Giáo Hội Hiệp Hành nhờ Lời Chúa và Thánh Thể
Một
Chúng ta vừa trải qua ‘Tháng các Linh hồn’. Giáo hội là Mẹ ân cần dẫn dắt chúng ta sống chữ Hiếu đối với Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ. Các Ngài cần ơn cứu chuộc từ lễ Vượt Qua của Chúa Kitô. Hai ngày đầu tháng đặt chúng ta vào mầu nhiệm Giáo hội. Chúng ta đang lữ hành tại thế cầu nguyện cho các linh hồn và chiêm ngắm các Thánh. Hai ngày đầu tháng cũng chỉ cho chúng ta hành trình của ‘hữu thể ơn gọi’ (Thánh Augustinô): làm người tại thế, trải qua thanh luyện và sum họp Quê Trời.
Tin Mừng bác nhịp cầu từ bờ bên này của thân phận người ‘bụi tro’ sang bờ bên kia của thân phận người được ‘phục sinh’. ‘Giáo hội toàn thể’ khát khao Tin Mừng được mạc khải trong lời Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha trước giờ Người cử hành lễ Vượt Qua: ‘Con muốn là Con ở đâu, chúng cũng ở đó với Con’ (Ga 17:24).
Giữa cái ‘hiện hữu mau qua này’, ‘Giáo hội bao bọc tôi’ (Di chúc của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI) bằng Lời Chúa và các Nhiệm tích. Đó là dòng nhựa sống từ Thiên Chúa, ‘thân nho’, truyền sang các tín hữu, ‘nhánh nho’. Dòng nhựa sống ‘Lời Chúa và Nhiệm tích’ là duy nhất cho mọi thành phần Giáo hội. Không phải giáo sĩ hay tu sĩ có lương thực nào khác hơn và cũng không phải một tín hữu thầm lặng mà thiếu điều gì. Lời Chúa là ánh sáng soi tỏ và làm nên bản chất của Nhiệm tích: ‘Này là Mình Thầy-Này là chén Máu Thầy’ (x. 1Co 11:23-25) và Nhiệm tích cử hành Lời Chúa truyền dạy: ‘Các con hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’ (28:19).
Phụng vụ đại lễ Cung hiến Thánh đường trong ‘Lời Nguyện Cung Hiến’ cầu nguyện: ‘Lạy Chúa là Đấng thánh hóa và cai quản Giáo hội, chúng con phải hoan hỉ tung hô Danh Chúa, vì hôm nay các tín hữu cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện này cho Chúa một cách vĩnh viễn, để nơi đây, họ thờ phượng Chúa cách sốt sắng, lắng nghe lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các nhiệm tích’.
Hai
Lời Chúa
Tất cả khởi đầu từ Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan tự ý tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người. Với tình yêu chan chứa, Thiên Chúa tuyệt đối, vô hình, ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Thiên Chúa yêu thương ta trước khi ta hiện hữu (x. 1Ga 4:19), đi bước trước làm nên cuộc đối thoại, ‘nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa’ (x. Mk s. 2).
Thuở chưa có tạo vật, Thiên Chúa đã phán ‘Lời’, Lời tạo thành: ‘Hãy có… ánh sáng’ (Fiat… lux, St 1:3)… ‘Lời đã làm người’ (Ga 1:14)… Lời Phục Sinh: ‘Tôi đã thấy trời mở ra… Người mặc chiến bào nhúng máu, và danh hiệu gọi Người là Lời Thiên Chúa… Phúc thay và thánh thiện dường nào, kẻ được thông phần vào cuộc phục sinh thứ nhất’ (Kh 19:11.13; 20:6).
Lời Thiên Chúa trong Cựu Ước chuẩn bị và hướng về biến cố trung tâm của Tân Ước: ‘Lời-Ngôi Lời làm người’. ‘Xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Thiên Chúa đã nói với ta nơi một Người Con’ (Dt 1:1.2). Nơi Người Con Giêsu kết tinh bản chất và mọi biểu hiện của ‘Lời Chúa’ trong công trình tạo dựng, trong lịch sử, trong thành tựu ơn cứu độ.
‘Thánh Thần và chúng tôi’, Giáo hội cẩn trọng lưu giữ Lời (Verbum Scriptum). Giáo hội mang ‘hạt Lời’ đi gieo: ‘Lời nhập thể’ (Verbum Incarnatum). Giáo hội phục vụ Lời để ‘Lời Thiên Chúa tiến mạnh’ (TđCv 6:7) (Verbum Praedicatum).
Các Tông đồ, với hơi thở Thánh Thần, thổi hồn sống vào những người đón nhận Tin Mừng đưa họ thông hiệp với cuộc đời, giáo huấn, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội được Thiên Chúa ủy thác kho tàng ‘Kérygma’ hay ‘Tin Mừng’, sức mạnh ‘Vượt Qua’. Giáo hội phát triển làm một với sự tăng trưởng của Lời cứu độ. Dù người đời giam tù xiềng xích các chứng nhân (Ep 4:1) nhưng không thể xiềng xích Lời Thiên Chúa.
Đứng trước Lời Chúa, ‘Ngôi Lời làm Người’, bóng tối không đón nhận (x. Ga 1:5), thế gian không nhận biết (x. Ga 1:10), cả người nhà của Chúa cũng không tiếp nhận (x. Ga 1:11)… Lời rơi vào cuộc thương khó… vì bị cho là ‘sống sượng’ (Ga 6:60)… Tuy nhiên, những ai ‘tin vào Thánh Danh’ (Ga 1:12) ‘do sự sung mãn của Ngôi Lời… sẽ lãnh nhận trùng điệp ân sủng’ (x. Ga 1:16), được làm con Thiên Chúa (x. Ga 1: 12).
Tôi tự hỏi mình đang thuộc thành phần nào và hôm nay tôi muốn thuộc thành phần nào?
Ba
Nhiệm tích
‘Mầu nhiệm – Nhiệm tích’ là ân sủng của Thiên Chúa, thiết yếu liên hệ với Đức Kitô và Thân Mình Người là Giáo hội. Từ ban đầu Giáo hội đã cử hành các Nhiệm tích quy chiếu vào các hành vi và Lời của Chúa. Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Augustinô còn nhận thức ‘nước và máu’ trào ra từ cạnh sườn Đức Kitô ‘ngủ’ trên Thập giá là nguồn Nhiệm tích Thánh Tẩy, Thánh Thể và Giáo hội.
‘Ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ việc tuôn ban Chúa Thánh Thần, Giáo hội được biểu lộ cho trần gian. Hồng ân của Thần Khí khai mở một thời đại mới trong ‘việc phân phát các mầu nhiệm’. ‘Đức Kitô, nhờ phụng vụ… từ nay sống và hành động trong và với Giáo hội Người một cách mới… Người hành động qua các Nhiệm tích’… hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua của Người’. (x. GLHTCG 1076)
Các Nhiệm tích của luật mới được thiết lập bởi Đức Kitô. Sự kế nhiệm Tông đồ biểu thị và bảo đảm sự hiệp thông trong đức Tin, sự duy nhất giữa sự đa dạng chính truyền, về các Nhiệm tích do các Tông đồ đã nhận từ Chúa và truyền lại. Có bảy Nhiệm tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. ‘Bảy Nhiệm tích này liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu: chúng làm cho đời sống đức tin của các Kitô hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và được trao sứ vụ. Về điều này, có một sự tương tự nào đó giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và những giai đoạn của đời sống thiêng liêng’ (GLHTCG 1210).
Bốn
Các Nhiệm tích hợp thành một cấu trúc trong đó mỗi Nhiệm tích đặc thù có một vị trí sinh động. Trong cấu trúc này, Nhiệm tích Thánh Thể giữ một địa vị độc đáo vì là ‘Nhiệm tích của các nhiệm tích’: ‘Tất cả các Nhiệm tích khác đều quy hướng về Nhiệm tích Thánh Thể như về cùng đích’ (GLHTCG 1211) Thánh Công đồng Vaticanô dạy: ‘Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Giáo hội, đó là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta’ (LM s. 5).
Ba ý nghĩa của Nhiệm tích Thánh Thể:
Nhiệm tích lương thực: Trong mạc khải Kinh Thánh, lương thực và bữa ăn diễn tả sự thông hiệp với Thiên Chúa. Dân xưa trên sa mạc, giữa nắng cháy cát bỏng, được Chúa dưỡng nuôi bằng manna… Kỳ công thời xuất hành, hướng đến lương thực đích thật xuất từ miệng Thiên Chúa, là ‘Lời-Giêsu’, ‘Verbum caro factum est’, ‘Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta! Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban ấy là thịt mình Ta’ (Ga 6:51). Tại phòng tiệc ly, Chúa Giêsu làm sống dậy kinh nghiệm dân xưa sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa và thiết lập niềm hy vọng tương lai về lương thực của hành trình cánh chung. Trên tấm bánh và chén rượu nho, Chúa không giải thích nhưng truyền biến đổi: ‘Này là Mình Thầy’, ‘Này là chén Máu Thầy’.
Nhiệm tích hy tế: ‘Này là Mình Thầy, bị nộp vì các con’, ‘Này là chén Máu Thầy đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội’. Thân Mình và chén Máu tách rời trên bàn biểu thị dòng máu trào tràn đổ ra từ các dấu đanh và cạnh sườn Chúa. Giêsu là con chiên Vượt Qua chịu sát tế là thực tại Giao Ước mới hoàn thành Giao Ước xưa ký kết trên núi Sinai (Xh 24:5-8). Giêsu là người Tôi tớ đau khổ trung tín Isaia đã tiên báo: ‘hiến mạng’, ‘mang vào thân tội lỗi muôn người’, ‘giá chuộc và ‘ánh sáng muôn dân’ (x. Is 42-53).
Nhiệm tích cánh chung: Cánh chung là thời của sự sống đích thực và sự sống không bao giờ chấm dứt. Bữa ăn của Chúa mang lý hữu thâm sâu chuẩn bị bữa tiệc cánh chung khi mà Chúa Giêsu gặp lại anh em của Người sau khổ hình thập giá. Chúa Giêsu tự hiến làm nên cái chết cứu chuộc, mở ra cuộc phục sinh hướng về cõi phúc cánh chung nơi nhà Cha. Lễ Vượt Qua đã được thực hiện mỹ mãn, và hướng về ‘rượu mới’ Chúa chung vui cùng các Tông đồ trong Nước Thiên Chúa. Thượng tế cao cả của cả vũ trụ ngự bên hữu Chúa Cha (Dt 8:1), hằng sống và chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 7:2).
Năm
Anh chị em rất thân mến,
Từ ngày xửa ngày xưa, ông Môsê đã nhắc nhủ dân về tình thương của Thiên Chúa: ‘Trong sa mạc các ngươi đã thấy Đức Chúa của ngươi, bồng bế ngươi như người ta bồng bế con mình trên mọi đường nẻo các ngươi đi, mãi cho đến khi các ngươi tới được chốn này’ (Đnl 1:31)…
Thánh Tông đồ Phaolô trải nghiệm: ‘Mầu nhiệm này thật cao cả…’ (Ep 5:32). Anh chị em hãy đón lấy mầu nhiệm ấy bằng ‘Lời Chúa và Nhiệm tích’.
‘Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào…’ (Gr 15:16). Năm nay, mỗi chúng ta sắm cho mình và gia đình sách Kinh Thánh. Chúng ta thực hành ba bước: Đọc Lời Chúa kính cẩn, lắng nghe Chúa dạy trong nguyện cầu và cố gắng thi hành điều Chúa dạy. Khi có các lớp học và cầu nguyện với Kinh Thánh, nơi các giáo xứ hay online, chúng ta cố gắng thu xếp để tham dự.
Năm nay, mỗi người lưu tâm đến hai Nhiệm tích năng lãnh nhận của tín hữu: Nhiệm tích Hòa giải và Thánh Thể. Đặc biệt, ta hết sức thu xếp dành một giờ mỗi ngày tham dự Thánh Lễ để hấp thụ nguồn sống đời đời là Lời Chúa và Thánh Thể, và để đáp lại khát khao của Chúa Giêsu: ‘Thầy mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các con, trước khi Thầy chịu khổ nạn…’ (Lc 22:15)
Với lá thư đặc biệt hằng năm này, tôi trân trọng cám ơn anh chị em về nỗ lực hoạt động tông đồ và về lòng quảng đại góp phần tìm thêm những điểm mới Loan báo Tin Mừng. Giáo phận nhà thật cảm động nhận biết nhiều anh chị em, với tấm lòng, đã lấy cả phần nuôi sống mình mà dâng cho Chúa.
Cậy trông vào lời chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Cúi và sự bầu cử hiền phụ của Thánh Cả Giuse, Chúng ta nguyện xin Chúa chúc lành cho định hướng mục vụ của Giáo phận và cho từng gia đình thân yêu của chúng ta.
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Tin cùng chuyên mục
NĂM HỒNG ÂN (26.01.2025 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN, NĂM C)
BUỔI HỌP MẶT CUỐI NĂM
NGƯỜI BỊ MẤT TRÍ (25.01.2025 – THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN)
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: MỘT NỮ TU SẼ LÀ CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN