TỰ HIẾN ĐỂ NÊN MỘT

Trong lời nguyện Thánh Hiến, Đức Giêsu đã tha thiết nài xin Chúa Cha: « Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta » (Ga 17,11).

Qua tâm tình và cung giọng tha thiết ấy, chúng ta nhận ra thao thức và ước mơ hiệp nhất của Đức Giêsu nơi những người được Ngài thánh hiến, gọi làm môn đệ, Nữ tỳ. Sở dĩ Đức Giêsu thao thức và ước mơ các môn đệ hiệp nhất với nhau trong Ngài, vì:

  1. Đời Thánh Hiến là đời Hiệp Nhất:

Cuộc đời tự hiến là tự nguyện dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa vì yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cũng vì yêu thương đồng loại. Do đó, tự hiến chính là đi vào đời sống của Thiên Chúa, của anh chị em; là trở nên gần gũi, thiết thân với Thiên Chúa và mọi người; là làm nên một thân thể với nhau trong Đức Giêsu, nhờ được tình yêu Đức Giêsu liên kết, hiệp nhất.

Chính Đức Giêsu xác nhận điều này khi nói với các môn đệ: « Anh em đã được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em » (Ga 15,3-4). « Được thanh sạch » chính là « được thánh hiến », và ở trong Đức Giêsu chính là hiệp nhất với anh em. Vì tất cả mọi người đều là « cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho » là Đức Giêsu ; mà gắn liền với Đức Giêsu là cây nho cũng là gắn liền với anh em là các cành nho khác.

Vì thế, không có đời thánh hiến « không hiệp nhất ». Không có con người được thánh hiến chống lại hiệp nhất. Không có người dâng mình cho Chúa lại chủ trương phá hoại sự hiệp nhất giữa anh em, chị em trong dòng ; làm đổ vỡ tình hiệp nhất của hội dòng mình với các hội dòng khác ; hay làm suy yếu sự hiệp nhất trong gia đình giáo phận, Giáo Hội.

Trái lại, hiệp nhất là điều kiện của đời thánh hiến. Đời thánh hiến chỉ có giá trị và ý nghiã « thánh hiến » khi có hiệp nhất, duy trì và phát triển sự hiệp nhất, vì hiệp nhất là dấu ấn của tình yêu tự hiến, là đòi hỏi của Thiên Chúa « Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 13,34). Chính vì « yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương » mà chúng ta được hiệp nhất nên một với nhau trong Thiên Chúa « Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha… Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một » (Ga 17,21.23).

  1. Hiệp Nhất cần thiết cho đời Thánh Hiến, vì đời Thánh Hiến là đời làm chứng:

Nếu đời tu không nhằm mục đích làm chứng Nước Trời, thì đời tu hoàn toàn vô nghiã. Nếu người tu không muốn trở thành người làm chứng cho Đức Giêsu, thì quả thực người tu là người bất hạnh nhất trên đời, vì phải trả một giá quá đắt cho một chọn lựa hoàn toàn sai lầm. Nhưng khi chúng ta ý thức đi tu là để làm chứng cho Tin Mừng, khi tự nguyện sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời để làm chứng Lời Hứa Nước Thiên Chúa, biết trọn đời tận hiến làm chứng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ loài người, khi đó đời tu là đời vui nhất, đẹp nhất vì người tu « được hưởng trọn vẹn niềm vui » của Đức Giêsu (Ga 17,13).

Nhưng để trở nên người môn đệ có khả năng làm chứng về Thầy mình cách thuyết phục và hoàn thành tốt đẹp sứ vụ được Thiên Chúa trao, Đức Giêsu đòi người đi theo Ngài phải hiệp nhất với Ngài và hiệp nhất với anh em: « Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một (Ga 17,23).

Thực không thể ngờ đòi hỏi hiệp nhất ở người môn đệ lại quan trọng và mang tính quyết định như thế. Không quan trọng sao được, bởi thế gian sẽ không thể nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, nếu người môn đệ không hiệp nhất với nhau trong Đức Giêsu. Không mang tính quyết định sao được, bởi người đời sẽ không thể đón nhận sự thật Thiên Chúa yêu thương họ đến hy sinh chính Con Một vô cùng yêu dấu của Ngài để cứu độ họ, nếu những người được thánh hiến không hiệp thông với nhau trong Đức Giêsu.

Thế ra, tình yêu hiệp nhất với Đức Giêsu và với anh chị em ở người sống đời tận hiến được Thiên Chúa đặt ở một vị trí qúa quan trọng, và ban cho một giá trị vô cùng lớn lao, cao cả mà ít người quan tâm, trân quý. Đây là sự thật mà chúng ta không thể chối cãi, bởi chính Đức Giêsu đã kết luận (x. Ga 17,23). Nếu các môn đệ của Ngài hiệp nhất nên một với nhau trong Ngài, thì chứng từ của các vị ấy mới có giá trị, và đời chứng nhân mới mang về nhiều hoa trái (x. Ga 15,8). Cũng như thiên hạ chỉ có thể nhận ra các vị là môn đệ của cùng một Thầy là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, nếu các vị ấy yêu thương, hiệp nhất với nhau: « Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con yêu thương nhau » (Ga 14,35).

Một chi tiết đặc biệt khác nữa trong đòi hỏi hiệp nhất của Đức Giêsu là « hoàn toàn nên một » (Ga 17,23). Ngài không chấp nhận « hiệp nhất » nửa vời, nhưng hiệp nhất « chặt chẽ với nhau trong tình yêu » (Cl 2,2), một hiệp nhất « đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Giêsu đòi hỏi », một hiệp nhất « cùng một ý, một lời » (Rm 15,5.6), một hiệp nhất tôn trọng và nhân ái (x. Rm 14,1-12), một hiệp nhất khiêm tốn và bác ái, vì tất cả thuộc về một thân thể (x. Rm 12,4), một hiệp nhất do « Thần Khí đem lại » và được duy trì nhờ « ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau », bởi « chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người » (Cl 4,3-6).

Cũng vì sự hiệp nhất giữa những người được kêu gọi và thánh hiến rất quan trọng, nên hậu quả sẽ vô cùng thảm hại cho công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Trời, nếu những người sống đời thánh hiến không yêu thương hiệp nhất với nhau.

  1. Không tự hiến, không thể « hoàn toàn nên một »:

Không phải ngẫu nhiên hay vô tình Đức Giêsu đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ « gìn giữ, canh giữ » trong lời nguyện Thánh Hiến: « Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh … Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần » (Ga 17,11-12). Sở dĩ Đức Giêsu tạ ơn Chúa Cha đã gìn giữ các môn đệ của Ngài, cũng như Ngài đã gìn giữ, canh giữ họ, vì Ngài biết Thần Dữ và thế gian không để các môn đệ Ngài được bình an trong yêu thương, hiệp nhất. Bởi hiệp nhất là trọng tâm của lời nguyện Thánh Hiến, là then chốt của đời thánh hiến, là cốt lõi của người Kitô hữu, là điều kiện phải có ở những ai muốn đi theo Ngài.

Khi xin Chúa Cha « gìn giữ họ khỏi ác thần », Đức Giêsu biết hiệp nhất là mục tiêu đánh phá của Xatan, là kẽ hở dễ bị tấn công của người môn đệ, khi « cái tôi » ích kỷ không dễ chịu nhường bước, không khiêm tốn chịu thiệt thòi, không sẵn sàng chấp nhận quên mình hy sinh cho công trrình hiệp nhất nhân loại của Thiên Chúa.

Vì « Cái tôi » được tôn thờ, sùng bái, nên ai cũng coi mình là siêu sao, tuyệt vời, không ai nể nang ai ; không ai nhường nhịn ai ; không ai lắng nghe ai ; không ai chịu đựng ai ; nhất là không ai tôn trọng, yêu thương ai. Trong khi đó, từ bỏ chính mình để đón nhận người khác lại là điều kiện để hiệp nhất nên một.

Thực vậy, để hiệp nhất, mỗi người phải biết xóa mình để có thể là một chi thể của cùng một thân thể. Để « hoàn toàn nên một », ai nấy phải biết từ bỏ mình, trở nên bé nhỏ để có thể chan hoà hiệp thông với nhau trong Thiên Chúa.

Nhưng xóa mình, bỏ mình, trở nên bé nhỏ thế nào được, khi không ai mở lòng đón nhận ai ; không ai yêu thương nhìn nhận ai là anh em cùng một Cha ; nhất là không ai sẵn sàng tự nguyện hiến thân trở nên tấm bánh được bẻ ra cho mọi người, để hiệp nhất với mọi người trong Thiên Chúa.

Do đó, « từ bỏ mình » mãi là thách đố lớn của người sống đời thánh hiến, bởi đó là điều kiện tiên quyết Đức Giêsu đặt ra cho những ai đến xin theo Ngài: « Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi » (Mt 16,24).

Thực vậy, không có gì vất vả hơn gìn giữ sự hiệp nhất của cộng đoàn. Vì cộng đoàn gồm nhiều « cái tôi », mà « cái tôi » nào cũng không luôn dễ chiều, dễ bảo, dễ lắng nghe, dễ cộng tác. Không việc gì khó cho bằng duy trì tình yêu hiệp nhất, vì « cái tôi » của bất cứ người nào cũng « vĩ đại », hơn mọi người chung quanh. Không sứ vụ nào nhọc nhằn hơn sứ vụ xây dựng tình hiệp nhất, bởi khuynh hướng kiêu căng, thống trị, lôi kéo con người rất khủng khiếp, mãnh liệt.

Nhưng hiệp nhất là ước mong của Thiên Chúa, là thao thức của Đức Giêsu, vì không hiệp nhất trong Ngài, chúng ta như những cành nho không gắn liền với cây nho chắc chắn sẽ khô héo và bị quăng vào lửa (x. Ga 13,6). Không hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Đức Giêsu, người môn đệ không còn là nhân chứng được sai đi để làm chứng, nhưng cằn cỗi, tàn tạ, vì « không có Thầy, anh em chẳng làm được gì » (Ga 13,5). Chỉ những ai hiệp nhất với nhau trong Danh Thiên Chúa thì lời chứng của họ về Thiên Chúa mới xác thực và thuyết phục vì được Thánh Thần là Tình yêu hiệp nhất hướng dẫn, phù trợ.

Ý thức hiệp nhất với Đức Giêsu là nền tảng của đời sống thánh hiến, bởi thánh hiến là « hoàn toàn nên một » với Đức Giêsu ; là tháp nhập vào Đức Giêsu như cành nho gắn liền với cây nho. Người thuộc về Đức Giêsu là người « ở lại trong Đức Giêsu, ở trong tình thương của Đức Giêsu » ( x. Ga 15,5-10), sống sự sống của Đức Giêsu (x. Gl 2,20), đóng đinh vào Thánh Giá với Đức Giêsu (x. Gl 5,24).

Và một khi ý thức đòi hỏi phải « hoàn toàn nên một » với Chúa, chúng ta cũng ý thức ơn gọi « làm dân thánh cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta », cũng như chính Người kêu gọi chúng ta cùng « hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta » (1 Cr 1,2.9).

Vâng, đời sống thánh hiến không thể hình thành nếu thiếu hiệp nhất với Đức Giêsu và anh chị em. Ước gì thao thức hiệp nhất của Đức Giêsu cũng là thao thức của mỗi người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục. Nhờ đó, lời Đức Giêsu « đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu » (Lc 13,34) sẽ kịp thời ngăn cản bàn tay phá hoại sự hiệp nhất của cộng đoàn, vì kiêu căng, tham vọng của chúng ta. Ước gì giấc mơ « sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử », và khắc khoải « còn có những chiên khác không thuộc ràn này, tôi cũng phải đưa chúng về, và chúng sẽ nghe tiếng tôi » của Đức Giêsu (Ga 10,16) sẽ cuốn xa khỏi tâm hồn chúng ta những hẹp hòi, khép kín đi ngược khát vọng hiệp nhất của Đức Giêsu. Và ước gì mỗi ngày sống với cộng đoàn là mỗi ngày niềm vui tận hiến của chị em NTCGLM trọn vẹn (x. Ga 17,13) như ước nguyện thánh hiến của Đức Giêsu: « Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta » (Ga 17,11).

JNT