THÁNH THỂ  VÀ  CỘNG ĐOÀN  MÔN ĐỆ – NỮ TỲ 

                

  1. ĐỨC GIÊSU LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ : Tình Yêu và Sự Sống Thiên Chúa của cộng đoàn môn đệ:

Đây là biến cố gây nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc  nhất nơi các tông đồ, vì các ông được ăn Mình  và được uống Máu của Thầy mình : “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28). Và khi ăn  Mình và uống máu Thầy, các ông được cùng Thầy trở nên Giao Ước với Thầy để cho muôn người được tha tội.

Mầu nhiệm Thánh Thể như thế không dừng lại ở Lương Thực nuôi dưỡng linh hồn, như Đức Giêsu đã hứa : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi đây là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55),  nhưng   người đón nhận Mình Máu Chúa còn được Đức Giêsu mời gọi: “ở lại trong tôi, và tôi ở trong người ấy” , để “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha  thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57). Nhờ  thế, các ông được chung phần Giao Ước với Đức Giêsu khi Ngài đổ máu ra cho muôn người được tha tội (x. Mt 26,28).

Trong ý nghĩa này, người môn đệ được kêu gọi xóa mình để  được cùng trở nên với Đức Giêsu, trong Đức Giêsu Tấm Bánh Thánh Thể, là Tấm Bánh được bẻ ra cho mọi người,  như Đức Giêsu đã bẻ bánh và trao cho các ông ăn (x. Mt 26,26).

Chính vì hiểu như thế, nên các Tông Đồ đã xây dựng cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên nền tảng của Thánh Thể : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Và dọc suốt lịch sử của Giáo Hội, sở dĩ các tín hữu luôn luôn hiệp thông được  với nhau, vì tất cả đều siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và bên cạnh là nghe giảng dạy và cầu nguyện không ngừng, việc mà cộng đoàn chúng ta cùng nhau thực hiện trong  đức tin, đức mến và đức trông cậy mỗi ngày.

  1. BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐƯỢC CHUẨN BỊ BẰNG VIỆC RỬA CHÂN:

Sẽ không có mầu nhiệm Thánh Thể, nếu không có mầu nhiệm “yếu đuối của Thiên Chúa”  được biểu hiện qua việc quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ (x. Ga 12,4-20). Và chỉ qua mầu nhiệm yếu đuối của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể hiểu được phần nào Đức Giêsu “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Những người thuộc về Ngài và Ngài yêu thương đến cùng là ai ?

  1. Là những con người bất toàn, yếu đuối, tội luỵ như Phêrô đã gián tiếp tự thú nhận  khi hốt hoảng thưa với Đức Giêsu : “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân con sao ? ” (Ga 13,6), và sau đó  thưa lại : “xin Thầy cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” (Ga 13,9).
  2. Là những con người bất trung sẽ phản bội, giao nộp Ngài vào tay kẻ dữ : “Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : Không phải tất cả anh em đều sạch” (x. Ga 13,11).
  3. Là những người đã cùng ăn cùng uống, cùng ở với Đức Giêsu, nhưng chính họ sẽ giơ gót đạp Ngài (x. Ga 13,18).
  4. Là những người tuy bất xứng nhưng vẫn được Đức Giêsu tín nhiệm sai đi và nâng đỡ, bảo đảm: “Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20).

Trước những con người bất xứng, bất toàn như thế, nếu không trở nên yếu đuối như họ, hỏi làm sao Thiên Chúa có thể đến với họ, ở với họ, tuyển chọn họ, tín nhiệm giao phó sứ vụ cho họ, yêu thương họ vô cùng và đến cùng ?

Những con người ấy chính là chúng ta, mà chỉ có yếu đuối của Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa tự hạ đến thẳm sâu của yếu đuối, khi quỳ xuống tận bàn chân nhơ nhớp, dơ bẩn của con người để nâng niu rửa sạch, và trìu mến, âu yếm hôn.

Nếu Đức Giêsu không trở nên tận cùng yếu đuối như thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê đã khẳng định, thì con người tội lỗi là chúng ta không  bao giờ có thể trở thành đối tượng của tình yêu vô cùng và đến cùng của Thiên Chúa.

Qủa thực, không thể bước vào Thánh Thể, nếu chúng ta không nhận ra sự khiêm tốn tột cùng của một Thiên Chúa đã  tự hạ đến mức không thể hạ mình xuống  thấp hơn, vì yêu và để nâng dậy những con người ở tận cùng yếu đuối. Nhận thức ấy đòi  chúng ta điều kiện không thể thiếu, đó là : tự hạ để luôn khiêm tốn với nhau trong đời sống, như Đức Giêsu căn dặn : “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15).

Khi bảo các môn đệ : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24), Đức Giêsu nhắc nhở người môn đệ phải tự hạ và bắt đầu từ phía mình  bước chân thứ nhất đi làm hoà với người mình đang lấn cấn, căng thẳng vì tranh chấp, ganh ghét, đố kị, hoặc bị họ xúc phạm, làm tổn thương,  nghĩa là chấp nhận tự hạ trước đối phương  và thân hành xin lỗi, làm hoà với người mình xa lánh, tảy chay, tìm đốn gục, tiêu diệt.

Việc làm thật khó, nếu không muốn nói vượt sức con người có hạn, nên chỉ có tinh thần tự hạ, xóa mình, chấp nhận làm người  yếu đuối của Đức Giêsu, chúng ta mới có thể thực hiện được.

  1. THÁNH THỂ THỰC HIỆN  Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ (Hic et Nunc) ƯỚC MUỐN VÀ LỜI HỨA  CỦA ĐỨC GIÊSU :

Trước khi đi chịu chết, Đức Giêsu hứa với các môn đệ : “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”.

Lời hứa này được thực hiện qua Thánh Thể, ở đó Đức Giêsu phục sinh hiện diện cách sống động, và ban sự sống cho những ai tìm đến đón nhận Mình Máu Ngài.  Họ sẽ được thấy Ngài, vì Ngài ở trong họ và họ ở trong Ngài; vì Ngài đã sống lại và họ được Ngài ban cho sự sống của chính Ngài, cũng là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong Thánh Thể, Đức Giêsu thực hiện Lời Hứa : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), là lời hứa đảm  bảo cho đời tông đồ, cho sứ vụ  truyền giáo khi  chúng ta được Đức Giêsu sai đi : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).

Với Thánh Thể, Đức Giêsu là sự hiện diện đích thực của sức mạnh Thiên Chúa gìn giữ, bênh đỡ Giáo Hội của Ngài điược chính Ngài xây trên Tảng Đá Phêrô, mà không có Ngài, Giáo Hội không thể đứng vững trước mãnh lực công phá của hoả ngục : “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Ở Thánh Thể, Lời Hứa ban hạnh phúc là chính Thiên Chúa,  tức Nước Trời, Đất Hứa, Gia Nghiệp đời đời, Phần Thưởng lớn lao trên trời của Đức Giêsu trong Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5,1-12) được thực hiện ngay bây giờ và ở đây, nơi con người đang sống, mà không  phải đợi đến  ngày tận thế, khi Đức Giêsu trở lại trong vinh quang, vì với Thánh Thể, Thiên Chúa đã làm cho Thiên Đàng chớm nở ngay dưới thế, vì Ngài là EMMANUEL, Thiên Chúa  cùng chúng ta, như  có lần  Đức Giêsu đã công khai khẳng định với các tông đồ : “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ , ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,29-31), khi Phêrô lên tiếng than thở : “Thầy coi, phần chúng con , chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?” (Mt 19,27).

Và quan trọng nhất, đó là qua Thánh Thể, ước muốn,  lời hứa và cũng là lời cầu xin tha thiết  của Đức Giêsu với Chúa Cha : “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24) được thực hiện. Và  hơn thế nữa, khi Thánh Thể làm cho  ” tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta…. Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,21.23).

Thật kỳ diệu tình yêu của một Thiên Chúa yêu con người đến độ  không chỉ ở với con người, cư ngụ chính nơi con người đang sống, mà còn  tự hạ để trở nên một với  con người,  cho con người được  tháp nhập vào  mình, được  hiệp nhất trong cùng một Thân Thể  với  mình.

  1. THÁNH THỂ : NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI VÀ NIỀM VUI THIÊN ĐÀNG CỦA TỘI NHÂN VÀ NHỮNG AI SẦU KHỔ:

Hạnh phúc lớn nhất của  người tội lỗi là được Thiên Chúa  thương xót, thứ tha và ban  sự sống đời đời, vì không bất hạnh nào kinh khủng với loài người bằng phải chết, và bị hủy diệt đời đời.

Nhưng người tội lỗi còn hạnh phúc gấp bội khi nhận ra đó  cũng  là hạnh phúc vô cùng của chính Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã quả quyết trước mặt các ông Pharisêu và  Kinh Sư  khi họ xầm xì với nhau về Ngài: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2) : “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).

Sở dĩ Thiên Chúa và thần thánh trên Thiên Đàng vui mừng khi một người tội lỗi nhận được ơn thương xót, tha thứ và sự sống đời đời từ Thánh Thể, vì thánh ý đời đời của Thiên Chúa chính là “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quä vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17), mà Thánh Thể là nơi Đức Giêsu tử nạn và  phục sinh luôn hiện diện để thương xót, thứ tha, ban sự sống đời đời cho hết mọi con người tội lỗi.

Thánh Thể  không chỉ là nơi nuơng náu và  NiềmVui Thiên Đàng của tội nhân, mà còn là nơi Đức Giêsu phục sinh ban ơn bình an như Ngài đã ban bình an phục sinh của Ngài  cho tất cả những ai đã được gặp Ngài,  sau khi Ngài  sống lại (x. Ga 20,19-27). Đàng khác, chính Ngài cũng tha thiết kêu mời : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Qủa thực, Thánh Thể  là Lời Hứa ban niềm vui Thiên Đàng  của Đức Giêsu cho những ai tìm đến với Ngài: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành  niềm vui” (Ga 16,20), “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Đồng thời là niềm vui viên mãn cho bất cứ ai “nhờ Người, với Người và trong Người” mà  cầu xin với Chúa Cha : “Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em  nhân danh Thầy… Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,23-24).

  1. THÁNH THỂ VÀ CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ – NỮ TỲ

Qua phần trên, chúng ta ít nhiều đã nhận ra sự cần thiết của Thánh Thể cho đời sống của một cộng đoàn môn đệ hạnh phúc:

Là nguyên lý  Hiệp Nhất, Thánh Thể không chỉ là Trung Tâm, mà còn là Cùng Đích  liên kết tất cả chúng ta nên một trong Thiên Chúa; là nguồn mạch sự sống, Thánh Thể ban sự sống đời đời của Đức Giêsu cho mỗi người, nên “không ai  trong chúng ta sống cho chính mình… Chúng ta có sống là sống cho Chúa” (Rm 14,7.8). Hơn thế nữa, vì là chi thể trong Thân Thể mầu nhim có Đức Giêsu là Đầu, chúng ta sống chính sự sống của Đức Giêsu, nói đúng hơn là sống Đức Giêsu như thánh Phaolô  xác quyết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Nhờ sống Thánh Thể, cộng đoàn môn đệ luôn có Chúa, hoạt động trong Chúa, và sinh nhiều hoa trái như Đức Giêsu đã nói với cộng đoàn môn đệ  của Ngài : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho… Anh em là cành” (Ga 15,1.5).  “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Và một khi ở lại trong Chúa, mọi thành viên của cộng đoàn sẽ ở trong nhau với tình yêu huynh đệ như các chi thể của một Thân Thể duy nhất, ở đó “các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thìmọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung ” (1 Cr 12,25-26).

Thánh Augustinô  đề nghị ba việc phải làm để xây dựng và duy trì một cộng đoàn môn đệ hạnh phúc, đó là :

(xin xem thêm chương 5 trong sách “Augustinô, vị Thánh của người trẻ hôm nay” của  Jorathe Nắng Tím)

  • In Deum : Cùng tìm kiếm Thiên Chúa:

Cùng tìm kiếm Thiên Chúa là cùng hướng về Thiên Chúa, vì “Chúa đã tạo dựng chúng ta cho Ngài”, nên lẽ sống của cộng đoàn môn đệ phải là tìm kiếm Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa mọi sự, mọi vệc, từ tư tưởng đến lời nói, việc làm …Vì thế, không tìm kiếm Thiên Chúa, dù hài hoà đến đâu, cộng đoàn ấy cũng không bao giờ được trở  nên cộng đoàn môn đệ của Đức Giêsu.

  • Cor Unum : Đồng tâm, nhất trí :

Hạnh phúc  lớn nhất của cộng đoàn  môn đệ là được chính Thiên Chúa cho tháp nhập  và gắn bó thiết thân với Ngài qua niềm vui, tình yêu và đức ái (dilectione, amore, caritate). Nhưng hạnh phúc ấy chỉ có được khi có hiệp nhất giữa các thành viên, nghĩa là nhiều thân xác, nhưng chỉ một tâm hồn, một trái tim, khi mọi người  biết bỏ mình, vác thập giá mình để theo Chúa, và vì Nước Trời.

  • Amor Caritas: Tình yêu bác ái:

Có hai thứ tình yêu: tình yêu  vị kỷ và tình yêu bác ái.

Tình yêu bác ái là luật tuyệt hảo của đời sống cộng đoàn. Tình yêu này bao trùm tất cả, hướng dẫn tất cả, điều phối tất cả, vì tình yêu bác ái không bao giờ tàn phai (x. 1 Cr 13,8), không tìm kiếm lợi riêng (x. 1 Cr 13,5), nhưng lo cho mọi người, nghĩ đến mọi người, phục vụ mọi người, tha thứ, chữa lành mọi người,   vì Tình Yêu Bác Ái ấy bắt nguồn từ  chính Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu ( 1 Ga 4,8).

Tóm lại, bất cứ ai trong chúng ta đều sẽ  không thể biết chạnh lòng và thương xót, thứ  tha cho anh em mình,  nếu không được Thánh Thể biến đổi; không thể tự hạ, khiêm nhường để có thể  xóa mình vì anh em, và cộng đoàn, nếu không được Thánh Thể dạy bảo, uốn nắn; không thể  hy sinh, nhẫn nhịn và cam lòng  vác thập giá mình, tức những “trái ý nghịch lòng” do anh em trong nhà gây ra, nếu không được Thánh Thể ủi an, nâng đỡ,  thêm sức, khích lệ ; càng không  thể mở lòng trước những người anh em, chị em  đã ngu dốt lại tiểu nhân, không nổi bật về nhân đức, mà nổi nang  khích bác, gây sự , nếu con tim không được Thánh Thể là nguồn tình yêu làm đầy.

Vâng, thiếu Thánh Thể, cộng đoàn môn đệ  sẽ  mất dần  lòng khiêm hạ, tinh thần hy sinh để có thể xoá mình, vác thập giá; sẽ theo thời gian trở nên xa lạ với Đức Giêsu, Đấng  là “Đường, Sự Thật và  Sự Sống “; sẽ quên bẵng  Lời Hứa : chính Thiên Chúa là  hạnh phúc, phần thưởng, gia nghiệp của đời người  môn đệ; sẽ   không còn nhận ra anh em, chị em  cùng nhà cũng là môn đệ, nữ tỳ của Đức Giêsu như mình ; và tất nhiên sẽ thờ ơ với cộng đoàn, bởi  vì thiếu  tình yêu Thánh Thể, thiếu thời gian quây quần bên Thánh Thể, thiếu gắn bó thiết thân nồng nàn  của từng người và mọi người với Thánh Thể, cộng đoàn sẽ nhanh chóng trở thành  “hữu danh vô thực”:  môn đệ không có Thầy, và  cộng đoàn môn đệ không có Đức Giêsu.

Tin Mừng Luca cho chúng ta hình ảnh  lý tưởng và sống động về cộng đoàn môn đệ, khi kể câu chuyện hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem  về Emmau, sau khi Đức Giêsu sống lại. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy có những điểm then chốt cho một cộng đoàn môn đệ có Đức Giêsu :

  1. Cộng đoàn có Đức Giêsu cùng đi, vì hai môn đệ đồng hành, mà không độc hành : “Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tn là Emmau …” (Lc 24,13).
  2. Cộng đoàn có Đức Giêsu dạy dỗ, chia sẻ, ủi an, nâng đỡ, vì hai môn đệ “trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra” (Lc 24,14-27), tức về biến cố tử nạn của Thầy mình ở Giêrusalem, và cả chuyện có mấy bà trong nhóm  ra thăm mộ, và không thấy xác Thầy các ông đâu.
  3. Cộng đoàn có Đức Giêsu, vì hai môn đệ cùng năn nỉ Đức Giêsu ở lại  với họ, “vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (x. Lc 24, 28-29).
  4. Cộng đoàn có Đức Giêsu, vì hai môn đệ cùng mời Đức Giêsu dùng bữa tối với họ (x. Lc 24,30).

Ở đây, chúng ta thấy có nhiều giai đọan trên  tiến trình nhận ra Đức Giêsu cuả hai môn đệ :

  • họ đồng hành với nhau;
  • họ trò chuyện, chia sẻ khắc khoải, tâm sự, tâm tình cho  nhau, nhất là nói với nhau về Đức Giêsu, Thầy mình;
  • họ cùng mời Đức Giêsu ở lại, vì trong trái tim  họ có tình yêu bác ái, khi thấy trời đã tối, đường khuya nhiều rủi ro, nguy hiểm,  mà đường về nhà người khách lạ còn xa:
  • họ mời người khách lạ là Đức Giêsu cùng ăn tối với họ, vì muốn chia sẻ lương thực với Ngài.

Và chỉ khi ” đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…” (Lc 24,30).

Điều này làm chứng: chỉ khi dự tiệc Thánh Thể, đến với Thánh Thể, chúng ta mới nhận ra Đức Giêsu một cách đích thực và sống động, vì Thánh Thể là Đức Giêsu, Thiên Chúa với toàn thể nhân tính của Thiên Chúa làm người và ở với chúng ta.  Nhưng để hiệp nhất với nhau trong Thánh Thể và cùng nhau nhận ra Đức Giêsu, sống Đức Giêsu,  cộng đoàn môn đệ đã phải  đồng hành với nhau; phải  chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tâm tình hướng về Thiên Chúa  với nhau ; phải chia sẻ lương thực tức sự sống với nhau; nhất là sống chan hoà với nhau và với mọi người  trong tình bác ái huynh đệ.

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức : Thánh Thể  là nơi cộng đoàn phải luôn trở về quây quần để được Đức Giêsu biến đổi, ban sức sống, và hiệp nhất tất cả trong  Tình Yêu là chính Thiên Chúa.

Jorathe Nắng Tím