- Đời sống tận hiến là Của Lễ rất đẹp lòng Thiên Chúa:
- Thiên Chúa đòi con người phải dâng lên Ngài Của Lễ:
Sách Xuất Hành ghi rõ: « Ngươi không được đi tay không đến trước nhan ta. Ngươi cũng sẽ giữ tục lễ mừng lễ Muà gặt, lễ dâng của đầu mùa, do sức lao động ngươi làm ra, do công ngươi gieo cấy ngoài đồng…Của đầu mùa tốt nhất của đất đai ngươi, ngươi phải đem đến nhà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. » (Xh 23,15-16.19). Đức Chúa cũng phán với ông Môsê: « Hãy bảo con cái Ítraen là phải đóng góp vào việc thờ phượng. Các ngươi hãy nhận phần đóng góp nơi những người nhiệt tâm. » (Xh 25,1).
Ngôn sứ Êdêkien thì tuyên sấm: « Quả thực, trên núi thánh của Ta, trên núi cao vòi vọi của Ítraen, sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng, ở đó toàn thể nhà Ítraen, mọi nhà trong xứ, sẽ phụng thờ ta. Ở đó, Ta sẽ đón tiếp chúng, ở đó Ta sẽ đòi phần trích dâng và lễ tế tuyệt hảo cùng với tất cả của thánh các ngươi dâng. » (Ed 20,40).
Hình ảnh ba đạo sĩ từ phương đông, đến Bêlem sấp mình thờ lậy Hài Nhi Giêsu, « rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến » (Mt 2,11) đã nói lên việc dâng của lễ lên Thiên Chúa là đòi hỏi chính đáng và công bình mà mỗi người chúng ta phải chu toàn.
- Của Lễ Thiên Chúa muốn ở người sống đời thánh hiến là chính con người họ:
Nếu Thiên Chúa Giavê đòi: Mọi con đầu lòng đều thuộc về Ta … Người ta không được đến tay không trước nhan Ta (x. Xh 34, 19-20), thì Đức Giêsu đòi người môn đệ đi theo Ngài để sống đời thánh hiến phải dâng hiến chính con người mình với tất cả những gì mình có, làm của lễ dâng Thiên Chúa, như Ápraham đã dâng Ixaác, con trai duy nhất, với chính mạng sống của cậu.
Thực vậy, người sống đời thánh hiến không thể dành cho Thiên Chúa một phần đời mình, hay một nửa con người mình, nhưng Thiên Chúa đòi phải tận hiến, nghiã là phải cho hết, dâng hết, hiến hết, mà không giữ lại cho mình bất cứ sự gì.
Khi phán với Ápraham: « Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho » (St 22,2), Thiên Chúa Giavê đã thử thách Ápraham cách rất nặng nề.
Ápraham đã phải yêu mến, tin tưởng ở Thiên Chúa mãnh liệt lắm mới có thể cùng con đi đến nơi Thiên Chúa chỉ để sát tế con trai duy nhất, vô cùng dấu yêu. Ông đã phải chiến đấu rất cam go với chính mình, phải quay quắt chết đi trong lòng mới có thể bình tĩnh trả lời Ixáac, con mình: « Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ », khi cậu hỏi cha: « Cha ! … Có lửa, có củi đây, còn chiên làm lễ toàn thiêu đâu ? » (St 22,8).
Người Nữ Tỳ sống đời thánh hiến cũng phải dâng hiến một cách rướm máu, trọn vẹn, dứt khoát, quả cảm, anh hùng như vậy, khi Đức Giêsu lên tiếng gọi « Hãy theo Thầy ! », Không đáp ứng những điều kiện trên, người Nữ Tỳ không sống đúng ơn gọi thánh hiến của mình, và đời sống thánh hiến sẽ không mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng và hạnh phúc viên mãn.
- Của Lễ dâng Thiên Chúa là Của Lễ được đốt cháy:
« Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: « Hãy truyền cho Aharon và các con nó: Đây là luật về lễ toàn thiêu. Lễ vật toàn thiêu phải ở trên lò trên bàn thờ suốt đêm cho đến sáng, và lửa phải cháy luôn trên bàn thờ… Lửa trên bàn thờ phải cháy luôn không tắt: sáng sáng, tư tế sẽ đốt củi trên đó, xếp lễ vật toàn thiêu lên trên và đốt mỡ của lễ vật kỳ an » (Lv 6,1-2.5).
Hình ảnh của lễ toàn thiêu chính là « con người » tận hiến được Thiên Chúa thanh luyện. Những kiêu căng, ích kỷ, ganh ghét của « con người » được đốt cháy để chỉ còn lại hương thơm của « tấm lòng tan nát giày vò » (Tv 50,19) được Chúa xót thương ; hương thơm của « tấm lòng đã được Chúa cho nên trong trắng, và tinh thần được đổi mới để nên chung thủy » (x. Tv 50,12).
Như thế, con người và đời sống tận hiến thực sự là Của Lễ tuyệt vời làm vui lòng Thiên Chúa. Nhờ đó, đời người Nữ Tỳ trở nên máng thông ơn Thiên Chúa cho người khác. Bởi vì các chị được thánh hiến để trở thành khí cụ hữu hiệu trong tay Thiên Chúa, và qua những khí cụ khiêm nhường, ngoan ngùy, trung tín là các chị, Thiên Chúa bầy tỏ tình yêu của Ngài và thực hiện những kỳ công vĩ đại của Ngài trên nhân loại.
- Hiệu quả từ Của Lễ ở người Nữ Tỳ tận hiến:
Trở nên Của Lễ toàn thiêu đẹp lòng Thiên Chúa, « con người » của người Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục ngoài hiệu quả làm vinh danh Thiên Chúa như lời thánh vịnh: « Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh ta » (Tv 49,23) còn chuyển tải tình yêu thương xót, ơn đổi mới và bình an của Thiên Chúa đến với mọi người.
- Chuyển tải ơn thương xót để mọi người được xóa tội, thánh hoá:
« Nhờ Đức Giêsu, với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu », Đấng đã lấy máu mình, máu của Của Lễ tuyệt đối, máu của « lễ vật vẹn toàn dâng Thiên Chúa, máu thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết » (Dt 9,14), Đấng « đã lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm… » (Dt 9,15), thì « con người tận hiến » của các Nữ Tỳ cũng được trở thành Của Lễ nài xin lòng thương xót xuống trên mọi người, để tất cả đều được xóa tội và thánh hóa.
Trước Thánh Thể là trung tâm của đời sống thánh hiến, các chị như những người đi theo Đức Giêsu lên Canvê để được thông hiệp và chia sẻ đau khổ thập giá với Đức Giêsu để nài xin ơn thương xót cho mọi người, đặc biệt ơn thánh hoá các linh mục, ơn mà Thiên Chúa luôn mong đợi ban cho những người Ngài đã gọi và tuyển chọn phục vụ Giáo Hội của Ngài.
Chuyển tải ơn đổi mới tâm hồn:
Ơn đổi mới tâm hồn là ơn người tận hiến hằng liên lỷ cầu xin, vì hơn ai hết, người sống đời thánh hiến biết mình cần Chúa, biết mình phải bám chặt vào Chúa. Vì tự nguyện dâng hiến con người mình để trở nên Của Lễ, nên người tận hiến biết đâu là điều Chúa ưa thích, đâu là điều Chúa mong đợi ở người Nữ Tỳ:
- Ngài sẽ đổi mới người Nữ Tỳ muốn sống xứng đáng đời thánh hiến bằng dạy bảo: Của Lễ toàn thiêu làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là lòng Vâng phục, như Kinh Thánh đã chép: « Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không ? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu » (1 Sm 15,22).
- Ngài sẽ mở mắt, mở lòng, mở tay người Nữ Tỳ khi nhủ bảo: « Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều qúy hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ » (Mc 12,33).
- Ngài sẽ đổi mới trái tim của người Nữ Tỳ bằng dạy bảo: « Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các người nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu » (Hs 6,6).
- Ngài sẽ làm tràn đầy lòng thương xót trong tâm hồn người Nữ Tỳ bằng « dạy cho biết ý nghiã của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi » (Mt 9,13).
Và như thế, khi sống đời tự hiến, người Nữ Tỳ được Đức Giêsu từng ngày đào tạo nên giống Ngài, khi trở thành Của Lễ Vâng Phục, Của Lễ Tình Yêu, Của Lễ Thương Xót. Đây chính là Của Lễ Đức Giêsu đã dâng Chúa Cha trên Thánh Giá khi vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, khi yêu thương nhân loại đến cùng, khi rộng lượng bao dung, thương xót, tha thứ tội lỗi của hết mọi người.
- Chuyển tải ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh:
Đức Giêsu, sau khi chịu chết và sống lại đã hiện ra với các môn đệ và ban « bình an phục sinh » của Ngài cho họ (x. Ga 20,19 -29).
Vì thế, ơn bình an là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Ngài, đặc biệt những tâm hồn sống đời thánh hiến. Không có ơn bình an của Ngài, đời sống thánh hiến sẽ khó có thể đạt ý nghiã và giá trị « thánh hiến » ; con người được thánh hiến khó tìm được niềm vui khi tự hiến cho Thiên Chúa để phục vụ Giáo Hội ; người môn đệ khó có thể vượt qua gian nan, thử thách trên hành trình « bỏ mọi sự » đi theo Đức Giêsu để phục vụ và hiến mạng sống vì hạnh phúc đời đời của người khác (x. Mt 20,28).
Cụ thể trong đời sống cộng đoàn, nếu không có ơn bình an phục sinh của Đức Giêsu thì mọi người rất khó sống chung hoà thuận, huynh đệ, bác ái với nhau. Thực vậy, hơn bất cứ nơi nào, cộng đoàn những người sống đời thánh hiến là đích nhắm của ma quỷ. Chúng rình rập để gieo rắc đố kỵ, ganh ghét hầu chia rẽ bề trên với bề dưới, người già với người trẻ, vĩnh khấn với tập sinh, người thành thị với người làng quê.
Đây là đòn hiểm độc chúng quen dùng để làm tan nát, sụp đổ cộng đoàn. Do đó, cộng đoàn nào có nhiều tâm hồn tận hiến đích thực, cộng đoàn đó có ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh. Những tâm hồn này là những quân binh dũng cảm và khôn ngoan được Thiên Chúa giao phó sứ mệnh gìn giữ sự hiệp nhất của cộng đoàn thánh hiến là « gia nghiệp » của Ngài.
Xin Chúa Giêsu Linh Mục ban cho các chị Thần Khí của Ngài, để các chị nhận ra ơn huệ được thánh hiến, và giá trị tuyệt vời của « Con Người tận hiến » cũng như « Cuộc Đời tự hiến » được Thiên Chúa đón nhận như Của Lễ đẹp lòng Ngài để sinh ơn cứu sống, ơn trở về, ơn đổi mới, ơn thánh hoá và mang lại bình an cho mọi người.
JNT
Tin cùng chuyên mục
TÊN CHÁU LÀ GIOAN (23.12.2024 – THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG – NGÀY 23.12)
KỶ YẾU 40 NĂM
NÉT ĐẸP NGƯỜI NỮ TỲ CHÚA GIÊSU LINH MỤC QUA ĐẶC SỦNG VÀ LINH ĐẠO DÒNG
THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI (22.12.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 MÙA VỌNG NĂM C)