiệm của các bậc lão thành, khinh miệt quá khứ, nhào nặn ra thứ ký ức sao cho phù hợp với yêu cầu của các hệ tư tưởng thống trị. Ẩn ý của họ là làm cho ta mất gốc, hời hợt, hoài nghi và ‘ngoan ngoãn’ cúi đầu đi vào tương lai vô nghĩa đầy những nguy cơ, gây hận thù chết chóc.

Đành rằng ‘con người là chủ thể, nhưng không phải là tác nhân duy nhất của lịch sử’, do đó, trong kho tàng suy tư của nhân loại, vẫn còn những cảm thức về sự hiện diện hàm ẩn nội tại của Thiên Chúa, về lý trí và mạc khải đồng hiện diện. Lịch sử còn được trình bày như sự biểu lộ của ‘Đấng Tuyệt đối’, là thực tại mang tính Tin Mừng, trong đó Thánh Thần là sức mạnh uyên nguyên tác tạo nên thế giới.

Ba

Đức Thánh Cha Phanxicô khơi lên sự chú ý về ‘một cảm thức chân thực về lịch sử, lịch sử của chính con người’. Chẳng có ai có thể thực sự biết mình là ai và ngày mai mình muốn trở thành con người như thế nào, nếu không gìn giữ mối dây liên kết họ với các thế hệ trước, nghĩa là với lịch sử.

Cần phải loại bỏ kiểu hộ giáo cực đoan, với những lập luận trừu tượng phi thực tế, làm sai lệch thực tại vốn có. Cần cảnh giác ‘xu hướng phá bỏ cấu trúc’, theo đó con người nại đến tự do, muốn làm nên tất cả từ số không.

Cùng với ký ức, tìm kiếm sự thật là điều thiết yếu để khởi tạo lối sống Tin Mừng và để hòa giải những vấp váp xảy ra giữa cộng đồng nhân loại. Người ta không được để cho thế hệ hậu sinh đánh mất ký ức về những gì xẩy ra. Không được phép quên thảm họa Shoah… vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nagasaki… nạn buôn người, buôn nô lệ… những cuộc tàn sát sắc tộc…

Lịch sử cần bao hàm ‘ký ức về sự thật toàn vẹn’. Hãy nhớ lại gia phả Chúa Giêsu, gia phả trân trọng sự thật, trong đó danh tính của một số nhân vật, dù có vấn đề phẩm hạnh, cả vua Đavít tội lỗi nặng nề, vẫn được kể đến.

Nhìn vào lịch sử Giáo hội, sau những thành tựu ban đầu, Giáo hội phải đau đớn ghi nhận những suy thoái, những thành viên bất trung với Thánh Thần, những cách biệt giữa sứ điệp Giáo hội công bố và sự yếu đuối nhân loại nơi những người loan báo Tin Mừng. Dầu vậy, ‘Không thể tiến bước nếu không nhớ lại quá khứ, không thể tiến bộ nếu không có ký ức đầy đủ và rõ ràng’… Không nguyên ký ức về những nỗi kinh hoàng, mà còn ký ức về những người thầm lặng -‘vĩ nhân’, trong những cảnh huống vô nhân đạo tồi tệ, vẫn giữ được phẩm giá, chọn các giá trị liên đới tha thứ huynh đệ… Thật an lành biết bao khi nhớ về những việc thiện hảo, thầm lặng mà anh hùng… Ký ức này khuyến khích tha thứ. Tha thứ không có nghĩa quên đi. ‘Chúng ta vẫn có thể tha thứ dù có điều gì đó không được phép quên vì bất cứ lý do gì’ (x. Fratelli Tutti 247-250).

Bốn

Anh chị em thân mến,

Giáo hội trong thế giới ngày nay, với cảm nhận của Thánh Augustinô, như ‘Thành Đô Thiên Chúa’ (Cité de Dieu) lữ hành giữa ‘Thành Đô Trần Thế’ (Cité Terrestre). Giáo hội trong thế giới ngày nay, trong tâm tình Năm Thánh, đang tiến bước về ‘Trời Mới Đất Mới’. Giữa những bất toàn của các con cái Giáo hội, Giáo hội được Chúa thiết định, luôn mang trong lòng mình ‘Hạt Mầm Thánh’ và là ‘Bí Tích Cứu Độ’ (x. Vat. II, LG 48). Chúng ta không yêu Giáo hội theo cách ‘một chiều hay một phần’, dù đề cao Giáo hội ‘siêu phàm’ mà phủ nhận những nếp nhăn, sứt mẻ trong dòng lịch sử…

Đức Thánh Cha Phanxicô tâm sự: ‘Chúng ta yêu Giáo hội như yêu một người Mẹ, Mẹ có thế nào thì chúng ta yêu Mẹ như thế, nếu không, chúng ta sẽ chẳng yêu Mẹ chút nào cả, mà chỉ yêu một ảo ảnh trong trí tưởng tượng của chúng ta… Lịch sử Giáo hội giúp chúng ta nhìn thấy Giáo hội thật để có thể yêu mến chính Giáo hội này, một Giáo hội vẫn tiếp tục học hỏi từ những sai lầm và vấp ngã của mình… có khả năng hiểu được những vết lấm lem và thương tích của thế giới mà Giáo hội đang sống trong đó’… ‘Lịch sử Giáo hội có thể giúp tái khám phá toàn bộ kinh nghiệm tử đạo, với ý thức rằng không có lịch sử nào của Giáo hội mà không có sự tử đạo và chúng ta không bao giờ được đánh mất ký ức này. Ngay trong lịch sử đau thương của mình, Giáo hội vẫn nhìn nhận rằng cả sự chống đối của những người công kích hay bách hại Giáo hội cũng đã và đang có thể giúp ích rất nhiều cho Giáo hội. Chính tại nơi mà Giáo hội chưa được vinh thắng trước mắt thế gian thì Giáo hội lại đạt tới vẻ đẹp rạng rỡ nhất của mình’.

Anh chị em chúng ta yêu mến Giáo hội như Chúa Kitô yêu Giáo hội, Hiền thê của Người (x. Kh 19:7).

 

 Gioan Đỗ Văn Ngân

Giám mục hiệp hành với anh chị em