Tự hiến là tự xóa mình với Đức Giêsu

Hai chữ « Tự Hiến » nói lên tính triệt để, quyết liệt của hành động dâng hiến cuộc đời của người môn đệ đích thực cho Đức Giêsu. Đây là hành trình tiến về sự hoàn hảo của Tin Mừng, được đóng ấn bằng chọn lựa xóa mình, không chỉ trong tinh thần mà còn trong đời sống hằng ngày của người sống đời thánh hiến.

Thực vậy, khi đáp lời mời gọi của Đức Giêsu, người môn đệ không đi theo một chủ thuyết, một lý tưởng, một đảng phái, một phong trào, một tổ chức, nhưng đi theo một con người. Con người ấy là Con Thiên Chúa làm người. Con người ấy có thật, đã có mặt trong lịch sử nhân loại ở một nơi và một thời điểm, bởi chính Con Người Thiên Chúa đã mở lời nói với rất nhiều người Ngài muốn kêu gọi: « Hãy theo tôi ! ».

 Cũng chính vì đi theo Đức Giêsu mà đời tận hiến, đời tự hiến của người môn đệ có ý nghiã thánh thiêng và cao cả. Thánh thiêng khi con người được Thiên Chúa kêu gọi ; cao cả khi con người đáp lời kêu gọi của Thiên Chúa. Cả hai đã tạo nên tương quan yêu thương giữa « Thiên Chúa kêu gọi » và « con người được gọi ».  

Tương quan thiết thân ấy sẽ được đóng ấn Tự Hiến, Tận Hiến trên cuộc đời người môn đệ đi theo Đức Giêsu, nếu người môn đệ ấy chấp nhận xóa mình với Đức Giêsu trên hành trình đi theo Ngài.

Bốn dấu chỉ ở bốn thời điểm quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu dưới đây cho phép người môn đệ nhận ra mình có thực sự là người môn đệ đã tận hiến đời mình cho Đức Giêsu hay không:

  1. Khó Nghèo Ở Máng Cỏ Bêlem:

Máng Cỏ Bêlem là khởi điểm hành trình xóa mình của Ngôi Lời, khi Thiên Chúa vinh quang đã chọn cha mẹ nghèo, Bêlem nghèo, giữa người nghèo để nhập thế, nhập thể. Sứ điệp thứ nhất Đức Giêsu muốn nói với những ai muốn theo Ngài từ Máng Cỏ là hãy yêu mến, phục vụ và trở nên nghèo hèn để bình đẳng với người nghèo hèn.

Hãy sống nghèo như người nghèo và chết nghèo như người nghèo.

Đừng sợ người nghèo làm phiền, làm khổ, vì chỉ người nghèo mới mang lại ơn phúc. Bởi Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người về những việc đã làm cho người nghèo trong ngày phán xét, và phần thưởng trên trời của mỗi người sẽ được quyết định tùy theo tình thương dành cho người cô thế, nghèo hèn (x. Mt 25,31-46).

Thực vậy, đi theo Đức Giêsu ngay từ khởi điểm của hành trình Cứu Thế là Máng Cỏ, người môn đệ được mời gọi xóa mình với Ngài, bằng sống khó nghèo bên trong cũng như bên ngoài, trong tinh thần cũng như ngoài đời sống.

Chính Đức Giêsu đã không chỉ sống tinh thần nghèo khó, mà còn sống đời nghèo của người nghèo trong sinh hoạt của đời thường.

Ngài không có của cải, nhà cửa (Mt 8,20), hoặc thất thường bữa đói bữa no (x. Mt 12,1-8).

Như thế, Đức Giêsu đã sống nghèo cả trong tinh thần lẫn đời sống bên ngoài, không như nhiều người môn đệ « nửa vời » thấp thoáng theo Thầy từ xa, mà không muốn đi theo sát bên cạnh Thầy.

Lý do thứ nhất người môn đệ tự hiến muốn sống đời khó nghèo là vì muốn nên giống Đức Giêsu, Đấng đã xóa mình khỏi địa vị Thiên Chúa để trở nên con của cha mẹ nghèo, sinh ra trong cảnh nghèo, sống như người nghèo, làm công việc của người nghèo, được xếp vào thành phần nghèo trong xã hội. Ngài cũng đau nỗi đau của người nghèo, chịu đựng nỗi nhục của người nghèo, chết như người nghèo.

Vì thế, tinh thần và đời sống nghèo khó của người môn đệ là biểu chứng của tình yêu dành cho Đức Giêsu, khi muốn nên giống Thầy trong mọi sự, mà nghèo khó là điều Đức Giêsu đã chọn làm khởi điểm của hành trình đào tạo những ai muốn đi theo Ngài.

Lý do thứ hai người môn đệ sống nghèo khó chính là được nhìn thấy Đức Giêsu nghèo khó trong những con người nghèo hèn, khi trở nên nghèo như những người nghèo.

Vì chỉ khi sống và chia sẻ đời nghèo giữa những người nghèo, đôi mắt người môn đệ mới có ánh sáng của Chúa Thánh Thần để nhận ra Đức Giêsu; trái tim người môn đệ mới đủ nhậy bén để cảm nhận sự có mặt sống động của Đức Giêsu nơi người nghèo; và đôi tay người môn đệ mới đủ sức mạnh của tình yêu để phục vụ người nghèo. Bởi người nghèo là đối tượng ưu tiên của Tin Mừng, là những người được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương và mặc khải những điều bí nhiệm của Thiên Chúa (Mt 11,25-26).

  1. Khiêm Tốn, Vâng Phục ở Nadarét:

Nadarét là trường huấn luyện Khiêm Tốn và Vâng Phục của tất cả những ai muốn đi theo Đức Giêsu làm môn đệ Ngài. Ở đây, tâm hồn người sống đời thánh hiến sẽ được chìm sâu trong bầu khí khiêm tốn và vâng phục của Thánh Gia; cũng ở đây, người môn đệ học với Thánh Gia xóa mình triệt để.

 Thực vậy, nét nổi bật ở Thánh Gia là xóa mình bằng đời sống khiêm nhường và vâng phục:

  • Thánh Giuse là người gia trưởng âm thầm phục vụ, hy sinh, và tận tụy lo liệu cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu mọi sự, mà không một lời kể công, hay than thở. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thánh Giuse đều vâng phục Thánh Ý với lòng khiêm tốn, tín thác tuyệt đối.
  • Đức Maria là người vợ, người mẹ khiêm cung, luôn nhận mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa, và chân nhận tất cả là hồng ân mà Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ (x. Lc 1,49.50). Tinh thần khiêm nhường ấy còn biểu hiện ở lòng vâng phục anh hùng của Mẹ. Mẹ không chỉ vâng phục Chúa Cha khi thưa « Xin Vâng » ngày truyền tin, mà còn vâng phục thánh Giuse cũng như với Đức Giêsu, Mẹ cũng biểu lộ lòng vâng phục qua việc « ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng » (Lc 2,51) dù không hiểu gì về việc Đức Giêsu đã làm « cha mẹ phải cực lòng» (x. Lc 2,48).
  • Còn Đức Giêsu, sau lần ở lại ba ngày trong Đền Thờ « giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi » (Lc 2, 46), thì « Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài » (Lc 2,51), như đã vâng phục Thiên Chúa Cha khi xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại.

 Như thế, Nadarét là gia đình khiêm tốn và vâng phục. Khiêm tốn, vâng phục trong mọi lựa chọn; khiêm tốn, vâng phục trong tư tưởng, lời nói, việc làm; khiêm tốn, vâng phục triệt để Thánh Ý Chúa Cha bằng khiêm tốn, vâng phục nhau.

 Quả thực, tinh thần khiêm nhường, vâng phục ấy không thể thiếu nơi người tự hiến, bởi không người kiêu căng nào có thể tự hiến, vì tự hiến là phải xóa mình toàn diện.

Không « cái tôi » vĩ đại nào có thể tận hiến, vì tận hiến là chẳng còn giữ lại bất cứ sự gì cho mình.

Không còn người có tham vọng sở hữu, thống trị nào có thể sống đời thánh hiến đích thực, vì hiến mình cho Thiên Chúa để được Ngài thánh hoá và tùy nghi sử dụng như khí cụ trong tay Ngài.

  1. Chấp nhận vác Thánh Giá với Đức Giêsu:

Không ai muốn đau khổ, vì đau khổ là bất hạnh, mất mát, thiệt thòi, chia lià, đau thương. Tông đồ Phêrô đã từng lên tiếng can ngăn Đức Giêsu khi Ngài « tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại » (Mt 16,21-22).

Trước lời can ngăn của Phêrô, cũng là lo ngại chung của các môn đệ, Đức Giêsu đã tỏ cho các ông biết: đau khổ có vai trò trong công trình cứu độ của Ngài, khi nặng lời quở mắng Phêrô: « Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người » (Mt 16,23).

Ở đây, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không chủ trương bắt con người phải đau khổ vì đau khổ, vác thập giá vì thập giá, nghiã là đau khổ trở thành mục đích của đau khổ, nhưng đau khổ đưa đến hạnh phúc, thập giá dẫn đến vinh quang, tử nạn mở ra ánh sáng phục sinh. Như cái điên rồ của Thánh Giá chính là Khôn Ngoan, cái yếu đuối của Thánh Giá chính là sức mạnh. Vì Thánh Giá là Thánh Ý, là con đường Thiên Chúa đi, là phương thế Thiên Chúa chọn để ban sự sống và hạnh phúc đời đời cho nhân loại.

Nhưng thế giới càng văn minh, Thánh Giá càng bị khinh mạn, coi thường, vì bị coi là lạc hậu, lỗi thời. Con người càng say mê hưởng thụ, con đường Thánh Giá càng vắng vẻ, ít người. Vì giá trị cứu rỗi của Thánh Giá không còn được đón nhận, khi con người cố tình đánh mất ý niệm về tội lỗi, nghiã là tháo gỡ, phá đổ mọi hàng rào đạo đức và giá trị luân lý.

Nhưng với người môn đệ đích thực sống đời thánh hiến, thì việc vác Thánh Giá, việc đón nhận những đau khổ đến từ khiêm nhường, vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh, việc chấp nhận những trái ý, do tự nguyện bỏ mình để trở thành nhân chứng Tin Mừng là một chọn lựa triệt để và quyết liệt « Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình  hằng ngày mà theo » (Lc 9,23).

Thực vậy, một trong những đặc tính của người môn đệ đích thực của Đức Giêsu là chịu đau khổ, vì chỉ có thể trở nên « đồng hình đồng dạng » với Ngài, khi cùng Ngài chịu đau khổ để cứu chuộc muôn người. Bởi Đức Giêsu đã không đến thế gian để thống trị và hưởng thụ, nhưng đã đến để kêu gọi mọi người sám hối trở về; trả lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Tất cả sứ vụ đó đều đòi hy sinh, xóa mình và chịu khổ đau. Điều này chúng ta chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Vì « Thánh Giá mà Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ phải vác, và chịu đóng đinh trên đó » là một nghịch lý không thể hiểu nổi đã trở nên cớ vấp phạm cho nhiều người, như lời tiên tri của cụ già Simêon: « Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng » (Lc 2,34).

Nhưng tại sao thế gian lại chống báng Đức Giêsu và những người đi theo Ngài?

Thưa vì Đức Giêsu « làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa » (Ga 7,7), nên thế gian căm tức Ngài, không chỉ vì bị lật tẩy, mà còn vì ánh sáng của Ngài phá vỡ mọi thủ đoạn đen tối của nó.

Đàng khác, đau khổ của Thánh Giá còn đến do tính quyết liệt của chọn lựa ở người môn đệ muốn nên giống Đức Giêsu trong mọi sự: khiêm tốn sẵn sàng chịu xỉ nhục, nghèo khó chẳng còn giữ riêng cho mình sự gì, yêu thương hiến dâng cả mạng sống, hiền hậu thương xót và cầu nguyện cho cả kẻ thù, vâng lời cho đến chết trên thập giá.

Và suốt đời, người môn đệ đích thực sẽ vác Thánh Giá đi theo Đức Giêsu với tinh thần vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, như tâm tình của thánh tông đồ dân ngoại: « Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân thể cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh » (Cl 1,24). Người môn đệ sẽ cùng Đức Giêsu chịu đau khổ với lòng quả cảm, kiên nhẫn, khi giơ má bên trái cho kẻ đã tát má bên phải, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa, vu khống, lên án, hãm hại (x. Mt 5,38-48), chiến thắng điều ác bằng làm điều lành, và « không sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn « (Mt 10,28). 

Sau cùng, người môn đệ đích thực sẽ chịu đau khổ với Đức Giêsu trong niềm vui vì Thánh Giá làm cho họ được nên giống Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ; vì « phần thưởng của họ trên trời thật lớn lao; vì « nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa », họ sẽ nên « mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả » (x. Cl 1,11) ; và vì họ « được mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình họ » (x. 2 Cr 4,10).  

  1. Trở nên tấm bánh được bẻ ra cho mọi người, như Đức Giêsu trong « Nhà Tạm »:

Tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại đã không chịu dừng ở sự chết và phục sinh của Ngài, mà Tình Yêu còn trở nên lương thực nuôi sống nhân loại trên hành trình về Nước Trời, khi Ngài lập bí tích Thánh Thể: « Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em » (Lc 22,19-20)     

Trở nên lương thực cho mọi người, Đức Giêsu đã trở nên tấm bánh được bẻ ra cho mọi người. Đây là cao điểm của Tình Yêu, vì Tình Yêu được tận hiến, được cho đi trọn vẹn, không giữ lại bất cứ sự gì cho mình, khi « trở nên một » với người mình yêu « trong cả máu thịt ».

Người môn đệ đã đi theo Đức Giêsu từ Bêlem, Nadarét, đến Canvê cũng được mời gọi đi đến Nhà Tạm với Ngài. Ở đó, tất cả thân xác, linh hồn được trao ban, được dâng hiến, như Chúa Cha đã « yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một » (Ga 3,16); như Đức Giêsu, « Mục Tử nhân lành hiến dâng mạng sống mình cho đoàn chiên » (Ga 10,11.15.17); và như Bánh hằng sống, « bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống » (Ga 6,51).

Mầu nhiệm Thánh Thể chính là mầu nhiệm đức ái, trong đó người môn đệ phải trầm mình xuống thật sâu để ý thức: ở ngoài tình yêu tự hiến, sẽ không có hồn tông đồ, không có hoa trái truyền giáo. Bởi sứ mệnh của đời tận hiến là yêu thương triệt để và cho đi trọn vẹn. Cho đi ở người môn đệ không là cho đi có chừng mực, cho đi có tính toán, nhưng như Đức Giêsu trở nên tấm bánh Tình Yêu được bẻ ra nuôi sống mọi người.

Tóm lại, đi với Đức Giêsu trên đường tự hiến từ Máng Cỏ Bêlem, qua Nadarét, Canvê, đến Nhà Tạm, người môn đệ sẽ chỉ còn biết yêu thương với một tình yêu cao cả là chết cho người mình yêu (Ga 15,13).

Xin Chúa Giêsu Linh Mục ban cho từng chị em Nữ tỳ tình yêu xóa mình như chính Ngài đã xóa mình, để trở nên tất cả cho mọi người, hầu làm vinh danh Chúa và đem lại phần rỗi cho các linh hồn.

JNT