Gửi tất cả tất cả mọi người thiện chí về sự khủng hoảng khí hậu
Ban hành ngày 4 tháng 10 năm 2023
Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
MỤC LỤC
Một vài cảm nhận về Tông huấn Laudate Deum
Giới thiệu Tông huấn Laudate Deum
Nhập đề [1-4]
- Khủng hoảng khí hậu toàn cầu [5]
Sự phản kháng và bối rối [6-10]
Những nguyên nhân do con người gây ra [11-14]
Thiệt hại và rủi ro [15-19]
- Một mô hình kỹ trị ngày càng phát triển [20-23]
Suy nghĩ lại việc sử dụng quyền lực của chúng ta [24-28]
Sự nhức nhối về mặt đạo đức [29-33]
- Sự yếu kém của chính trị quốc tế [24-36]
Tái cấu trúc chủ nghĩa đa phương [37-43]
- Hội nghị về Khí hậu: Tiến bộ và Thất bại [44-52]
- Mong đợi điều gì từ Hội nghị COP28 ở Dubai? [53-60]
- Động Lực Thiêng liêng [61]
Trong ánh sáng đức tin [62-65]
Hành trình trong sự hiệp thông và dấn thân [66-73]
Phần phụ trương: Lời cầu nguyện theo Laudate Deum
MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ TÔNG HUẤN LAUDATE DEUM
Các nhân vật phản ứng trước Tông huấn Laudate Deum của Đức Phanxicô
Trong Tông huấn Laudate Deum về khí hậu được công bố hôm thứ Tư ngày 4 tháng 10 năm 2023, Đức Phanxicô đã đưa ra một tiếng kêu báo động mới, không để người ta thờ ơ. Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Christophe Béchu, Marine Tondelier, thư ký quốc gia của Europe Écologie-Les Verts, Đức Tổng Giám mục giáo phận Potiers, Đức cha Pascal Wintzer, và thậm chí cả François Asselin, chủ tịch Liên đoàn các Doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có phản ứng.
+ “Thông điệp của ngài là một bài viết phản ứng lại những người hoài nghi”
Christophe Béchu, Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái và Liên kết Lãnh thổ
“Tám năm sau Laudato si’, vốn tạo nên một cú sốc điện đáng kể trước COP21, Đức Thánh cha Phanxicô một lần nữa lại đi đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Tôi rất vui mừng về nó. Những lời của Đức Giáo hoàng là rất mạnh mẽ và rõ ràng: biến đổi khí hậu có nguồn gốc từ con người đe dọa sự hài hòa của sự sống trên Trái đất và buộc chúng ta phải hành động. Nếu “những điều kỳ diệu của sự tiến bộ” đáng được ngưỡng mộ, thì chúng áp đặt lên chúng ta một đạo đức trách nhiệm.
Đối với tôi, hệ sinh thái kiểu Phanxicô dường như hoàn toàn tương thích với hệ sinh thái kiểu Pháp! Thông điệp của ngài cũng là một bài viết phản ứng lại những người hoài nghi, những người mà ngài đấu tranh, bao gồm cả trong Giáo hội Công giáo, như ngài nói với chúng ta. Sự rõ ràng và sự đấu tranh này là sự hỗ trợ mạnh mẽ trong cuộc chiến của Pháp ở cấp độ quốc tế nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tăng cường các mục tiêu về khí hậu của chúng ta.
Thông qua tính phổ quát và sức mạnh của nó, Laudate Deum là một văn bản quý giá để tiếp cận COP28 với những tham vọng mới và thuyết phục các đối tác bất đắc dĩ nhất của chúng ta tiến tới nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Pháp sẽ đi đầu trong cuộc chiến này”.
+ “Đó là một tiếng kêu có thể lan truyền nhiều hơn Laudato si”
Cha Dominique Lang, Dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời, nhà báo của Le Pèlerin và chủ blog “các Giáo hội và hệ sinh thái”
“Bản văn này thật đáng kinh ngạc! Rõ ràng và dễ tiếp cận đối với công chúng, nó giống như một bản tóm tắt những suy nghĩ của Đức Thánh cha Phanxicô về sinh thái. Ngài đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia bằng cách mang lại ở đây đóng góp mới của ngài cho cuộc tranh luận chính trị trước COP28.
Laudate Deum vang lên như một tiếng kêu, một lời kêu gọi rất mạnh mẽ để huy động chúng ta trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Đó là một cách để Đức Thánh cha nhắc lại những gì Laudato si’ đã nói cho những người chưa đọc văn bản huấn quyền này, nhưng cũng để lấy làm tiếc về việc không hành động trong 8 năm qua trong khi tình hình tiếp tục suy thoái.
Đức Phanxicô nói với chúng ta ở đây về toàn cầu hóa từ bên dưới, về nghĩa vụ dấn thân của xã hội dân sự trong việc thúc đẩy chính trị hành động. Tôi nghĩ rằng văn kiện này, bản thân nó không phải là một văn bản thần học vĩ đại, có thể được lưu hành nhiều hơn Laudato si’, bằng cách mang lại nhiệt huyết cho những người đã dấn thân nhưng cũng buộc những người khác phải đối mặt với thực tế.”
+ “Đức Giáo hoàng sáng suốt hơn nhiều nhân vật chính trị”
Marine Tondelier, Thư ký quốc gia Europe Écologie-Les Verts
“Tôi thấy rằng Đức Thánh cha Phanxicô sáng suốt và can đảm hơn nhiều về các vấn đề môi trường so với nhiều chính trị gia. Ngài hiểu rất sâu về vấn đề này, đặc biệt là về mối liên hệ không thể tách rời giữa công bằng xã hội và công bằng môi trường, cũng như những giới hạn của công nghệ để cứu sống sinh vật.
Nhiều chính trị gia khiến chúng ta tin rằng chúng ta có thể dựa vào tiến bộ và công nghệ một cách mù quáng để tiếp tục sống như trước đây, theo cùng một quỹ đạo. Đây là những ảo ảnh nguy hiểm vì chúng là cái cớ để không thay đổi bất cứ điều gì.
Chẳng hạn, Đức Thánh cha Phanxicô cũng quan tâm nhiều đến các nhà hoạt động môi trường hơn cả Bộ trưởng Nội vụ Pháp. Ngày nay, chúng ta có những người trẻ lo lắng về sinh thái, những người tuyệt vọng khi nhìn thấy thực tế khí hậu và xã hội mà chúng ta đang sống. Một số thực hiện những hành động mang tính biểu tượng, can đảm và bất bạo động. Tuy nhiên, họ thường bị biếm họa theo một phản xạ gia trưởng và phản động.
Đức Phanxicô hiểu và đối xử với những người trẻ này một cách tôn trọng hơn nhiều.”
+ “Laudate Deum thực sự khuyến khích việc huy động chiến đấu”
Benoît Halgand, nhà hoạt động môi trường, người phát ngôn của tập thể Lutte et Contemplation
“Tôi rất hào hứng với văn bản này; theo ý kiến của tôi, sau Laudato si’ vẫn còn thiếu những lời nói của Kitô giáo như thế này về chiều kích cấu trúc và chính trị của thách thức sinh thái. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến nhu cầu thực sự về việc huy động xã hội dân sự. Chúng tôi cảm thấy rằng ngài đứng về phía những người dấn thân – bao gồm cả thông qua các phương thức hành động có thể gây phân rẽ – khi ngài tin rằng hành động của các nhóm bị coi là “cực đoan hóa” sẽ lấp đầy khoảng trống trong xã hội (Laudate Deum, 58).
Với tư cách là các nhà hoạt động, chúng tôi sẽ dựa vào văn bản này – ví dụ như trong bối cảnh của hồ sơ EACOP (dự án dầu TotalEnergies ở Uganda và Tanzania, ghi chú của biên tập viên). Một đoạn văn (29) dường như gây được tiếng vang lớn với chúng tôi, tố cáo các công ty sử dụng biện pháp quảng cáo xanh (greenwashing) để gây ảnh hưởng đến dư luận.
Nói rộng hơn, tôi muốn Đức Phanxicô kêu gọi một cách rõ ràng hơn về việc huy động tập thể. Chắc chắn, ngài nhấn mạnh đến sự thiếu sót của các cử chỉ cá nhân – đồng thời nhắc lại rằng những cử chỉ này là cần thiết để bắt đầu sự thay đổi văn hóa. Tuy nhiên, theo tôi, ngài lẽ ra có thể thúc giục các Kitô hữu nhiều hơn để cùng nhau tham gia vào cuộc đấu tranh sinh thái nhằm biến đổi các cơ cấu.”
+ “Một bước nhảy vọt là đòi hỏi cấp bách”
Đức cha Pascal Wintzer, Tổng Giám mục giáo phận Poitiers
“Giọng điệu của Đức Thánh cha Phanxicô gần như khiến người ta tỉnh ngộ. Tuy nhiên, Đức Phanxicô không phải là người cam chịu cũng không phải là người thiếu ý chí. Chắc chắn thất vọng vì không có sự thay đổi, ngài bắt đầu bản văn của mình, như với Laudato si’, bằng lời khen ngợi. Đúng, cần phải có một cú sốc điện, và ngài lại thích sự ngưỡng mộ hơn là gây mặc cảm tội lỗi hay nói đến sự sụp đổ. Ngài tin rằng thái độ này có khả năng mang lại năng lượng.
Như cách đây vài ngày ở Marseille, Đức Thánh cha đã thể hiện sứ mạng của mình: Công giáo, do đó có tính phổ quát, ngài có cái nhìn rộng rãi và muốn tất cả chúng ta, những cư dân trên cùng một hành tinh, hiểu rằng cũng chính trên quy mô này mà chúng ta phải định vị mình, ngay cả khi hành động của chúng ta mang tính địa phương hơn.
Điều này được hiểu, ít nhất là bởi Đức Giáo hoàng: chính hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra những rối loạn mà chúng ta phải gánh chịu, dù sao một số người phải chịu đựng nhiều hơn những người khác. Và đây là tin tốt: yếu tố con người mở ra khả năng hành động cho con người. Sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng sự cứu rỗi sẽ đến từ các kỹ thuật… Chính trong trái tim mình mà con người hiểu, quyết định, thay đổi.”
+ “Theo lý luận của Francis, thiếu một chân kinh tế”
François Asselin, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ (CPME)
“Khi tôi bắt đầu đọc Tông huấn, tôi tự nhủ: “Nhưng Đức Giáo hoàng đang thông báo cho chúng ta về ngày tận thế!”. Văn bản vẫn còn khá tối. Nhưng trên thực tế, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không trải qua ngày tận thế, mà là sự kết thúc của một thế giới nào đó.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy sự hỗ trợ mà Đức Thánh cha dành cho những người cấp tiến về khí hậu, những người oán giận con người hơn là thiên nhiên và biến sinh thái thành một tôn giáo. Theo lý luận của ngài, thiếu một chân kinh tế: khi bạn đứng đầu một công ty, bất kể quy mô của nó, bạn phải cân bằng doanh thu và chi phí để tiếp tục đảm bảo rằng lợi ích chung là công ty đó sẽ tiếp tục tồn tại. Và đôi khi không thể thực hiện được điều này trong quá trình chuyển đổi sinh thái. Câu hỏi cơ bản là làm thế nào để cân bằng thu chi mà không đẩy nhanh ngày tận thế. Chúng ta liên tục phải đối mặt với những mệnh lệnh trái ngược nhau. Chúng ta không giải quyết được gì bằng cách ném đá vào nhau.
Điều tôi thực sự thích là Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta về hai xác tín của ngài: “mọi thứ đều liên kết với nhau và không ai tự cứu một mình”. Đối với một doanh nhân như tôi, điều này thật quý giá: chúng ta không thể nói về sự biến đổi môi trường mà không gắn nó với hiệu năng kinh tế và xã hội. Đức Phanxicô ngỏ lời với những người có thiện chí. Và nó tái khẳng định một nguyên tắc được chúng ta yêu quý, phù hợp với suy nghĩ của Giáo hội: nguyên tắc bổ trợ. Chúng ta không thể làm được gì nếu không có nhân công, con người”.
+ “Một văn bản có giá trị trước thềm COP28”
Jean Jouzel, nhà cổ khí hậu học
“Bản văn này, mang tính chủ động hơn Laudato si’, rất có giá trị tám tuần trước khi khai mạc COP28 ở Dubai. Soi sáng và cung cấp tư liệu về sự đồng thuận khoa học xung quanh sự nóng lên toàn cầu, nó tạo thành một lời kêu gọi hành động một cách rất cụ thể. Theo Đức Phanxicô, sẽ là “tự sát” nếu không mong đợi gì ở COP tiếp theo. Không tự tin như ngài về khả năng các quốc gia đồng ý về vấn đề trọng tâm là loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên, tôi cũng giống như ngài, tin rằng những cuộc họp quốc tế lớn này là cần thiết. Nếu không có các COP trước đó, tình hình mà chúng ta gặp phải sẽ còn thảm khốc hơn.
Tại Dubai, sẽ có nhiều cuộc thảo luận về công nghệ và đặc biệt là các giải pháp thu hồi hoặc lưu trữ CO2. Tuy nhiên, về điểm này, Đức Giáo hoàng nói rất rõ ràng: niềm tin vào công nghệ là một ảo ảnh, thậm chí có thể coi là “chủ nghĩa thực dụng giết người”. Thật thiếu sót khi nói rằng kiểu nói này là rất mạnh mẽ. Chúng ta hãy hy vọng rằng điều đó sẽ được các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta lắng nghe, những người thường thích áp dụng các quan điểm theo chủ nghĩa giải pháp công nghệ hơn là nói lên sự thật về sự sửa đổi cần thiết trong lối sống của chúng ta.” Nguồn: http://xuanbichvietnam.net/Tý Linh (theo nhật báo La Croix).
GIỚI THIỆU TÔNG HUẤN LAUDATE DEUM
Đức Thánh cha kêu gọi ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu
Ngày 4 tháng 10 năm 2023, Đức Thánh cha đã ban hành tông huấn Laudate Deum – Hãy ngợi khen Thiên Chúa. Trong tài liệu mới Đức Thánh cha nói rằng trách nhiệm của con người trong sự nóng lên toàn cầu là không thể chối cãi. Ngài đưa ra lời kêu gọi đồng trách nhiệm trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu vì thế giới “đang sụp đổ và có lẽ đang tiến đến điểm đổ vỡ”.
Tông huấn Laudate Deum gồm 6 chương với 73 đoạn, cụ thể và hoàn thành những điều Đức Thánh cha đã nói trong Thông điệp Laudato si’, được ban hành vào năm 2015.
Dấu hiệu biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng
Trong chương đầu tiên, Đức Thánh cha giải thích rằng, cho dù chúng ta có cố gắng phủ nhận đến đâu, “những dấu hiệu của biến đổi khí hậu vẫn có đó, ngày càng rõ ràng hơn” (5). Ngài trưng dẫn “những hiện tượng khắc nghiệt, thường xuyên có những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán và những đau thương khác của trái đất”. Theo ngài: “có thể kiểm chứng được rằng một số biến đổi khí hậu do con người gây ra làm tăng đáng kể khả năng xảy ra các hiện tượng khắc nghiệt thường xuyên hơn và dữ dội hơn”.
Đó không phải là lỗi của người nghèo
Đối với những người đổ lỗi cho người nghèo vì có quá nhiều con cái, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng “vài phần trăm số người giàu nhất hành tinh lại gây ô nhiễm nhiều hơn 50% những người nghèo nhất trong toàn bộ dân số thế giới. Làm sao chúng ta có thể quên rằng Phi châu, nơi sinh sống của hơn một nửa số người nghèo nhất hành tinh này, nhưng lại chỉ phải chịu trách nhiệm về một phần rất nhỏ lượng khí thải lịch sử đó sao? [khí thải lịch sử (historic emissions) có nghĩa là khả năng phát thải của một đơn vị phát thải hiện có trước khi sửa đổi. Đối với đơn vị phát thải mới, lượng khí thải lịch sử bằng zero “0”-ND].” (9). Sau đó, Đức Thánh cha phản đối những người nói rằng việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn đến “giảm việc làm”. Trên thực tế, “hàng triệu người mất việc” do biến đổi khí hậu. Trong khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được “quản lý tốt” có khả năng tạo ra vô số việc làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là lý do tại sao “các chính trị gia và doanh nhân cần phải giải quyết ngay lập tức” (10).
Con người gây nên biến đổi khí hậu là điều không thể nghi ngờ
Đức Phanxicô khẳng định: “Con người là nguồn gốc của biến đổi khí hậu là điều không còn có thể nghi ngờ nữa.” Ngài nói đến nồng độ khí nhà kính trong khí quyển… trong 50 năm qua gia tăng mạnh mẽ (11). Nhiệt độ “đã tăng với tốc độ chưa từng thấy trong hai ngàn năm qua” (12). Hậu quả là sự axit hóa biển và các lớp băng tan. Sự cộng hưởng của các hiện tượng khắc nghiệt và sự gia tăng khí nhà kính là điều không thể che giấu. Thật không may, Đức Thánh cha nhận xét, cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề “được quan tâm bởi các cường quốc kinh tế. Họ vốn quan tâm đến việc đạt được lợi nhuận tối đa với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể” (13).
Chúng ta vừa kịp lúc để tránh gây thiệt hại nặng nề hơn
Đức Thánh cha nói rằng ngài đưa ra những giải thích rõ ràng này do một số ý kiến khinh thường và vô lý mà ngài thấy ngay cả trong Giáo hội Công giáo. Nhưng chúng ta không còn có thể nghi ngờ rằng “những phát triển to lớn liên quan đến sự can thiệp không kiểm soát của con người vào thiên nhiên” (14). Thật không may, một số biểu hiện của cuộc khủng hoảng khí hậu này đã không thể đảo ngược được trong ít nhất hàng trăm năm. Một tầm nhìn rộng hơn là rất cần thiết… Chúng ta cần có trách nhiệm nhất định đối với di sản mà chúng ta sẽ để lại sau khi bước qua thế giới này (18).
Mô hình kỹ trị: ý tưởng về một con người không giới hạn
Trong chương hai, Đức Thánh cha nói về mô hình kỹ trị “bao gồm việc suy nghĩ như thể thực tại, sự tốt lành và sự thật nở rộ một cách tự phát từ sức mạnh của công nghệ và chính nền kinh tế” (20) dựa trên ý tưởng về một con người có thể làm được mọi thứ. Ngài nói: “Chưa bao giờ loài người có nhiều quyền lực như vậy và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ sử dụng nó tốt… Thật nguy hiểm khi nó nằm trong tay một phần nhỏ của nhân loại” (23). Đức Thánh cha nhắc lại rằng “thế giới xung quanh chúng ta không phải là một đối tượng của sự bóc lột, sử dụng không kiềm chế, tham vọng không giới hạn” (25).
Sự suy thoái đạo đức của quyền lực: tiếp thị và thông tin sai lệch
Đức Thánh cha nói rằng. húng ta đã đạt được “tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng ngạc nhiên, nhưng chúng ta không nhận ra rằng đồng thời chúng ta đã trở nên hết sức nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật và sự sống còn của chính chúng ta” (28). “Sự suy thoái về mặt đạo đức của quyền lực thực sự được che đậy bởi hoạt động tiếp thị và thông tin sai lệch, những cơ chế hữu ích nằm trong tay những người có nhiều nguồn lực hơn để tác động đến dư luận thông qua chúng”. “Bị mê hoặc trước những lời hứa hẹn của biết bao tiên tri giả, chính người nghèo đôi khi rơi vào sự lừa dối của một thế giới không được xây dựng cho họ” (31). Có “sự thống trị của những người sinh ra có điều kiện phát triển tốt hơn” (32).
Chính sách quốc tế yếu kém
Đức Thánh cha cũng đề cập đến sự yếu kém của chính sách của quốc tế, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ủng hộ “các thỏa thuận đa phương giữa các quốc gia” (34). Ngài kêu gọi “sự tổ chức toàn cầu hiệu quả hơn, có thẩm quyền để đảm bảo lợi ích chung toàn cầu”. Các tổ chức này “phải được trao quyền thực sự để đảm bảo thực hiện một số mục tiêu thiết yếu” (35). Thách đố ngày nay là tái tạo một chủ nghĩa đa phương mới “trong bối cảnh toàn cầu mới” (37), thừa nhận rằng nhiều tập hợp và tổ chức xã hội dân sự giúp bù đắp những điểm yếu của cộng đồng quốc tế.
Các tổ chức bảo vệ những người mạnh nhất là những tổ chức vô dụng
Đức Phanxicô đề xuất “một chủ nghĩa đa phương “từ dưới lên” chứ không chỉ đơn giản được quyết định bởi giới tinh hoa quyền lực” (38). Ngài nhắc lại rằng “cần có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả”, để “phản ứng với các cơ chế toàn cầu” bằng “các quy tắc phổ quát và hiệu quả” (42). Vì vậy, chúng ta cần “một kiểu ‘dân chủ hóa’ hơn trong phạm vi toàn cầu… Sẽ không còn hữu ích nếu hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền của kẻ mạnh nhất mà không giải quyết quyền của tất cả mọi người” (43).
Mong đợi gì từ Hội nghị COP ở Dubai?
Nhìn vào Hội nghị COP28 (Hội nghị của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu) sẽ diễn ra tại Dubai vào tháng 11, Đức Thánh cha viết: “Chúng ta không thể từ bỏ giấc mơ rằng COP28 sẽ dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với những cam kết hiệu quả có thể được theo dõi vĩnh viễn. Hội nghị này có thể là một bước ngoặt” (54). Ngài than phiền rằng thật không may, “quá trình chuyển đổi cần thiết sang năng lượng sạch… diễn ra không đủ nhanh” (55).
Hãy ngừng chế giễu vấn đề môi trường
Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt “sự nhạo báng vô trách nhiệm” của những người chế giễu vấn đề môi trường vì lợi ích kinh tế: thay vào đó, xem nó là “một vấn đề con người và xã hội theo nghĩa rộng và ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc này cần sự tham gia của mọi người.” Đức Thánh cha hy vọng rằng “các hình thức chuyển đổi năng lượng ràng buộc” sẽ xuất hiện từ COP28 một cách hiệu quả và “dễ dàng giám sát” (59). “Chúng tôi hy vọng rằng những người phát biểu là những nhà chiến lược có khả năng suy nghĩ về lợi ích chung và tương lai của con cái họ, thay vì lợi ích cụ thể của một quốc gia hoặc công ty nào đó. Mong sao họ thể hiện được sự cao quý của chính trị chứ không phải sự xấu hổ của nó” (60).
Một dấn thân phát sinh từ đức tin Kitô giáo
Cuối cùng, Đức Thánh cha nhắc lại những lý do cho sự dấn thân vì môi trường xuất phát từ đức tin Kitô giáo, khuyến khích “anh chị em các tôn giáo khác hãy làm như vậy” (61). Ngài nói: “Đây không phải là sản phẩm của ý muốn riêng của chúng ta… bởi vì Thiên Chúa đã liên kết chúng ta rất chặt chẽ với thế giới xung quanh” (68). Điều quan trọng, Đức Thánh cha viết, là phải nhớ rằng “không có những thay đổi lâu dài nếu không có những thay đổi về văn hóa… và không có những thay đổi văn hóa nào mà không có những thay đổi về con người” (70). “Nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm lãng phí và tiêu dùng khôn ngoan đang tạo ra một nền văn hóa mới” (71).
Đức Thánh cha nhắc lại rằng “một sự thay đổi rộng rãi cho lối sống vô trách nhiệm gắn liền với mô hình phương Tây sẽ có tác động lâu dài đáng kể. Như vậy, với những quyết định chính trị tất yếu, chúng ta sẽ đi trên con đường quan tâm lẫn nhau” (72). [Vatican News. CSR_3888_2023].
TÔNG HUẤN LAUDATE DEUM
Nhập đề
- “Hãy ngợi khen Thiên Chúa vì mọi thụ tạo của Người”. Đây chính là sứ điệp mà thánh Phanxicô Assisi đã công bố bằng cả cuộc đời, bằng những bài thánh ca và bằng mọi hành động của ngài. Bằng cách này, thánh nhân đã đón nhận lời mời gọi của các Thánh vịnh trong Kinh thánh và phản ánh sự nhạy cảm của Đức Giêsu trước các thụ tạo của Chúa Cha: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29). “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). Làm sao chúng ta có thể không ngưỡng mộ sự dịu dàng này của Đức Giêsu đối với tất cả những sinh vật đồng hành với chúng ta trên hành trình của chúng ta?
- Tám năm đã trôi qua kể từ khi tôi ban hành Thông điệp Laudato si’, mong muốn chia sẻ với tất cả các anh chị em trên hành tinh đau khổ của chúng ta những mối quan tâm sâu sắc của tôi liên quan đến việc bảo vệ Ngôi nhà chung. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tôi nhận thấy rằng, chúng ta không có đủ phản ứng, trong khi thế giới quanh ta đang sụp đổ và có lẽ đang tiến đến điểm tan vỡ. Ngoài khả năng này, không còn nghi ngờ gì nữa, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây tổn hại đến cuộc sống và gia đình của nhiều người. Chúng ta sẽ cảm nhận được tác động của nó trong các lĩnh vực sức khỏe, nguồn công ăn việc làm, khả năng tiếp cận các nguồn lực, nhà ở, di cư bắt buộc, v.v…
- Đây là một vấn đề xã hội toàn cầu có liên quan mật thiết đến phẩm giá sự sống con người. Các Giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ rất rõ ý nghĩa xã hội của mối quan tâm của chúng ta về vấn đề biến đổi khí hậu, vốn vượt xa cách tiếp cận sinh thái đơn thuần, bởi vì “sự quan tâm của chúng ta dành cho nhau và sự quan tâm của chúng ta đối với trái đất gắn bó mật thiết với nhau. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức chính mà xã hội và cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt. Những tác động của biến đổi khí hậu đều do những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu, cả ở trong nước và trên toàn thế giới”.[[1]] Nói một cách ngắn gọn, các Giám mục tham dự Thượng Hội đồng về Amazon cũng nói điều tương tự: “Những cuộc tấn công chống lại thiên nhiên sẽ gây ra những hậu quả chống lại cuộc sống của con người”.[[2]] Và để bày tỏ một cách mạnh mẽ rằng đây không còn là vấn đề thứ yếu hay ý thức hệ nữa, mà chính là một thảm kịch gây phương hại cho tất cả chúng ta, các Giám mục Phi châu đã khẳng định rằng, sự biến đổi khí hậu đã nêu bật “một điển hình gây sốc về tội lỗi cơ cấu”.[[3]]
- Các suy tư và thông tin mà chúng tôi có thể thu thập từ tám năm qua cho phép chúng tôi xác định và hoàn thiện những gì chúng tôi có thể khẳng định cách đây một thời gian. Vì lý do này và vì tình hình ngày càng trở nên cấp bách hơn, nên tôi muốn chia sẻ những trang này với anh chị em.
- Khủng hoảng khí hậu toàn cầu
- Cho dù chúng ta có cố gắng phủ nhận, che đậy giấu giếm, hay đặt chúng vào quan điểm bao nhiêu đi chăng nữa thì những dấu hiệu của biến đổi khí hậu vẫn có đó, ngày càng hiển nhiên hơn. Không ai có thể bỏ qua rằng trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những hiện tượng khắc nghiệt, những thời kỳ nắng nóng bất thường, hạn hán và những tiếng rên rỉ khác của trái đất, vốn chỉ là một số biểu hiện hữu hình của một căn bệnh thầm lặng đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Đúng là không phải mọi thảm họa đều có thể ngay lập tức được quy cho biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, có thể kiểm chứng được rằng một số biến đổi khí hậu nhất định do con người gây ra, làm tăng đáng kể khả năng xảy ra các hiện tượng khắc nghiệt ngày càng thường xuyên và dữ dội. Vì vậy, chúng ta biết rằng cứ tăng nhiệt độ toàn cầu lên 0,5°C thì cường độ và tần suất mưa lớn và lũ lụt ở một số khu vực, hạn hán nghiêm trọng ở những nơi khác, nắng nóng khắc nghiệt ở một số nơi và tuyết rơi dày đặc ở những nơi khác cũng tăng lên.[[4]] Nếu cho đến nay, chúng ta có thể trải qua một vài đợt nắng nóng mỗi năm, điều gì sẽ xảy ra khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5°C, mức mà chúng ta đang tiến gần đến? Những đợt nắng nóng như vậy sẽ thường xuyên hơn và dữ dội hơn nhiều. Nếu nhiệt độ tăng thêm trên 2°C nữa, thì các tảng băng ở vùng Greenland (lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới nằm trong vùng khí hậu Bắc cực) và phần lớn Nam cực[[5]] sẽ tan chảy hoàn toàn, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho tất cả mọi người.
Sự phản kháng và sự nhầm lẫn
- Trong những năm gần đây không thiếu những người cố gắng chế nhạo những phát hiện này. Họ đề cập đến những dữ liệu được cho là chắc chắn về mặt khoa học, chẳng hạn như thực tế là hành tinh này luôn có và sẽ có những giai đoạn nguội đi hoặc nóng lên. Họ quên đề cập đến một thực tế liên quan khác: rằng những gì chúng ta đang xác minh hiện nay là sự gia tăng nóng lên bất thường, với tốc độ mà chỉ một thế hệ – không phải thế kỷ hay thiên niên kỷ – là đủ để xác minh điều đó. Một người có thể dễ dàng chứng kiến mực nước biển dâng cao và sự tan chảy của sông băng trong chính cuộc đời của họ, và có thể trong một vài năm nữa, nhiều người dân sẽ phải di dời nhà cửa vì những sự kiện này.
- Để chế giễu những người nói về sự nóng lên toàn cầu, họ viện đến thực tế là thời tiết cực lạnh thường xuyên xảy ra. Người ta quên rằng triệu chứng này và những triệu chứng đặc biệt khác chẳng qua là những biểu hiện khác nhau của cùng một nguyên nhân: sự mất cân bằng toàn cầu do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra. Cả hạn hán và lũ lụt, cả những hồ nước khô cạn và dân số bị tàn phá bởi sóng thần hoặc lũ lụt, cuối cùng đều có cùng một nguồn gốc. Mặt khác, nếu nói về một hiện tượng toàn cầu, chúng ta không thể nhầm lẫn nó với các sự kiện nhất thời và đang thay đổi, phần lớn được giải thích bởi các yếu tố địa phương.
- Việc thiếu thông tin dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các dự báo khí hậu quy mô lớn kéo dài trong thời gian dài – chúng ta đang nói đến ít nhất là hàng thập kỷ – với dự báo thời tiết có thể kéo dài nhiều nhất là vài tuần. Khi nói về biến đổi khí hậu, chúng ta đang đề cập đến một thực tế toàn cầu – với những biến đổi không ngừng ở từng địa phương – vẫn tồn tại trong nhiều thập kỷ.
- Với mục đích đơn giản hóa thực tế, không thiếu những kẻ đổ lỗi cho những người nghèo, bởi vì họ có đông con cái, và thậm chí còn cố gắng giải quyết bằng cách cắt xẻo [bộ phận sinh dục] phụ nữ ở các nước kém phát triển. Như thường lệ, dường như họ cho đó là do lỗi của người nghèo. Tuy nhiên, thực tế là vài phần trăm số người giàu nhất hành tinh lại gây ô nhiễm nhiều hơn 50% những người nghèo nhất trong toàn bộ dân số thế giới, và lượng khí thải bình quân đầu người của các nước giàu nhất lại lớn hơn nhiều lần so với các nước nghèo nhất.[[6]] Làm sao chúng ta có thể quên rằng Phi châu, nơi sinh sống của hơn một nửa số người nghèo nhất hành tinh này, nhưng lại chỉ phải chịu trách nhiệm về một phần rất nhỏ lượng khí thải lịch sử đó sao?
- Người ta cũng thường nói rằng những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát triển các dạng năng lượng sạch hơn sẽ dẫn đến ít việc làm hơn. Điều đang xảy ra là hàng triệu người đang mất việc làm do những hậu quả khác nhau của sự biến đổi khí hậu: mực nước biển dâng cao, hạn hán và nhiều hiện tượng khác ảnh hưởng đến hành tinh đã khiến nhiều người phải sống lênh đênh xa bờ. Mặt khác, việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo, được quản lý tốt cũng như mọi nỗ lực thích ứng với thiệt hại của biến đổi khí hậu, có khả năng tạo ra vô số việc làm trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này đòi hỏi các chính trị gia và doanh nhân cần phải giải quyết ngay lập tức.
Những nguyên nhân do con người gây ra
- Chúng ta không còn có thể nghi ngờ gì nữa về con người là nguồn gốc của sự biến đổi khí hậu. Hãy xem xét tại sao. Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, vẫn ổn định cho đến thế kỷ 19, ở mức dưới 300 phần triệu theo thể tích. Nhưng vào giữa thế kỷ đó, cùng với sự phát triển công nghiệp, lượng khí thải bắt đầu tăng lên. Trong 50 năm qua, sự gia tăng này đã tăng nhanh đáng kể, như đài quan sát Mauna Loa, nơi thực hiện các phép đo carbon dioxide hàng ngày kể từ năm 1958, đã xác nhận. Trong khi tôi đang viết Thông điệp Laudato si’, chúng đã đạt mức cao lịch sử – 400 phần triệu – cho đến khi đạt 423 phần triệu vào tháng 6 năm 2023.[[7]] Hơn 42% tổng lượng khí thải ròng được tạo ra kể từ năm 1850 đều được tạo ra sau năm 1990.[[8]]
- Đồng thời, chúng tôi lưu ý rằng trong suốt 50 năm qua, nhiệt độ đã tăng với tốc độ chưa từng thấy trong hai thiên niên kỷ qua. Trong giai đoạn này, xu hướng nóng lên là 0,15°C mỗi thập kỷ, gấp đôi những gì đã xảy ra trong 150 năm qua. Từ năm 1850 đến nay, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,1°C, một hiện tượng được khuếch đại ở các vùng cực. Với tốc độ này, có thể chúng ta sẽ đạt đến giới hạn trên được khuyến nghị là 1,5°C trong 10 năm nữa.[[9]] Sự gia tăng này xảy ra không chỉ trên bề mặt Trái đất mà còn xảy ra ở độ cao vài kilômét trong bầu khí quyển, trên bề mặt trái đất, đại dương và thậm chí ở độ sâu hàng trăm mét. Điều này cũng làm tăng quá trình axit hóa của biển và làm cho lượng oxy trong nước giảm đi đáng kể. Các sông băng đang rút dần, độ phủ tuyết giảm và mực nước biển không ngừng dâng cao.[[10]]
- Không thể che giấu sự trùng hợp giữa các hiện tượng khí hậu toàn cầu này với tốc độ phát thải khí nhà kính tăng nhanh, đặc biệt kể từ giữa thế kỷ XX. Phần lớn các nhà khoa học chuyên về khí hậu ủng hộ mối tương quan này và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số họ cố gắng phủ nhận bằng chứng này. Thật không may, cuộc khủng hoảng khí hậu không thực sự là chủ đề được các cường quốc kinh tế lớn quan tâm, họ vốn chỉ quan tâm đến việc đạt được lợi nhuận tối đa với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
- Tôi cảm thấy buộc phải đưa ra những giải thích rõ ràng này, điều này có vẻ hiển nhiên, vì một số ý kiến xem thường và vô lý mà tôi gặp phải, ngay cả trong Giáo hội Công giáo nữa. Tuy nhiên, chúng ta không còn có thể nghi ngờ rằng, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng bất thường này là một thực tế không thể phủ nhận: những phát triển to lớn liên quan đến sự can thiệp không kiểm soát của con người vào thiên nhiên trong hai thế kỷ qua. Các yếu tố có nguồn gốc tự nhiên thường gây ra hiện tượng nóng lên, chẳng hạn như các vụ phun trào núi lửa và các hiện tượng khác, không đủ để giải thích tỷ lệ và tốc độ của những thay đổi trong những thập kỷ gần đây.[[11]] Sự phát triển của nhiệt độ bề mặt trung bình không thể giải thích được nếu không có tác động của việc tăng lượng khí nhà kính.
Thiệt hại và rủi ro
- Một số tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đã không thể đảo ngược được, ít nhất là trong vài trăm năm, chẳng hạn như sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu của các đại dương, quá trình axit hóa và giảm lượng oxy. Nước biển có quán tính nhiệt và cần nhiều thế kỷ để bình thường hóa trở lại về nhiệt độ và độ mặn, điều này ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều loài. Đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy các sinh vật khác trên thế giới này đã không còn là bạn đồng hành của chúng ta nữa, mà thay vào đó trở thành nạn nhân của chúng ta gây ra.
- Quá trình dẫn đến sự suy giảm băng lục địa cũng vậy. Sự tan chảy của các cực không thể đảo ngược trong hàng trăm năm. Khi nói đến khí hậu, một số yếu tố nhất định sẽ tồn tại trong một thời gian dài, bất kể các sự kiện đã gây ra chúng. Đây là lý do tại sao chúng ta không thể ngăn chặn được những thiệt hại to lớn mà chúng ta đã gây ra. Chúng ta chỉ có thời gian để tránh thiệt hại nghiêm trọng hơn nữa.
- Một số chẩn đoán về ngày tận thế thường có vẻ vô lý hoặc không có cơ sở đầy đủ. Điều này không nên khiến chúng ta bỏ qua rằng khả năng đạt đến một bước ngoặt là có thật. Những thay đổi nhỏ có thể gây ra những thay đổi lớn, bất ngờ và có lẽ không thể đảo ngược được do các yếu tố quán tính. Điều này cuối cùng sẽ gây ra một loạt các sự kiện như quả cầu tuyết. Trong trường hợp này, chúng ta luôn bị quá muộn vì không có sự can thiệp nào có thể ngăn chặn quá trình đã bắt đầu. Sẽ không thể quay lại được từ đó. Chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng điều này sẽ xảy ra trong điều kiện hiện tại. Nhưng đó chắc chắn là một khả năng nếu chúng ta tính đến các hiện tượng đang diễn ra làm “nhạy cảm” khí hậu, chẳng hạn như sự suy giảm băng, thay đổi dòng hải lưu, nạn phá rừng ở các vùng nhiệt đới, sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Nga, v.v…[[12]]
- Do đó, điều cấp thiết là phải áp dụng một tầm nhìn rộng hơn cho phép chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của sự tiến bộ mà còn chú ý đến những tác động khác mà có lẽ cách đây một thế kỷ chúng ta không thể tưởng tượng được. Điều được yêu cầu ở chúng ta không gì khác hơn là một trách nhiệm nhất định đối với di sản mà chúng ta sẽ để lại sau khi chúng ta qua đời.
- Cuối cùng, chúng ta có thể nói thêm rằng đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa sự sống con người với sự sống của các sinh vật khác và môi trường. Nhưng trên hết, nó khẳng định những gì đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới sẽ gây ra hậu quả như thế nào trên toàn hành tinh. Điều này cho phép tôi lặp lại hai niềm xác tín mà tôi không ngừng nhấn mạnh rằng: “mọi thứ đều được kết nối với nhau” và “không ai được cứu một mình”.
- Một mô hình kỹ trị ngày càng phát triển
- Trong Thông điệp Laudato si’, tôi đã đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn về mô hình kỹ trị làm nền tảng cho quá trình suy thoái môi trường hiện nay. Đó là “một cách hiểu về cuộc sống và hành động của con người đã đi chệch hướng và mâu thuẫn với thực tế đến mức gây tổn hại nghiêm trọng cho thế giới xung quanh chúng ta”.[[13]] Về cơ bản, nó bao gồm suy nghĩ “như thể thực tại, sự tốt lành và sự thật nở rộ một cách tự phát từ chính sức mạnh công nghệ và kinh tế vậy”.[[14]] Như một hệ quả hợp lý, “chúng ta dễ dàng đi đến ý tưởng về sự tăng trưởng vô hạn hoặc không giới hạn, điều này đã khiến nhiều nhà kinh tế, tài chính và công nghệ rất phấn khích”.[[15]]
- Trong những năm gần đây, chúng ta đã có thể xác nhận chẩn đoán này, ngay cả khi chúng ta đã chứng kiến một bước tiến mới của mô hình trên. Trí tuệ nhân tạo và những cải tiến công nghệ mới nhất bắt đầu từ ý tưởng về một con người không có bất kỳ một giới hạn nào, nhờ công nghệ, năng lực và khả năng của họ có thể được mở rộng đến vô tận. Do đó, mô hình kỹ trị tự nuôi dưỡng chính nó một cách khủng khiếp.
- Không còn nghi ngờ gì nữa, các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho công nghệ, chẳng hạn như lithium, silicon và nhiều kim loại khác, chắc chắn không phải là vô hạn, nhưng vấn đề lớn nhất chính là hệ tư tưởng ẩn sau nỗi ám ảnh: phát triển vượt xa sức mạnh có thể tưởng tượng của con người, trước thực tế phi nhân là có một nguồn tài nguyên đơn giản chỉ phục vụ cho họ. Mọi thứ tồn tại không còn là một món quà cần được đánh giá cao, trân trọng và chăm sóc, thay vào đó trở thành nô lệ, trở thành con mồi cho bất kỳ ý tưởng bất chợt nào của tâm trí con người và khả năng của nó.
- Thật đáng sợ khi nhận ra rằng những khả năng được mở rộng nhờ công nghệ “đã mang lại cho những người có kiến thức và đặc biệt là các nguồn lực kinh tế để sử dụng chúng, một sự thống trị đầy ấn tượng đối với toàn thể nhân loại và toàn thế giới. Chưa bao giờ loài người có quyền lực như vậy đối với chính mình, nhưng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ được sử dụng một cách khôn ngoan hiệu quả, đặc biệt nếu chúng ta xem xét cách thức mà hiện nó đang được sử dụng… Tất cả quyền lực này nằm trong tay ai, và liệu nó sẽ kết thúc thế nào? Thật hết sức nguy hiểm khi quyền lực này lại nằm trong tay một phần nhỏ của nhân loại”.[[16]]
Suy nghĩ lại việc sử dụng quyền lực của chúng ta
- Không phải mọi sự gia tăng quyền lực đều đại diện cho sự tiến bộ của nhân loại. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến những công nghệ “đáng ngưỡng mộ” đã được sử dụng để tàn sát dân số, ném bom nguyên tử và tiêu diệt các nhóm sắc tộc. Có những khoảnh khắc lịch sử mà sự ngưỡng mộ của chúng ta đối với sự tiến bộ đã khiến chúng ta mù quáng trước nỗi kinh hoàng về hậu quả của nó. Nhưng nguy cơ đó vẫn luôn hiện hữu, bởi vì “sự phát triển vượt bậc về công nghệ của chúng ta không đi kèm với sự phát triển về trách nhiệm, giá trị và lương tâm của con người… Chúng ta đứng trần trụi và bị phơi bày trước sức mạnh ngày càng tăng của mình, thiếu điều cần thiết để kiểm soát nó. Chúng ta có những cơ chế bề ngoài nhất định, nhưng chúng ta không thể khẳng định mình có một nền đạo đức đúng đắn, một nền văn hóa và tâm linh thực sự có khả năng đặt ra những giới hạn và dạy cho một tinh thần tự kiềm chế sáng suốt”.[[17]] Không có gì lạ khi một quyền lực lớn như vậy nằm trong tay những người như vậy lại có thể hủy diệt sự sống, trong khi tâm lý phù hợp với mô hình kỹ trị lại làm chúng ta mù quáng và không cho phép chúng ta nhìn ra vấn đề cực kỳ nghiêm trọng này của nhân loại ngày nay.
- Ngược lại với mô hình kỹ trị này, chúng tôi nói rằng, thế giới xung quanh chúng ta không phải là đối tượng của sự bóc lột, sử dụng không kiềm chế và tham vọng vô hạn. Chúng ta cũng không thể khẳng định rằng thiên nhiên chỉ là một “khung cảnh” trong đó chúng ta phát triển cuộc sống và các dự án của mình. Vì “chúng ta là một phần của thiên nhiên, được hội nhập trong thiên nhiên và liên tục tương tác với thiên nhiên”,[[18]] và do đó, “chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong”.[[19]]
- Chính điều này loại trừ ý tưởng cho rằng con người là ngoại lai, một yếu tố ngoại lai chỉ có khả năng gây hại cho môi trường. Con người phải được công nhận là một phần của thiên nhiên. Cuộc sống, trí thông minh và tự do của con người là những yếu tố của thiên nhiên làm phong phú thêm hành tinh của chúng ta, là một phần của hoạt động nội tại và trạng thái cân bằng của nó.
- Vì lý do này, một hệ sinh thái lành mạnh cũng là kết quả của sự tương tác giữa con người và môi trường, như đã xảy ra trong các nền văn hóa bản địa và đã xảy ra trong nhiều thế kỷ ở các khu vực khác nhau trên trái đất. Các nhóm người thường “tạo ra” một môi trường,[ [20]] định hình lại nó theo một cách nào đó mà không phá hủy hay gây nguy hiểm cho nó. Vấn đề lớn nhất hiện nay là mô hình kỹ trị đã phá hủy mối quan hệ lành mạnh và hài hòa đó. Trong bất kỳ trường hợp nào, nhu cầu tất yếu để vượt ra khỏi mô hình đó, vốn rất tai hại và mang tính hủy diệt, sẽ không nằm ở việc phủ nhận con người, mà bao gồm sự tương tác của các hệ thống tự nhiên “với các hệ thống xã hội”.[[21]]
- Chúng ta cần phải cùng nhau suy nghĩ lại về sức mạnh con người, ý nghĩa và giới hạn của nó. Quả thực, chỉ trong vài thập kỷ, sức mạnh của chúng ta đã phát triển đến chóng mặt. Chúng ta đã có được những tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng kinh ngạc, nhưng đồng thời, chúng ta không nhận ra rằng, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật cũng như sự sống còn của chính chúng ta. Ngày nay cần nhắc lại nhận xét mỉa mai của Solov’ëv về một “thời đại đã tiến bộ đến mức thực sự là thời đại cuối cùng.”[[22]] Chúng ta cần có sự sáng suốt và trung thực để kịp thời nhận ra rằng sức mạnh và sự tiến bộ mà chúng ta tạo ra đang chống lại chính mình.[[23]]
Sự nhức nhối về mặt đạo đức [El aguijón ético]
- Sự suy thoái đạo đức của quyền lực thực sự lại được che đậy bằng hoạt động tiếp thị và thông tin sai lệch, vốn là những cơ chế hữu ích nằm trong tay những người có nhiều nguồn lực hơn để tác động đến dư luận thông qua chúng. Nhờ các cơ chế này, khi khởi động một dự án có tác động môi trường mạnh mẽ và gây ô nhiễm đáng kể, người dân trong khu vực bị lừa dối, họ bị thuyết phục bởi những tiến bộ có thể có được ở địa phương, hoặc về các cơ hội kinh tế trong lãnh vực việc làm, và phát triển con người trên con cái họ. Nhưng trên thực tế, họ lại không thực sự quan tâm đến tương lai của những người này, vì họ đã không cho người dân biết, một dự án như vậy sẽ để lại một vùng đất bị tàn phá, điều kiện sống và sinh hoạt bất lợi hơn rất nhiều, một vùng hoang vắng, ít người ở, không có sự sống và không có niềm vui chung sống và hy vọng, chưa kể đến thiệt hại chung mà cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho nhiều người khác.
- Người ta chỉ cần nghĩ đến cảm giác phấn khích nhất thời khi nhận được số tiền đổi lấy việc gửi chất thải hạt nhân ở một nơi nào đó. Căn nhà mua bằng số tiền đó đã biến thành nấm mồ vì dịch bệnh bùng phát. Và tôi nói không phải vì trí tưởng tượng phong phú, mà bởi điều gì đó chúng tôi đã trải nghiệm. Người ta có thể nói rằng đây là một ví dụ cực đoan, nhưng trong những trường hợp này không có chỗ để nói về những thiệt hại “nhỏ hơn”, vì chính việc tích lũy những thiệt hại được coi là có thể chấp nhận được đã đưa chúng ta đến tình trạng hiện nay.
- Tình trạng này không chỉ liên quan đến vật lý hay sinh học mà còn liên quan đến nền kinh tế và cách chúng ta quan niệm về nó. Não trạng đạt được lợi ích tối đa với chi phí tối thiểu, được ngụy trang dưới dạng tính hợp lý, tiến bộ và những lời hứa hão huyền, khiến không thể có bất kỳ mối quan tâm chân thành nào đối với ngôi nhà chung của chúng ta, và bất kỳ mối bận tâm thực sự nào về việc hỗ trợ người nghèo, cũng như những người thiếu thốn bị xã hội của chúng ta bỏ rơi. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nhận thấy rằng, bị choáng váng và bị mê hoặc bởi những lời hứa của rất nhiều tiên tri giả, chính người nghèo đôi khi rơi vào sự lừa dối của một thế giới không được xây dựng cho họ.
- Những ý tưởng sai lầm đang phát triển xung quanh cái gọi là “chế độ nhân tài” đã trở thành một quyền lực của những người “có công” mà tất cả mọi thứ phải phục tùng, một sự thống trị của những người sinh ra trong điều kiện phát triển tốt hơn. Một cách tiếp cận lành mạnh đối với giá trị của sự làm việc chăm chỉ, phát triển khả năng bẩm sinh của một người và tinh thần chủ động đáng khen ngợi là một chuyện, nhưng nếu người ta không tìm kiếm sự bình đẳng thực sự về cơ hội, “chế độ nhân tài” có thể dễ dàng trở thành một tấm bình phong củng cố hơn nữa sự đặc quyền của một số ít người có quyền lực lớn. Theo logic nghịch lý này, tại sao họ phải quan tâm đến thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta, nếu họ cảm thấy được bảo vệ an toàn bởi nguồn tài chính mà họ kiếm được bằng khả năng và nỗ lực của mình?
- Trong lương tâm của chính mình, và trước mặt những đứa trẻ sẽ phải trả giá cho những thiệt hại do hành động của chúng, câu hỏi về ý nghĩa chắc chắn sẽ nảy sinh: “Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì? Thời gian của tôi trên trái đất này có ý nghĩa gì? Và ý nghĩa cuối cùng của mọi công việc và nỗ lực của tôi là gì?”
- Sự yếu kém của chính trị quốc tế
- Mặc dù “thời đại của chúng ta dường như đang có dấu hiệu thoái trào nhất định… mỗi thế hệ mới phải tiếp tục những nỗ lực và thành tựu của các thế hệ tiền nhân, đồng thời đặt mục tiêu của mình cao hơn nữa. Đó chính là con đường. Điều thiện hảo, cùng với tình yêu thương, công lý và tình liên đới, không thể đạt được một lần cho mãi mãi; chúng phải được thực chinh phục mỗi ngày một hơn”.[[24]] Để có được những tiến bộ vững chắc và lâu dài, tôi nhấn mạnh rằng, “nên dành ưu tiên cho các hiệp định đa phương giữa các quốc gia”.[[25]]
- Không nên nhầm lẫn chủ nghĩa đa phương với quyền lực toàn cầu tập trung vào một cá nhân hoặc vào một nhóm tinh hoa có quyền lực quá mức: “Khi chúng ta nói về khả năng có một số hình thức quyền lực thế giới được pháp luật quy định, chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến một thẩm quyền cá nhân”.[[26]] Trước hết, chúng ta đang nói về “sự tổ chức toàn cầu hiệu quả hơn, có thẩm quyền để đảm bảo lợi ích chung toàn cầu, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ chắc chắn các quyền cơ bản của con người”.[[27]] Vấn đề là các tổ chức này phải được trao quyền thực sự để bảo đảm thực hiện một số mục tiêu thiết yếu. Bằng cách này, có thể hình thành một chủ nghĩa đa phương không phụ thuộc vào việc thay đổi các điều kiện chính trị hoặc lợi ích của một số ít người nhất định và có hiệu quả ổn định.
- Thật đáng tiếc là các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang bị lãng phí trong khi chúng có thể là cơ hội mang lại những thay đổi có lợi.[[28]] Đây là những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính, năm 2007-2008, và một lần nữa trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Vì “các chiến lược thực tế được phát triển trên toàn thế giới sau [những cuộc khủng hoảng đó] đã thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân lớn hơn, ít hội nhập hơn và tăng cường tự do cho những người thực sự có quyền lực, những người luôn tìm cách thoát khỏi nguy hiểm”.[[29]]
Tái cấu trúc chủ nghĩa đa phương
- Thay vì cứu vãn chủ nghĩa đa phương cũ, có vẻ như thách thức ngày nay là tái cơ cấu và tái tạo chủ nghĩa đa phương phù hợp với tình hình toàn cầu mới. Tôi mời gọi sự thừa nhận rằng “nhiều nhóm và tổ chức trong xã hội dân sự giúp bù đắp những thiếu sót của cộng đồng quốc tế, sự thiếu phối hợp trong những tình huống phức tạp và sự thiếu quan tâm đến các quyền cơ bản của con người”.[[30]] Ví dụ, Quy trình Ottawa chống lại việc sử dụng, sản xuất và chế tạo mìn sát thương là một điển hình cho thấy xã hội dân sự, với các tổ chức của nó, có khả năng tạo ra động lực hiệu quả như thế nào mà Liên Hợp Quốc không thể làm được. Bằng cách này, nguyên tắc bổ trợ cũng được áp dụng cho mối liên hệ toàn cầu-địa phương.
- Trong trung hạn, toàn cầu hóa thúc đẩy trao đổi văn hóa tự phát, hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và các tiến trình hội nhập của người dân mà cuối cùng dẫn đến một chủ nghĩa đa phương “từ dưới lên” chứ không chỉ đơn giản được quyết định bởi giới tinh hoa quyền lực. Những yêu cầu xuất hiện “từ bên dưới” trên khắp thế giới, nơi các nhà hoạt động từ nhiều quốc gia khác nhau giúp đỡ và đồng hành cùng nhau, cuối cùng có thể gây áp lực lên các nhân tố quyền lực. Hy vọng điều này sẽ xảy ra liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là lý do tại sao tôi nhắc lại rằng “nếu công dân không kiểm soát quyền lực chính trị – quốc gia, khu vực và thành phố – thì việc kiểm soát thiệt hại về môi trường cũng không thể thực hiện được”.[[31]]
- Văn hóa hậu hiện đại đã tạo ra một sự nhạy cảm mới đối với những người yếu thế hơn và ít được trao quyền hơn. Điều này gắn liền với sự nhấn mạnh của tôi trong Thông điệp Fratelli Tutti về tính ưu việt của con người và việc bảo vệ phẩm giá của họ trong mọi hoàn cảnh. Đây là một cách khác để mời gọi chủ nghĩa đa phương giải quyết các vấn đề thực sự của nhân loại, trên hết là tìm kiếm sự tôn trọng phẩm giá của con người, để đạo đức được ưu tiên hơn các lợi ích địa phương hoặc hoàn cảnh.
- Vấn đề không phải là thay thế chính trị, bởi vì mặt khác, các cường quốc mới nổi ngày càng trở nên phù hợp hơn và trên thực tế có khả năng đạt được những kết quả đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể, như một số cường quốc đã chứng minh điều này trong thời kỳ đại dịch. Thực tế là câu trả lời cho các vấn đề có thể đến từ bất kỳ quốc gia nào, dù nhỏ đến đâu, cuối cùng khiến chủ nghĩa đa phương được công nhận là con đường tất yếu.
- Nền ngoại giao cũ, cũng đang trong cơn khủng hoảng, vẫn tiếp tục cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của nó. Nó vẫn chưa tạo ra được một mô hình ngoại giao đa phương đáp ứng với cấu hình mới của thế giới, nhưng nếu nó biết cách tự cấu hình lại, nó phải là một phần của giải pháp, bởi vì kinh nghiệm hàng thế kỷ cũng không thể bị loại bỏ.
- Thế giới đang trở nên đa cực và đồng thời phức tạp đến mức cần phải có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả. Sẽ chưa đủ nếu chỉ nghĩ về sự cân bằng quyền lực mà còn về sự cần thiết phải ứng phó với những thách thức mới và phản ứng bằng các cơ chế toàn cầu trước những thách thức về môi trường, y tế, văn hóa và xã hội, đặc biệt là củng cố sự tôn trọng các quyền cơ bản nhất của con người, các quyền lợi xã hội, quyền và chăm sóc ngôi nhà chung. Vấn đề là thiết lập các quy tắc toàn cầu và hiệu quả để “đảm bảo” sự bảo vệ toàn cầu này.
- Tất cả điều này giả định rằng một thủ tục mới cho quá trình ra quyết định và hợp pháp hóa những quyết định đó phải được thực hiện, vì thủ tục được thiết lập cách đây vài thập kỷ là không đủ và dường như không có hiệu quả. Trong bối cảnh này, cần có không gian đối thoại, tham vấn, phân xử, giải quyết xung đột, giám sát, và nói tóm lại là một loại “dân chủ hóa” lớn hơn trong phạm vi toàn cầu, để các tình huống khác nhau được thể hiện và kết hợp. Sẽ không còn hữu ích nếu chỉ hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền của kẻ mạnh nhất mà không giải quyết quyền lợi của tất cả mọi người khác.
- Hội nghị về khí hậu: Tiến bộ và thất bại
- Trong nhiều thập kỷ nay, đại diện của hơn 190 quốc gia đã gặp nhau định kỳ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hội nghị Rio de Janeiro năm 1992 đã dẫn đến việc thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), một hiệp ước có hiệu lực khi việc phê chuẩn cần thiết của các bên ký kết được ký kết vào năm 1994. Các quốc gia này gặp nhau hàng năm tại Hội nghị các Bên (COP), cơ quan ra quyết định cao nhất. Một số Hội nghị này đã thất bại, như Hội nghị Copenhagen (2009), trong khi những Hội nghị khác đã tạo điều kiện để đạt được những bước tiến quan trọng, như COP3 ở Kyoto (1997). Nghị định thư quan trọng của nó đặt ra mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính xuống 5% kể từ năm 1990. Thời hạn là năm 2012, nhưng rõ ràng là điều này đã không đạt được.
- Tất cả các bên cũng cam kết thực hiện các chương trình thích ứng nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra. Các điều khoản cũng được đưa ra để viện trợ nhằm trang trải chi phí cho các biện pháp ở các nước đang phát triển. Nghị định thư thực sự có hiệu lực vào năm 2005.
- Sau đó, người ta đề xuất tạo ra một cơ chế liên quan đến những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cơ chế này công nhận những nước giàu hơn phải chịu trách nhiệm chính và tìm cách bù đắp những mất mát và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra ở những nước dễ bị tổn thương hơn. Vấn đề không phải là tài trợ cho việc “thích ứng” của các quốc gia đó mà là bồi thường cho họ những thiệt hại đã gánh chịu. Câu hỏi này là chủ đề của các cuộc thảo luận quan trọng tại nhiều Hội nghị khác nhau.
- Hội nghị COP21 ở Paris (2015) là một thời điểm quan trọng khác, vì nó tạo ra một thỏa thuận có sự tham gia của tất cả mọi người. Có thể coi đây là một khởi đầu mới do không đạt được mục tiêu đã đặt ra trước đó. Thỏa thuận này có hiệu lực vào ngày 4 tháng 11 năm 2016. Mặc dù là một thỏa thuận ràng buộc, nhưng không phải tất cả các quyết định của nó đều là nghĩa vụ theo nghĩa chặt chẽ và một số trong đó có nhiều chỗ để tùy ý quyết định. Trong mọi trường hợp, nói một cách chính xác, không có quy định nào về các biện pháp trừng phạt trong trường hợp các cam kết không được thực hiện, cũng như không có các công cụ hữu hiệu để đảm bảo việc thực hiện các cam kết đó. Nó cũng mang lại sự linh hoạt nhất định trong trường hợp của các nước đang phát triển.
- Thỏa thuận Paris đưa ra một mục tiêu rộng lớn và đầy tham vọng: duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và với mục đích giảm chúng xuống 1,5°C. Công việc vẫn đang được tiến hành để củng cố thủ tục cụ thể để giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho các tiêu chí chung để so sánh mục tiêu của các quốc gia khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc đạt được đánh giá khách quan (định lượng) hơn về kết quả thực tế.
- Sau một số Hội nghị với kết quả khan hiếm và sự thất vọng về Hội nghị COP25 ở Madrid (2019), người ta hy vọng rằng quán tính này sẽ được đảo ngược tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (2021). Trên thực tế, kết quả của nó là khởi động lại Thỏa thuận Paris, vốn đã bị đình trệ do ảnh hưởng chung của đại dịch. Hơn nữa, có rất nhiều “khuyến nghị” mà hiệu quả thực tế khó có thể lường trước được. Các đề xuất nhằm đảm bảo sự chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả sang các dạng năng lượng thay thế và ít gây ô nhiễm hơn đã không đạt được tiến triển nào.
- Hội nghị COP27 ở Sharm El Sheikh (2022) ngay từ đầu đã bị đe dọa bởi tình hình do cuộc xâm lược Ucraina gây ra, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng đáng kể. Việc sử dụng carbon tăng lên và mọi người đều tìm cách có đủ nguồn cung cấp. Các nước đang phát triển coi việc tiếp cận năng lượng và triển vọng phát triển là ưu tiên cấp bách. Có sự cởi mở rõ ràng trong việc thừa nhận thực tế rằng nhiên liệu dễ cháy vẫn cung cấp 80% năng lượng của thế giới và việc sử dụng chúng tiếp tục gia tăng.
- Hội nghị ở Ai Cập này là một điển hình nữa về sự khó khăn của các cuộc đàm phán. Có thể nói, ít nhất nó cũng đánh dấu một bước tiến trong việc củng cố một hệ thống tài trợ “tổn thất và thiệt hại” ở những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa khí hậu. Điều này dường như sẽ mang lại tiếng nói mới và vai trò lớn hơn cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, nhiều điểm vẫn chưa chính xác, trên hết là trách nhiệm cụ thể của các quốc gia phải đóng góp.
- Ngày nay chúng ta có thể tiếp tục khẳng định rằng, “các hiệp định đã được thực hiện kém, do thiếu những cơ chế thích hợp để giám sát, xác minh định kỳ và xử phạt trong những trường hợp không tuân thủ. Các nguyên tắc của bản tuyên ngôn này vẫn đợi chờ các phương thế áp dụng thực tế cách hiệu quả và linh hoạt hơn”.[[32]] Ngoài ra, “các cuộc đàm phán quốc tế không thể đạt được bước tiến quan trọng bởi vị thế quyền lực của các quốc gia đặt lợi ích riêng trên thiện ích chung toàn cầu. Những quốc gia đang gánh chịu hậu quả của những điều chúng ta tìm cách che giấu sẽ không quên sự thất bại về lương tâm và trách nhiệm này”.[[33]]
- Mong đợi điều gì từ Hội nghị COP28 ở Dubai?
- Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị COP28 tiếp theo. Đây là một quốc gia thuộc Vịnh Ba Tư được biết đến là một nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, mặc dù nước này đã đầu tư đáng kể vào các nguồn năng lượng tái tạo. Trong khi đó, các công ty dầu khí đang để mắt đến các dự án mới ở đó để tiếp tục mở rộng sản xuất. Nói rằng không còn gì để hy vọng sẽ là một hành động tự sát, bởi nó có nghĩa là đẩy toàn bộ nhân loại, đặc biệt là những người nghèo nhất, trước những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
- Nếu chúng ta tin tưởng vào khả năng con người vượt qua những lợi ích nhỏ bé và suy nghĩ theo hướng lớn hơn, chúng ta không thể ngừng hy vọng rằng Hội nghị COP28 này sẽ dẫn đến sự tăng tốc rõ rệt của quá trình chuyển đổi năng lượng, với những cam kết hiệu quả có thể bị giám sát thường xuyên. Hội nghị này có thể là một bước ngoặt, cho thấy mọi việc đã được thực hiện kể từ năm 1992 là nghiêm túc và đáng giá, hoặc sẽ là một nỗi thất vọng lớn và sẽ gây nguy hiểm cho tất cả những điều tốt đẹp đã đạt được cho đến nay.
- Bất chấp nhiều cuộc đàm phán và thỏa thuận, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Đúng là chúng ta có thể nói rằng, nếu không có những thỏa thuận này, chúng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nhưng đối với các chủ đề khác liên quan đến môi trường, khi có ý chí, người ta đã đạt được những kết quả rất đáng kể, như trường hợp bảo vệ tầng ozone. Mặt khác, quá trình chuyển đổi cần thiết sang năng lượng sạch như năng lượng gió và mặt trời, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, diễn ra chưa đủ nhanh. Do đó, những gì đang được thực hiện có nguy cơ bị hiểu đơn thuần là một trò chơi đánh lạc hướng.
- Chúng ta phải ngừng tỏ ra nhận thức được vấn đề, nhưng đồng thời cũng thiếu can đảm để thực hiện những thay đổi đáng kể. Chúng ta biết rằng với tốc độ này chỉ trong vài năm nữa, chúng ta sẽ vượt qua giới hạn tối đa được khuyến nghị là 1,5°C, và ngay sau đó thậm chí đạt tới 3°C, với nguy cơ cao sẽ đạt đến đỉnh điểm. Ngay cả khi chúng ta không đạt đến điểm không thể quay lại này, thì chắc chắn rằng hậu quả sẽ là thảm khốc và các biện pháp khẩn cấp sẽ phải được thực hiện, với chi phí khổng lồ và những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng và không thể chịu đựng được. Mặc dù các biện pháp mà chúng ta có thể thực hiện bây giờ rất tốn kém, nhưng chi phí sẽ càng nặng nề hơn nếu chúng ta chờ đợi lâu hơn.
- Tôi cho rằng điều cần thiết là phải nhấn mạnh rằng “chỉ tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật cho từng vấn đề môi trường nảy sinh là tách biệt những gì trên thực tế có mối liên hệ với nhau và che giấu những vấn đề thực sự và sâu sắc nhất của hệ thống toàn cầu”.[[34]] Đúng là cần phải có những nỗ lực thích ứng khi đối mặt với những tệ nạn không thể đảo ngược trong thời gian ngắn. Ngoài ra, một số biện pháp can thiệp và tiến bộ công nghệ giúp hấp thụ hoặc thu giữ khí thải cũng tỏ ra đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, chúng ta có nguy cơ vẫn bị mắc kẹt trong suy nghĩ dán và dán giấy lên các vết nứt, trong khi bên dưới bề mặt vẫn đang có sự suy thoái liên tục mà chúng ta tiếp tục góp phần vào. Giả sử rằng bất kỳ vấn đề nào trong tương lai đều có thể được giải quyết bằng các biện pháp can thiệp kỹ thuật mới, đó chính là một dạng chủ nghĩa thực dụng giết người, giống như đẩy một quả cầu tuyết xuống chân đồi.
- Chúng ta hãy chấm dứt một lần và mãi mãi sự nhạo báng vô trách nhiệm coi chủ đề này chỉ là môi trường, “xanh”, lãng mạn, thường bị chế giễu bởi các lợi ích kinh tế. Cuối cùng, chúng ta hãy chấp nhận rằng, đây là một vấn đề của con người và xã hội ở bất kỳ cấp độ nào. Vì lý do này, nó kêu gọi sự tham gia của tất cả mọi người. Tại các Hội nghị về Khí hậu, hành động của các nhóm bị chỉ trích là “cực đoan hóa-radicalizzati” thường thu hút sự chú ý. Nhưng trên thực tế, chúng lấp đầy khoảng trống trong toàn xã hội, điều này sẽ tạo ra một “áp lực” lành mạnh, bởi vì mỗi gia đình đều nghĩ rằng tương lai của con cái họ đang bị đe dọa.
- Nếu có sự quan tâm chân thành đến việc biến Hội nghị COP28 thành một sự kiện lịch sử nhằm tôn vinh và tôn vinh chúng ta với tư cách là con người, thì người ta chỉ có thể hy vọng vào các hình thức chuyển đổi năng lượng ràng buộc đáp ứng ba điều kiện: chúng hiệu quả, bắt buộc và dễ dàng giám sát. Điều này nhằm đạt được sự khởi đầu của một tiến trình mới được đánh dấu bằng ba yêu cầu: phải quyết liệt, mãnh liệt và dựa vào sự cam kết của tất cả mọi người. Đó không phải là những gì đã xảy ra cho đến nay, và chỉ một quá trình thuộc loại này mới có thể giúp nền chính trị quốc tế lấy lại được uy tín của nó, vì chỉ bằng cách cụ thể này mới có thể giảm đáng kể mức độ carbon dioxide và ngăn chặn những tệ nạn thậm chí còn lớn hơn theo thời gian.
- Chúng tôi hy vọng rằng những người phát biểu là những nhà chiến lược có khả năng suy nghĩ về lợi ích chung và tương lai của con cái họ, thay vì lợi ích cụ thể của một quốc gia hoặc công ty nào đó. Mong sao họ thể hiện được sự cao quý của chính trị chứ không phải sự xấu hổ của nó. Đối với những người có quyền lực, tôi chỉ có thể lặp lại câu hỏi này: “Tại sao thời nay người ta lại muốn duy trì một thứ quyền lực sẽ được ghi nhớ chỉ vì nó không có khả năng can thiệp khi cần thiết và cấp bách?”[[35]]
- Động lực thiêng liêng
- Về vấn đề này, tôi không thể không nhắc nhở các tín hữu Công giáo về những động lực phát sinh từ đức tin của họ. Tôi khuyến khích quý vị thuộc các tôn giáo khác cũng làm như vậy, vì chúng ta biết rằng đức tin đích thực không chỉ mang lại sức mạnh cho trái tim con người, mà còn biến đổi cuộc sống, biến đổi các mục tiêu của chúng ta và làm sáng tỏ mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thụ tạo như một trọn.
Trong ánh sáng đức tin
- Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Vương quốc của Người là “cõi đất và muôn loài trong đó” (Đnl 10,14). Vì thế, Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23). Do đó, “trách nhiệm đối với trái đất do Thiên Chúa tạo nên cũng có nghĩa là con người, được phú cho trí thông minh, phải tôn trọng các quy luật tự nhiên và sự cân bằng mong manh tồn tại giữa các sinh vật của thế giới này”.[[36]]
- Đồng thời, “toàn bộ vũ trụ, trong tất cả các mối tương quan đa dạng của nó, cho thấy sự phong phú vô tận của Thiên Chúa”. Do đó, để trở nên khôn ngoan, “chúng ta cần nắm bắt được sự đa dạng của mọi thứ trong nhiều mối liên hệ của chúng”.[[37]] Đi theo con đường trí tuệ này, chúng ta không thờ ơ khi có rất nhiều loài đang biến mất và cuộc khủng hoảng khí hậu gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật khác.
- Đức Giêsu “đã có thể mời gọi mọi người chú ý đến vẻ đẹp hiện hữu trên thế giới, bởi vì chính Người luôn tiếp xúc với thiên nhiên, ban cho thiên nhiên một sức hấp dẫn đầy trìu mến và kỳ diệu. Khi đi ngang qua các miền đất, Người thường dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà Chúa Cha đã gieo trồng, và mời gọi các môn đệ cảm nhận sứ điệp thánh thiêng nơi vạn vật.”[[38]]
- Do đó, “các thụ tạo trên trần gian xuất hiện trước mặt chúng ta không phải như những thực tại tự nhiên nữa, nhưng Đấng Phục Sinh bao phủ chúng cách nhiệm mầu, và hướng chúng đến một sự viên mãn tròn đầy. Ngay cả những bông hoa trên cánh đồng và những chú chim mà Người ngắm nhìn một cách kinh ngạc bằng đôi mắt nhân loại, thì giờ đây cũng tràn ngập sự hiện diện rực rỡ của Người.”[[39]] Nếu “vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Đấng lấp đầy nó hoàn toàn… thì có một ý nghĩa nhiệm mầu được tìm thấy trong từng chiếc lá, nơi một con đường mòn trên núi, trong một giọt sương, trên khuôn mặt của một người nghèo khó.”[[40]] Thế giới ca hát về một Tình yêu vô hạn: làm sao chúng ta có thể không quan tâm đến nó?
Hành trình trong sự hiệp thông và dấn thân
- Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta với mọi thụ tạo của Người. Tuy nhiên, mô hình kỹ trị có thể cô lập chúng ta khỏi thế giới xung quanh và đánh lừa chúng ta bằng cách khiến chúng ta quên rằng toàn bộ thế giới là một “vùng tiếp xúc”.[[41]]
- Quan điểm của Do Thái giáo-Kitô giáo về vũ trụ bảo vệ giá trị đặc biệt và trung tâm của con người giữa sự hòa hợp tuyệt vời của tất cả mọi sinh vật, nhưng ngày nay chúng ta buộc phải thừa nhận rằng chỉ có thể thực hiện được một “chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm”. Nói cách khác, thừa nhận rằng cuộc sống con người không thể hiểu được và không thể tồn tại nếu không có các sinh vật khác. Bởi vì “chúng ta và mọi sinh vật trong vũ trụ được hợp nhất bởi những mối dây liên kết vô hình, và cùng nhau tạo thành một gia đình phổ quát, một sự hiệp thông cao cả, khiến chúng ta tràn ngập sự tôn trọng thánh thiêng, trìu mến và khiêm tốn.”[[42]]
- Đây không phải là sản phẩm của ý chí riêng của chúng ta; nguồn gốc của nó nằm ở nơi khác, trong sâu thẳm con người chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa đã gắn kết chúng ta với thế giới xung quanh chúng ta rất chặt chẽ đến nỗi chúng ta có thể cảm nhận được sự sa mạc hóa của trái đất gần như một căn bệnh thể xác, và sự tuyệt chủng của một giống loài thì cũng như một sự biến dạng đớn đau.”[[43]] Vậy chúng ta hãy ngừng suy nghĩ về con người như tự chủ, toàn năng và vô hạn, và bắt đầu nghĩ về bản thân mình một cách khác, một cách khiêm tốn hơn nhưng hiệu quả hơn.
- Tôi xin mọi người hãy đồng hành với cuộc hành hương hòa giải này với thế giới là căn nhà chung của chúng ta và giúp làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn, bởi vì sự dấn thân đó liên quan đến phẩm giá cá nhân và những giá trị cao nhất của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải chân thành và thừa nhận rằng các giải pháp hiệu quả nhất sẽ không chỉ đến từ nỗ lực của từng cá nhân, mà trên hết là từ các quyết định chính sách lớn của quốc gia và quốc tế.
- Tuy nhiên, mọi thứ đều cộng hưởng, và việc tránh nhiệt độ toàn cầu tăng 1 phần 10 độ C, thì có thể đã đủ để giúp nhiều người bớt khổ đau hơn. Nhưng điều quan trọng là một điều gì đó ít định lượng hơn: hãy nhớ rằng không có sự thay đổi lâu dài nếu không có sự thay đổi về văn hóa, sẽ không có sự trưởng thành trong lối sống và niềm tin của xã hội, và không có những thay đổi văn hóa nào mà không có những thay đổi về con người.
- Những nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm lãng phí và tiêu dùng khôn ngoan đang tạo ra một nền văn hóa mới. Thực tế đơn giản là việc thay đổi thói quen cá nhân, gia đình và cộng đồng làm dấy lên mối lo ngại về trách nhiệm chưa được hoàn thành của các thành phần chính trị và sự phẫn nộ trước sự thờ ơ của kẻ có quyền lực. Do đó, cần lưu ý rằng, ngay cả khi điều này không tạo ra tác động rất đáng kể ngay từ quan điểm định lượng, nó vẫn góp phần hiện thực hóa các quá trình chuyển đổi lớn vận hành từ sâu thẳm xã hội.
- Nếu chúng ta cho rằng lượng khí thải bình quân đầu người ở Hoa Kỳ xấp xỉ gấp đôi so với lượng phát thải của một người dân Trung Quốc và cao hơn khoảng bảy lần so với mức trung bình của các nước nghèo nhất,[[44]] chúng ta có thể khẳng định rằng một sự thay đổi rộng rãi cho lối sống vô trách nhiệm gắn liền với mô hình phương Tây sẽ có tác động lâu dài đáng kể. Như vậy, với những quyết định chính trị tất yếu, chúng ta sẽ đi trên con đường quan tâm lẫn nhau.
- “Hãy ngợi khen Thiên Chúa” chính là tựa đề của Tông huấn này. Bởi một khi con người cố gắng chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa thì con người sẽ trở thành mối nguy hiểm tồi tệ nhất cho chính mình.
Ban hành tại Rôma, tại Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô, vào ngày 4 tháng 10 năm 2023, Lễ thánh Phanxicô Assisi, năm thứ 11 triều Giáo hoàng của tôi.
Phanxicô
PHẦN PHỤ TRƯƠNG:
LỜI CẦU NGUYỆN THEO LAUDATE DEUM
(Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Lời cầu nguyện này được lấy cảm hứng từ Tông huấn Laudate Deum của Đức Giáo hoàng Phanxicô, về việc chăm sóc công trình sáng tạo, tiếp theo Thông điệp Laudato Si’).
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài, Đấng Tạo Thành muôn loài,
Đấng bày tỏ ý nghĩa nhiệm mầu của Ngài qua “từng chiếc lá,
nơi con đường mòn trên vách núi cheo leo,
nơi từng giọt sương rơi,
nơi từng khuôn mặt của những người hèn mọn.”[1]
Chính Đức Giêsu, Con Cha, đã dạy chúng con biết chiêm ngưỡng,
Như chính Người đã chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài thụ tạo, khi Người đi qua các vùng đất khac nhau. [2]
Lạy Thiên Chúa, chúng con cầu xin Ngài khơi lên nơi chúng con
một ý thức tôn kính về mối liên kết vô hình của chúng con với toàn thể thế giới được tạo thành.
Chúng con cầu xin ơn khiêm nhường—
để nhớ rằng chúng con cũng được tạo thành và chúng con không phải là chủ nhân của sự sáng tạo.
Chúng con cầu xin có một lòng nhân ái—
để mở rộng đôi mắt và tâm hồn, để đón tiếp những người buộc phải rời bỏ nhà cửa do hạn hán và do mực nước biển dâng cao.
Chúng con cầu xin ơn sám hối—
để những khát vọng quyền lực và thống trị nơi chúng con, hầu có thể được biến đổi thành sự phục vụ.
Chúng con xin ơn sống đơn sơ—
và ý chí từ bỏ lòng tham của chúng con, vì điều này tác động đến những người dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi.
Chúng con cầu xin cho ơn hoán cải nền văn hóa—
để chúng con có thể đơn giản hóa lối sống của mình, giảm ô nhiễm và lãng phí, đồng thời khi đưa ra một quyết định nào đó, được thực hiện trong sự thận trọng.
Chúng con cầu xin những thay đổi chính sách—
rằng với tư cách trong một quốc gia và thế giới, chúng con có thể cùng nhau hợp tác để đảo ngược tiến trình biến đổi khí hậu.
Lòng chúng con đau thắt khi suy gẫm:
“Thế giới ca hát về một Tình yêu vô hạn: làm sao chúng con có thể không quan tâm đến nó?” [3]
Lạy Thiên Chúa, chúng con ngợi khen Ngài,
Chúng con tin tưởng rằng Chúa hành động trong tâm hồn chúng con và thông qua các hành động của chúng con, để chúng con có thể chăm sóc tốt hơn cho ngôi nhà chung của chúng con. Amen.
Chú thích:
- Tông huấn Laudate Deum, trích Thông điệp Laudato Si’, số 1 và 233.
- Tông huấn Laudate Deum, số 1 và 64, trích Thông điệp Laudato Si’, số 97.
- Tông huấn Laudate Deum, số 1 và 65.
LỜI CẦU NGUYỆN CHO TRÁI ĐẤT CỦA CHÚNG TA
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Cha đang hiện diện trong toàn thể vũ trụ và trong các loài thọ tạo nhỏ bé nhất của Cha.
Cha ôm lấy tất cả mọi sự đang hiện hữu bằng sự dịu dàng của Cha.
Xin đổ tràn trên chúng con sức mạnh tình yêu của Cha, để chúng con có thể bảo vệ sự sống và vẻ đẹp của muôn loài.
Xin đổ tràn ơn bình an trên chúng con, để chúng con có thể sống với nhau như những anh chị em, mà không làm hại một ai.
Ôi lạy Thiên Chúa của người nghèo,
xin giúp chúng con biết cứu người bị bỏ rơi
và bị lãng quên trên trái đất này, họ vốn quá quý giá trước mắt Cha.
Xin ban ơn chữa lành cho đời sống chúng con,
để chúng con có thể bảo vệ thế giới
chứ không tận diệt thế giới,
để chúng con có thể gieo vãi vẻ đẹp,
chứ không phải gieo sự ô nhiễm và huỷ diệt.
Xin chạm đến những tâm hồn
của những người đang chỉ biết tìm tư lợi
bằng cái giá của người nghèo và trái đất.
Xin dạy chúng con biết khám phá giá trị của từng sự vật, để được lấp đầy bằng sự tôn kính và chiêm ngưỡng, để nhận biết rằng chúng con được hiệp nhất sâu sắc với mọi loại thọ tạo
trên hành trình tiến về ánh sáng vô biên của Cha.
Chúng con xin tạ ơn Cha
Vì hằng hiện diện với chúng con mỗi ngày.
Xin khích lệ chúng con, khi chúng con cầu nguyện, trong cuộc chiến của chúng con cho công lý, hòa bình và tình yêu thương.
LỜI CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO TRONG SỰ HIỆP NHẤT VỚI MỌI THỤ TẠO
Lạy Cha, chúng con ngợi khen Cha,
cùng với tất cả mọi thụ tạo của Cha.
Tất cả đều xuất phát từ bàn tay quyền năng của Cha;
Tất cả là của Cha, được đầy tràn
bằng sự hiện diện của Cha và tình yêu dịu dàng của Cha. Xin chúc tụng Cha!
Lạy Đức Giêsu, là Con Đức Chúa Cha,
chính nhờ Ngài mà mọi sự được tạo thành.
Ngài đã được tác thành trong cung lòng Đức Maria, Ngài đã trở thành một phần của trái đất này,
và Ngài đã chiêm ngắm thế giới này bằng đôi mắt nhân loại của Ngài.
Ngày nay Ngài đang sống trong mọi loài thụ tạo, trong vinh quang phục sinh của ngài.
Xin chúc tụng ngài!
Lạy Chúa Thánh Thần, nhờ ánh sáng của Ngài,
Ngài hướng dẫn thế giới này hướng về tình yêu của Chúa Cha,
và đồng hành với muôn loài,
khi nó rên siết trong khổ đau.
Ngài cũng ngự trị trong tâm hồn chúng con,
và khơi lên trong chúng con ước muốn điều thiện hảo.
Xin chúc tụng Ngài!
Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, cộng đoàn tuyệt hảo của tình yêu vô biên,
xin dạy chúng con biết chiêm ngắm Chúa
trong vẻ đẹp của vũ trụ, vì mọi sự đều loan báo về Ngài.
Xin gia tăng tâm tình ngợi khen và cảm tạ của chúng con
vì mọi hữu thể Chúa đã dựng nên.
Xin ban cho chúng con ân sủng
để cảm thấy được kết hiệp với muôn loài như nó là.
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin chỉ cho chúng con
thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như là những con kênh của tình yêu Chúa
cho tất cả mọi loài thọ tạo trên trái đất này,
vì không loại nào trong đó bị lãng quên trong ánh mắt Chúa.
Xin soi sáng cho những ai đang nắm giữ quyền bính và của cải
để họ có thể tránh được tội vô cảm thờ ơ,
để họ có thể quý chuộng thiện ích chung,
thăng tiến người yếu thế, và chăm sóc cho thế giới này mà chúng con đang sống.
Người nghèo và trái đất đang kêu khóc.
Ôi lạy Thiên Chúa,
xin bao phủ chúng con bằng năng quyền và ánh sáng của Ngài,
xin giúp chúng con biết bảo vệ mọi sự sống,
biết chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn,
cho Nước Chúa hiển trị, vương quốc của công lý, hòa bình, tình yêu và thiện hảo.
Xin chúc tụng Chúa! Amen.
QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ MÔI SINH
Ngày nay, đề tài phát triển luôn gắn liền với trách nhiệm; những trách nhiệm này hình thành từ mối liên hệ giữa con người đối với môi sinh. Môi sinh được Thiên Chúa trao ban cho mọi người. Việc sử dụng nó đặt ra cho chúng ta trách nhiệm đối với người nghèo, với các thế hệ tương lai và với cả nhân loại. Nếu vạn vật, mà trước hết là con người, được coi là hoa trái của tình cờ hay của một tiến hóa định mệnh, thì ý thức trách nhiệm nơi lương tâm con người sẽ bị yếu đi. Trái lại, kẻ tin vào Thiên Chúa thì nhận ra công trình tạo dựng huyền diệu của Người trong thiên nhiên. Công trình này, con người được phép sử dụng để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ, nhưng phải trong tinh thần trách nhiệm và biết giữ cho thiên nhiên cân đối hài hòa. Nếu thiếu cái nhìn này, con người, hoặc sẽ coi thiên nhiên là bất khả xâm phạm, hoặc trái lại sẽ khai thác cạn kiệt nó. Cả hai thái độ đều không phản ảnh quan điểm Kitô giáo, coi thiên nhiên là hoa trái của Tạo Hóa.
Thiên nhiên nói lên một kế hoạch tình yêu và sự thật. Thiên nhiên có trước chúng ta và nó được Thiên Chúa trao ban cho chúng ta làm không gian sống. Nó nói cho chúng ta biết về Đấng Tạo Hóa (x. Rm 1,20) và về tình yêu của Người đối với nhân loại. Thiên nhiên được tạo tác với mục đích là sẽ “quy tụ muôn loài” lại trong Đức Kitô vào ngày sau hết (x. Ep 1,9-10; Cl 1,19-20). Như vậy, cả thiên nhiên cũng là một “ơn gọi”[1]. Nó không phải là “một đống đồ phế thải vương vãi tình cờ”[2] để ta sử dụng, nhưng là món quà của Đấng Tạo Hóa. Tạo Hóa ban cho nó những trật tự nội tại, để con người rút ra từ đó những định hướng cần thiết “hầu canh tác và chăm sóc nó” (St 2,15). Nhưng cũng phải nhấn mạnh điểm này, nếu coi thiên nhiên quan trọng hơn con người thì sẽ là ngược lại với phát triển đích thực. Quan điểm này sẽ dẫn đến những thái độ tân ngoại giáo hay một thứ thuyết phiếm thần mới mẻ: Một thiên nhiên được hiểu với ý nghĩa thuần túy tự nhiên không thể mang đến cứu rỗi cho con người được. Trái lại, cũng phải bác bỏ quan điểm ngược lại: Cố gắng tìm cách kỹ thuật hóa toàn bộ thiên nhiên. Lý do là vì môi trường thiên nhiên không phải chỉ là vật chất, để chúng ta có thể uốn nắn tùy ý, song đó là công trình huyền diệu của Đấng Tạo Hóa. Công trình này mang sẵn trong nó một “hệ thống văn phạm” ấn định mục tiêu và các tiêu chuẩn cho việc sử dụng một cách khôn ngoan, chứ không thể độc đoán và bừa bãi. Nhiều thiệt hại cho công cuộc phát triển ngày nay xuất phát từ những nhận định sai trái đó. Căn nguyên của bạo lực đối với môi sinh phát khởi từ quan điểm muốn giản lược thiên nhiên xuống thành một mớ sự kiện đơn giản; quan điểm này cũng là đầu mối cho những hành vi bất kính đối với bản chất tự nhiên của con người. Con người không chỉ thuần vật chất, mà còn cả tinh thần, do đó, nó mang nhiều ý nghĩa cũng như nhiều mục tiêu siêu việt để hướng tới, và nó cũng mang một đặc tính mẫu mực cho thiên nhiên. Con người giải thích và kiến tạo môi trường thiên nhiên nhờ văn hóa của mình; về phần mình, văn hóa này lại được xác định bởi sự tự do có trách nhiệm, và tôn trọng các quy luật luân lý. Do đó, các dự án phát triển con người toàn diện không thể bỏ qua các thế hệ tương lai; chúng phải được hoạch định dựa trên tình liên đới và công bằng giữa các thế hệ, đồng thời tính đến nhiều lãnh vực khác nhau như kinh tế, luật pháp, môi sinh, chính trị và văn hóa[3].
Ngày nay, vấn đề năng lượng cũng phải được quan tâm xứng đáng như những vấn đề liên quan tới việc chăm sóc và bảo vệ môi sinh. Việc thu mua các nguồn năng lượng không tái chế được do một số nước, một số tổ chức và công ty có ảnh hưởng lớn chủ trương được xem là một ngăn trở trầm trọng cho việc phát triển các quốc gia nghèo. Các quốc gia này không có phương tiện kinh tế để khai thác được những nguồn năng lượng không tái chế mà họ đang có, cũng không có khả năng tài chính để tìm kiếm những nguồn mới thay thế. Việc thu mua các nguồn năng lượng tự nhiên, mà đa phần diễn ra trong các nước nghèo, dẫn tới việc bóc lột và những xung đột thường xuyên giữa các quốc gia và trong chính các quốc gia. Những xung đột đó thường diễn ra trên đất các quốc gia nghèo với bao nhiêu hậu quả thảm khốc: chết chóc, phá hoại và rồi quốc gia khánh kiệt. Cộng đồng quốc tế phải làm sao cùng với các quốc gia nạn nhân nghèo tìm cho ra những con đường định chế để ngăn chặn việc bóc lột những nguồn tài nguyên không tái chế này và để cùng nhau hoạch định tương lai chung.
Cả trên trận tuyến này cũng cấp thiết phải có một mối liên đới mới về mặt đạo đức, đặc biệt trong quan hệ giữa các nước đang phát triển và những nước tân tiến[4]. Các nước tân tiến về mặt kỹ thuật có thể và phải giảm bớt mức tiêu thụ năng nượng của họ, một phần bởi vì nền sản xuất của họ sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều, và mặt khác, vì người dân trong các nước này có ý thức nhạy cảm hơn về vấn đề môi sinh. Ngoài ra, còn phải thêm là ngày nay người ta có thể gia tăng hiệu xuất của năng lượng, và đồng thời, có nhiều khả năng tìm ra những nguồn năng lượng thay thế mới. Tuy nhiên, việc phân phối lại nguồn dự trữ năng lượng trên toàn cầu cũng là cần thiết, để các quốc gia không có nguồn riêng cũng có thể tiếp cận được chúng. Không thể để cho số phận của họ bị định đoạt bởi lý của kẻ mạnh, hay của những kẻ nhanh chân đến trước xí phần. Đây là những vấn đề quan trọng. Để giải quyết chúng một cách hiệu quả, đòi hỏi mọi người phải ý thức về những hậu quả có thể đổ trên đầu các thế hệ tương lai, đặc biệt trên đầu nhiều người trẻ trong các nước nghèo, là những người “đòi hỏi phải được đóng góp phần mình vào công cuộc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”[5].
Trách nhiệm này mang tính toàn cầu, bởi vì nó không chỉ liên quan đến năng lượng mà còn liên quan đến toàn bộ công trình sáng tạo, mà chúng ta không thể phá hoại luôn phần của các thế hệ tương lai. Tạo Hóa dựng nên con người có khả năng xử sự với thiên nhiên một cách trách nhiệm, để bảo vệ, sử dụng và cả canh tác nó bằng những phương pháp kỹ thuật tân tiến, hầu có thể đón nhận và nuôi sống nhân loại địa cầu cách xứng đáng. Địa cầu có đủ chỗ cho mọi người: Nó cung cấp đủ tài nguyên cho toàn thể gia đình nhân loại, hầu họ có thể sống xứng đáng nhờ vào chính thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa cho con cái Người, nhờ vào lao động và óc sáng kiến của họ.
Tuy nhiên, chúng ta phải chỉ ra nghĩa vụ rất nghiêm túc là phải để lại cho các thế hệ tương lai một trái đất với tình trạng tốt đẹp, để họ cũng có thể có được một cuộc sống xứng đáng trên đó và tiếp tục canh tác nó cách dồi dào. Điều này bao hàm việc “phải có bổn phận cùng nhau lựa chọn với ý thức trách nhiệm con đường nào phải đi, để làm sao tăng cường được mối ràng buộc giữa người và môi sinh; mối dây này sẽ là một tấm gương phản chiếu tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc xuất phát của chúng ta mà cũng là cùng đích mà chúng ta đang hướng tới”[6]. Mong sao cộng đồng quốc tế và các chính quyền đừng để cho môi sinh bị sử dụng bào mòn tai hại. Các giới chức thẩm quyền cũng cần phải nỗ lực minh bạch hóa các chi phí kinh tế và xã hội trong việc sử dụng các tài nguyên môi sinh chung, và cố gắng chia đều chi phí đó cho những người hưởng thụ, chứ đừng bắt các thế hệ tương lai phải chịu gánh nặng đó. Việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ các nguồn tài nguyên và khí hậu đòi hỏi phải có một hành động chung của các thẩm quyền trách nhiệm trên bình diện quốc tế; họ cần phải sẵn sàng chung tay làm việc với các vùng nghèo nhất của địa cầu trong chân thành, đoàn kết, trách nhiệm và theo pháp luật[7]. Một trong những công tác quan trọng nhất của kinh tế chính là việc sử dụng hữu hiệu tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chứ không phải lãng phí chúng; mặc dù người ta phải lưu ý rằng khái niệm hữu hiệu ở đây không phải là trung lập về giá trị.
Cách thức con người xử sự với môi sinh sẽ ảnh hưởng lên cách thức họ đối xử với chính mình, và ngược lại. Điều này buộc xã hội hôm nay phải nghiêm túc xét lại lối sống của họ, một lối sống mà trên nhiều vùng trái đất hiện nay có khuynh hướng chạy theo khoái lạc và tiêu thụ, trong khi chẳng màng gì tới những thiệt hại nảy sinh từ lối sống đó[8]. Cần phải có một sự hoán cải thiêng liêng thực sự, để chúng ta có thể chấp nhận những lối sống mới, “trong đó việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với tha nhân vì sự thăng tiến chung, sẽ là những yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng, sự tiết kiệm và đầu tư”[9]. Mỗi mất mát trong mối liên đới công dân và tình huynh đệ sẽ tạo ra thương tích cho môi sinh, cũng như ngược lại, mỗi thương tích đối với môi sinh lại tạo nên bất ổn cho các quan hệ xã hội. Đặc biệt trong thời đại chúng ta thiên nhiên bị hòa nhập vào trong động năng của các dòng chảy xã hội và văn hóa, đến nỗi nó gần như không còn là một thông số độc lập nữa. Tình trạng sa mạc hóa và bần cùng hóa nơi một số vùng nông nghiệp cũng là kết quả của sự nghèo nàn hóa dân cư ở đó và của sự chậm tiến. Giúp cho dân cư nơi các vùng đó phát triển về mặt văn hóa và kinh tế cũng là biện pháp bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, biết bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên đã bị tàn phá bởi chiến tranh! Hòa bình dân tộc và giữa các dân tộc cho phép chúng ta bảo vệ thiên nhiên được nhiều hơn. Việc thu mua các tài nguyên, đặc biệt tài nguyên nước, có thể đưa tới những xung đột trầm trọng giữa dân chúng trong vùng. Thiên nhiên và hạnh phúc của các xã hội liên quan sẽ được bảo vệ tốt hơn, nếu có một thỏa thuận hài hòa về việc sử dụng tài nguyên.
Giáo hội mang một trách nhiệm về tạo dựng và cũng phải nói lên công khai trách nhiệm đó của mình. Và khi Giáo hội làm điều đó thì không phải chỉ bảo vệ đất, nước, và không khí, là những thứ quà tặng của Đấng Tạo Hóa ban cho mọi người. Trước hết Giáo hội phải bảo vệ con người khỏi cuộc tự hủy diệt mình. Phải có một thứ gì đó như là một khoa “môi sinh học” về con người. Thật ra, sự phá hoại thiên nhiên có liên hệ mật thiết với văn hóa là chất tạo khuôn sống chung cho con người. Khi “môi sinh con người”[10] được xã hội coi trọng, lúc đó môi sinh thiên nhiên cũng được hưởng lợi. Vì các đức hạnh của con người dính kết với nhau, nên, nếu một đức hạnh bị suy yếu, thì nó sẽ kéo theo sự suy yếu của toàn thể các đức hạnh khác. Hệ thống môi sinh cũng vậy, nó phải được đặt nền trên việc tuân giữ một chương trình bao gồm việc chung sống lành mạnh trong xã hội và cách xử sự tốt đẹp với thiên nhiên.
Để bảo vệ môi sinh, những biện pháp khuyến khích hoặc hạn chế không thôi thì không đủ, cả việc hướng dẫn thích hợp cũng chưa đủ. Đó chỉ là những công cụ hỗ trợ. Vấn đề quyết định là lối hành xử đạo đức của xã hội. Một khi quyền sống và việc chết tự nhiên không được coi trọng, một khi việc thụ thai, mang thai và sinh nở được thực hiện bằng lối nhân tạo, một khi phôi thai bị hy sinh cho việc nghiên cứu, thì rốt cuộc khái niệm Môi sinh con người và khái niệm cùng song hành với nó là Môi sinh thiên nhiên cũng sẽ biến mất khỏi ý thức chung của xã hội. Quả là chuyện mâu thuẫn, khi ta đòi hỏi các thế hệ trẻ phải coi trọng môi sinh thiên nhiên, trong khi giáo dục và luật pháp chẳng giúp họ tự coi trọng chính mình. Cuốn sách thiên nhiên là một và không thể bị chia tách, không thể tách chia cả về mặt môi trường lẫn sự sống hay các lãnh vực tính dục, hôn nhân, gia đình, quan hệ xã hội, tóm lại là sự phát triển toàn diện của con người. Bổn phận của chúng ta đối với môi trường gắn liền với bổn phận đối với con người tự thân và trong tương quan với những người khác. Không thể vừa đòi hỏi người này phải có trách nhiệm trong lúc lại áp chế kẻ khác. Ở đây có một mâu thuẫn nghiêm trọng trong não trạng và thực hành của chúng ta ngày nay: một sự hạ thấp con người, phá hoại môi sinh và gây tổn hại cho xã hội (Caritatis in Veritate, 48-51).
Chú thích:
[1] Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 1990, 6: AAS 82 (1990), 150.
[2] Heraclitus of Ephesus (Ephesus, c. 535 B.C. – c. 475 B.C.), Fragment 22B124, in H. Diels and W. Kranz, Die Fragmente der Vorsokratiker, Weidmann, Berlin, 1952, 6(th) ed.
[3] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 451-487.
[4] x. Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 1990, 10: loc. cit., 152-153.
[5] Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 65: loc. cit., 289.
[6] Đức Biển Đức XVI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2008, 7: AAS 100 (2008), 41.
[7] x. Đức Biển Đức XVI, Diễn văn trước Đại hội đồng Tổ chức Liên Hiệp Quốc, New York, 18.4.2008.
[8] x. Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 1990, 13: loc. cit., 154-155.
[9] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 36: loc. cit., 838-840.
[10] Sđd., 38: loc. cit., 840-841; Đức Biển Đức XVI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2007, 8: loc. cit., 779.
[1] Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, Bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, 2019.
[2] Đại hội đặc biệt cho Vùng Pan-Amazon, Tài liệu cuối cùng, tháng 10.2019, 10: AAS 111 (2019), 1744.
[3] Hội nghị chuyên đề của Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar (SECAM), Thông cáo Đối thoại về Khí hậu Phi châu, Nairobi, ngày 17.10.2022.
[4] x. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Biến đổi khí hậu 2021, Cơ sở khoa học vật lý, Cambridge và New York, 2021, B.2.2.
[5] x. ID., Biến đổi khí hậu 2023, Báo cáo tổng hợp, Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách, B.3.2. Để biết Báo cáo năm 2023, xin xem https://www.ipcc.ch/report/ar6/syr/downloads/report/IPCC_AR6_SYR_SPM.pdf.
[6] x. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Báo cáo Khoảng cách Phát thải 2022: https://www.unep.org/resources/emissions-gap-report-2022.
[7] x. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hệ thống Trái đất, Phòng thí nghiệm Giám sát Toàn cầu, Xu hướng về Carbon Dioxide trong khí quyển: https://www.gml.noaa.gov/ccgg/trends/.
[8] x. IPCC, Biến đổi khí hậu 2023, Báo cáo tổng hợp, Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách, A.1.3.
[9] x. Sđd., B.5.3.
[10] Đây là dữ liệu của IPCC, dựa trên 34.000 nghiên cứu: Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC); x. Báo cáo tổng hợp Báo cáo đánh giá lần thứ sáu (20.03.2023): Báo cáo tổng hợp AR6: Biến đổi khí hậu 2023 (ipcc.ch) .
[11] x. IPCC, Biến đổi khí hậu 2023, Báo cáo tổng hợp, Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách, A.1.2.
[12] x. Sđd.
[13] Thông điệp Laudato si’ (24.05.2015), số 101: AAS 107 (2015), 887.
[14] Sđd., số 105: AAS 107 (2015), 889.
[15] Sđd., số 106: AAS 107 (2015), 890.
[16] Sđd., số 104: AAS 107 (2015), 888-889.
[17] Sđd., số 105: AAS 107 (2015), 889.
[18] Sđd., số 139: AAS 107 (2015), 903.
[19] Sđd., số 220: AAS 107 (2015), 934.
[20] x. S. Sörlin-p. Warde, “Làm cho môi trường trở nên lịch sử. Một nhập đề”, trong S. Sörlin-p. Warde, biên tập, Sự kết thúc của Thiên nhiên: Lịch sử và Môi trường, BasingStroke-New York, 2009, 1-23.
[21] Thông điệp Laudato si’ (24.05.2015), số 139: AAS 107 (2015), 903.
[22] x. Chiến tranh, tiến bộ và sự kết thúc của lịch sử, bao gồm một truyện ngắn về kẻ phản Chúa. Ba cuộc thảo luận của Vladimir Soloviev, London, 1915, tr. 197.
[23] x. Thánh Phaolô VI, Diễn văn nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức Nông Lương Thế giới FAO (16.11.1970), 4: AAS 62 (1970), 833.
[24] Thông điệp Fratelli Tutti (3.10.2020), số 11: AAS 112 (2020), 972.
[25] Sđd., số 174: AAS 112 (2020), 1030.
[26] Sđd., số 172: AAS 112 (2020), 1029.
[27] Sđd.
[28] x. Sđd., số 170: AAS 112 (2020), 1029.
[29] Sđd.
[30] Sđd., số 175: AAS 112 (2020), 1031.
[31] Thông điệp Laudato si’ (24.05.2015), số 179: AAS 107 (2015), 918.
[32] Sđd., số 167: AAS 107 (2015), 914.
[33] Sđd., số 169: AAS 107 (2015), 915.
[34] Sđd., số 111: AAS 107 (2015), 982.
[35] Sđd., số 57: AAS 107 (2015), 870.
[36] Sđd., số 68: AAS 107 (2015), 874.
[37] Sđd., số 86: AAS 107 (2015), 881.
[38] Sđd., số 97: AAS 107 (2015), 886.
[39] Sđd., số 100: AAS 197 (2015), 887.
[40] Sđd., số 233: AAS 107 (2015), 938.
[41] x. DJ Haraway, Khi các loài gặp nhau, Minneapolis, 2008, tr 205-249.
[42] Thông điệp Laudato si’ (24.05.2015), số 89: AAS 107 (2015), 883.
[43] Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), số 215: AAS 105 (2013), 1109.
[44] x. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Báo cáo Khoảng cách Phát thải 2022: https://www.unep.org/resources/emissions-gap-report-2022.
Nguồn: https://xitothanhgia.com/
Tin cùng chuyên mục
NÓI LỜI THIÊN CHÚA (17.01.2025 – THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH (16.01.2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
CẦU NGUYỆN VÀ LÀM VIỆC(15.01.2025 – THỨ TƯ TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)
ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA (14.01.2025 – THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN)