Trên đường loan báo Tin Mừng, chúng ta rao giảng, làm chứng Đức Giêsu, và chúng ta không ngừng thực hiện nhiều sáng kiến để Tin Mừng đến được với mọi người. Điều này rất cần thiết, nhưng không đủ, vì hai chữ « tận hiến » đòi hỏi ở người sống đời thánh hiến phải từng ngày khao khát và nỗ lực trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu.
Thực vậy, người đi tu không chỉ cần sống tốt, mà còn cần sống thánh thiện; không chỉ cần sống tử tế, mà còn phải nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện. Đòi hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ đi theo Ngài là một đòi hỏi phải bỏ mọi sự, bỏ cả cha mẹ, gia đình, và ngay cả người thân mới chết đến đòi hỏi phải nên thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh.
Là đòi hỏi quyết liệt, vì các môn đệ là những người làm chứng về Ngài trước người khác. Ơn gọi và ân huệ « làm môn đệ » Đức Giêsu không dành cho riêng mình, nhưng cho cộng đoàn, cho mọi người, nên đời tận hiến, tức đời làm môn đệ, nữ tỳ của Đức Giêsu trong ơn gọi tu trì không được dừng lại ở ngưỡng cửa « cá nhân, bản thân », nhưng mở ra cho mọi người.
Chính vì thế, ơn gọi thánh hiến là để phục vụ cộng đoàn, đời sống thánh thiện của người tu có tầm ảnh hưởng lớn trên mọi người. Vì Thiên Chúa ban cho người tu ơn gọi tận hiến vì cộng đoàn, như Đức Giêsu đã khẳng định: « Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến » (Ga 17,19). Và sự thật này được nhận ra khi Thiên Chúa ban cho nhân loại những chứng nhân sống động với đời tận hiến, những tâm hồn tự hiến đã đem lại cho thế giới gương sáng của đức tin, đức ái và đức trông cậy qua đời sống của người môn đệ đích thực.
Nhưng thế nào là người môn đệ đích thực ?
Người môn đệ đích thực là người hoàn toàn hiến mình cho Đức Giêsu để trở nên giống như Ngài trong mọi sự, đồng thời hoàn toàn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để làm việc với Ngài cho phần rỗi của mọi người.
Thực là một đòi hỏi tận căn mà chỉ những tâm hồn tận hiến mới có thể thực hiện được, với ơn Chúa.
Bởi người môn đệ đích thực phải theo sát Thầy mình mọi nơi, mọi lúc, khác với những môn đệ « thời vụ, thời cơ, thời thế » tuy theo, nhưng theo xa xa, theo có chừng mực, để có chuyện gì còn có thể thoát thân mà không bị liên lụy. Đức Giêsu có rất nhiều người theo, nhưng theo Ngài như môn đệ đích thực thì ít. Bởi phải theo Ngài đến mọi nơi, trong mọi sự, ở mọi tình huống, mà nghèo khó không nhà không cửa, nhục nhằn, đau khổ của Thánh Giá, thê lương, sầu thảm của Canvê, mộ phần đều là « những sự » khó thương, « những điều » đáng sợ, « những nơi » không muốn đến.
Vì thế, để trở thành môn đệ đích thực, chúng ta không thể tự cho phép mình dừng lại ở một mức độ « tự cho là đủ » nào đó, nhưng không ngừng để Thánh Thần thôi thúc tiến lên từng ngày để trở nên giống Đức Giêsu trong mọi sự. Điều này có nghiã là không chỉ khao khát mà còn phải nỗ lực đi theo sát Đức Giêsu, bắt chước Đức Giêsu sống khó nghèo, khiêm tốn, hiền lành, bác ái, chấp nhận đau khổ cho vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Và tiến trình trở nên môn đệ đích thực ấy đòi chúng ta: Biết Đức Giêsu, yêu mến Đức Giêsu và theo sát Đức Giêsu trong mọi sự và mọi nơi.
- Biết Đức Giêsu :
Mục đích cuối cùng của hành trình làm môn đệ đích thực của Đức Giêsu ở con người tận hiến là bắt chước sống như Ngài sống, noi gương thánh thiện như Ngài là Đấng thánh, nên biết Ngài là điều kiện không thể thiếu. Đó là bước khởi đầu của hành trình trở nên người môn đệ đích thực:
- Người tận hiến sẽ học biết Đức Giêsu là Ngôi Lời, tức là Tư Tưởng của Thiên Chúa:
« Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa … Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. » (Ga 1,1-3).
Cũng như chúng ta có điều gì phải làm, chế tạo, sáng tác, nghiã là có tư tưởng và để tư tưởng được thể hiện thiết thực. Thiên Chúa cũng vậy, và Ngài đã thực hiện tất cả, sáng tạo tất cả qua Ngôi Lời của Ngài: Ngài phán và mọi sự được tạo thành: Ipsa dixit et facta sunt.
- Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đến trong thế gian để nói với chúng ta, dạy dỗ chúng ta :
Vì là Tư Tưởng của Thiên Chúa, và là Lời của Thiên Chúa, nên Ngôi Lời nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, Ngài muốn gì ở con người, cũng như cho chúng ta biết con người là gì, ý nghiã, giá trị của đời người, và tương lai mỗi người sẽ đi về đâu.
Ngôi Lời chính là Thầy, Đấng dạy dỗ chúng ta những sự thật của Thiên Chúa, sự thật của con người, bởi chính Ngài « là đường, là sự thật và là sự sống ». Sự thật ở Ngài đáng tin, vì là sự thật của Thiên Chúa. Sự thật ở Ngài cần thiết vì là sự thật ban sự sống đời đời. Ở Ngôi Lời không có sai lạc, dối trá vì Ngài vừa là Đường của Thiên Chúa, vừa là Đường của con người.
Ở đây, chúng ta cần lưu ý: ma qủy và thế gian luôn thôi thúc chúng ta đừng nghe theo Ngôi Lời, đừng tin vào Con Đường đích thực dẫn đến hạnh phúc thật là Đức Giêsu.
Trước cám dỗ này, nhiều người đã tin theo ma qủy và không đi theo Đức Giêsu, con đường Đức Giêsu chỉ, vì ma quỷ đã che mắt họ để họ không nhận ra « Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1,14). Chính Ngài là Đường cho con người đi trong cuộc đời làm người để đến được với nhau, và cùng nhau đến với Thiên Chúa.
- Người tận hiến sẽ học biết Đức Giêsu là nhịp cầu giữa Thiên Chúa và loài người, cũng là nhịp cầu giữa con người với con người:
Vì là Ngôi Lời, Đức Giêsu trở nên nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người, vì chỉ « nhờ Người, với Người, và trong Người », con ngưòi mới được đi vào tương quan Cha – Con với Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa bằng hai tiếng « Cha ơi ! ».
Cũng vậy, nhu cầu căn bản của con người trong đời sống là thông tri, thông cảm, và khi nhu cầu này không được đáp ứng, con người không thể hạnh phúc. Vì thế, khi xuống thế gian, Ngôi Lời đã trở nên nhịp cầu giữa người với người, khi mở mắt chúng ta để chúng ta nhìn thấy sự tốt đẹp nơi anh em ; mở miệng chúng ta để chúng ta nói với nhau những lời yêu thương, xây dựng ; mở tay chúng ta để chúng ta quảng đại chia sẻ, nâng đỡ đồng loại ; mở trái tim chúng ta để tình yêu của Ngôi Lời liên kết, hiệp nhất tất cả chúng ta nên một trong Ngài, như ý muốn đời đời của Ngôi Lời: « để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha » (Ga 17, 21).
Tóm lại, bước đầu và cũng là bước quan trọng đối với người tận hiến chính là học biết Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa loài người. Bởi không biết Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa với trọn vẹn bản tính của Thiên Chúa, vừa là con người với trọn vẹn bản tính loài người, người tận hiến, dù có ước ao tận hiến, cũng không thể trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu là đích điểm phải đạt tới.
- Yêu Mến Đức Giêsu:
Chúng ta hãy quan sát cánh cửa nhà. Khi được mở ra, nó được mở ở nhiều vị thế và mức độ khác nhau. Có người chỉ mở hé cửa để xem ai vừa gõ cửa, nhưng khép lại ngay, vì không muốn người ấy vào nhà. Có người mở cửa vừa đủ cho người ở ngoài bước vào ; người khác mở toang cửa để ai gõ cửa thì tự do, thoải mái vào nhà.
Cửa lòng chúng ta cũng mở ở nhiều vị thế và mức độ khác nhau đối với Đức Giêsu, Đấng đến gõ cửa trái tim mỗi người. Người không mở cửa là người dứt khoát từ chối không cho Ngài bước vào nhà mình, vì không muốn gặp Ngài, không muốn nghe Ngài nói, bởi chỉ muốn theo tư tưởng, ý muốn của mình và của thế gian. Người mở hé cửa là người nghe Đức Giêsu, nhưng không để Ngài đến cư ngụ trong nhà mình như Thầy dạy, vì người ấy chỉ muốn mình là chủ nhà duy nhất để được thoả mãn quan điểm, chọn lựa, ý thích, đam mê của mình. Chỉ người mở toang cửa mới là người thực lòng và hết lòng đón rước Đấng đã gõ cửa lòng mình và dành cho Ngài chỗ vinh dự nhất trong căn nhà Tâm Hồn.
Người ấy chính là người môn đệ đích thực đã hân hoan đón Đức Giêsu vào nhà mình, như chị em Mátta, Maria và Ladarô ở Bêtania để ân cần phục vụ Ngài, và say mê lắng nghe Ngài.
Tình yêu người môn đệ đích thực dành cho Đức Giêsu phải là tình yêu hoàn toàn, tình yêu say mê, khi để tất cả cuộc đời mình được hướng dẫn bởi tình yêu Đức Giêsu, ngoài ra không còn gì khác.
- Đi theo sát Đức Giêsu:
Khi yêu ai tha thiết, chúng ta hạnh phúc được đi sát bên cạnh người ấy, và không muốn rời xa người chúng ta yêu một bước chân, một giây phút.
Người môn đệ vì biết Đức Giêsu, nên yêu mến Ngài và muốn ở với Ngài, đi sát bên Ngài. Đây không phải là tình yêu chỉ ở bình diện cảm xúc, nhưng là tình yêu ra khỏi mình, dâng hiến « mình » cho người mình yêu. Đó là tình yêu cho phép người môn đệ vượt qua mọi chướng ngại để được tình yêu Đức Giêsu hướng dẫn và trở nên giống Ngài trong mọi sự. Tình yêu ấy không chiếm giữ nhưng khao khát cho mọi người yêu mến và trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu như mong ước của Ngài (x.Mt 28,19)
Thực vậy, khi say mến Đức Giêsu, chúng ta chỉ còn muốn chiêm ngưỡng Ngài, lắng nghe Ngài, nghĩ như Ngài nghĩ, làm như Ngài làm, sống như Ngài sống, nghiã là trở nên giống Ngài trong mọi sự bên trong cũng như bên ngoài.
Sở dĩ giống Đức Giêsu « bên trong cũng như bên ngoài », vì người môn đệ không thể chỉ giống Thầy ở tinh thần bên trong, còn đời sống bên ngoài thì khác xa Thầy. Đây cũng là cơn cám dỗ khá trầm trọng mà ma qủy, thế gian không ngừng tấn công người môn đệ bằng chiêu bài tách tinh thần ra khỏi sinh hoạt của đời thường, phân rẽ bên trong với bên ngoài. Nhiều người đã sập bẫy chúng khi chỉ « nghèo khó » trong « tinh thần, trong tư tưởng », còn đời sống hằng ngày thì say mê thu gom tiền của, xa hoa, phung phí, hưởng thụ. Có người chỉ trong sạch trong « ý tưởng, tinh thần », còn đời sống bên ngoài thì phóng túng, buông thả, ăn chơi, sa đọa. Có người chỉ khiêm nhường trong « ý nghĩ, lý tưởng », còn trong sinh hoạt đời thường thì kiêu căng, vênh váo, ngạo mạn, cửa quyền, trịch thượng. Những người này « ăn phải bả » của ma qủy mà không biết, hay nếu có biết cũng cố tình giả điếc làm ngơ. Họ như những người Pharisêu giả hình đã cố tình sống tình trạng « phân liệt » bên trong với bên ngoài, tinh thần với đời sống nên đã bị Đức Giêsu lên án nặng nề (x. Mt 23).
Hiệu quả của « theo sát Đức Giêsu » chính là việc chúng ta học với Ngài và được Ngài biến đổi để nên giống Ngài trong mọi sự. Để đạt được điều đó, người tận hiến cần khao khát và nỗ lực từng ngày để trở nên người môn đệ đích thực. Cuộc đời của chúng ta sẽ được hoàn toàn biến đổi để trở nên một Đức Giêsu khác, như thánh Phaolô đã cảm nghiệm: « Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2,20).
Tóm lại, khi người NTCGLM sống tinh thần của Đức Giêsu, dưới tác động của Thần Khí, chúng ta sẽ trở nên giống Đức Giêsu, Đấng vừa là « người dâng hiến », vừa là « lễ vật được hiến dâng », hầu làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi mọi người ».
JNT
Tin cùng chuyên mục
TÊN CHÁU LÀ GIOAN (23.12.2024 – THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG – NGÀY 23.12)
KỶ YẾU 40 NĂM
NÉT ĐẸP NGƯỜI NỮ TỲ CHÚA GIÊSU LINH MỤC QUA ĐẶC SỦNG VÀ LINH ĐẠO DÒNG
THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI (22.12.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 MÙA VỌNG NĂM C)