Phúc Âm: Lc 11, 1-4
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
Suy niệm1
Đời sống con người không phải là một cái gì cô lập, tự mình có thể tìm ra ý nghĩa cho mình. Con người không thể tồn tại khi không có tương quan. Tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân không phải là cái gì thêm vào nhưng chính là lời mời gọi căn bản, là nhu cầu và là bản chất của con người. Tương quan càng mở ra, con người càng thấy mình được đong đầy bởi tình yêu và sức sống, hạnh phúc như thể đang tiến dần đến sự hoàn hảo. Để tương quan, con người cần gặp gỡ, giao tiếp. Cầu nguyện là con đường ngắn nhất, nhanh nhất dẫn chúng ta gặp gỡ, hiệp thông với Thiên Chúa và sống nhân ái với anh chị em..
Qua Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử của Thiên Chúa, con người được bước vào mối tương quan mới với Thiên Chúa. Thiên Chúa giờ đây không còn là Vì Thiên Chúa uy quyền tối cao xa lạ, nhưng là một người Cha nhân hậu, đầy tình thương. Bước vào mối tương quan mới này, chúng ta được mời gọi đổi mới mối tương quan với tha nhân. Từ đây, họ không còn là những người xa lạ nhưng là anh chị em của ta có chung vị Cha trên trời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ Chúa vì nhờ Chúa Giêsu, Con Chúa, đã đưa con vào tương quan mật thiết nhất với Chúa, cho con diễm phúc được làm con của Chúa, được gọi Ngài là Cha.
Lời kinh Lạy Cha thật quen thuộc đối với mỗi người Kitô hữu chúng con. Nhiều lần trong ngày, lời kinh quen thuộc ấy vẫn vang lên trên môi con: “Lạy Cha chúng con ở trên trời,…” nhưng không thiếu những khi lời kinh ấy trở nên lời sáo rỗng, máy móc, thiếu hồn sống… Bởi con chưa ý thức đủ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chưa đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa, như con cái đối với cha mình. Bởi vì lòng con khô khan, nguội lạnh, chẳng muốn mở lòng ra trước Chúa. Bởi con chẳng muốn thay đổi bản thân để có một tương quan tốt hơn với anh chị em con. Con đâu ý thức rằng chính khi con khép kín cánh cửa lòng trước Chúa và tha nhân, đời sống con cũng đang chết dần chết mòn.
Lạy Chúa, xin cho con ý thức đời sống con cần Chúa và cần có nhau. Xin cho con năng đến thưa chuyện với Chúa là Cha luôn yêu thương con. Xin cho con nhìn những người con của Chúa như chính Chúa nhìn họ, vượt lên trên những dáng vẻ bề ngoài. Như thế, con sẽ chỉ nhìn thấy điều tốt đẹp nơi anh chị em con.
Con xin hiệp ý với Chúa Giê-su để thưa: Lạy Cha, xin giúp chúng con luôn biết kết hợp mật thiết với Cha trong từng giây phút của đời sống hàng ngày và cho ý Cha được nên trọn. Xin cho con biết gạt bỏ cái tôi ích kỉ của con để con cũng biết đến với và yêu thương mọi người, vì họ cũng là con Cha, là anh em của con. Xin cho con nhận ra và sống Thánh ý Cha qua mỗi biến cố trong đời để làm vinh danh Cha như Chúa Giêsu, Con Cha đã dạy và đã sống.
Maria Phạm Si
Suy niệm 2
Xin dạy chúng con cầu nguyện
Các môn đệ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nên đã xin Ngài dạy cho các ông. Chúa Giêsu đã dạy các ông khi cầu nguyện cần có hai điều: đối tượng và nội dung cầu nguyện. Đối tượng chính là Chúa Cha và nội dung là thánh ý Chúa Cha. Như thế, giờ cầu nguyện là giây phút người môn đệ ở với Chúa Cha cách riêng tư, không chỉ để gặp gỡ mà còn đón nhận thánh ý của Chúa Cha muốn mình làm. Vì thế, lời cầu nguyện chứa đựng tâm tình yêu mến của người môn đệ với Thiên Chúa.
Chúng ta thường cầu nguyện bằng cách đọc những lời kinh soạn sẵn nên dễ bị thiếu tâm tình. Mỗi người khi cầu nguyện cần ý thức là mình đang gặp gỡ và trao đổi với Thiên Chúa. Cho nên chúng ta có thể mượn lời kinh để thưa chuyện với Ngài, nhưng cũng có thể nói chuyện trực tiếp với Ngài về mọi sự. Giờ cầu nguyện là giây phút mỗi người sống thân tình với Chúa nên đừng làm giờ cầu nguyện trở nên mệt mỏi, ồn ào hoặc nặng nề bởi những hình thức bên ngoài. Mỗi người nên cố gắng giữ sự thinh lặng bên ngoài lẫn bên trong để đi sâu vào sự kết hợp nội tâm với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn yêu mến giờ cầu nguyện nhờ đó chúng con luôn gắn bó mật thiết với Chúa trong từng giây phút sống của mình. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
Tin cùng chuyên mục
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA NĂM B – ÔNG LÀ VUA SAO?
ĐỜI NÀY, ĐỜI SAU (23.11.2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
NHÀ CẦU NGUYỆN (22.11.2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN)
AI LÀ MẸ TÔI? (21.11.2024 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ)